Vì sao các nhà làm phim kinh dị yêu thích định dạng truyện ngắn?
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Truyện ngắn kinh dị gây sợ hãi hơn phim truyền thống, nhưng đó không phải là lý do duy nhất.
Có những bộ phim hay đến mức người ta chỉ muốn xem mãi, nhưng có những bộ phim tưởng chừng như là một nỗi ác mộng cho đến cái kết. Một số thì mở đầu rất hay, tiếp diễn ly kỳ rồi kết thúc thất vọng, và ngược lại.
Đây là hiện trạng thường thấy ở thể loại kinh dị. Vào những lúc như vậy, định dạng truyện ngắn trở thành một vị cứu tinh.
Những bộ phim như Âm Hồn Đô Thị sắp tới đây (ra mắt ngày 27.10.2023) bao gồm 5 mẩu chuyện kinh dị có chọn lọc kể về những chủ đề kinh dị khác nhau không phải là hàng hiếm. Có lẽ chỉ hiếm khi được mang ra rạp mà thôi.
Trước đó, chúng ta được chứng kiến “quyển truyện ma” của del Toro – The Cabinet of Curiosities, Junji Ito Maniac: Japanese Tales of the Macabre tái hiện những mẩu truyện ma trứ danh của Junji Ito, series Yami Shibai cũng được yêu thích…
Thật ra định dạng phim kinh dị truyền thống không phải là không có thế mạnh, nhưng truyện ngắn lại có thể khiến thể loại phim nỗi sợ phát huy tác dụng hiệu quả hơn. Tại sao định dạng phim như thế lại được các nhà làm phim kinh dị yêu thích đến thế đều có nguyên do.
Một định dạng dễ dùng
Phim ảnh nhìn tới nhìn lui là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. Đã là kể chuyện thì rất phụ thuộc vào các đoạn cao trào (suspension) để dẫn đến cái kết đáng nhớ của phim. Tuy nhiên, nói vậy chứ chuyện đó không dễ chút nào. Duy trì được động năng là một điều vô cùng khó mà đôi khi những đạo diễn lão làng cũng gặp khó khăn.
Đối với thể loại kinh dị, đánh vào tâm lý quá lâu đôi khi lại khiến câu chuyện trông có vẻ lê thê. Rắc quá nhiều pha hù dọa lại khiến phim bị loãng trong bối cảnh jump-scare ngày càng sáo mòn.
Đây là một trong những lý do James Wan được người xem yêu thích đến vậy. Ông hoàng phim kinh dị sử dụng loạt hù dọa rất thông minh.
Làm phim kinh dị có thời lượng ngắn gọn hơn cho phép các nhà làm phim kiểm soát được bộ phim tốt hơn. Không cần nhồi nhét quá nhiều hoặc kéo dài quá trình đau khổ của các nhân vật quá mức cần thiết. Yếu tố hoàn hảo hơn là đoạn cao trào đến nhanh hơn, làm câu chuyện hiệu quả và mượt mà hơn hẳn.
Cô đọng nỗi kinh hoàng
Không phải ngẫu nhiên mà thần thoại, truyện dân gian, truyện truyền miệng hoặc các truyền thuyết đô thị trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho phim kinh dị hơn là các tiểu thuyết cùng thể loại.
Nhưng việc đào sâu hoặc diễn giải chúng thành một bộ phim kéo dài 2 tiếng đôi khi khiến người xem thất vọng khi nó không ám ảnh bằng bản gốc. Những series như Yami Shibai tồn tại như để khắc phục điểm yếu này.
Mỗi một tập phim cho phép câu chuyện lắng đọng hơn do những chi tiết râu ria đã lược bỏ. Hành trình đi từ đoạn mở đầu đến cao trào và kết thúc diễn ra liên tục, không có chỗ cho sự thoái trào bất đắc dĩ, giữ khán giả trong trạng thái sợ hãi không lối thoát, vì hầu như các đoạn nghỉ không tồn tại trong định dạng này.
Sự liên tục còn khiến bầu không khí kinh dị trở nên ám ảnh hơn. Đó là lý do dù không có nhiều hù dọa, phim ngắn vẫn có thể dọa bạn chết khiếp.
Theme, theme, theme
Hãy lấy một tập phim trong The Cabinet of Curiosities là Graveyard Rats làm ví dụ . Tập phim kể về một kẻ cướp mộ cuối cùng gặp quả báo khi chạm đến hang ổ của lũ chuột.
Tập phim này nếu kéo dài 1 tiếng hơn chắc chắn sẽ kết thúc với một màn tiêu diệt chuột khổng lồ ở cuối phim mất. Từ một tập phim đậm tính gothic horror, nó trở thành một màn diệt quái lãng xẹt.
Có những chủ đề không nên kéo dài quá mức cần thiết. Định dạng 2 tiếng hơn thích hợp cho những bộ phim như Hereditary nói về liên hoàn các chủ đề gồm gia đình, di sản kế thừa và kế hoạch quỷ ám kéo dài đến ba thế hệ. Có trường hợp định dạng này được sử dụng để làm mới những gì cũ kỹ.
