Bao Giờ Có Yêu Nhau – Cây thủy tùng xanh non

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Bao Giờ Có Yêu Nhau có thể không tạo được hit trong làng điện ảnh Việt hiện tại. Nhưng với những gì Dustin Nguyễn đã làm được với nó, chúng ta có thể mong chờ vào những thành công to lớn hơn

Phần đầu bài bình luận dĩ nhiên vẫn dành cho những độc giả “dài quá ngại đọc”.

 

  • Đáng xem: Có
  • Diễn xuất: hai diễn viên chính diễn ổn nhưng chưa tạo được thăng hoa. Dàn diễn viên phụ khá tròn vai.
  • Âm nhạc: có cá tính và văn hóa (sẽ nói trong phần sau của bài).
  • Hình ảnh: chất lượng cao đúng chuẩn Dustin Nguyễn.
  • Cốt truyện: có hơi đơn giản, chuyển đoạn chưa tốt.
  • Tổng thể: là một bộ phim đúng nghĩa phim, tuy chưa tuyệt vời nhưng thể hiện được nhiều điều tích cực.

Tóm lại, xem phim này giống như đi uống café cùng Minh Hằng và Quý Bình vậy. Dĩ nhiên sẽ rất thú vị nhưng chưa đủ cảm động đển khắc cốt ghi tâm.

Được rồi, phần dài dòng của bài review xin được bắt đầu.

Bộ rễ vững chãi

Sở dĩ tôi đặt tựa bài là “Cây thủy tùng xanh non” là vì muốn dựa trên tình tiết bắt đầu phim: Linh (Minh Hằng), lên cùng cao tìm kiếm cây thủy tùng. Tại đây, cô đã được Huy (Quý Bình) cứu giúp. Sau đó, hai người yêu nhau và bị mẹ Linh (Kim Xuân) ngăn cấm. Buồn chán, cả hai đi du lịch đến Phan Thiết. Và chuyến du lịch này mở ra một hành trình đầy tàn khốc nhưng cũng vô cùng lãng mạn, vốn đã kéo dài từ trước khi họ ra đời. Định mệnh chăng? Xin hãy xem phim để tìm câu trả lời của riêng bạn.

Nếu đã so sánh bộ phim này là cây thủy tùng, thì bộ rễ của nó chính là nền văn hóa Việt và những người đứng sau hậu trường. Văn hóa Việt Nam thể hiện đậm nét qua nhạc phim. Dustin Nguyễn đã rất khéo léo khi sử dụng style nhạc vui tươi do chính Minh Hằng thể hiện trong những trường đoạn yêu đương trong sang đầu phim. Điều này giúp chiếm cảm tình của số đông khán giả trẻ. Và khi chuyển đổi từ tươi sáng qua sự huyền bí, khốc liệt, ông dùng nhạc của Lê Cát Trọng Lý như muốn “xoa dịu” khán giả trước sự chuyển đổi này. Rõ ràng, sử dụng nhạc của Lê Cát Trọng Lý là một điểm cộng khác, vì nó giúp thể hiện chất liêu trai của bộ phim lẫn thu hút khán giả trẻ thích dòng nhạc độc, lạ của chị Lý. Cuối cùng, khi bộ phim đi đến cao trào và mở ra những nút thắt của bộ phim, ông dùng ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” của Phạm Duy do Thái Thanh trình bày.

Nếu bạn là một khán giả trẻ ít nghe nhạc xưa, bạn sẽ thấy bài hát này chỉ là một gia vị cho bộ phim. Nhưng với một người yêu âm nhạc cổ điển Việt Nam, thì trường đoạn sử dụng ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” là một sự thăng hoa về hình ảnh lẫn âm thanh. Mọi thứ trong trường đoạn này chính là một minh chứng rằng nhạc Việt, văn hóa Việt từng có một thời đại đẹp đẽ như ảo mộng.

