Năm 2024 có khoảng 28 phim điện ảnh Việt chiếu rạp, và với việc Công Tử Bạc Liêu đã ra mắt mới đây, chỉ còn lại hai bộ phim là Chị Dâu và Kính Vạn Hoa là điện ảnh Việt trong năm 2024 sẽ kết thúc. Một năm có thể gọi là “Mai, Đào” nở rầm rộ khi có nhiều bộ phim đạt doanh thu hơn 100 tỷ, trong đó thể loại kinh dị, thu hút khán giả nhiều hơn bao giờ hết, nhưng vẫn không thiếu những bộ phim không đạt được thành công như kỳ vọng.
Một năm mà không chỉ điện ảnh Việt đạt được tiến triển về mặt doanh thu trong nước mà còn đạt được sự ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế, và ngay cả trong nước cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều liên hoan phim dành cho các tín đồ điện ảnh. Sự phát triển cả về mặt thương mại và nghệ thuật này hứa hẹn một tương lai phát triển hơn dành cho điện ảnh Việt Nam, nhưng cũng không thiếu những thách thức. Hãy cùng Moveek nhìn lại điện ảnh Việt một năm qua nhé.
Mai, Đào, Phở và Piano
Tháng 1/2024 không có một phim Việt nào ra mắt, có lẽ do các nhà phát hành muốn dồn toàn sức cho dịp lễ Tết Giáp Thìn vào tháng 2. Có 4 phim Việt ra mắt vào dịp Tết này là Mai, Gặp Lại Chị Bầu, Đào, Phở và Piano và Trà (ngoài ra còn có Hồng Hà Nữ Sĩ nhưng phim này dường như chỉ chiếu giới hạn tại một số rạp).
Thành công nhất trong số đó chính là Mai, bộ phim thứ 3 do Trấn Thành làm đạo diễn sau Bố Già (đồng đạo diễn cùng Vũ Ngọc Đãng) và Nhà Bà Nữ. Tiếp nối thành công của Nhà Bà Nữ vào dịp Tết Quý Mão năm ngoái, Mai lấy đà và trở thành bộ phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử với hơn con số hơn 551 tỷ.
Phim Mai do Trấn Thành làm đạo diễn và Bình Bồng Bột viết kịch bản, kể về cuộc sống đầy trắc trở của một người phụ nữ làm nhân viên massage và mong muốn có được tình yêu (tóm tắt cơ bản nội dung là vậy). Bộ phim do Phương Anh Đào thủ vai chính, cùng dàn diễn viên quen thuộc trong các phim Tết của Trấn Thành là Tuấn Trần, Uyển Ân, cùng sự tham gia mới của Hồng Đào. Ngoài cảm giác ‘đời” đặc trưng giống với hai phim trước đây của Trấn Thành, thành công của Mai còn do vai diễn của Phương Anh Đào gây cảm động, đặc biệt là đoạn kết phim với những câu thoại đã trở nên viral trên khắp các nền tảng mạng xã hội.
Thế nhưng cũng không thiếu những khán giả không đồng tình với chất lượng của Mai, nổi bật là một bài đăng trên một group Facebook kêu gọi mọi người đừng đi xem Mai mà hãy đi xem một bộ phim có tên là Đào, Phở và Piano. Thế là từ đó, một hàng dài các khán giả thay nhau xếp hàng để mua vé xem phim ở rạp chiếu phim quốc gia ở ngoài Hà Nội, kéo theo đó là các khán giả ở trong Nam cũng được xem phim.
Một vài người cho rằng mình chưa xem một phim nào dở như Đào, Phở và Piano, có người cũng đồng ý nhưng vẫn thích cái không khí dịu yên của bộ phim, dẫu cho nó có là một bộ phim lấy đề tài chiến tranh. Đào, Phở và Piano còn được Việt Nam chọn để gửi tham gia đề cử ở hạng mục phim quốc tế xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscars vào năm sau.
Câu lạc bộ trăm tỷ - Sự vươn lên của thể loại kinh dị
Ngoài Lật Mặt 7: Điều Ước Cuối Cùng của đạo diễn/biên kịch Lý Hải ra mắt vào dịp lễ 30/4 là đạt được con số doanh thu hơn 482 tỷ, phim Việt có doanh thu cao nhì trong cả năm 2024 và lịch sử điện ảnh Việt Nam sau Mai, có 4 bộ phim khác cũng đạt được doanh thu trăm tỷ trong năm 2024 đó là Làm Giàu Với Ma, Ma Da cùng với Cám và Gặp Lại Chị Bầu.
