Captain America:Civil War - Cuộc chiến vội vã
Tin điện ảnh · Moveek ·
Cốt truyện của Civil War xoay quanh đạo luật Đăng ký Siêu nhân (gồm cả sự kiện vụ nổ gây thiệt hại nhân mạng là nguyên nhân của đạo luật), mâu thuẫn giữa 2 phe Ironman và Captain America về đạo luật này
Ngày 28/10/2014, fan hâm mộ comic (truyện tranh Phương Tây) vỡ òa lên sung sướng khi Marvel thông báo cái tên Captain America: Civil War trong danh sách dài hơi những bộ phim siêu anh hùng sẽ lên màn ảnh rộng của họ. Với tất cả háo hức, các fan hâm mộ đã chờ gần 1 năm rưỡi để chứng kiến một trong những biến cố lịch sử như đạo diễn Russo khẳng định đã biến đổi vũ trụ Marvel mãi mãi. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn mang trong lòng sự hoang mang lo lắng khi cho rằng Marvel đã quá sớm khi mang một sự kiện có tầm vóc quá lớn lên màn ảnh rộng trong khi cái nền cho sự kiền này chưa thực sự đầy đủ. Người viết cũng vậy và đành tự trấn an mình phim là phim mà truyện là truyện, đạo diễn sẽ tìm cách làm hài hòa các yếu tố và nội dung truyện một cách tốt nhất. Niềm tin này càng được củng cố khi Marvel mang đến bộ phim Captain America: Winter Soldier với nội dung khá tốt và những cảnh hành động mạnh mẽ, mặc dù vẫn mắc lỗi thường thấy trong việc xử lý phe phản diện. Nhưng…
Civil War là gì?
Trước khi đi vào bộ phim, ta hãy tìm hiểu sơ qua Civil War phiên bản comic. Truyện khởi đầu bằng việc các siêu anh hùng New Warriors, cũng là những ngôi sao truyền hình thực tế, đi lùng bắt bốn tên tội phạm tại Stampford Connecticut đã trốn thoát từ nhà tù đảo Ryker. Trong lúc truy đuổi, tên siêu tội phạm Nitro đã dùng năng lực phát nổ của mình để giết gần hết nhóm New Warriors và toàn bộ trẻ em trong một ngôi trường tiểu học gần đó. Cả nước Mỹ sục sôi vì sự kiện kinh hoàng này và chính phủ buộc phải ban hành đạo luật Đăng ký Siêu nhân đối với các siêu anh hùng. Trong khi Ironman và S.H.I.E.L.D cùng nhiều người khác ủng hộ đạo luật này, Captain America cùng chiến hữu của mình phản đối vì ảnh hưởng của đạo luật đến nhân dạng của các siêu anh hùng. Xung đột được đẩy lên cao và trở thành cuộc chiến đẫm máu khi chính các siêu anh hùng lao vào đánh giết chính bằng hữu của mình.
Như có thể thấy, cốt truyện của Civil War xoay quanh đạo luật Đăng ký Siêu nhân (gồm cả sự kiện vụ nổ gây thiệt hại nhân mạng là nguyên nhân của đạo luật), mâu thuẫn giữa 2 phe Ironman và Captain America về đạo luật này. Kịch bản của Civil War cũng được xây dựng dựa trên những mốc này tuy diễn biến được đẩy đi theo một hướng khác so với kịch bản gốc của comic và được thiết kế gia giảm gọn nhẹ đi nhiều cho phù hợp với thời lượng 2 tiếng 27 phút của bộ phim. Điều này chẳng có gì đáng phàn nàn vì hướng đi của MCU (thế giới điện ảnh Marvel) cũng như tính cách các nhân vật trong phim đã có những khác biệt căn bản với hình mẫu trong comic. Hơn nữa việc làm khác đi cũng giúp Marvel tiếp cận người xem mới tốt hơn trong khi khiến người hâm mộ sẵn có được tận hưởng Civil War dưới góc độ khác với những khác biệt sáng tạo cần thiết. Vấn đề là anh em nhà Russo sẽ xử lý nội dung phim thế nào cho xứng với tiêu đề “Civil War”? Có thể nói họ đã thành công nhưng khó có thể nói họ đã làm tốt.