Nhìn chung, âm nhạc của bộ phim  đảm bảo việc “cắm rễ” trong lòng một lượng lớn người xem từ già đến trẻ. Và tôi đánh giá cao sự tôn vinh văn hóa Việt của đạo diễn Dustin Nguyễn. Nhất là trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam vay mượn quá nhiều từ nhạc nước ngoài.

Và không chỉ có nhạc phim, ekip hình ảnh, hành động cũng rất chăm chút cho từng khung hình trong phim. Những pha hành động, những cảnh quay fly cam được dùng vừa phải và nhằm mục đích tạo thêm góc nhìn cho phim, chứ không bị nhồi nhét đến “ngập mặt” để khoe kĩ xảo.

Nhưng vẫn xanh non

Bao Giờ Có Yêu Nhau là một cây thủy tùng. Vì bộ phim có cái chất “mạnh mẽ, thành thực và trung thành” giống như các nhân vật trong phim mô tả. Nhưng những yếu kém rõ ràng trong phim đã khiến nó trở nên xanh, non.

Khuyết điểm lớn nhất có lẽ chính là diễn xuất. Nếu bảo Minh Hằng và Quý Bình diễn tồi thì thật bất công cho họ. Nhưng 15 phút đầu phim, giọng nói của Minh Hằng tạo cảm giác như thể cô đang “đọc” lời thoại chứ không phải diễn. Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó nán lại sau 20 phút đầu phim, khi bộ phim dần thể hiện các khía cạnh khác của câu chuyện, thì diễn xuất của Minh Hằng sẽ “đỡ” hơn một chút. Bên cạnh đó là Quý Bình. Anh thể hiện tốt chất lãng tử phong trần nhờ ngoại hình chuẩn của mình. Nhưng diễn xuất của anh chưa đủ đột phá để thể hiện chất liêu trai, mộng mị của bộ phim, đặc biệt là trong những phân cảnh khai thác yếu tố cổ xưa. May mắn thay, dàn diễn viên phụ đã làm tốt nhiệm vụ bao bọc cho hai ngôi sao của chúng ta. Từ vai mẹ Linh (Kim Xuân) đến bà hang cơm, ông chủ tiệm xe v.v. đều diễn khá tốt dù chỉ trong vài cảnh ngắn ngủi.

Một nét non xanh khác chính là cốt truyện. Hiện nay, khán giả Việt đã quen tiếp xúc với các tác phẩm “khó hiểu, hack não” trên thế giới. Dustin Nguyễn đã rất khéo léo khi không cố gồng mình tạo ra sự đột phá về cốt truyện. Ông chọn một cốt truyện dễ đoán nhưng khai thác nó bằng những cách tốt nhất có thể. Và ông đã làm tốt với nhạc phim, hiệu ứng kĩ xảo…Tuy vậy, cách chuyển đổi mạch phim từ tươi vui qua u ám, hay cách giải thích tình tiết trong phim vẫn còn lủng củng, tạo nên một sự khó chịu nhẹ cho khán giả. Và có một số tình tiết có lẽ đã đắt giá hơn nếu ông mạnh tay khai thác nó. Mặc dù vậy, không thể không nhìn nhận Dustin Nguyễn đã lồng ghép cái yếu tố triết lý gắn liền với đời sống tinh thần người Việt một cách rất khéo léo. Mối quan hệ Nhân- Quả, những quan niệm dân gian, niềm tin vào tình yêu và sự tha thứ v.v. được thể hiện rõ nhưng không thô. Đó là một sự tôn trọng khán giả đáng khen.

Một nỗ lực đáng được thừa nhận

Bao Giờ Có Yêu Nhau có thể không tạo được hit trong làng điện ảnh Việt hiện tại. Nhưng với những gì Dustin Nguyễn đã làm được với nó, chúng ta có thể mong chờ vào những thành công to lớn hơn. Bởi vì đến như tình yêu cũng còn phải chờ đợi cơ mà:

“Kiếp nào có yêu nhau

Thì xin tìm đến mai sau

Hoa xanh  khi chưa nở

Tình xanh khi chưa lo sợ”

(Phạm Duy)