Bad Genius và những sự kiện có thật, điện ảnh Thái đã tiến bộ như thế rồi sao?
Tin điện ảnh · MarsLe ·
Trong năm 2011, 90% giấy giới thiệu nhập học đến từ Trung Quốc cho các trường ở Tây Mỹ là giả mạo. 70% bài tiểu luận không được viết bởi thí sinh. 50% bảng điểm cấp hai là giả mạo.
Ngày 31.10.2014, tạp chí Time chạy dòng tít “Bạn nghĩ bạn có thể gian lận trong kỳ thì SAT? Hội đồng* khuyên bạn hãy nghĩ lại.”
*Hội đồng các trường tại Mỹ: the College Board.
Lưu ý: bài viết tiết lộ nội dung phim. Cân nhắc trước khi đọc tiếp.
8 tháng sau đó (06.2015), một bê bối gian lận thi cử đã xảy ra trong các kỳ thi SAT, GRE cùng nhiều kỳ thi xin nhập học tại rất nhiều trường cao đẳng và đại học tại Mỹ. 15 nghi phạm người Trung Quốc đã bị cáo buộc tổ chức gian lận thi cử và nhận $6,000 cho mỗi thí sinh.
Bê bối gian lận thi cử đã diễn ra trong 1 thời gian dài, đặc biệt là với các sinh viên đến từ châu Á. Rất nhiều lần kết quả thi đã phải bị xem xét lại, hủy kết quả, thậm chí toàn bộ kỳ thi SAT diễn ra hồi tháng 5.2013 tại Hàn Quốc đã bị hủy bỏ vì câu hỏi bị rò rỉ.
Mấu chốt của việc gian lận thi cử này đến từ việc bộ đề thi tại Mỹ sẽ được sử dụng lại cho các kỳ thi tương tự ở các quốc gia khác trên thế giới và có sự chênh lệch múi giờ giữa Mỹ và các khu vực khác. Chi tiết này là điều kiện tiên quyết tạo nên bộ phim Bad Genius – Thiên Tài Bất Hảo.
Việc gian lận được tổ chức với quy mô lớn. Với một số kỳ thi nhỏ tại Mỹ, các nhóm gian lận sẽ gửi người đến Mỹ đến giả dạng các thí sinh và làm bài giúp họ hoặc tìm cách gửi đề thi ra ngoài và táo bạo hơn khi ghi nhớ toàn bộ đề thi.
Với kỳ thi SAT, các nhóm này tổ chức đưa người vào các cuộc thi ở những múi giờ thi sớm so với những khu vực còn lại. Những người này sau đó sẽ ghi nhớ bộ đề và gửi đi câu hỏi trong giờ nghỉ giải lao. Với những múi giờ sát nhau, câu trả lời sẽ được gửi thẳng đến máy tính mà sinh viên được quyền mang theo.
Theo báo cáo, tất cả 5 kỳ thi SAT diễn ra đầu năm 2015 ở châu Á đều có dấu hiệu gian lận. Trong năm 2011, 90% giấy giới thiệu nhập học đến từ Trung Quốc cho các trường ở Tây Mỹ là giả mạo. 70% bài tiểu luận không được viết bởi thí sinh. 50% bảng điểm cấp hai là giả mạo.
Từ năm 2013 – 2014, ước tính có hơn 8,000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi các trường tại Mỹ. Và 80% trong số này bị đuổi vì gian lận thi cử hoặc thi rớt quá nhiều lần.
Cho đến năm 2014, kỳ thi SAT vẫn được tổ chức thi trên giấy và dùng bút chì để không có bất kỳ thông tin nào có thể bị rò rỉ lên Internet (nếu không kết nối với chúng). Hội Đồng cho rằng: Những kỳ thi này không thể bị gian lận. Nhưng suy nghĩ này đã bị buộc phải thay đổi. Để tạm khắc phục sự gian lận, Hội Đồng đã phải giảm số kỳ thi từ 6 còn 4 tại Hàn Quốc, Ai Cập, và Ả-rập từ năm 2013.
Ý tưởng kịch bản Bad Genius đến từ nhà sản xuất Jira Maligool khi ông bắt gặp tin tức về bê bối gian lận thi cử tại kỳ thi SAT diễn ra ở Trung Quốc. Jira sau đó đã mời Nattawut Poonpiriya để cùng phát triển kịch bản đầu tiên mang tên 2B Come Won – cái tên này bắt nguồn từ cây bút chì 2B được sử dụng trong kỳ thi trắc nghiệm.
Sau gần 18 tháng nghiên cứu về quy trình thi cử cũng như những thông tin được đăng tải trên phương tiện truyền thông, ekip sản xuất đã cho ra lò kịch bản Bad Genius, đặc biệt kịch bản được chỉnh sửa khéo léo cho phù hợp với khán giả Thái. Có hai điều đặc biệt lẫn thử thách khi tạo nên kịch bản này. Một chính là phải biến một hoạt động chán nhất quả đất – thi cử thành những màn kịch tính và hấp dẫn đến nghẹt thở. Hai là phải xây dựng được sự đối lập hoàn toàn về xuất thân trong xã hội để câu chuyện diễn ra một cách thuyết phục.
- Kỳ thi STIC được tạo ra để thay thế cho SAT, không kỳ thi nào mang tên này.
- Một triệu Bath tương đương hơn 686,5 triệu đồng
- Đây là phim thứ 2 của đạo diễn Nattawut Poonpiriya sau Count Down (2012)