[Tổng Hợp] 10 cái kết mở ra những tuyệt phẩm

Tin điện ảnh · vegeta2404 ·

Sau đây là 10 bộ phim áp dụng thành công in media res, bắt đầu câu chuyện từ cái kết (hoặc cận kết) của nó và lý giải tại sao chúng lại thành công như vậy.

Kéo xuống để xem tiếp

Cốt truyện là một phần không thể thiếu trong bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào, đó là điều không thể bàn cãi. Những yếu tố như lời văn, cách trình bày ý tưởng, cách dựng phim hay ngôn ngữ hình thể, mặc dù vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng chúng vẫn là những công cụ để phục vụ cho một khía cạnh lớn hơn.

Khi xét đến một tác phẩm nghệ thuật thuộc mảng văn học hay điện ảnh, bạn nên làm quen dần với những kĩ thuật đang dần trở nên phổ biến. Một khái niệm cơ bản nhất đó là sự phân cách về thời gian và chia ngôi kể thành 2 loại, tuyến tính và phi tuyến tính. Ngôi kể phi tuyến tính là một cột mốc trong nghệ thuật kể chuyện, và nó ra đời cùng với những tác phẩm của Homer.

In media res - thuật ngữ về việc bắt đầu câu chuyện từ một hành động - cũng chính là phong cách được áp dụng nhiều nhất cho ngôi kể này. Nó khiến người xem phải vắt óc suy nghĩ làm sao mà câu chuyện phát triển để khớp với cái viễn cảnh mà họ đã chứng kiến.

Sau đây là 10 bộ phim áp dụng thành công in media res, bắt đầu câu chuyện từ cái kết (hoặc cận kết) của nó và lý giải tại sao chúng lại thành công như vậy. Dĩ nhiên sẽ có spoiler do ta phải bàn luận về những kết phim.

10. Twelve Monkeys

Vay mượn phần lớn ý tưởng từ phim ngắn La Jetee của Pháp, Twelve Monkeys của đạo diễn Terry Gilliam đưa người xem tới một tương lai hậu tận thế nơi mà phần còn lại của nhân loại phải nhờ đến du hành thời gian để ngăn chặn thảm họa sinh học đã giết chết hàng tỉ người.

Điều khiến Twelve Monkeys nổi bật so với các phim cùng thể loại đó là trạng thái hỗn loạn mà các nhân vật chính phải trải qua. Bộ phim bắt đầu bằng khung cảnh mà sau này trở thành biểu tượng được lặp đi lặp lại: một đứa trẻ tuyệt vọng nhìn một người đàn ông bị bắn tại sân bay, trong khi một người phụ nữ lao đến giúp cậu. Yếu tố du hành thời gian cho phép phim dịch chuyển thoải mái giữa tương lai và hiện tại, mặc cho người xem phải cố gắng xâu chuỗi từng mắc xích một.

Cái thành công của phim còn là cách đánh lạc hướng công phu, khi ngầm tiết lộ rằng thảm họa không thể ngăn chặn, đem đến một cú twist mà ai cũng mong chờ. Còn việc đứa trẻ trong cảnh mở màn và người đàn ông bị bắn là cùng một người thì không cần bàn tới do đã được các chuyên gia khoa học viễn tưởng tiên liệu trước.

Tuy nhiên, điều này không làm lu mờ những mặt khác của phim, đó là sự chỉ đạo tuyệt vời từ Gilliam khi đem đến một khung cảnh điên loạn; hay lối diễn xuất thần của Brad Pitt làm người ta liên tưởng tới Tyler Durden năm nào.

9. Memento

Đáng ra một phim phức tạp như Memento của Nolan nên được đánh giá cao hơn nhưng tính kỹ thuật, bắt nguồn từ chính bản chất của phim là lý do duy nhất khiến nó trở nên khiêm tốn hơn.

Đoạn phim mà ta thấy trước phần credit không hẳn là kết thúc của cốt truyện này mà thật ra là nằm đâu đó ở giữa phim. Lấy sự phân định này làm nền tảng, Memento là một ví dụ điển hình cho tầm quan trọng của thời gian trong nghệ thuật kể chuyện. Leonard mắc chứng không thể tạo ra ký ức mới, do đó anh phải bám víu lấy quá khứ. Bộ phim bắt đầu bằng bức ảnh polaroid của một cái xác vô hồn. Điều này không chỉ gợi ý rằng phim sẽ diễn biến ngược mà còn ngầm ẩn dụ về tình trạng của Leonard.

