X-Men: Apocalypse - Cầu nối quan trọng cho tương lai X
Tin điện ảnh · PhucDu ·
Đây có thể nói là một nước đi khôn ngoan và an toàn bởi nếu thành công, X-Men sẽ là một chuỗi phim siêu anh hùng đặc biệt với 2 phiên bản nhưng vẫn thống nhất như một phiên bản bất diệt.
Loạt phim về X-Men có thể nói là loạt phim điện ảnh siêu anh hùng nhiều tập nhất tới thời điểm hiện tại (phần này là tập thứ 6) nên đối với phần đông khán giả, tập phim về Apocalypse lần này không có quá nhiều thứ để bàn luận hay tranh cãi trái chiều. Trước khi xem phim, số % fresh trên Rotten Tomatoes khá thấp (dưới 50%) và hiện nay là 52%, vẫn quá thấp cho series X-Men và đặc biệt là sau hai phần The First Love (í nhầm, First Class) và Days of Future Past được đánh giá rất cao. Nhưng sau khi xem xong, người viết phần nào hiểu được cảm giác vì sao các critics nặng tay với phần này như vậy. Nhưng lại công bằng mà nói, X-Men: Apocalypse không tệ, hoàn toàn không tệ. Nếu nói theo kiểu Rotten Tomatoes thì là rất tươi nhưng không được đậm đà. Vì sao? Xin được phép trích ra vài dẫn chứng tuần tự bên dưới.
Ác nhân chính hay nhưng không đã
Bỏ qua 3 tập X-Men trước đó, chỉ tính riêng First Class và Days of Future Past thì có thể nói sự trông chờ của khán giả dành cho nhóm dị nhân trong phần tiếp theo là vô cùng hy vọng. Tuy nhiên, kết cục lại không được như trông đợi khi mà kẻ phản diện được mô tả như siêu dị nhân trong tập này được "nặn" ra cốt chỉ để những dị nhân phiên-bản-mới có cơ hội tập hợp cũng như phô diễn bản thân, để Fox có thể an tâm thực hiện kế hoạch reboot series X-Men đường đường chính chính mà không phải đạp đổ series cũ. Đây có thể nói là một nước đi khôn ngoan và an toàn bởi nếu thành công, X-Men sẽ là một chuỗi phim siêu anh hùng đặc biệt với 2 phiên bản nhưng vẫn thống nhất như một phiên bản bất diệt.
Để đáp ứng tiêu chí đó, Apocalypse phải là một ác nhân vừa mạnh để có thể khiến các dị nhân tập trung lại mà cũng phải vừa thần bí để câu chuyện được diễn ra trót lọt. Xét về mặt cấu trúc, Bryan Singer thành công. Hàng loạt những dị nhân mới (chính xác là phiên bản mới) đã có màn trình diễn đúng trọng tâm, không bị quá lố cho một nhân vật nào như Captain America: Civil War hay dư thừa như Batman v Superman: Dawn of Justice; chưa kể những nhân vật từ hai phần trước cũng có cơ hội để thay đổi vai trò của mình trong tương lai, cụ thể là Mystique.
Nhưng, nếu xét riêng về độ "khủng" của ác nhân (villain) thì Apocalypse lại không mấy thuyết phục. Năm phút đầu phim được dành hẳn để mô tả sự thần bí của nhân vật này. Cộng với những thông tin được bổ sung sau đó như dị nhân đầu tiên trên thế giới, từng được tôn sùng như thần thánh, là sự "khải huyền" trong Kinh Thánh cùng Tứ Kỵ Sĩ đại diện cho 4 sự diệt vong, Apocalypse được khắc họa như một thực thể mạnh nhất và khó tiêu diệt nhất trong loạt phim X-men. Nhưng, rốt cuộc những gì khán giả thấy lại là một chuỗi những triết lý dài dòng và những hành động gây sốt ruột rất không hợp lý với một kẻ vốn đã có sẵn sức mạnh trong tay. Chưa kể còn có kha khá những khoảnh khắc Apocalypse bị những nhân vật "xanh non" cho ăn “hành” một cách rất chi là kì lạ. Chính sự trình bày dư thừa trái ngược với sự phát triển đơn giản đã làm cho tương quan trước-sau của kịch bản bị ảnh hưởng, khiến khản giả không khỏi hụt hẫng.
