Từ The Boy and the Wind (1967) đến Call Me by Your Name (2017) - Câu chuyện người tình bị bỏ lại
Góc Nghệ Thuật · Moveek ·
Kịch bản phim có rất nhiều chi tiết khác biệt với tiểu thuyết nhưng có lẽ sự tách ra khỏi chất liệu truyện lớn nhất của Call Me by Your Name nằm ở một lựa chọn nghệ thuật táo bạo của Guadagnino.
Call Me by Your Name, bộ phim mới nhất từ đạo diễn người Ý Luca Guadagnino được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của André Aciman, kết thúc bằng cảnh quay cậu thanh niên 17 tuổi Elio Perlman ngồi yên lặng trước lò sưởi đốt củi trong ngày lễ Hanukkah sau khi nghe cuộc điện thoại từ người tình của cậu - Oliver, thông báo chuẩn bị kết hôn. Đó là một cái kết trái ngược hoàn toàn với cái kết của bộ phim Sunday Bloody Sunday 46 năm trước đây khi bác sĩ Daniel Hirsh nhìn thẳng vào chính diện máy quay với đôi mắt u sầu cùng với một màn độc thoại dài, cũng sau khi người tình Bob Elkin rời xa ông đi đến nước Mĩ.
“Nhưng tôi nhớ anh ấy, tất cả chỉ có vậy
Cả cuộc đời tôi đã tìm kiếm một thứ gì đó
Anh ấy không phải là thứ tôi tìm kiếm
Nhưng ít ra đã là một cái gì đó
Những gì chúng tôi có đã là một cái gì đó”
Bác sĩ Daniel nói rất nhiều, rất nhiều như một cách giải tỏa, một cách khỏa lấp những gợn sóng cảm xúc dâng trào không ngừng trong lòng trước một sự trống vắng đột ngột, một mảnh ghép vỡ ra trong kí ức thì Elio hoàn toàn không nói một lời. Và cảm xúc của cậu không thể dồn nén được, vương vãi trong từng giọt nước mắt, khuôn mặt chuyển từ sự đau khổ sang tuyệt vọng và cuối cùng là sự tức giận trong từng cơn run bần bật. Đó là một cảnh quay trực diện dài hơn bốn phút trong dòng nhạc thổn thức Visions of Gideon của Sufjan Stevens, và cũng là một sự khác biệt lớn với cái kết của tiểu thuyết.
Trong truyện, chi tiết Oliver thông báo với Elio về đám cưới sắp tới không phải là cái kết, và thậm chí Oliver ngồi mặt đối mặt nói chuyện với Elio thay vì hai người chỉ được nghe những âm thanh xa xăm của người kia qua điện thoại. Có lẽ vì vậy nên trong phim, Elio phản ứng dữ dội hơn trong tiểu thuyết và mạnh mẽ hơn cả những lời nói lan man của Daniel, vì Oliver đối với Elio còn hơn cả thứ gì đó của Daniel hay Bob. Nó chiếm hết dòng thời gian mùa hè tưởng sẽ trôi qua rất bình lặng và lấp đầy tâm trí của chàng trai trẻ. Và rồi tình yêu, những gì họ có đột ngột cắt đứt đúng lúc đỉnh cao của những cơn say cảm xúc trong lúc “trái tim và thân thể chỉ được trao cho chúng ta đúng một lần” (lời của bố Elio) mà không phải do chia tay hay tình yêu phai mờ, để lại hiện thực ít nhất một người tình bị bỏ lại đau khổ ở cuối phim.
Lịch sử của nền điện ảnh LGBT là một chuỗi dài những cái kết buồn mà nếu một người tình không chết thì mối tình hai người sẽ bị chấm dứt bởi bất kì một lí do ngoại cảnh tầm thường và vụn vặt nào đó. Chỉ cần xét đến một “thể loại nhỏ” của điện ảnh LGBT là những mối tình giữa hai con người khá chênh nhau về mặt tuổi tác, bản chất của tình yêu vẫn cứ đắm say mà lại mong manh như vậy trong suốt 50 năm kể từ bộ phim đầu tiên của Carlos Hugo Christensen The Boy and The Wind (1967) cho đến Sunday Bloody Sunday của John Schlesinger hay bất kì bộ phim nào của Alain Guiraudie. Và Call Me By Your Name là sự tiếp nối truyền thống đó.