Bộ phim tốt một cách an toàn
Như đã nói ở trên, bộ phim Civil War xoay quanh những vấn đề tương tự trong truyện gốc: vụ nổ gây thiệt mạng người vô tội, đạo luật Đăng ký Siêu nhân, sự mâu thuẫn giữa 2 phe Ironman và Captain America. Mâu thuẫn giữa Ironman và Captain America đã tồn tại từ những ngày đầu thành lập Avengers và đã được thể hiện khá rõ ràng trong bộ phim Age of Ultron qua cuộc đối thoại tại nhà Hawkeye. Đạo luật Đăng ký rõ ràng chỉ là giọt nước làm tràn ly về mâu thuẫn giữa 2 người có thể coi là đứng đầu Avengers này. Tuy nhiên, Civil War có phần hơi quá sớm khi vẫn chưa đào “đủ” sâu nỗi sợ hãi của người thường và thậm chí cả chính phủ đối với các siêu anh hùng. Biết rõ điều đó anh em nhà Russo đã thêm vào một món gia vị khá đặc sắc: “Chiến binh mùa Đông” Bucky – bạn thân của Steve Rogers hay còn gọi là Captain America.
Bucky vả Steve đều là những bóng ma của quá khứ hiện hữu tại thế giới hiện tại và những gì họ đã làm đều bám theo họ một cách oan nghiệt. Những gì HYDRA cài vào đầu Bucky biến anh thành “Chiến binh mùa Đông” giờ đã biến anh thành viên đạn bạc để kẻ thủ ác bắn thẳng vào nỗi đau thù hận của những siêu anh hùng trong phim. Để bảo vệ bạn mình, Steve Rogers bước qua làn ranh chiến tuyến để đối đầu với Ironman trong thế nước với lửa, cá với thép, mặc cho 117 quốc gia đang quan sát mình. Nội dung của bộ phim có ẩn ý vừa đủ, có yếu tố bất ngờ (twists) được cài cắm tốt cùng cách thể hiện dễ hiểu và phân cảnh hành động dàn trải giúp bộ phim “có vẻ” rất mượt và dễ tiếp nhận đối với phần đông khán giả. Đây là những điểm mạnh không thể chối cãi được của Marvel trừ những khán giả nào có bệnh đau đầu khi xem những cảnh cháy nổ.
Nhiều nhân vật trong phim được thể hiện tốt. Clint Barton có vẻ mờ nhạt khi phải miễn cưỡng đối đầu với các chiến hữu nhưng lại bừng sáng trở lại khi đấu khẩu với Tony Stark. Phải nói là Jeremy Renner lúc đó không còn là Hawkeye nữa mà trở lại là Brian Gamble (S.W.A.T 2003) mất rồi. Các diễn viên đóng vai War Machine, Black Widow, Falcon, Ant Mant, Sharon Carter .v.v.. thể hiện tròn vai. Trong số đó có lẽ Black Panther thể hiện khá nhất khi phải đóng một vai bị lửa thù hận nuốt trọn. Scarlet Jonshon có phần sa sút trong vai Black Widow khi nhân vật này trở nên đầm hơn, mang tính thiếu phụ hơn và không còn nhiều chất gián điệp nữa.
Bên cạnh đó cặp “trẻ con” Wanda và Vision cũng gây ấn tượng vô cùng thú vị. Mặc dù có Mind Gem viên đá trí tuệ quyền năng giúp người nắm giữ gần như trở nên toàn trí, Vision vẫn có cái gì đó rất “trẻ con” khi đối mặt với Wanda. Thể hiện sự quan tâm thẳng thừng, cố gắng bảo vệ khuyên can nhưng lại ngại ngùng khi có sự xuất hiện của người thứ ba bất kỳ, còn gì thể hiện rõ một cậu trai đang yêu hơn thế? Vision biết rõ cảm xúc chỉ đơn giản là phản ứng của hệ thần kinh nhưng chẳng thể lý giải nổi tình cảm của mình với Wanda – thứ tình cảm cũng huyền bí và quyền năng như chính cục Mind Gem trên trán mình.
Wanda thì ngược lại, là đứa trẻ lớn lên trong ác mộng (Age of Ultron) đang cố tìm cho mình một cõi bình yên trong tâm hồn. Và Scarlet Witch có lẽ đã tìm được phần nào đó trong sự rung động với Vision. Nhưng Wanda cũng thể hiện là đứa trẻ đang dần trưởng thành và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Đáng tiếc nhiều người lại coi cô là mối nguy đáng sợ trong khi chỉ có số ít quan tâm đến việc giúp cô vượt qua nỗi sợ để trưởng thành. Giúp làm sao được khi họ mãi coi cô chỉ là đứa trẻ có siêu năng lực?