Sự kết nối giữa Prof. Xavier và Magneto khá lỏng lẻo
Nếu bỏ qua vấn đề hai nhân vật Charles và Erik trở thành cặp đôi được fangirl yêu thích (đến mức hai ông tự ship nhau rất điệu nghệ) thì rõ ràng, quan hệ và tình cảm của hai nhân vật này vẫn rất rõ nét qua The First Class rồi Days of Future Past. Chúng ta từng thấy Charles đau khổ đến mức hủy hoại bản thân khi Erik bỏ đi cùng Mystique, song song là thứ tình cảm quan tâm thầm lặng mà Erik luôn dành cho Charles dù anh không còn ở bên cạnh như đã hứa. Tất cả chúng ta dù ít hay nhiều đều phải công nhận tình cảm của họ là thứ không thể cắt đứt trong series X-Men.
Nhưng sang đến Apocalypse, sợi dây đó mỏng dần. Thay vào đó là những sợi dây khác, mỏng hơn, đến các tuyến nhân vật khác. Ở Xavier là tình thầy trò, là trách nhiệm của một vị giáo sư hết lòng lo cho tương lai của lớp dị nhân trẻ tuổi (cả tình yêu khá khiên cưỡng của anh với cô nhân viên CIA). Còn phía Magneto là tình cảm gia đình, tình thương của người cha dành cho con gái (dù chẳng biết anh ta có bao nhiêu gia đình rơi rớt) đã biến anh thành một trong Tứ Kỵ Sĩ phò tá Apocalypse.
Xavier và Magneto một lần nữa bị đẩy về hai chiến tuyến nhưng lần này hầu như không có va chạm giữa hai người. Do đó mà những khán giả mong chờ một sự tan vỡ (như giữa Steve và Tony trong Civil War) hay một sự "đồng lòng tát biển Đông cũng cạn" (như Superman và Batman và Wonder Woman) sẽ thấy hụt hẫng. Bởi vì hai nhân vật đại diện cho thế giới X-Men lần này đã phải nhường chỗ cho các dị nhân trẻ tuổi phô diễn sức mạnh, hai anh chỉ đánh vòng ngoài để hỗ trợ cho lớp đàn em giải quyết vòng trong, đây là một điều khá hay nhưng lại rất đáng tiếc. Ít ra thì đoạn Magneto dùng năng lực ngăn không cho Apocalypse tấn công Xavier vẫn rất ngầu, xứng đáng là một người chồng, người cha tốt. Hy vọng trong phần sau, sau khi đã (một lần nữa) bắt tay giảng hòa và công nhận người này thấu hiểu người kia, thì hai anh sẽ lại là trung tâm của vũ trụ các dị nhân.
Diễn tiến câu chuyện hơi lê thê
Nói đến đây phải mào đầu trước bằng Batman v Superman (BvS) vì thế nào cũng sẽ có ý kiến cho rằng không có phim siêu anh hùng nào dài dòng hơn BvS. Đồng ý BvS rất dài dòng và lung tung, nhưng hoàn toàn có chủ đích. Ý đồ của Zack Snyder là xây dựng một diễn biến đi từ từ theo kiểu vòng tròn, đến khi tất cả cùng tụ lại tại một điểm thì điểm đó sẽ bùng nổ. Không thể nói BvS thất bại trong khoản này, bù lại còn rất thành công.
Còn X-Men: Apocalypse thì sao? Cốt truyện đơn giản, nhưng vì phải giới thiệu khá nhiều nhân vật vừa khả năng vừa nội tâm (điều mà Bryan Singer rất giỏi) nên cần phải có một thời lượng tình tiết đủ dài. Tiếc là nếu như không chỉ "đủ dài" mà còn "đủ nhiều" thì diễn tiến câu chuyện đã không quá lê thê.