Call Me by Your Name của đạo diễn Luca Guadagnino ghi lại một cuộc tình ngắn ngủi vào mùa hè năm 1983 (trong tiểu thuyết là 1987) giữa cậu thanh niên 17 tuổi người Do Thái - Elio Perlman, con của một giáo sư tâm lý học và chàng trai 24 tuổi Oliver - một sinh viên đã tốt nghiệp sống cùng gia đình Elio để giúp đỡ bố Elio công việc nghiên cứu và duyệt lại cuốn sách mà Oliver viết. Mối tình đắm say và đầy biến động ấy đã được lột tả trong một cuốn tiểu thuyết đầy nhục dục của André Aciman với những dòng chữ và lời tự thuật tâm lý khêu gợi và khiêu khích được kể lại từ chính góc nhìn của Elio trong giai đoạn khám phá dục tính và cảm xúc của bản thân. Tông và lối tường thuật của tiểu thuyết trong sự khắc họa tỉ mỉ và dày đặc những sắc thái cảm xúc của Elio, không hề giấu giếm và ngượng ngùng ngay cả trong những suy nghĩ và hành vi kì quái, đen tối và bệnh hoạn nhất của nhân vật, tạo nên một chiều sâu đáng kể và độ chân thực pha lẫn siêu thực đến tuyệt đối trong nghệ thuật khám phá bản chất và mối quan hệ giữa tình dục, tình yêu và con người.
Nếu như tông truyện cùng những chi tiết trần trụi nhất qua lời phác họa của người viết nghe có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời nhất để dành cho đạo diễn Alain Guiraudie chuyển thể thành phim, nếu bất kì ai đã từng xem Time Has Come (2005) và Stranger by the Lake (2013) của ông thì cuối cùng kịch bản phim lại rơi vào tay của Luca Guadagnino, đạo diễn người Ý nổi tiếng với bộ ba tác phẩm thuộc chủ đề “Desire” (Dục vọng). Đó là một lựa chọn thú vị vì dựa trên hai tác phẩm I am Love và A Bigger Splash trước đó, phong cách của Guadagnino là cái nhìn có chút bóng bẩy, tự yêu bản thân thái quá (narcissistic) và nặng tính phong cách, bề mặt hơn là chiều sâu thực sự khi nói về quan hệ giữa những nhân vật hứng tình luôn tán tỉnh, ghen tuông và đầy động cơ giấu ngầm. Và với một tiểu thuyết mà chất liệu vốn thô ráp và trực diện tình dục hơn rất nhiều những chất liệu phim mà Guadagnino thường tiếp cận, cộng hưởng với một hình thức trong truyện nặng tính cảm xúc hướng nội của nhân vật thay vì những chi tiết mâu thuẫn kịch tính ép nhân vật bộc lộ bản chất của mình, đạo diễn của A Bigger Splash có vẻ như không phải là lựa chọn xuất sắc để chuyển thể cuốn tiểu thuyết này.
Thế nhưng kết quả phim Call Me By Your Name của Guadagnino lại hoàn toàn trái ngược với dự tính: Đó là bộ phim ít “chất Guadagnino” nhất mà Guadagnino từng làm. Ông đã hoàn toàn thành công trong việc đào sâu dưới lớp bề mặt của truyện, lọc được tinh thần và kết tinh được cái hồn của tiểu thuyết trong một bộ phim mà không hề trung thành với sách. Hơn nữa, sự cẩn thận, tiết chế và giản dị hơn trong phong cách làm phim so với sự thích phô trương thường thấy của Guadagnino đã tạo nên một kết quả bất ngờ: Chất tư duy và trí tuệ dồn nén trong từng khung hình phim tạo ra một dải cảm xúc đa dạng trong sự trầm ngâm, mặc tưởng của người xem với những khám phá dung dị mà mới mẻ về tình yêu tuổi sắp trưởng thành.
