[REVIEW] Venom: Đối Mặt Tử Thù

Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Venom: Đối Mặt Tử Thù là một bước lùi đáng tiếc, nhưng nó vẫn để lại niềm an ủi nhỏ nhoi.

Venom: Let There Be Carnage (Venom: Đối Mặt Tử Thù) là một ví dụ về sequel thất bại khi cố gắng giữ lại tất cả những gì được cho là tốt nhất ở phần trước đó. ‘Giữ lại những gì tốt nhất ở phần trước đó là đúng chứ sao?’, có thể với một số bộ phim, nhưng điều đó không xảy ra với bộ phim này.

Poster phim
Poster phim

Khi lần đầu ra mắt khán giả vào năm 2018, Venom không được kỳ vọng lắm nhưng kỳ lạ là nó được khán giả đón nhận với sự thích thú. Kịch bản đầy tính cliché với một gã tỷ phú độc ác muốn làm điều vĩ đại và khủng khiếp nhưng cuối cùng “tạo ra” bầy quái vật đẩy nhân loại đến nguy cơ diệt vong, một kẻ vô danh trở thành anh hùng cứu rỗi thế giới. Những màn đấu khẩu của cặp đôi hoàn cảnh Venom - Eddie Brock (Tom Hardy) cũng gây nhiều tiếng cười lẫn thích thú ngạc nhiên từ khán giả. Bộ phim thuần túy giải trí này đem đến những khoảnh khắc kỳ lạ và tuyệt vời nhất mà thể loại siêu anh hùng nên có: hài hước, lố bịch, một chút lộn xộn. Được làm bởi hãng Sony nên nó không cần bám sát công thức từ vũ trụ điện ảnh Marvel, cảm giác như nó đến từ một thời đại trước đó khi các bộ phim khoa học viễn tưởng chỉ đơn thuần đem lại những phút giây giải trí dù khá “ngu ngốc”. Dù không được đánh giá cao từ góc độ nghệ thuật phần đầu bất ngờ thu về kết quả khả quan từ phòng vé và chiếm được nhiều cảm tình từ người xem toàn cầu.

Venom đối đầu Carnage | Comic Book.com
Venom đối đầu Carnage | Comic Book.com

Các nhà làm phim chắc hẳn không muốn thay đổi công thức đã đem đến những kết quả tốt vào 3 năm trước nên toàn bộ những “điểm mạnh” được giữ lại và tăng cường thêm thời lượng: một kịch bản đơn giản cộng với sự tung hứng của “cặp vợ chồng già” Venom – Eddie. Tiếc thay, tia sét hiếm khi đánh hai lần ở cùng một nơi. Những điều từng đem đến thành công nếu bị lạm dụng quá mức sẽ gây tác dụng ngược. Thời lượng phim chỉ độ hơn 90 phút, không quá dài về lượng nhưng đem lại cảm giác mệt mỏi khi theo dõi. Màn đốp chát qua lại giữa Eddie và Venom thú vị thế nào ở phim đầu thì trở nên nhạt nhẽo vì bị đem ra sử dụng gần như mọi lúc ở phần thứ hai. Nếu bỏ đi tạo hình kỹ xảo của “ký sinh trùng” Venom thì cảm giác ta đang xem Tom Hardy đóng vai một bênh nhân mắc chứng đa nhân cách trong một bộ phim hài đen kinh phí thấp.

Tom Hardy trong vai Eddie Brock
Tom Hardy trong vai Eddie Brock

Venom: Đối Mặt Tử Thù có cốt truyện không thể đơn giản hơn: tên sát nhân hàng loạt Cletus Kasady (Woody Harrelson) vô tình bị lây nhiễm ký sinh ngoài vũ trụ từ Eddie và trở thành Carnage – một loại Symbiote đối nghịch với Venom. Kẻ này sống thì kẻ kia không thể tồn tại, trận chiến sinh tử không thể tránh khỏi để xem ai là sinh vật ngoại lai được tồn tại trên hành tinh mới.

