[REVIEW] XÓM TRỌ 3D – Phim điện ảnh như một vở diễn hài
Không giống như nhiều khán giả lầm tưởng rằng Xóm trọ 3D là câu chuyện tương tự Lô Tô, phim hoàn toàn là một câu chuyện khác về cuộc đời và số phận của những người LGBT.
Được chuyển thể từ vở diễn ăn khách của sân khấu kịch Phú Nhuận trong suốt 3 năm liền, Xóm trọ 3D là tâm huyết của NSND Hồng Vân với vai trò là nhà sản xuất, phim đồng thời cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo Hoàng Tuấn Cường.
Xóm trọ 3D mang đến cho khán giả câu chuyện về cuộc đời của các nhân vật má Lâm (Minh Nhí), Na (Maya), Như Ý (Thái Duy), Tú (Nam Cường), Lệ (Xuân Nghị), Bảo Bảo (Hoàng Linh) trong một xóm trọ dành riêng cho những người thuộc giới tính thứ 3.
Không giống như nhiều khán giả lầm tưởng rằng Xóm trọ 3D là câu chuyện tương tự Lô Tô, phim hoàn toàn là một câu chuyện khác về cuộc đời và số phận của những người LGBT. Má Lâm (Minh Nhí) và em gái (Maya) cưu mang những phận đời LGBT khác trong xóm trọ của mình, họ sống nương tựa vào nhau như một gia đình. Có lẽ bởi xung quanh toàn là những người “đàn ông” chân yếu tay mềm, nên Na từ nhỏ đã phải tỏ ra mạnh mẽ để bảo vệ họ. Thành ra, cô chính là “người đàn ông” duy nhất của xóm trọ, cho ngày Phong (Duy Khánh) đến.
Chuyện tình yêu của Na và Phong không phải là yếu tố mới mẻ của Xóm trọ 3D nói riêng cũng như điện ảnh Việt nói chung. Kiểu chuyện tình bắt đầu bằng từ oan gia, sau đó là hiểu và thông cảm, yêu nhau lãng mạn, hiểu lầm xảy ra, chia tay và cuối cùng là cái kết có hậu. Một mô-tuýp quen thuộc không khiến người xem ngỡ ngàng. Có lẽ, chuyện tình của Na và Phong chỉ là một phần tô điểm thêm cho mạch phim đỡ nhạt bởi những số phận chưa được khai thác rõ ràng về cuộc đời của 5 nhân vật LGBT trong Xóm trọ 3D.
4 nhân vật với 4 số phận khác nhau gồm Như Ý – làm nghề make up, Tú – đam mê thiết kế thời trang, Lệ - hát dạo và Bảo Bảo – nhân viên đoàn làm phim. Phim không xây dựng một câu chuyện rõ ràng, mạch lạc về bi kịch cuộc đời của đơn lẻ một ai trong số họ mà xây dựng khá chung chung. Chính vì vậy, mạch phim không có điểm nhấn. Lúc thì kể về khó khăn chung của cả nhóm vì thiếu tiền, mượn nợ; khi lại đề cập bi kịch của Tú khi bị cha khinh miệt rồi mắc bệnh hiểm nghèo; có lúc lại lôi cả đám nhân vật vào đoàn làm phim nơi Bảo Bảo làm việc vì kế sinh nhai; rồi tình yêu dại khờ của Lệ nhưng thật ra chỉ là trò lừa gạt của người đàn ông tên Hải. Phim khiến cho người xem cảm giác đang thưởng thức một vở hài kịch trên sân khấu hơn là một tác phẩm điện ảnh trên màn ảnh rộng. Quả thật, hơn phân nửa bộ phim chính là sân khấu cuộc đời của 5 nhân vật LGBT tại Xóm trọ 3D. Có đôi lúc, phim pha một chút yếu tố ma mị làm cho khán giả cảm giác câu chuyện đang được bước vào phần kịch tính, cao trào hơn. Nhưng không, tất cả chỉ là trò đùa và nó càng làm cho bộ phim không khác gì một vở kịch.
Nói về yếu tố hài hước, Xóm trọ 3D mang đến cho khán giả những tràn cười không ngớt bởi sự duyên dáng của các diễn viên. Phần lớn các nhân vật trong phim là diễn viên hài trên sân khấu kịch, cái duyên của họ được chuyển tải một cách khéo léo và không quá lố bịch trên phim. Hình ảnh lạ nhất có lẽ là vai diễn của Việt Hương (anh-ông nội) nam tính và si tình. Mặc dù là tay sai của trùm giang hồ nhưng lại có tình yêu cuồng si với Na và hết lòng bảo vệ xóm trọ. Và cũng như nhiều nhân vật khác, vai diễn của Việt Hương chủ yếu nhằm mang lại tiếng cười cho khán giả.
Thật sự, Xóm trọ 3D không để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả ngoài những tiếng cười vang trong rạp. Có đôi lúc, người xem dễ rơi nước mắt với từng câu chuyện đau lòng trong phim, hoặc cảm thông cho số phận bị ruồng rẫy, khinh khi của xã hội đối với những người LGBT, dù là trong công việc hay cuộc sống thường nhật, kể cả trong tình yêu. Họ không được xem như những con người bình thường, bị kỳ thị về giới tính, khó khăn khi xin việc, không được sống và yêu như những người khác… Giá như, phim chỉ khai thác câu chuyện của một trong số các nhân vật trong Xóm trọ 3D và đẩy kịch tính lên cao trào thì có lẽ sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả hơn. Câu chuyện của Xóm trọ 3D có quá nhiều tuyến và dàn trải, bi kịch cuộc đời của mỗi nhân vật chưa được lột tả thật sự sâu sắc nên ta chưa thể cảm nhận hết số phận đắng cay của họ. Như đã nói, phim giống như một vở diễn trên sân khấu kịch thường nhật hơn là một tác phẩm điện ảnh.
Mặc dù vậy, Xóm trọ 3D mang tính giải trí cao với dàn diễn viên hài có chất lượng và không quá lố lăng. Vì chuyển thể từ một kịch bản sân khấu nổi tiếng nên đối với những khán giả đã từng xem kịch có thể sẽ cảm thấy hụt hẫng khi xem phim. Nếu bạn cần tiếng cười hơn là những câu chuyện có chiều sâu, Xóm trọ 3D nên là lựa chọn cho buổi xem phim cuối tuần.