Vì sao Bố Già chiến thắng áp đảo Gái Già Lắm Chiêu V và Raya and the Last Dragon?

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Đối thủ của Bố Già khi phim ra mắt cũng nhiều, nhưng nổi bật nhất phải kể đến Gái Già Lắm Chiêu V: Những Cuộc Đời Vương Giả và Raya and the Last Dragon. Vậy yếu tố gì đã giúp Bố Già chiến thắng áp đảo?

Tính đến thời điểm hiện tại, Bố Già (2021) với sự góp mặt của Trấn Thành, Tuấn Trần… đã bỏ xa các đối thủ là Gái Già Lắm Chiêu (2021) (10.3 tỷ đồng) và Raya and the Last Dragon (2021) (hơn 4 tỷ đồng) với doanh thu 30 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Điều đó chứng tỏ Bố Già đang được các khán giả Việt ưu ái hơn cả. Vậy, yếu tố nào đã làm nên thành công của bộ phim?

1. Bố Già là nỗi lòng của người xem

Câu chuyện là cốt lõi của một bộ phim. Một bộ phim phải kể chuyện, nếu không đó không phải là phim, mà chỉ là một loạt các hình ảnh vô nghĩa sâu chuỗi lại với nhau. Một yếu tố quan trọng nữa của một bộ phim là cách để kể câu chuyện đó.

Không đơn thuần là đưa nhân vật từ điểm A đến điểm B, mà đấy là cả quá trình dàn dựng sao cho giữ được sự chăm chú của người xem và đánh thức một loạt các các cảm xúc nơi họ. Có hai yếu tố này sẽ tạo được một nửa bộ phim lý tưởng. Phần còn lại dĩ nhiên phụ thuộc vào dàn diễn viên, bối cảnh và kỹ thuật.

Là một bộ phim lấy đề tài đời sống gia đình, Bố Già không thể và không có lý do gì để dựa vào những màn kỹ xảo. Mấu chốt thành công của Bố Già phần lớn nằm ở phần kịch bản. Nói đúng hơn là câu chuyện mà phim muốn truyền tải đến cho khán giả.

Dựa trên web-drama cùng tên, phim xoay quanh cuộc sống của của ông bố đơn thân Ba Sang (Trấn Thành) trong một xóm lao động ở Sài Gòn. So với cốt truyện bao gồm nhiều thể loại và có bối cảnh phù phiếm giàu sang đến mức khoe của của Gái Già Lắm Chiêu: Những Cuộc Đời Vương Giả, Bố Già gần gũi hơn với đại chúng.

Blu TV
Blu TV

Về bối cảnh, Bố Già có những hình ảnh bình dị và chân thật, lấy cảm hứng ngay tại Sài Gòn. Một con hẻm quanh co, chật hẹp lại hay ngập nước vào mùa mưa chính là hình ảnh đã gắn liền với các thế hệ con người sinh sống ở nơi đây. Điều này có vẻ thứ yếu, nhưng phần hình ảnh giản dị ngay tại quê nhà này vẫn có thể lấy được cảm tình của khán giả là người Sài Gòn. Nó dễ tạo ấn tượng và thắp lên cảm giác quen thuộc trong họ hơn là những khung cảnh làm từ CGI hay được “phủ vàng” ngập tràn đến mức choáng ngộp.

Tuy vậy, yếu tố trọng yếu nhất là nội dung mà người xem ở bất cứ đâu  tại Việt Nam có thể dễ dàng hình dung và thấy được nét tương đồng của bản thân trong đó. Về ý nghĩa chính như tình cha con, tình anh em, tình gia đình mà nói, Bố Già dễ dàng tạo sự đồng cảm với khán giả hơn hẳn một Gái Già Lắm Chiêu ôm đồm và gần gũi hơn so với hành trình trưởng thành dễ thương của Raya.

Trong phim, ông ba Sang là một người cha của 2 đứa con, một người anh/em của ba chị em gồm chị cả Giàu, em tư Phú và em út Quý, một người hay giúp đỡ người khác của hàng xóm. Ông hay giúp người, tính cách vô tư, nhưng rõ ràng nhất là tính bao dung ông dành chị em trong nhà và hy sinh dành cho con cháu. Ông là một người anh mẫu mực và một người cha tận tụy.

Ngoi Sao
Ngoi Sao

Rộng hơn nữa, câu chuyện của Bố Già còn chạm vào tâm tình của thế hệ trẻ - đối tượng chiếm phần lớn những người thường đến rạp phim nhất.

Hình ảnh của ông Ba Sang là phản chiếu của hầu hết những người anh, người cha bước ra từ một gia đình nhiều thế hệ của thời “ông bà anh”. Những người ở thời này thường đông anh em và đặc biệt là thường sống gần nhau. Cho nên, mối quan hệ của họ rất phức tạp. Và những người trẻ của thế hệ 9x, 10x là người nhìn nhận rõ nhất sự rối rắm này. Từ đây, các thế hệ sẽ bước vào một trận so găng quan điểm sống không hồi kết. Bố Già, ngoại trừ là một câu chuyện phụ tử, gia đình ý nghĩa ra, chính là kiểu phim phản ánh sự đụng độ tất yếu giữa hai thế hệ, dường như đã “thay lời muốn nói” cho giới trẻ.

