[REVIEW] Thor: Ragnarok - Đắm chìm vào từng khung hình
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Hardy ·
Thần Sấm trở lại, liệu có lợi hại hơn?
Thor - Tận thế Ragnarok chính thức được công chiếu tại Việt Nam kể từ 26/10. Theo những nhận định ban đầu, đây là bộ phim ổn nhất về thần sấm Thor kể từ khi thương hiệu này ra mắt vào năm 2011.
Chọn thời điểm trình làng vào tháng 10 khi mà mùa phim bom tấn hè đã đi qua, tuy nhiên cả Disney và Marvel Studios hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng thành công về doanh thu của Thor: Ragnarok, bởi cái tên Thor, thành viên của đội Avengers nổi tiếng đã là thương hiệu quá lớn để thu hút khán giả đến rạp, chứ chưa bàn đến chất lượng bộ phim.
Thần Sấm trở lại
Phần thứ 3 trong loạt phim về Thor lấy bối cảnh 2 năm sau sự kiện Avengers: Age of Ultron, thần Sấm sau khi trở về Asgard đã phát hiện ra em trai mình là Loki đang giả dạng Odin để trị vì Cửu giới, cùng với đó là sự xuất hiện của một thế lực đen tối mới đang nhăm nhe xâm chiếm Asgard và toàn bộ vũ trụ. Với sứ mệnh là một anh hùng, Thor có trách nhiệm phải ngăn chặn hiểm họa này. Tuy nhiên, anh không hành động đơn độc, mà sẽ có sự trợ giúp từ một số người bạn cũ, nổi bật là anh bạn da xanh khổng lồ Hulk.
Nghe quen phải không? Phải, đó gần như là motif quen thuộc của hầu hết các phim về siêu anh hùng. Nhìn chung, cũng không thể đòi hỏi điều gì mới mẻ hơn đến từ Marvel, bởi thuần túy là Thor, hay gần như tất cả các phim về siêu anh hùng của hãng comic nổi tiếng này đều mang tính giải trí là tiên quyết, thế nên phần cốt truyện không cần phải quá phức tạp và cầu kì, mà thay vào đó, phim sẽ tập trung nhiều vào trải nghiệm nghe - nhìn, yếu tố chủ yếu để mang khán giả đến rạp.
Ở điểm này, một lần nữa Marvel xứng đáng nhận 10/10 điểm. Nếu ở 2 phần phim trước, tông màu phim của Thor bị đánh giá là hơi “tăm tối” và u ám, thì lần này đạo diễn Taika Waititi quyết định thay đổi để Thor tươi sáng hơn, tông xuyệt tông với hầu hết các phim Marvel khác. Và để dễ hình dung, cũng như qua một số trailer, chúng ta thấy được màu phim sẽ mang hơi hướng của Guardian of Galaxy, rất sáng và đầy màu sắc, phù hợp với thị hiếu của đại đa số khán giả.
Kỹ xảo thì từ lâu đã là thế mạnh của Disney, nên không cần phải đắn đo xem Thor: Ragnarok có hoành tráng không, kỹ xảo có “đã” không... Bộ phim sẽ khiến khán giả hoàn toàn mãn nhãn và đắm chìm vào từng khung hình, khó mà có thể yêu cầu hơn nữa, phần CGI đặc biệt là nhân vật Hulk đã chỉn chu và mượt mà hơn so với Hulk thời điểm Avengers 1 cách đây 5 năm, một sự nỗ lực đáng ghi nhận của Marvel và Disney bởi Hulk thường xuyên là nhân vật bị “ném đá” bởi sự thô cứng và giả tạo trong khâu xử lý kỹ xảo. Các đại cảnh cũng được xử lý khá tốt.
Về phần hành động, Thor vốn là thần và không phải là nhân vật thường xuyên dùng tay chân để đánh đấm nhưng lần này vì “một sự cố” (là sự cố gì chắc mọi người đã biết rồi) anh buộc phải tự thân vận động để đối đầu với kẻ thù. Vì thế, chúng ta vô tình được xem Thor thể hiện khả năng “giáp lá cà” của mình. Cá nhân người viết đánh giá phần hành động của Thor: Ragnarok dù không mới mẻ, nhưng vẫn đủ để người xem thấy hài lòng. Các trường đoạn hành động dài cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng, cùng với đó sẽ có một số phân cảnh slow motion đáng đồng tiền bát gạo. Về âm thanh, không quá hào hùng hay bi tráng nhưng vẫn đủ để kết hợp vào từng khung hình trên phim tạo nên sự hoàn hảo.
Tóm lại, một lần nữa chẳng có gì để phàn nàn về trải nghiệm nghe - nhìn của khán giả nếu đó là phim của Disney và Marvel.
Mới mẻ hơn, nhưng chưa đủ
2 phần phim Thor đầu tiên bị chỉ trích thậm tệ và nhận vô số lời chê bai từ giới phê bình lẫn người hâm mộ bởi nội dung bị đánh giá là “nhạt toẹt”, dẫu Thor là một cái tên đình đám và có một kho tư liệu khổng lồ trong comic. Đến với phần 3, đạo diễn Taika Waititi đã cố gắng xây dựng một câu chuyện lôi cuốn hơn cho Thor, và nhìn nhận khách quan, có thể khẳng định Thor: Ragnarok là bộ phim có nội dung ổn nhất trong 3 phần, nhưng nếu nói là đột phá lớn của Marvel, thì không.