Mạch thời gian của Memento rất khó lý giải và Nolan phải dùng cấu trúc kẹp tóc (phần đầu và phần cuối của cốt truyện giao nhau) để lý giải nó, một nửa có màu còn nửa kia thì không. Bộ phim cắt ngang hai phần này với 2 flashback về 2 câu chuyện nữa diễn ra bên ngoài dòng thời gian của phim.

Người xem chỉ có thể cảm nhận cái đẹp của cảnh mở màn khi chứng kiến cảnh tranh luận của Leonard và Teddy ở cuối phim. Đó cũng là cái kết của phim và nó liên kết 2 đầu của cái kẹp tóc. Theo đúng như dòng thời gian thì Teddy bị Leonard bắn ở cuối phim và nó giúp người xem nhận ra mô-típ rợn người ẩn đằng sau bộ phim.

Nếu Nolan không sử dụng ngôi kể khác lạ này để rồi lộ ra ranh giới giữa cái kết của phim và mạch truyện, Memento nhất định sẽ được người viết ưu ái hơn.

8. Grave of the Fireflies (Mộ Đom Đóm)

Phim bắt đầu bằng một khung cảnh điêu tàn, tiết lộ cho khán giả về bối cảnh, thời gian cũng như là cái chết của Seito. Cảnh một thiếu niên với bộ trang phục tả tơi, chân trần và người phủ đầy bụi bẩn từ từ trút hơi thở cuối cùng dưới ánh mắt kinh tởm của người đi đường là một thực tại đau lòng của nạn phân biệt xã hội thời bấy giờ.

Một người lạ mặt đặt ít đồ ăn bên cạnh Seito và đó như là sự tương trợ tốt nhất mà ta có thể mong chờ nhưng chỉ vài giây sau, thì điều đó là chưa đủ. Những người lao công phát hiện ra một loạt thi thể, trong đó có cả của Seito vào đêm hôm đó và cách ứng xử vô nhân đạo của họ càng làm rõ vấn đề hơn nữa.

Mở đầu ảm đạm như vậy khiến người xem cảm thấy quá sức chịu đựng và nó đúng với cái cảm giác mà Ghibli muốn người xem trải nghiệm, nhưng dần dà họ cho ta một tia sáng của hi vọng. Nhưng Mộ Đom Đóm không toát ra được sự ấm cúng như vậy.

Với sự xuất hiện của Setsuko, một bé gái thơ ngây, ta hi vọng rằng cô bé sẽ sống thay phần của Seito, nhưng ai mà ngờ tới những sóng gió tiếp theo mà khán giả phải trải qua?

Mộ Đom Đóm không dùng bất cứ bí mật nào để mở đầu nhưng ta phải thừa nhận rằng đây là một tác phẩm được hoàn thiện một cách công phu. Cảnh mở đầu của phim là sự góp nhặt tỉ mỉ những chi tiết nhỏ cho thấy linh hồn của Setsuko đồng hành cùng Seito sau cái chết của cậu, nghĩa là cô bé đã chết trước cả cậu. Nó như một sự thật phũ phàng mà dù ta có cố đến mấy cũng không thể chấp nhận được.

7. Pulp Fiction

Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Tarantino là một chuỗi những chi tiết được trình bày không theo thứ tự thời gian. Cũng như Memento, cảnh cuối cùng của Pulp Fiction không phải là kết phim nhưng không như tác phẩm của Nolan, thứ tự xuất hiện của những tình tiết rời rạc dường như không ảnh hưởng lắm tới cục diện của phim.

Sau phần giới thiệu là cảnh một cặp đôi dùng bữa trong một tiệm ăn, nơi mà họ tiến hành một vụ cướp vài giây sau đó. Đây vừa là một cách hay để người xem quen dần với cách dẫn khác thường này, những phân cảnh và cả những đoạn hội thoại được giới thiệu rất nửa vời, cũng là một ví dụ điển hình của in media res.