Suy nghĩ của Apocalypse không phức tạp như Lex Luthor, nhưng hắn nói nhiều như Lex, mà lại là kiểu một câu nói thành bốn lần với bốn cách diễn đạt khác nhau dễ gây ra nhàm chán. Biên kịch phần này rõ ràng không được tốt khi có kha khá câu thoại bị lặp lại từ những phim khác. Nhưng lại có một câu vô cùng thời sự cho chính bộ phim là "Phần thứ 3 của một phim thường rất buồn ngủ". Vâng, ước gì Apocalypse nguy hiểm thật chứ không chỉ nguy hiểm bởi cái miệng. Ước gì Tứ Kỵ Sĩ được khai thác nhiều hơn về khả năng (trừ Magneto được xây dựng quá tốt từ tâm lý đến cả việc nâng cấp sức mạnh). Và ước gì lý do khiến Xavier trọc đầu nó có sức nặng hơn một tí.
Các nhân vật có đất diễn khá đều
Đây là một điểm cộng rất lớn của phim khi đã làm tròn vai trò giới thiệu và định hướng cho tương lai. Các nhân vật chủ chốt có thời lượng xuất hiện đều nhau, ai cũng có đất để thuyết phục khán giả chứ không riêng người nào steal-the-show. Từ Psylocke, Cypclops, Nightcrawler, Quicksilver và Jean đều có những khoảnh khắc làm khán giả phài vỗ tay trầm trồ vì màn trình diễn của họ. Một màn mở đầu quá tốt cho những triển khai sau này. À quên, cả Logan nữa chứ, không phải dạng vừa đâu nhé.
Cuối cùng, khai mở thành công một vũ trụ
Nói chung, X-Men: Apocalypse thừa hưởng khá đầy đủ những hay ho mà những phần trước đã làm được. Nhưng vì Days of Future Past đã qúa xuất sắc cả nội dung lẫn sự gợi mở nên kì vọng mà khán giả dành cho phần này quá cao. Ai cũng mong chờ một diễn tiến sâu hơn nhưng thực tế X-Men: Apocalypse chỉ là dấu hai chấm để vũ trụ điện ảnh của Fox chính thức được khai màn một kỉ nghuyên mới mà thôi. Do đó dù không tốt trong việc thỏa mãn sự trông chờ của khán giả nhưng phim lại hoàn thành rất tốt vai trò một kẻ dẫn đường lão luyện. Không gấp gáp đến vấp váp như DCEU, cũng không kì công đặt đá xây thành như MCU, vũ trụ điện ảnh của những dị nhân hình thành theo cách rất đặc biệt: tái cơ cấu và hoàn thiện. Khán giả trung thành không cần phải bỏ đi, khán giả mới cũng không cần quá vất vả để hòa nhập. Chọn Matthew Vaughn để giới thiệu một giai đoạn niên thiếu đầy hấp dẫn theo xu hướng reboot của Hollywood, Fox ghi điểm gần như tuyệt đối.
Thừa thắng xông lên, Bryan Singer là cái tên được chọn mặt gửi vàng để gầy dựng lại một đế chế đã cũ: Days of Future Past là lựa chọn quá hoàn hảo để bắn phát súng khơi mào về một sự tái hoạch định và Apocalypse chính là câu trả lời dứt khoát cho tương lai mới của X-Men. Old Man Logan năm sau chắc chắn là một phim không thể bỏ qua và "X-Men: gì đó" sau đó nữa sẽ càng quan trọng để Fox chứng tỏ quyết định của mình là đúng hay sai. Theo quan điểm cá nhân của người viết, sự trình bày và giới thiệu như vậy đã là quá đủ, nếu có được một cái gì đó thật sự bùng nổ thì X-Men sẽ là series siêu anh hùng thú vị nhất từ trước đến nay.
Nguồn: Nic