2. Gái Già Lắm Chiêu V: Những Cuộc Đời Vương Giả ít tạo được sự đồng cảm

VnReview
VnReview

Phần mới nhất của thương hiệu Gái Già cũng xoay quanh gia đình, cụ thể là gia đình họ Lý với ba chị em Lý Lệ Hà (Lê Khanh), Lý Lệ Hồng (Hồng Vân) và Lý Linh (Kaity Nguyễn). Hai chị em Lệ Hà và Lệ Hồng chuyên về buôn bán đồ cổ và sử dụng món đồ bảo vật vô giá Phượng Hoàng Bào để câu khách. Lý Linh, cô em út, thì muốn sử dụng Phượng Bào cho mục đích riêng. Sự biến mất đột ngột của món bảo vật sau đó khiến nhiều bí mật của gia tộc Lý bại lộ.

Người xem khó tìm được điểm chung xúc động từ câu chuyện của Gái Già Lắm Chiêu (2021). Dù đây trong những năm gần đây, thương hiệu Gái Già Lắm Chiêu đã có nhiều bước tự làm mới bản thân, nhưng câu chuyện của phim vẫn có điểm chung là dễ coi, dễ quên. Bố Già không phải phim nghệ thuật hàn lâm gì lớn lao, nhưng thông điệp của phim vẫn làm người xem dễ cảm động, từ đó ghi nhớ phim lâu hơn. Thậm chí, phim cũng đưa ra nhiều điều cần nghiền ngẫm và những mối tình dang dở làm người ta ngậm ngùi. Gái Già Lắm Chiêu thì tiếc là không phải thể loại phim này.

Ngoi Sao
Ngoi Sao

Phần phim lần này pha trộn nhiều thể loại từ tình cảm đến dòng phim trộm cắp, bí ẩn cho đến gia đấu, drama gia đình... Trung tâm của phim giống với Bố Già, tập trung vào biến cố của một gia đình có nhiều góc khuất. Nhưng khác với sự bình dị của một con hẻm lao động, phần hình ảnh của Gái Già Lắm Chiêu lung linh, sang trọng và giàu có trên sự mộng mơ của xứ Huế. Gia đình trung tâm trong phim thuộc giới thượng lưu, thay cho một gia đình bình dân. Nó mang tính siêu thực hơn là hiện thực. Chính vì thế, Gái Già Lắm Chiêu đã vô tình tạo cảm giác xa cách và không điểm chung với khán giả, nếu so với bộ phim ra mắt cùng thời điểm là Bố Già.

Hai câu chuyện đều muốn nhấn mạnh về khía cạnh gia đình, về cách các thành viên đối xử với nhau. Nhưng khi Bố Già vẽ nên một viễn cảnh thực tế hơn, những gì xảy ra ở Gái Già khó mà xảy ra với đại đa số những con người đến rạp được. Không phải ai cũng hành nghề lừa đảo như hai chị em Lý Lệ Hà và Lý Lệ Hồng, cũng không phải ai cũng là thành viên của giới thượng lưu hay có một tài sản quý giá như Phượng Hoàng Bào. Nhiều người không xuất phát từ vạch đích như Lý Linh, mà bắt đầu ở mức mưu sinh của Quắn hơn. Đến cuối cùng, nội dung của Gái Già Lắm Chiêu không đọng lại nhiều.

3. Raya and the Last Dragon không có đột phá

CNN
CNN

Theo lẽ thông thường thì một bộ phim nước ngoài là đối thủ nặng ký với phim Việt. Raya and the Last Dragon đến từ Disney, nói về một cô công chúa người Đông Nam Á phải đi tìm Rồng Thần cuối cùng để cứu lấy quê hương khỏi một trận chiến có thể tàn phá khu vực này mãi mãi.

Raya không phải là một bộ phim tệ. Nó là được làm tử tế, đồ họa đẹp đẽ và vô cùng chi tiết về khía cạnh văn hóa. Nhưng câu chuyện của Raya, tương tự như các bộ phim hoạt hình của Disney, không có gì đột phá, vẫn là nội dung dễ xem, dễ nhìn quen thuộc của nhà Chuột.

Chúng ta dù sao cũng phải xét đến những yếu tố ngoại cảnh khi Bố Già nắm được 3 lợi thế chính: Cái tên Trấn Thành, rạp phim vừa mở cửa trở lại sau khi tạm ngưng hoạt động vì COVID-19, và có sẵn một lượng người hâm mộ đông đảo từ Web-drama. Điều này giúp phim chiếm được ưu thế khi đứng trước mọi cái tên khác ra rạp cùng thời điểm.

Báo Mới
Báo Mới

Công bằng mà nói thì ba bộ phim trên đều có yếu điểm. Raya and the Last Dragon an toàn, Gái Già Lắm Chiêu: Những Cuộc Đời Vương Giả có nội dung nhiều lỗ hổng, Bố Già có nội dung dàn trải và hay dùng nhạc nền để lấy cảm xúc khán giả. Nhưng nếu so về chất lượng nội dung, Bố Già kể một câu chuyện gần gũi, có lớp lang, có khả năng kết nối với người xem hơn ở mức độ thực tế và cảm xúc. Thông điệp của phim cũng có sức nặng hơn cả. Nhờ vậy, Bố Già có danh tiếng tốt hơn, đúng như câu “tiếng lành đồn xa”.

Dù sao đi nữa, việc Bố Già được yêu thích là một tín hiệu đáng mừng của phim ảnh Việt. Thay vì cố “gồng” với những chủ đề phức tạp hay xây dựng những bối cảnh lung linh xa hoa, thay vì cố gắng làm một bộ phim cần đến kỹ xảo, điện ảnh Việt có thể tìm cảm hứng ngay từ cuộc sống đời thường thực tế và nỗ lực làm một bộ phim chất lượng, dạt dào ý nghĩa.