Kịch bản phim có rất nhiều chi tiết khác biệt với tiểu thuyết nhưng có lẽ sự tách ra khỏi chất liệu truyện lớn nhất của Call Me by Your Name nằm ở một lựa chọn nghệ thuật táo bạo của Guadagnino. Thay vì tập trung một ngôi kể xuyên suốt từ đầu đến cuối phim thuộc về Elio như tiểu thuyết thì phim tán đều điểm nhìn về hồi ức của mùa hè năm 1983 theo góc nhìn của cả Elio và Oliver. Đó là lí do tại sao đối với những ai đọc tiểu thuyết, cảm giác về sự thiếu hụt chiều sâu tâm lý và cảm xúc của Elio trong phim, vốn không thể nào truyền tải trọn vẹn ngôn từ trong 248 trang giấy chỉ bằng chiều sâu của hình ảnh, bố cục và âm thanh điện ảnh, là cảm giác khó tránh khỏi, đặc biệt khi điểm nhìn Elio không còn là trung tâm.
Nhưng bù đắp sự hụt hẫng và giản lược khá đáng kể về nhân vật Elio, được coi như là linh hồn của tiểu thuyết, Guadagnino và biên kịch James Ivory đã tỉ mỉ xây dựng nhân vật Oliver với tất cả sự phong phú và phức tạp của một chàng trai thông minh có khả năng giấu cảm xúc mình một cách tài tình. Chính vì vậy Oliver trong phim không còn quá bí ẩn và xa cách về mặt cảm xúc với khán giả như trong tiểu thuyết. Hơn nữa, Oliver bị hạn chế vật thể hóa tình dục (sexual objectification) vì những gì khán giả hiểu về Oliver không chỉ còn nằm trong cách nhìn và hồi ức của Elio. Oliver trong phim đã tách ra khỏi hình ảnh của một Oliver trong tiểu thuyết khắc họa qua sự chi phối nặng về cảm xúc và sự theo đuổi mãnh liệt của Elio (đến mức ám ảnh và điên cuồng - điều mà sẽ nhận ra rõ ràng hơn nếu đọc tiểu thuyết) mà anh ấy đã thành một con người đa chiều, một tâm hồn nhạy cảm riêng biệt. Và Armie Hammer, với màn diễn xuất lắng đọng trong từng biểu cảm tinh tế, nhẹ nhàng nhất, rất ít phô trương đến mức không nhiều người hiểu được rằng nam diễn viên đã quá xuất sắc trong vai diễn như nào, đã đem đến cho nhân vật Oliver một nhân tính khác và một vẻ đẹp mới mẻ, khác thường.
Nhưng quay lại với nhân vật Elio trong phim, như đã nói, sự đơn giản hóa và tán điểm góc nhìn của Elio là một khiếm khuyết lớn của Call Me by Your Name. Elio vẫn yêu một cách say mê và cuồng nhiệt Oliver đến mức hình ảnh Oliver cùng những kí ức hạnh phúc của hai người ngập tràn trong cả cơn mơ (hình ảnh xuất hiện trước lúc hai người chia tay nhau ở sân ga). Một câu hỏi đúc kết sự căng thẳng và dồn nén cảm xúc ấy là “Is it better to speak or to die?” (“Tốt hơn là nên nói hay nên chết?”). Thế nhưng, mặc dù nguy cơ sự tan vỡ ranh giới của đam mê và ám ảnh với Oliver từ Elio cảm thấy dồn dập trong từng câu chữ, vậy mà trong phim, cơn say cảm xúc mãnh liệt cảm thấy nhẹ bẫng, mơ hồ và lạc lối. Sức nặng vô hình đến choáng ngợp của thứ cảm xúc ấy đáng ngạc nhiên thiếu hụt từ trong câu chữ, lời thoại cho đến hình ảnh trong phim chuyển thể, đến mức khá khôi hài khi câu nói của mẹ Elio nói với cậu ta rằng “Mẹ nghĩ Oliver thích con nhiều hơn là con thích Oliver” cảm thấy đúng một cách trớ trêu và có thể hiểu được theo đúng nghĩa đen. Người xem phim nếu chưa đọc tiểu thuyết, ngoài việc một loạt chi tiết trực diện tình dục và nhục dục nhất không nằm trong kịch bản phim, sẽ không bao giờ hiểu được Elio điên cuồng đến phát rồ và ám ảnh như nào với Oliver với những lời tự thuật không bao giờ đến được với màn ảnh lớn.
“Anh làm tôi giống như chính tôi là ai, tôi sẽ trở thành ai, khi anh ở bên tôi, Oliver. Nếu có bất kì sự thật nào trên thế giới này, nó nằm ở giây phút khi tôi ở bên anh.”