Nhiều người cho rằng Spiderman đã cướp màn diễn của Captain America trong bộ phim của chính mình. Tuy Marvel đã để khá nhiều thời lượng cho thanh niên mới lớn này, nhưng sự hài hước của bộ đồ bó màu đỏ ấy chỉ khiến người ta thích thú chứ chưa đủ để làm lu mờ các diễn viên khác. Robert Downey Jr. mới là người làm điều đó – cướp màn diễn của các thành viên khác trong phim. Với tài năng diễn xuất của mình, Robert đã thể hiện một Tony Stark khá sâu sắc: sự trầm ngâm khi chịu nhiều sự đả kích trong tình cảm và sự nghiệp (Ironman 3) , cảm giác hối hận và bất lực trước sự ra đi của những nạn nhân vô tội cùng sự giận dữ điên cuồng khi hận thù bị khơi gợi. Thậm chí có thể nói diễn xuất của Robert Downey vào cuối phim đã giúp bộ phim phần nào phá vỡ sự an toàn của chính mình gia tăng sắc tố đen tối và bi kịch cho kịch bản. Phân đoạn hành động cuối cũng có thể coi là phân đoạn hành động hay nhất và ý nghĩa nhất của tập phim “Civil War” này.
Có xứng với Civil War?
Đạo diễn Russo đã phải thừa nhận nguyên nhân chính khiến mình thực hiện bộ phim “Captain America: Civil War” là do chính bị ảnh hưởng bởi bộ phim “Batman versus Superman: Dawn of Justice” của DC. Cả 2 bộ phim đều nói về cuộc “nội chiến” giữa của siêu anh hùng và đều ra mắt vào năm 2016. Quả là một cuộc “nội chiến” giữa 2 hãng truyện tranh nổi tiếng cũng như những fan hâm mộ. Đạo diễn Russo cũng không che dấu tham vọng muốn bộ phim đưa MCU lên một tầm vóc mới thay đổi vĩnh viễn so với trước đó. Liệu bộ phim có xứng với cái tên “Civil War” và gánh nổi tầm vóc lớn lao đó?
Khó có thể nói là nó có thể mặc dù nó thực sự thành công về mặt thương mại. Sự thiết lập vội vàng đã để lại nhiều lỗ hổng thiếu thuyết phục trong bộ phim. Điểm đầu tiên có thể thấy chính là sự hình thành của Đạo luật Đăng ký Siêu nhân. Vốn đạo luật này được thiết lập do chính phủ các nước nhận thấy sự thiệt hại do các siêu anh hùng gây ra trong các trận chiến sống mái của mình, đặc biệt là sau vụ nổ bom – chốt chính khởi đầu của Civil War. Bỏ qua cảnh lỗi của vụ nổ bom đầy sự khiên cưỡng, các yếu tố góp phần xây dựng đạo luật này – sự mâu thuẫn giữa giới chính trị và ác siêu anh hùng - đã không được xây dựng đầy đủ. Trong các tập phim trước không hiểu Marvel có cố tình quên hay không, nhưng không hề sự diễn tả hay liên hệ đến mâu thuẫn trên. Cái cách lồng ghép các sự kiện trong những tập phim trước đó để “đổ tội” cho Avengers khiên cưỡng không khác gì Biofeld “nhận vơ” các âm mưu ám hại James Bond trước đó vào Spectre trong bộ phim cùng tên. Đạo luật chỉ phần nào bớt khiên cưởng khi Vision phát biểu, không khác gì Songoku, nhiều quyền năng dẫn đến nhiều thảm họa. Tuy câu nói này hơi mang màu sắc tự ti vì gốc gác của Vision dính liền đến Ultron và Loki, nhưng điểm lại phần nhiều cuộc chiến trong MCU là do các siêu anh hùng khơi gợi. Nhưng liệu nếu không có những siêu anh hùng, liệu Trái Đất có thật sự yên bình hay không? Khi HYDRA sẽ tiếp tục phát triển vươn vòi ra khắp thế giới và Thanos vẫn nhăm nhe trên bầu trời giữa các vì sao.
Ngoài lời phát biểu của Vision, có thể khiên cưỡng giải thích theo cách khác là sự thiếu căn cứ của đạo luật thật ra là để cho Captain America khai thác chống lại đạo luật này. Nếu chính là như thế thì không biết là do Marvel quá nuông chiều Steve Rogers hay lười biếng đào sâu thêm chính kịch bản của họ? Điều này chỉ có họ mới có thể trả lời. Khởi đầu thiếu vững chắc đã khiến mâu thuẫn giứa 2 phe Captain America và Inron man chưa đủ độ chín muồi để chia ra 2 chiến tuyến một cách thuyết phục. Điều này khiến cho bộ phim mất hẳn chất “Civil War” bởi những trận đánh trong phim, dù chia phe đàng hoàng, chỉ mang tính chất lục đục nội bộ chứ chưa lên đến mức “nội chiến” giữa những tư tưởng đối lập. Nhìn thấy điều đó anh em đạo diễn Russo cho thêm gia vị “Bucky Banners” để đào sâu thêm mâu thuẫn giữa các thành viên khi chiến binh mùa Đông là bạn của người này nhưng lại là kẻ thù của người kia. Tiếc thay điều này chẳng khác gì đem sâm chữa đau bụng khi càng khiến Civil War chẳng còn là nội chiến mà chỉ còn là cuộc trả thù giữa những cá nhân trong Avengers.