Càng về sau, những nhân vật lần lượt xuất hiện kèm theo đó là những khoảnh khắc đáng nhớ, những câu chuyện dần khép lại trong khi một số khác hòa quyện với nhau. Rất dễ để lạc lối trong cấu trúc vô kỷ luật của phim và quên đi hình bóng cặp đôi dùng bữa tối ở đầu phim, nhưng đoạn cuối lại gợi nhớ cho người xem về chi tiết đó qua việc liên kết với câu chuyện của Vincent và Jules. Bộ phim là một vòng tròn kín với những tình huống khó đoán, nhưng chí ít khán giả cũng được giải trí phần nào.

6. Pan’s Labyrinth

Pan’s Labyrinth của đạo diễn Guillermo del Toro đã tạo nên một thế giới thần kỳ, đồng thời cũng là biểu trưng cho các vấn đề xã hội và chính trị. Việc tổng hợp những chất liệu dân gian và thần thoại như vua chúa, quái vật mê cung và các anh hùng trong một thế giới thần thoại giả tưởng khiến câu chuyện vừa quen thuộc vừa mới lạ.

Trong cảnh mở đầu, khán giả chứng kiến cô bé Ofelia mất máu tới chết trước khi người dẫn chuyện đưa họ tới mạch phim chính về Công chúa Moanna, người mà vua cha mong chờ sau khi cô bị lạc khỏi vương quốc ngầm.

Và chỉ bấy nhiêu cũng là đủ cho giả thuyết Moanna là tiền kiếp của Ofelia. Không lâu sau đó, Ofelia gặp một nhân dương đưa ra cho cô 3 thử thách để trở về với vương quốc, đồng thời là lời giải đáp cho những hoài nghi của khán giả.

Mạch phim tiếp diễn đúng như dự đoán, nó đưa người xem vào một thế giới sâu sắc, tăm tối hơn trước đây mà vẫn giữ nguyên chất liệu thần tiên, kèm với đó là cái án tử tiền định cho Ofelia như một sự hi sinh để cô có thể về với vương quốc.

Dù bạn lựa chọn giữa việc nhận định phim là một câu chuyện thần tiên có thể thỏa mãn sức tưởng tượng của khán trẻ hay khám phá những biểu tượng phong phú ẩn đằng sau nó, thì vẫn phải công nhận đây là một bộ phim được đầu tư tỉ mỉ và đáng xem.

5. American Beauty

Mục tiêu của American Beauty là phản chiếu chân thật hình ảnh của giới trung lưu Mỹ cũng như châm biếm cuộc sống với con mắt tinh tường. Trong suốt gần một thập kỉ phát triển, câu chuyện đi từ sân khấu kịch cho tới màn ảnh rộng.

Đoạn mở đầu ngắn của phim bắt đầu từ thước phim tự quay của con gái Lester giải thích rằng cô rất xấu hổ với tính mê gái trẻ của ông và kết thúc bằng cảnh Ricky đề nghị giết ông thay cô. Điều này ngay lập tức khiến người xem nôn nao tới cái kết mà phần nào được người dẫn chuyện tiết lộ rằng Lester sẽ chết trong vài tháng tới.

Dần dà những ứng cử viên cho vai kẻ giết Lester lần lượt xuất hiện, nhưng đoạn phim đầu tiên cứ mãi lởn vởn trong đầu khán giả, khiến cho Ricky luôn là kẻ tình nghi số một. Nhưng hóa ra đó lại là Colonel Fitts, kẻ giết Lester vì nhận định sai lầm về mối quan hệ giữa nạn nhân và con trai ông.

Mạch truyện một màu và không khí có phần nhàm chán là những điểm trừ của American Beauty nhưng xét về tổng thể, đây vẫn là một sản phẩm hoàn thiện.

4. Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Được gắn mác một trong những tuyệt tác của Charlie Kauffman, bộ phim đã thành công trong việc tạo ra một viễn cảnh khi 2 cá nhân sẽ chia tay nhau như thế nào, và giữ góc nhìn chân thật nhất về các mối quan hệ mặc dù cơ bản nó vẫn là một tác phẩm tưởng tượng.