“Có phải tôi thích anh không, Oliver? Tôi tôn thờ anh.”
“Anh sẽ giết chết tôi nếu anh dừng lại.”
“Bàn chân ở dưới nước ấy - Tôi có thể hôn từng ngón chân ấy. Rồi hôn lên mắt cá chân và đầu gối của anh ấy.”
“Đừng để anh ấy có một cuộc sống khác với cuộc sống mà tôi biết anh ấy có với chúng tôi, với tôi. Đừng để tôi mất anh ấy.”
Mặc dù vậy, với bất kì chi tiết xương sống nào trong tiểu thuyết, nếu Guadagnino đã chọn trung thành với nó thì đó là sự trung thành tuyệt đối không thể bàn cãi. Chi tiết cái chạm vai và bóp vai mà Oliver dành cho Elio lúc họ đang trong một khu vườn chơi bóng chuyền giữa nắng hè, đó là một chi tiết có sự tương đồng rất lớn trong bố cục và phối hình với chi tiết chơi bóng chuyền và một chi tiết khác gần cuối phim từng xuất hiện trong kiệt tác điện ảnh năm 1970 của Eric Rohmer Claire’s Knee (Đầu gối của Claire). Thế nhưng nếu như gã học giả ranh mãnh Jerome chạm tay vào đầu gối của Claire trong lúc an ủi Claire khi cô là nạn nhân bị người tình lừa dối, một chi tiết điển hình cho sự lợi dụng và thao túng cảm xúc đáng khinh miệt của đàn ông để tô đậm một tình huống đạo đức phức tạp trong sáu câu chuyện đạo đức của Rohmer thì chi tiết cái chạm vai của Oliver với Elio lại thiên hướng về tính chất mong manh của cảm xúc, nhục dục hơn là lí trí và tính đạo đức.
Oliver không lợi dụng Elio như Jerome với Claire (mặc dù bề ngoài của hành động đấy lại bị hiểu nhầm bởi chính Elio và người xem) mà đó là một cách thử đối phương, và người xem vỡ lẽ chỉ đến khi Oliver thú nhận điều đó với Elio trong một đêm tâm sự rằng anh đã thích Elio ngay từ đầu, anh chỉ muốn dò xét xem Elio có tình cảm với anh như anh có với Elio không. Nhưng cách phản ứng của Elio thay vì ngồi yên lặng bị lợi dụng như Claire lại tương phản hoàn toàn với sự mong đợi của Oliver, giật vai và cáu kỉnh, khiến Oliver cảm giác như mình “đang quấy rối tình dục Elio”. Đó là một chi tiết đầy ngầm ý và thông minh về sự thăm dò cảm xúc khi yêu (mặc dù một nhược điểm lại nổi ra trong phim là người xem sẽ không hiểu rõ lí do Elio phản ứng như vậy nếu không đọc những lời tự thuật lại của Elio trong giây phút đó ở tiểu thuyết).
Và bên cạnh đó là những chi tiết trung thành không tuyệt đối như chi tiết kinh điển trái đào. Trong tiểu thuyết, Elio nhìn chằm chằm Oliver ăn quả đào mà Elio đã ngồi thủ dâm với và theo lời kể Elio, Oliver “ăn chậm rãi, nhìn thẳng Elio một cách say đắm đến mức làm tình cũng không thể đi xa đến như vậy” trước khi Elio khóc và ôm chặt Oliver nhưng trong phim, Oliver chưa kịp ăn thì Elio đã khóc sụt sùi trước Oliver. Một mặt tính nhục dục và cao trào của hành động trong tiểu thuyết bị cắt đi trong phim nhưng cách xây dựng chi tiết trong phim lại tạo ra một cách hiểu và lớp nghĩa hoàn toàn khác cho việc tại sao Elio khóc. Không có lời tự thuật như trong tiểu thuyết, chúng ta chỉ có thể tự suy diễn rằng Elio khóc vì đó là một giây phút trần trụi của nỗi xấu hổ và khoảnh khắc con người tự nhiên dễ xúc động và tổn thương hơn khi bị người khác, đặc biệt người mình yêu chứng kiến góc tối trong tâm hồn mình.
"I'm sick, aren't I?" (Tôi bệnh lắm, phải không?)
