[REVIEW] Xe Cấp Cứu (Ambulance)
Xe Cấp Cứu là một phim của Michael Bay, nhiêu đó đã nói lên quá đủ.
Michael Bay luôn là cái tên vàng trong làng phim hành động, để lại ấn tượng với một kịch bản cháy nổ với các phân đoạn hành động được trau chuốt như một món quà cho thị giác và nhu cầu giải trí của khán giả. Nhưng Xe Cấp Cứu (Ambulance) có lẽ là dự án đầu tiên của Bay khiến người xem có phần thất vọng về điều này.
Xe Cấp Cứu kể câu chuyện của Danny (Jake Gyllenhaal) và Will (Yahya Abdul-Manteen II). Danny, một tên cướp ngân hàng lão luyện, nung nấu kế hoạch cướp ngân hàng liên bang ở LA. Hắn nhờ cậy em trai mình, một cựu binh từng tham chiến ở Afghanistan đang cần số tiền $231 nghìn để vợ chạy chữa ung thư và lo cho tương lai của đứa con mới ra đời. Nhưng khi bắt đầu, phi vụ đi sai hướng khiến 2 anh em phải chạy trốn trong một chiếc xe cứu thương cướp được. Còn biệt đội chuyên xử lý những vụ án cướp ngân hàng của sở cảnh sát LA thì ráo riết truy đuổi thủ phạm. Hai bên giằng co, tạo nên một thế cuộc hỗn loạn và LA là chiến trường khốc liệt.
Đầu tiên, Xe Cấp Cứu của đạo diễn Michael Bay có thể được coi là một phần phim remake từ bộ phim cùng tên của Đan Mạch ra mắt năm 2005, hoặc nói nó là một phần phim lấy cảm hứng từ đây cũng không sai. So với dự án kinh phí thấp ấy, Xe Cấp Cứu ồn ào, hỗn loạn, cháy nổ và có các pha hành động công phu hơn, kịch tính hơn hẳn với tình huống con tin gay cấn hơn. Tóm lại là phiên bản này đã vượt xa bản gốc. Tuy nhiên, nếu phải trả lời cho câu hỏi “liệu phim có hay không với tư cách là một phim độc lập?”, đáp án phức tạp hơn nhiều.
Nếu bạn mong đợi một phim trộm cắp thông minh với kế hoạch tẩu thoát tinh vi hay một băng cướp điệu nghệ đối đầu với lực lượng ưu tú của cảnh sát LA, bạn sẽ thất vọng. Nhưng nếu bạn mong đợi một bộ phim về những tên cướp chạy trốn cảnh sát và bắt đầu cuộc đối đầu bằng những chiếc xe cộm mác Michael Bay đơn giản, thì Xe Cấp Cứu đã đáp ứng được kỳ vọng đó. Nhưng cách thực hiện thực sự không được suôn sẻ như vậy.
Như bao dự án của Bay trước đây, Xe Cấp Cứu ghi điểm bằng những thước phim bóng bẩy, trau chuốt và đẹp mắt bằng các tông màu trầm ấm gợi nhắc đến hoàng hôn, trộn lẫn giữa các tông lạnh như xám bê tông, trắng đặc trưng của khu đô thị sầm uất như LA. Phim cũng làm người xem cảm được độ nóng và sự bận rộn của nơi đây. Nói vậy để nói hình ảnh của Xe Cấp Cứu rất biết kể chuyện. Vấn đề là nằm ở câu chuyện và cách vận dụng các hình ảnh này.
Kịch bản sâu sắc không phải là thứ bạn có thể tìm được ở một phim Michael Bay. Nhưng một điều chắc chắn là nhân vật của ông sẽ ít nhiều để lại ấn tượng. Một phần là sự nam tính được vặn lên hết mức, phần là họ là hình mẫu lý tưởng trong mắt Bay – người luôn có sự ngưỡng mộ nhất định cho tầng lớp quân nhân nói riêng và những người mặc quân phục nói chung, nên được ông “nâng niu” trong lớp vỏ anh hùng chính trực nay lầm đường lỡ bước. Giữa Will và Danny, sự yêu ghét của ông còn thể hiện rõ hơn. Có điều, người viết không biết đó là vô tình hay hữu ý.
Trong khi Will được xây dựng một cách nhất quán với tất cả sự chính trực, một chút vụn vỡ vì vết thương chiến trận và tình cảnh lấy được sự thấu cảm của khán giả, Danny qua tay Bay lại là kẻ cực kỳ mâu thuẫn. Sự gãy gọng này ảnh hưởng nhiều đến mạch phim. Một mặt, Danny được Bay “tặng” cho một danh tiếng rất lẫy lừng trong giới tội phạm, nhưng rồi những gì khán giả chứng kiến là một loạt các quyết định sai lầm, thiếu tổ chức, sự lãnh đạo không đi đến đâu và những mâu thuẫn nội bộ không được quản lý đúng cách.
Hầu như mọi hành động của các nhân vật trong đây ngoài bản thân Danny được đưa ra chỉ để chứng minh sự ngu ngốc của anh ta. Nhưng anh ta là kẻ máu mặt nhất trong đây. Đây là sự trái ngược buồn cười đến từ Xe Cấp Cứu, thậm chí còn hơn cả các phân đoạn hài hước của phim. Thêm vào đó, các nhân vật đối đầu với phe phản diện lại không được chú trọng nhiều, dẫn đến việc đến một lúc nào đó, người xem cảm thấy họ trở nên dư thừa.
Bên cạnh đó, Xe Cấp Cứu là phim có các góc máy rung giật nhiều. Michael Bay đang cố để người xem cảm nhận được sự hỗn loạn của hiện trường và sự dữ dội kịch tính của màn rượt đuổi, nhưng nhiều góc quay lại quá rung lắc không đúng lúc, khiến những cảnh quay đẹp không những bị hỏng, mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim. So ra, các phim Transformers có quy mô lớn hơn nhưng góc máy lại rõ ràng hơn nhiều mà không đánh đổi chất kịch tính của những trận đối đầu.
Còn lại, Xe Cấp Cứu vẫn có khía cạnh để khen. Như đã nói trên, phim của Michael Bay lúc nào cũng mang đậm tính giải trí. Cốt truyện dễ hiểu, có phần dễ đoán, được bù trừ bằng diễn xuất và những màn hành động cháy nổ khốc liệt (khi máy quay không quá giật). Nhiều bóng hình của các bộ phim cũng thể loại hiện hữu trong đây, không chỉ có Fast & Furious mà còn cả hơi thở của Tenet trong các trường đoạn nhân vật chạy trốn cảnh sát. Phần âm thanh bắt tai với nhịp điệu dồn dập thúc đẩy sự cao trào đánh thẳng vào thính giác, thôi thúc người xem thả mình theo các màn rượt đuổi tốc độ của phim. Nhịp phim lại nhanh nên thời lượng 2 tiếng của phim tránh được sự lê thê.
Nhìn chung, Xe Cấp Cứu chỉ khựng lại ở những lúc máy quay “dở chứng” tăng động không đúng lúc. Phần còn lại về nội dung chỉ tóm bằng từ đơn giản. Diễn xuất đạt. Cái kết có thể được đoán trước nhưng nhịp điệu nhanh và pha hành động mát tay của Bay đã cứu được phim khỏi sự buồn chán. Tuy là vậy. bộ phim với phong cách rất Mỹ của Bay vẫn kém một chút so với một dự án cùng thể loại mang chất rất Anh vừa ra mắt gần đây – Wrath of Man.