Đây có lẽ là một trường hợp đặc biệt trong danh sách này vì cái kết của phim không chỉ được đề cập trong phần mở màn mà là trong suốt 17 phút đầu tiên. Sau khi xem cuộc gặp đầy bỡ ngỡ nhưng quen thuộc đến kì lạ giữa Joel và Clementine, khán giả lại được chuyển tới một thời điểm vô định trong mối quan hệ của họ.

Lối kể chuyện ngược cũng nhưng những tình tiết siêu thực và cảm giác hư ảo của nửa sau bộ phim ngày càng khiến người xem bối rối, như cô bé Alice rớt xuống hố mà không biết thực hư ra sao.

[Oscar Rewind] Eternal Sunshine of the Spotless Mind – Muốn quên đi một mối tình phải vượt qua được những ký ức

[Oscar Rewind] Eternal Sunshine of the Spotless Mind – Muốn quên đi một mối tình phải vượt qua được những ký ức

Eternal Sunshine of the Spotless Mind là bộ phim tình cảm lãng mạn, mượn chút yếu tố khoa học viễn tưởng để làm nổi bật hành trình tìm lại tình yêu qua ký ức.

Phần cuối phim đưa người xem về thực tại ngay sau khoảnh khắc mà phần đầu phim bỏ lửng để liên kết mọi thứ lại với nhau. Cách làm này tỏ ra rất có hiệu quả vì người xem đã biết được hành động và cảm giác của các nhân vật chính vào một thời điểm nào đó trong tương lai, khiến cho cuộc gặp đầu tiên này như mới với cả chính họ cũng như Clementine và Joel.   

Chúng ta có cùng cảm giác hoang mang với Joel trong lúc anh tìm về miền ký ức nhưng rồi cuối cùng ta cũng nhận ra điều gì đang bị đe dọa và cùng với nhân vật, ta tự hỏi nếu là mình thì sẽ làm gì trong những tình huống như thế này. Kauffman khiến ta phải nghi ngờ liệu mình đa nghi hay lãng mạn và dù phim không mang kết thúc mở nhưng mỗi khán giả cũng có thể tự tưởng tượng ra một cái kết cho riêng mình.

3. Sunset Blvd

Sunset Blvd của Billy Wilder là một bước ngoặc trong thời kì vàng của Hollywood tập trung vào sự thiếu vắng tình người trong các ngành nghề đầy cạnh tranh. Mở đầu là một vụ án mạng trong một khu biệt thự cao cấp và người xem được cung cấp đầy đủ những chi tiết cần thiết. Ngay từ đầu, cách tiếp cận thô lỗ của tay phóng viên là bằng chứng rõ ràng nhất, hắn mô tả nạn nhân là “không mấy quan trọng” và vụ án chỉ hấp dẫn khi nó dính dáng tới một cựu ngôi sao.

Câu chuyện lại quay về 6 tháng trước đó và lần này Joe, một biên kịch chưa gặp thời đang chật vật với nghề, xuất hiện. Anh ta thấy một cơ hội le lói nơi Norma Desmond, một ngôi sao hết thời từ lâu và thế là anh chộp lấy nó. Và thế là mối quan hệ phụ thuộc của họ bắt đầu với việc Joe khao khát một thành công và Norma dần có cảm tình với anh. Vào lúc cao trào nhất của phim, Norma bắn anh tới chết và khán giả lại được đưa về cảnh mở màn. Để rồi cuối cùng Norma trở nên mất trí hoàn toàn nhưng vẫn chuẩn bị cho vai diễn đáng ra thuộc về cô, đây cũng là điểm gây xúc động nơi khán giả khi Norma mất dần ý thức với thực tại. Câu chuyện của Max có lẽ là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ ngang trái bởi ta nhận ra rằng anh sẵn sàng từ bỏ chiếc ghế đạo diễn để đến với Norma, dù cho bị coi như một nô lệ.

Lần lượt từng nhân vật của phim đều mắc cho mình những sai lầm nghiêm trọng, sẵn sàng lao vào bể khổ để hướng đến một cái kết tốt đẹp hơn. Đó cũng là thực tại khắc nghiệt ẩn đằng sau ánh hào quang của Hollywood.