"No, you're not sick - I wish everyone were as sick as you."
(Không, em không bệnh. Tôi ước gì mọi người có thể bệnh như em).
Phim nghệ thuật vẫn luôn sử dụng các chi tiết tình dục để khắc họa tâm hồn con người cũng bởi lí do đó là giây phút họ mong manh, dễ vỡ nhất và bộc lộ phiên bản thật nhất của con người họ. Nhưng chỉ khi đọc tiểu thuyết, cộng hưởng với việc hiểu rằng Elio khóc sau khi Oliver ăn trái đào, người đọc mới ngẫm ra rằng giọt nước của Elio là sự dồn nén của rất nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải là một giây phút bộc phát của cảm xúc. Giọt nước mắt vì “chưa người lạ nào từng tốt với tôi đến mức vậy” trong tiểu thuyết khác hẳn với giọt nước mắt xấu hổ và bối rối trong phim.
Có thể có rất nhiều người xem phim sẽ dùng các nhận xét khác về Call Me by Your Name ngoài “đắm say” và “mãnh liệt” rằng tình yêu trung tâm phim là “tình yêu chênh lệch tuổi tác”. Đó là ý kiến vừa đúng lại vừa không đúng. Oliver và Elio cách nhau bảy tuổi, và đó có thể là mức chênh tuổi không điển hình trong các bộ phim tình yêu dị tính, trừ khi bạn đang ngồi xem phim của Woody Allen, nhưng đó lại là khoảng cách tuổi rất bình thường và thậm chí còn ít trong các bộ phim về mối tình đồng tính.
Những người tình trong phim của Alain Guiraudie phải chênh nhau ít nhất 20 tuổi, và khoảng cách tuổi giữa hai nam chính trong Eastern Boys (2013) của Robin Campillo là tầm 30 tuổi. Hơn nữa, ý niệm rằng đó là một tình yêu chênh lệch tuổi tác chỉ có nghĩa khi sự khác biệt ấy đóng vai trò then chốt trong việc mô tả sự phát triển mối quan hệ trung tâm phim, như đối với Alain Guiraudie, đó là sự bất ổn và mong manh của tình yêu dễ dẫn đến xa cách và tan vỡ hay đối với Robin Campillo, người đàn ông trung niên trong mối quan hệ với chàng trai trẻ vừa đóng vai trò vừa là người tình trong quá trình chuyển hóa quan hệ từ tình yêu vì tiền sang tình yêu thực sự vừa là người chu cấp, chăm sóc và bảo vệ chàng trai trẻ trong hình mẫu một người cha mà cậu ấy chưa bao giờ có.
Trong Call Me by Your Name, chưa bao giờ có một giây phút nào gợi ý rằng mối quan hệ giữa Oliver và Elio bị tác động và chi phối bởi sự khác biệt tuổi tác. Thậm chí khoảng cách bảy tuổi đấy không chứng minh Oliver hay Elio có nhiều trải nghiệm và hiểu biết hay trưởng thành hơn người còn lại. Khi đó khái niệm tình yêu của họ không còn được định nghĩa bởi tuổi tác, đó chỉ đơn giản là tình cảm giữa một cậu thiếu niên với chàng trai trẻ như trong The Boy and The Wind (1967). Một trong những điều thú vị và mới mẻ nhất trong Call Me by Your Name là sự khắc họa mối tình đồng tính giữa những người đàn ông song tính trong mối quan hệ không ràng buộc. Giống như Sunday Bloody Sunday, Bob là nhân vật trung tâm trong tình yêu tay ba với Daniel và một người phụ nữ tên Alex, Elio cũng có quan hệ với cô bạn thân Marzia trong lúc đang yêu Oliver. Bất kì một bộ phim tình cảm thông thường nào sẽ biến tấu chi tiết tình tay ba thành mảnh đất màu mỡ cho xung đột mâu thuẫn và ghen tuông giữa những người tình, nhưng Call Me By Your Name tiếp bước Sunday Bloody Sunday đã quá thông minh và khôn khéo để có thể rơi vào cái bẫy sáo rỗng và tầm thường ấy. Khi một bộ phim thoát khỏi mô hình quan tâm đến những gì xảy ra với nhân vật hơn là chính nhân vật với mớ cảm xúc rối tung của họ, đó là lúc một tác phẩm điện ảnh giàu cảm xúc và chiêm nghiệm về tình yêu được thực sự hình thành.