Mặc dù số liệu doanh thu trên trang Box Office Vietnam cho thấy Cám và Gặp Lại Chị Bầu chưa đạt được 100 tỷ, nhưng các nhà sản xuất phim đã công bố hai phim này đều đã đạt doanh thu hơn 100 tỷ, một phần đến từ việc phát hành phim tại các quốc gia khác ngoài Việt Nam và trên nền tảng VOD.
Trong số các bộ phim đạt được doanh thu trăm tỷ, có tới 3 bộ phim là thuộc thể loại kinh dị (Làm Giàu với Ma có thêm thể loại hài). Nhận thấy sự hứng thú của khán giả đối với các bộ phim kinh dị lấy cảm hứng từ các câu chuyện nhân gian và các truyền thuyết linh dị đô thị, điển hình như Kẻ Ăn Hồn và Quỷ Cẩu vào năm ngoái, các nhà sản xuất phim càng muốn đầu tư vào việc thực hiện các bộ phim này.
Minh chứng cho điều đó là bộ phim Linh Miêu: Quỷ Nhập Tràng tính tới thời điểm hiện tại của bài viết đã đạt được doanh thu gần 80 tỷ và hé lộ về bộ phim kế tiếp cũng nằm trong “vũ trụ” này đó là Heo Năm Móng. Sự hứng thú đối với thể loại này là cơ hội cho những tài năng biên kịch và thế hệ đạo diễn trẻ được thử sức, ví dụ như Quỷ Cẩu, Linh Miêu (và Heo Năm Móng sắp tới) là do một đội ngũ biên kịch từ F35 Story của 89sGroup đảm nhiệm phần kịch bản.
Phim doanh thu thấp – Không như kỳ vọng hay thất bại về mặt chất lượng?
Bên cạnh việc có nhiều phim đạt được doanh thu trăm tỷ, năm 2024 cũng chứng kiến một vài phim Việt lại không đạt được thành công như vậy. Nổi bật có thể kể đến là những cái tên như B4S - Trước Giờ Yêu, Móng Vuốt, Biệt Đội Hot Girl, Trà, Sáng Đèn, Án Mạng Lầu 4,...
Trà và Sáng Đèn là hai bộ phim được phát hành vào dịp Tết, thế nhưng thật ra chỉ có Trà của đạo diễn Lê Hoàng là chiếu đúng lịch nhưng chỉ có doanh thu 1,6 tỷ. Trong khi đó Sáng Đèn, bộ phim về hành trình của đoàn cải lương Viễn Phương phải dời lịch chiếu lại đến tháng 3, và cũng chỉ thu được doanh thu hơn 3,4 tỷ đồng.
Những phim mang tính thương mại hơn về mặt thể loại như hài lãng mạn (B4S – Trước Giờ Yêu), giật gân, kinh dị (Móng Vuốt), điều tra giết người (Án Mạng Lầu 4) lại không thu hút được khán giả. B4S của Anh Tễu Studio có doanh thu chưa tới 4 tỷ đồng, là một bộ phim với nội dung theo kiểu “anthology” – hay tuyển tập 3 câu chuyện khác nhau về cùng chung một đề tài đó là tình dục ở giới trẻ.
Những cái tên như Jun Vũ hay Khánh Vân có vẻ như chưa đủ thu hút để lôi kéo khán giả, cũng như câu chuyện xoay quanh hai nhân vật của hai diễn viên này không đủ ấn tượng, mặc cho câu thoại viral của nhân vật do Jun Vũ thủ vai trong trailer phim. Câu chuyện dễ thương và có lẽ được người xem thích nhất trong B4S lại là về cặp đôi do nhạc sĩ Tùng và diễn viên trẻ Khazsak Kramer thủ vai.
Móng Vuốt, bộ phim sinh tồn với một chiến dịch quảng bá khá thú vị khi thuê cả một chiếc xe có lồng sắt chứa mô hình con gấu ở trong phim chạy khắp Sài Gòn làm nhiều người đi đường hoang mang và khiếp sợ, lại chỉ thu được doanh thu chưa tới 4 tỷ đồng, rất thấp so với kỳ vọng doanh thu 300 tỷ của chính đạo diễn Lê Thanh Sơn. Nhiều khán giả bình luận về việc không đồng cảm với tạo hình của các nhân vật trong phim và trailer phim cũng không đủ thu hút.