Thứ nhất là bởi các tình tiết phim vẫn quá dễ đoán, thứ hai là bởi cả Marvel và Disney mãi vẫn chưa chịu phá bỏ cái “vòng an toàn” của mình trong các phim siêu anh (trừ Logan). Lần này, Thor mang nhiều yếu tố hài hước đúng chất Marvel hơn so với hơi phần trước, các câu thoại vui vẻ và jokes được dàn trải cũng như cài cắm xuyên suốt thời lượng phim, kể cả trong tình huống ngặt nghèo nhất (một lần nữa, dấu ấn Guardian of Galaxy xuất hiện). Nếu là người yêu thích phong cách này của Marvel hay là một fan trung lập, sẽ thấy hứng thú và được cười sảng khoái từ đầu đến cuối, nhưng nếu là người xem phim khó tính chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu bởi sự hài hước có phần “quá đà” của bộ phim.
Thêm nữa, việc muốn tạo dấu ấn và điểm nhấn bằng cách chèn vào một plot twist đã được sử dụng trong một bộ phim trước đó cũng là nước đi sai lầm của đạo diễn Taika và Marvel, bởi cảm xúc của khán giả không thể đạt cao trào nữa, dẫu rằng đây là một twist hay và khá ý nghĩa. Một số thông điệp về tình cảm gia đình và tình thân cũng được lồng ghép khéo léo vào các phân cảnh trong phim, nhưng nhìn chung vẫn khá gượng ép. Cái kết của phim cũng là cái kết quen thuộc và khán giả có thể đã thuộc làu, thế nhưng có lẽ đạo diễn Taika Waititi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác hơn.
Về tuyến nhân vật, Thor vẫn là hình tượng được đo ni đóng giày cho Chris Hemsworth, và dù có hóa thân xuất sắc hay thể hiện nhạt nhòa đi nữa, Chris Hemsworth vẫn là Thor của chúng ta, Thor vẫn phải là Chris Hemsworth, không thể khác được. Ở phần này, nhân vật Thor có rất nhiều sự thay đổi lớn, và đó đều là những thay đổi khiến người hâm mộ đau lòng.
Theo công bố từ phía Marvel thì Hela sẽ phản diện của Thor: Ragnarok. Hela trên phim hoàn toàn khác trong truyện nên có lẽ các fan cứng của comic cần phải làm quen với điều này. Cate Blanchett như thường lệ vẫn hóa thân xuất sắc vào các vai diễn của mình, nữ minh tinh dù đã có tuổi nhưng vẫn giữ được sự quyến rũ đặc trưng thông qua ánh mắt và giọng nói có thể “giết người” của mình. Năm nay có vẻ là năm hưng thịnh của các phản diện nữ trên phim, rất nhiều phản diện nữ đã xuất hiện, tệ có, hay có, nhưng nhìn chung đều đem đến sự tươi mới. Về phần Hela của Cate Blanchett, để nhận xét là có đột phá và xuất sắc hơn các phản diện trước của Marvel không, thì có lẽ nên để cảm nhận riêng của mọi người tự đánh giá.
Hulk sẽ là bạn đồng hành của Thor trong Ragnarok. Anh bạn da xanh to bự của chúng ta kể từ khi về với Marvel bị nhận xét là nhạt nhòa nhất trong số các Avenger, và để cứu giúp anh chàng, Disney đã tạo nhiều đất diễn nhất để Hulk thể hiện trong phim. Nhưng nhìn chung vai trò của Hulk vẫn chỉ dừng lại ở việc tạo sự hào hứng và vui vẻ cho khán giả. Nếu thật sự nghiêm túc với nhân vật này trong tương lai, hãng phim cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Dù thế nào thì, Hulk không có lỗi, chỉ là vì anh chưa được thể hiện đúng khả năng của mình.
Có Thor là phải có Loki, và ngược lại. Loki trong Ragnarok vẫn giữ được những “phẩm chất” hút fan của mình: gian xảo, láu cá và đẹp trai. Nếu Chris Hemsworth sinh ra để đóng Thor, thì Loki chính là vai diễn của riêng Tom Hiddleston. Vẫn là một Loki gian manh và cao ngạo, nhưng cũng như Thor, Loki lần này có chút thay đổi, tốt hơn hay xấu hơn cũng chưa rõ, vì đó mới là Loki, nếu có thể nắm thóp được thì còn gì Loki đầy quỷ quyệt mà chúng ta yêu thích nữa. Sự xuất hiện của Loki cũng đảm bảo cho Thor: Ragnarok doanh thu ổn định đến từ các fan nữ của anh chàng (có thể là cả fan nam).
Về tuyến nhân vật phụ như nữ chiến binh Valkyrie của Tessa Thompson, Heimdall của Idriss Elba, Grandmaster, Surtur, Odin hay màn hóa thân vào vai Korg của chính đạo diễn Taika Waititi cũng là khá tốt và tạo nhiều dấu ấn với khán giả. Đặc biệt là vai Valkyrie của Tessa Thompson, đây sẽ là một nhân vật thú vị trong tương lai nếu Marvel để ý và đầu tư nghiêm túc. Stan Lee vẫn có một vai cameo như thường lệ, nhưng lần này nói nhiều hơn và diễn nhiều hơn. Một cameo chất lượng nữa cũng sẽ có trên phim nhưng người viết xin được phép không tiết lộ.
Lời kết
Thor: Ragnarok chắc chắn sẽ đảm bảo được doanh thu ổn định cho Disney bởi “hiệu ứng Marvel” vẫn là sức hút quá lớn với khán giả bất chấp sự thất bại đến từ 2 phần phim đầu. Dù vậy, khách quan nhìn nhận rằng Thor: Ragnarok đã tiến bộ hơn hẳn so với các người tiền nhiệm ở nhiều mặt. Nếu không đặt kì vọng quá cao, chúng ta sẽ có một bộ phim giải trí tốt, vui vẻ và dễ xem. Hãy chọn các định dạng như 3D hay IMAX để có được trải nghiệm tốt nhất và mãn nhãn nhất.