Call Me by Your Name là bộ phim được ra đời trong quá trình nền điện ảnh LGBT phát triển mạnh mẽ và đối tượng xem không chỉ còn giới hạn trong một cộng đồng nhỏ mà một lượng lớn khán giả được tiếp cận với phim là người dị tính. Và trong quá trình này, kiểu tư duy rất sai lầm (“tone-deaf”) rằng nên đồng nhất tình yêu đồng tính và dị tính là một, không hề có sự khác biệt gì ngày càng phổ biến. Khán giả dị tính dường như không có khả năng liên hệ cảm xúc với một mối tình đồng tính trên phim nếu những đặc điểm về mối tình ấy quá khác biệt, xa lạ và thiếu tính phổ quát.
Hệ quan điểm đồng nhất này chỉ đúng khi đặt trong một bối cảnh xã hội hoàn hảo, khi sự phân biệt và kì thị người đồng tính và cộng đồng LGBT không tồn tại, và khi đó mọi tình yêu đều được nhìn nhận trong sự bình đẳng, đa dạng của nó bao gồm cả những sự tương đồng và khác biệt (hãy thử tự áp đặt quan điểm đồng nhất này với màu da và giới tính khác nhau để hiểu sự không thỏa đáng và mù quáng của nó). Mối quan hệ đồng tính và dị tính dù có rất nhiều điểm giống nhau nhưng có những sự khác biệt hoàn toàn và phức tạp mà người dị tính sẽ không thể nào hiểu và nhận ra được.
Call Me by Your Name cũng vậy, đó là một bộ phim về những cảm xúc rất phổ quát và dễ liên hệ về tình yêu và cảm xúc khắc khoải trong tình yêu tuổi trưởng thành, nhưng nếu coi đó là một mối tình như bao mối quan hệ dị tính khác là một nhận định hiểu sai hoàn toàn về bản chất của phim. “Is it better to speak or to die?” sẽ không thể nào có được sức nặng như trong phim và tiểu thuyết nếu đó là lời nói đầy thổn thức và mong ngóng của một chàng trai với một cô gái. Ý niệm về sức nặng ấy ngoài việc là sự mông lung, không chắc chắn về cảm xúc đối phương cho mình thì đó còn là nỗi sợ hãi bị từ chối và bi kịch hơn, bị người mình yêu đối xử khác trong sự khinh miệt và phân biệt khi nhận thức về tình yêu của người kia cũng đồng thời hé lộ về một khía cạnh rất riêng tư cho con người ấy.
Và có bộ phim tình yêu dị tính nào mà nhân vật chính được lắng nghe một bài phát biểu của người cha để làm con trai an tâm hơn rằng bố đã chấp nhận mối quan hệ của hai con, “Bố ghen tị với con... Bố chưa từng có những gì các con đã có”?. Rằng các ông bố bà mẹ ở vị trí này sẽ cầu mong các con thoát khỏi mối tình không giống với số đông loài người, “nhưng bố không phải là người cha như vậy” (một bài phát biểu tuyệt vời mà bất kì người đồng tính hay song tính nào cũng mong bố mẹ nói với mình nhưng hiếm khi nào toại nguyện). Russell và Glenn trong Weekend (2011) trong đêm trước khi chia tay cũng mơ màng rằng bố họ sẽ chấp nhận con người họ bằng việc giả vờ một cuộc đối thoại trong tưởng tượng khi công khai đồng tính với bố mình (Russell chưa bao giờ biết mặt cha mình từ khi còn nhỏ). Đó là giây phút bóc trần những mơ ước thầm kín và một vết thương rỉ máu lâu ngày trong trái tim họ. Và có mối tình dị tính nào khi trong cuộc nói chuyện điện thoại cuối cùng, Oliver trong giọng nói thì thào với những câu chữ như chỉ muốn vỡ ra trong từng hơi thở, đã nói với Elio rằng “Em thật may mắn khi bố mẹ chấp nhận. Nếu bố tôi biết chuyện, bố tôi sẽ đem giam tôi ở một nhà tù”?