Phim có 3 tuyến truyện phụ: (1) tên tội phạm Cletus Kasady cùng người yêu có năng lực kỳ dị Frances Barrisn (Naomie Harris); (2) mối quan hệ tay ba giữa người yêu cũ Anne Weying (Michelle Williams) – hôn phu Dan Lewis (Reid Scott) và Eddie Brock; (3) quá khứ giữa viên thám tử Mulligan (Stephen Graham) và Frances Barrisn. Thật sự người viết không hiểu dụng ý của biên kịch Kelly Marcel (với Tom Hardy cùng cộng tác) là gì khi phát triển cùng lúc 3 nhánh phụ và không nhánh nào thật sự thuyết phục. Ngoài việc lắp đầy thời lượng của một kịch bản nghèo nàn thì chúng chẳng có ý nghĩa góp phần giải thích câu chuyện chính cho lắm. Nếu thay nhân vật Cletus Kasady bằng một kẻ vớ vẩn khác và loại bỏ các nhân vật thứ chính khác thì câu chuyện chính (trận chiến Venom – Carnage) gần như không bị ảnh hưởng gì. Đây thật sự là thất bại tồi tệ nhất đối với bất kỳ kịch bản nào.

Tom Hardy dù là một diễn viên tài năng nhưng một mình anh cũng khó cứu được bộ phim có kịch bản dở. Nếu ở phần đầu, việc Venom chuyển từ thù thành bạn, từ mối cộng sinh lợi ích sang chấp nhận trở thành một phần của Eddie làm nên những giây phút hài hước dù có phần ngớ ngẩn thì sang phần 2 việc tăng “liều lượng” biến cặp đôi hoàn cảnh thành cặp đôi già luôn cạnh khóe nhau chí chóe khiến diễn biến phim hết sức buồn chán đến mức quá sức chịu đựng. Giá kịch bản tiết chế màn cãi cọ đi, chỉ dành riêng một số khoảnh khắc hài ngắn nhưng đắc giá thì có thể phim sẽ khá hơn nhiều.

Venom: Đối Mặt Tử Thù tạo quá nhiều đất để phát triển các tuyến phụ mà quên đi mối quan tâm chính của khán giả là Venom và Carnage. Lý do nào chúng thù địch nhau, điều gì khiến chúng khác biệt, động lực nào khiến Venom quyết sinh tử bảo vệ Eddie? Quá nhiều tình tiết hay bị bỏ lỡ và quá nhiều thứ vô ích được thêm vào càng góp phần khiến phim nhàm chán. Cảnh xuất hiện của Carnage làm khá ổn nhưng việc đẩy quá nhanh quá trình Symbiote chiếm lấy Cletus khiến phim bị mâu thuẫn với phần đầu (các symbiote rất khó tìm được sự đồng hóa ở các sinh vật sống trên trái đất). Đáng lý có thể biến trường đoạn này tốt hơn rất nhiều nếu kết hợp câu chuyện Cletus và sự điên loạn của hắn khi tiếp xúc lần đầu với Carnage thì cốt truyện phim sẽ hợp lý hơn.

Naomie Harris (Frances Barrisn) | CBR
Naomie Harris (Frances Barrisn) | CBR

Kỳ vọng ban đầu từ Venom: Đối Mặt Tử Thù cao hơn nhiều so với phần đầu, khán giả muốn xem gì đó mới lạ hơn những bộ phim siêu anh hùng nhàm chán gần đây và Venom có đủ chất liệu để người ta trông ngóng. Một hình tượng phản anh hùng lại không cần sợ đụng chạm với các câu chuyện khác trong vũ trụ Marvel khiến bộ phim có rất nhiều khoảng trống sáng tạo, đáng tiếc là phim gây thất vọng. Có thể nó không quá dở nhưng đã không còn vẻ quyến rũ hài hước ngu ngốc một cách kỳ diệu như bộ phim đầu. Điều an ủi là nó chỉ dài 90 phút và nhà sản xuất có kế hoạch đưa Venom vào vũ trụ SpiderMan. Có thể đây là một bước lùi nhằm chuẩn bị cho màn chào sân hoành tráng hơn ở bộ phim sắp tới. Hy vọng là vậy!