2. Citizen Kane

Dù thường được biết đến là bộ phim tuyệt vời nhất, Citizen Kane cũng gây nên nhiều tranh cãi trong bộ phận fan điện ảnh cũng như các nhà phê bình có lẽ chỉ từ nhận định trên. Nhưng bỏ qua điều đó thì đây hẳn là một tác phẩm đáng để nghiên cứu về câu chuyện và cả hướng đi của nó.

Một hình ảnh lờ mờ của tòa nhà bỏ hoang mang màu sắc gothic, gần như giống với Dracula xuất hiện khi phim vừa bắt đầu, và nó dần hóa thành một ngôi mộ khi hình ảnh trở nên sắc nét hơn. Tuyết bắt đầu rơi tạo thành một quả cầu tuyết theo đúng những gì ta có thể suy đoán. Trước khi nhân vật chính chết, khán giả nghe được một từ duy nhất: Rosebud. Mái vòm vỡ nát ngay khi Kane lìa trần để hoàn thành nốt hình ảnh ẩn dụ vĩ đại của bộ phim, thứ mãi là bí ẩn cho tới tận phân cảnh cuối cùng. Quá trình lồng ghép cảm xúc vào hình ảnh đã cho thấy khả năng điều hướng tuyệt vời của Welles. Bí ẩn xoay quanh Rosebud và hình ảnh quả cầu tuyết bao trùm cả bộ phim và chỉ với một manh mối duy nhất là câu chuyện kết thúc bằng cái chết của Kane, người xem còn không chắc mình trông đợi điều gì. Orson Welles đã tạo nên những biểu tượng quá mê hoặc khiến ta chú ý còn hơn cả bí ẩn về Rosebud dù nó liên quan tới câu chuyện về Kane và chiếm phần lớn thời lượng.

1. Double Indemnity

Đây hẳn là một tuyệt tác thật sự không chỉ là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm sau này mà còn mang một nét rất riêng khi ngang nhiên đưa ra quá nhiều thông tin, bao gồm cả danh tính kẻ sát nhân ngay từ phân đoạn mở đầu và để lại đó một bí ẩn xuyên suốt được lồng ghép cực kì công phu.

Phim bắt đầu với cảnh Walter Neff chạy thục mạng về văn phòng, với bàn tay che đi vết đạn bắn trên vai. Biểu hiện của gã ngay lập tức biến chuyển khi vừa bước vào văn phòng, điềm tĩnh và tự chủ. Gã phớt lờ cuộc trò chuyện của tay bảo vệ già, cho thấy những toan tính trong tâm trí gã. Và câu chuyện dần đi vào nhịp khi gã thú nhận những chi tiết về việc đòi bảo hiểm Dietrichson.

Người ta sẽ cho rằng việc đưa ra quá nhiều thông tin ngay từ giai đoạn đầu sẽ khiến bí mật của phim trở nên kém thú vị nhưng Double Indemnity là một câu chuyện nhiều lớp khiến cho người xem phải tập trung xuyên suốt thời lượng phim. Một cơ số những nhân vật lần lượt xuất hiện chiếm trọn sự quan tâm của khán giả để lấp đi khoảng trống mà lời thú nhận của Deff để lại.

Đó là điều khiến phần mở màn trở nên thành công, nó vừa đưa ra lời giải cho câu hỏi lớn nhất phim mà vẫn mang theo một bí ẩn tồn tại cho tới khi đoạn credit xuất hiện.

Top 10 phim trinh thám kịch tính của thế kỷ 21 theo Taste of Cinema

Top 10 phim trinh thám kịch tính của thế kỷ 21 theo Taste of Cinema

Dưới đây là top 10 được bình chọn là các phim kịch tính nhất. Những tựa phim này thường kích thích tư duy khán giả, mang lại cảm xúc mạnh mẽ, và nhiều yếu tố bí ẩn.

10 tác phẩm điện ảnh được chính tay các diễn viên tài năng đạo diễn

10 tác phẩm điện ảnh được chính tay các diễn viên tài năng đạo diễn

Một bộ phim điện ảnh được đánh giá cao khi có sự phối hợp ăn ý của một kịch bản chất lượng, nhà quay phim xuất sắc, diễn xuất đỉnh cao và âm thanh ấn tượng. Cùng Moveek điểm qua 10 bộ phim điện ảnh được chính các diễn viên tài năng đạo diễn nhé.

Nguồn: Bài và ảnh: Taste of Cinema