"Mô hình" ngôi nhà ma ám và trừ tà đã quá cũ và thời lượng dài dễ làm các bộ phim như thế bị bắt bài. Cách giải quyết được đưa ra nằm trong The House Netflix ra mắt năm ngoái.
Ngoài mặt, The House là một bộ phin truyền thống, nhưng thời lượng lại chia nhỏ thành 3 câu chuyện riêng biệt, trải dài 3 thời đại, chỉ kết nối với nhau bằng bối cảnh ngôi nhà. Ở đây, định dạng truyện ngắn đã chống lại sự cũ kỹ của mô hình ngôi nhà ma quái quen thuộc trong điện ảnh.
Tính truyền miệng
Một số câu truyện ma hay hơn khi không có đoạn kết trọn vẹn. Các truyện ma thường bắt đầu như thế này – tôi nghe được từ bạn của một người bạn…Phim ma thường bắt đầu bằng một người nào đó hoặc gia đình nào đó dọn vào một ngôi nhà vắng vẻ hoặc nhặt về một vậy gì đó.
Tuy nhiên, truyện ma sẽ kết thúc với nhân vật chính gặp phải con ma chết chóc, trong khi phim sẽ kết thúc với việc nhân vật chính giúp con mà siêu thoát, trừ tà nếu gặp quỷ.
Những câu truyện ma dang dở như thế đã tồn tại hàng trăm năm và lý do là mỗi người kể sẽ cho nó một cái kết khác nhau, hoặc hơn hết là khi chúng không có đoạn kết, chúng trở nên thực hơn bao giờ hết. Vì nhân vật chính đã biến mất rồi còn đâu.
Ai cũng sẽ công nhận, phim ma có lúc sợ lúc không, nhưng truyện ma chúng ta kể nhau nghe lúc nào cũng sởn gai ốc cả. Đó là bản chất của truyện ma. Chúng mang tính truyền miệng cao và đến lượt mỗi người, trí tưởng tượng hoạt động khác nhau và khiến những hồn ma mang hình thù khác nhau lẫn gần gũi với người nghe.
Nhiều khi một cái kết của một câu chuyện truyền miệng thành thị cũng đồng nghĩa kết thúc cả nỗi sợ huyền bí từ những câu truyện. Phim ngắn không đem lại cảm giác đó. Vì nó dừng lại đoạn cao trào và kết thúc tại đó, như thế là giữ câu chuyện sống mãi với sự bí ẩn không lời giải đáp, ám ảnh người nghe/xem liệu nó có thật hay không.
Ví dụ như Yami Shibai, một một tập chưa đến 5 phút, nhưng có thể khiến người xem chết khiếp với hàng trăm câu hỏi trong đầu.
Riêng biệt, các câu chuyện ngắn trên màn ảnh không đem lại ấn tượng nhiều, nhưng đứng cùng nhau là chuyện khác. Các tuyển tập như Âm Hồn Đô Thị có thể ra rạp với một mức độ tự tin nhất định vì nó không cần trở thành một bộ phim hay về mọi thứ.
Về bản chất, phim là một tuyển tập các câu chuyện. Lý do định dạng như thế này được ưa chuộng vì khi đứng chung với nhau, nó đưa một loạt các lựa chọn cho khán giả. Âm Hồn Đô Thị vô cùng thích hợp cho các mọt phim thử nghiệm như chính các series ma quỷ tương tự đã được nhắc qua.
Không chỉ dễ xem về mặt kỹ thuật – các câu chuyện không liên quan đến nhau, phim chạm đến những chủ đề khác nhau, đem đến những trải nghiệm khác nhau về nhiều hồn ma hoặc các thực thể quỷ dị. Tương tự như Goedam 2, The Cabinet of Curiosities, Yami Shibai,…người xem có thể tìm được một câu chuyện trong Âm Hồn Đô Thị phù hợp với thị hiếu.
Âm Hồn Đô Thị chính thức khởi chiếu vào ngày 27.10.2023. Hãy theo dõi lịch chiếu nhanh nhất trên Moveek để không bỏ lỡ bộ phim này và đặt vé xem phim tiện lợi cùng các ưu đãi hấp dẫn nhé.
Cabinet of Curiosities của Guillermo del Toro có thể khiến bạn thất vọng nếu đặt kỳ vọng quá cao![REVIEW] Cabinet of Curiosities (Netflix) - Tuyển tập kinh dị ấn tượng của Guillermo del Toro
Goedam (Netflix) là một series kinh dị ngắn nhưng ẩn chứa những chi tiết và mối liên kết có thể làm sáng tỏ câu chuyện tổng thể.[Góc giải thích] Goedam (Netflix) - Sợi dây liên kết giữa các tập phim tưởng chừng chẳng liên quan