Và rốt cục Call Me By Your Name, dù có nhìn và ngẫm theo cách nào, vẫn là câu chuyện về một mối tình đắm say bị cấm đoán và nỗi lòng của những người tình bị bỏ lại. Trong cảnh quay cuối phim với Elio nước mắt giàn giụa, trái tim người xem cũng vụn vỡ cùng Elio vì cậu ấy là kẻ bị bỏ lại trong mối tình vẫn còn dang dở và say nồng, và Oliver là người đã bỏ đi giống như Bob bỏ Daniel hay Glen bỏ Russell. Nhưng liệu có thật thế không? Như đã phân tích, bộ phim của Guadagnino thành công trong việc xây dựng Oliver thành một nhân vật hoàn chỉnh, đa chiều với tất cả sự phức tạp của mọi sắc thái và tâm lý, kể cả những cảm xúc mơ hồ nhất, vì thế người xem hiểu được bộ phim từ cả điểm nhìn của Oliver. Một trong những bài phân tích tốt nhất về “Call Me By Your Name” có tên “Redefining Masculinity: On Armie Hammer In ‘Call Me By Your Name” (Định nghĩa lại về sự nam tính: Về Armie Hammer trong Call Me By Your Name), tác giả Dan Callahan đã lập luận rằng nhân vật Oliver bị giam cầm trong nhà tù của xã hội - một nhà tù của những tiêu chuẩn dị tính và nam tính quy định người đàn ông phải cư xử như nào và phải luôn che giấu sự yếu mềm (đôi chút nữ tính), cảm xúc của mình như nào. Hãy nhớ bố mẹ Oliver không phải là những người dễ chấp nhận về những kiểu mối tình cấm đoán và khác biệt này, đặc biệt trong bối cảnh những năm 80. Oliver ngay cả khi yêu Elio, vẫn luôn bất an và che giấu phần lớn tất cả cảm xúc thực của mình trong một vỏ bọc của sự bình thản và cái chữ “Later!” cụt ngủn, tùy tiện (trong truyện Elio mô tả cách nói chuyện của Oliver là “harsh, curt, and dismissive”).
Buổi sáng sau đêm làm tình, khi cảm nhận Elio không còn muốn mình nữa, Oliver đã lặng lẽ che giấu sự đau lòng tột cùng trong một nụ cười buồn và có gì đó méo mó. Khi chạm vai Elio, Oliver giấu hết ngầm ý thăm dò đối phương của mình bằng một thái độ đầy giễu cợt. Trong đêm cuối cùng trước khi chia tay, chỉ đến khi Elio ngủ, Oliver mới trả lại cho khuôn mặt mình một biểu cảm thực nhất: đó là một sự bất động, lặng thinh trong nỗi sầu và đau đớn khôn nguôi khi dòng hồi ức về một mối tình đẹp trong sáu tuần đột ngột cắt đứt bằng âm thanh tiếng còi tàu vẳng lại trong tai. Khi chia tay trên sân ga, Oliver cố kìm nén mọi sự tiếc nuối bằng nụ cười bình thản mà gượng gạo. Và trong cả cuộc điện thoại cuối cùng, lúc Oliver nói Elio may mắn khi được bố mẹ chấp nhận, có gì đó vỡ vụn trong lòng Oliver và cả người viết về một cuộc hôn nhân hiện tại của Oliver xuất phát từ nỗi sợ hãi định kiến xã hội hơn là tình yêu thực sự. Người xem thương xót Elio khi chứng kiến nỗi đau và nước mắt không chút che giấu của chàng trai trẻ 17 tuổi, nhưng Oliver, người đã, đang và có lẽ sẽ mãi giấu cảm xúc và suy nghĩ thật của bản thân mới thực sự là nhân vật gây đau lòng nhất trong phim. Để rồi đến cuối phim, Oliver - đại diện cho bi kịch của bất kì người đàn ông đồng tính và song tính nào trên thế giới này, và một nền điện ảnh mà cuộc đời nam chính thường kết thúc bằng một nốt nhạc trầm, mãi mãi chỉ có thể gặp lại và sống với những giây phút hạnh phúc tột cùng của cuộc đời mình, “khi trái tim và thân thể được trao cho chúng ta chỉ một lần”, trong kí ức phủ đầy sương mờ về mùa hè năm 1983 trên đất Ý không bao giờ quay lại.
Người viết: Nguyễn Trường Giang