Một bộ phim khác cũng thuộc thể loại kịch tính giật gân đó là Án Mạng Lầu 4 của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng chỉ đạt doanh thu thấp chưa tới 2 tỷ. Bộ phim được remake lại từ kịch bản phim gốc Melbourne của nước Iran, thế nhưng nhiều khán giả lại cảm thấy phần kịch tính của phim chưa được làm tới, nhiều chỗ thiếu logic (mặc cho cá nhân người viết cảm thấy phim nói về chuyện đi ra nước ngoài ở của người Việt khá cảm động).
Ngay cả Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình, bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lại không được đạt được thành công như mong đợi khi chỉ thu về được gần 45 tỷ, thấp hơn nhiều so với Mắt Biếc (165 tỷ), bộ phim ra mắt gần nhất được chuyển thể từ sách của bác Ánh ra mắt vào năm 2019.
Phim Việt được xướng tên tại các liên hoan phim quốc tế
Tiếp nối thành công của Bên Trong Vỏ Kén Vàng, bộ phim của đạo diễn Phạm Thiên Ân đạt được giải Camera d’Or (Phim đầu tay xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim Cannes danh giá vào năm 2023, năm 2024 chứng kiến 3 bộ phim Việt Nam có mặt tại 3 liên hoan phim quốc tế lớn khác nhau, 2 trong số đó còn nhận được các giải thưởng.
Tới giữa năm, cái tên Viet and Nam (tựa Việt Trong Lòng Đất) bỗng trở nên phổ biến khi bộ phim của đạo diễn Trương Minh Quý được công bố tên trong danh sách các bộ phim tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard tại liên hoan phim Cannes. Tuy nhiên, Viet and Nam lại gặp phải tranh cãi khi không được cấp phép phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Cái tên nổi bật cuối cùng đó là Mưa Trên Cánh Bướm (Don’t Cry Butterfly), bộ phim dài đầu tay của đạo diễn/biên kịch Dương Diệu Linh đã mang về hai giải thưởng là Phim hay nhất (Iwonderfull Grand Prize) và Phim sáng tạo nhất (Circolo del Cinema Verona) tại Tuần lễ Phê bình phim quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) của LHP quốc tế Venice 2024.
Mưa Trên Cánh Bướm là tác phẩm kết hợp giữa nhiều thể loại như chính kịch, hài đen, giả tưởng và cả kinh dị. Bộ phim đào sâu vào mối quan hệ giữa mẹ và con gái, những sự khác biệt trong tư tưởng và lối sống giữa những người phụ nữ đến từ hai thế hệ. Phim đã ấn định lịch phát hành chính thức tại Việt Nam vào tháng 1/2025.
Sự bùng nổ các liên hoan phim trong nước
Năm 2024 là năm đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một liên hoan phim quốc tế (HIFF hay Ho Chi Minh International Film Festival), tiếp bước những thành phố đã từng tổ chức liên hoan phim quốc tế của riêng mình đó là Liên hoan phim Châu Á tại Đà Nẵng (DANAFF) và Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF).
Mặc dù còn nhiều điểm hạn chế ở khâu tổ chức nhưng HIFF vẫn mang tới cho khán giả điện ảnh nhiều bộ phim đáng xem và thu hút được nhiều nhà làm phim quốc tế đến với Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến sự xuất hiện và giao lưu của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda, hay nhà dựng phim Tom Cross của bộ phim nhạc kịch nổi tiếng La La Land.
Không chỉ dừng lại ở đó, những người hâm mộ điện ảnh còn có cơ hội tham dự nhiều liên hoan phim khác nhau vào dịp cuối năm như Liên hoan phim Nhật JFF (Japanese Film Festival), Liên hoan phim châu Âu (EUFF), Liên hoan phim Đức KinoFest và còn có Liên hoan Phim Hoạt hình Dòng Khát Vọng tập trung vào các bộ phim hoạt hình lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Lời kết
Điện ảnh Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu hay không còn phụ thuộc vào… nhiều thứ. Doanh thu phim cao chưa thể nói lên hết chất lượng và điện ảnh Việt vẫn cần thêm nhiều bộ phim có chất lượng thật sự.
Tuy nhiên, mới đây Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó việc sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất từ 5% thành 10%, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất và nhà làm phim sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc, làm phim.
Thuế tăng lên đồng nghĩa với việc nhà làm phim phải tính toán kỹ hơn về mặt kinh phí, thế nhưng trong thách thức có cơ hội, và hy vọng điện ảnh Việt có thể tìm thấy cơ hội để vẫn có thể làm ra được phim hay trước những thách thức này.