Những vấn đề nội tại
Một điểm trừ lớn nữa của Marvel chính là sự phung phí các nhân vật phản diện. Marvel có rất nhiều nhân vật phản diện có tiềm năng và thú vị nhưng chính hãng này lại chẳng khai thác được như trong chính comic của mình. Trước tiên, trừ những nhân vật có sức thu hút lớn ra như Loki, truyền thống của Marvel luôn là cho nhân vật phản diện ra đi sau 1 tập phim (Ronan, Ultron .v.v..). Nguyên nhân là do cách xử lý “mỗi phim một câu truyện” khiến cho Marvel không thể để các nhân vật dây dưa từ phần này sang phần khác được sẽ gây nhàm chán cho khán giả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Marvel nên cắt xoẹt “sinh mạng” của các nhân vật phản diện một cách lạnh lùng như thế. Bên cạnh đó, cách xây dựng nhân vật phẩn diện của Marvel càng lúc càng có vấn đề. Một nửa các nhân vật phản diện được xây dựng từ nguyên gốc comic có những điểm rất thú vị như nội tâm, nguồn gốc, tư tưởng .v.v.. Một nửa khác lại bị ảnh hưởng cách xây dựng nhân vật phản diện truyền thống của Disney khi đóng các nhân vật phản diện vào một cái khung xưa như Diễm. Điều này khiến cho nhân vật phản diện của Marvel có hình thức hay kế hoạch tỏ ra nguy hiểm nhưng lại được khai thác và xây dựng một cách hời hợt.
Các nhân vật chính của bộ phim, mặc dù được xây dưng khá tốt, cũng gặp một cơ số vấn đề. Thứ nhất chính là tâm lý của các nhân vật bị thay đổi hay đúng hơn là bị “hy sinh” cho nội dung của truyện. Đầu tiên là Tony Stark từ một kẻ bất cần đời và không thèm coi chính phủ ra gì (Ironman 2) thì nay bỗng dưng đổi tính trầm ngầm và chấp nhận đạo luật đăng ký của Liên Hợp Quốc như một phương án an toàn. Mặc dù có thể đổ nguyên do trầm ngâm của Tony là vì những đả kích trước đó trong sự nghiệp tình cảm và ám ảnh của những cái chết vô tội, thì thái độ hạ mình trước đạo luật mới cũng không phù hợp với diễn biến tính cách của Tony. Bên cạnh đó cái máu dân chơi playboy điểm cuốn hút fan của Ironman trong phần này cũng đã biến mất. Phải chăng tuổi già đã khiến Tony nhu nhược đi ít nhiều?
Ở chiều ngược lại, Captain America cũng có sự thay đổi tâm lý kỳ lạ. Steve Rogers từ một con người chính trực, đầy trách nhiệm của thanh niên nghiêm túc mẫu mực thập niên 40s bổng chốc đã trở thành kẻ bốc đồng thiếu tính toán. Phải chăng đả kích từ sự ra đi của Peggy hay tình bạn thắm thiết với Bucky Banners đã khiến Steve Rogers quên đi ai là người hướng dẫn người dân trú ẩn an toàn trong “Assemble of Avengers” hay quên đi ai đã nói “Someone tries to win a war before it starts, innocent people die” trong “Age of Ultron”?! Tuy vậy, cũng phải để Steve Rogers thể hiện khả năng tính toán của con người đã được nâng cấp này chứ?! Đáng tiếc là không. Thậm chí phân cảnh hành động giữa phim còn thể hiệu sự thiếu tính toán của Captain America và những người bạn. Bên cạnh đó, sự phát triển tình cảm của Captain America cũng được xây dựng rất hời hợt. Điều này khiến cho nụ hôn của Captain America vốn có thể trở thành điểm nhân của phim trở nên nhạt toẹt.
Phân cảnh đem lại cảm giác bộ phim đã được “hiệu chỉnh” tốt khi câu chuyện được thể hiện khá mượt mà. Tuy nhiên, nếu xem kỹ lại thì có thể phát hiện “Civil War” không hoàn toàn mượt. Với yếu điểm cố hữu của các bộ phim có nhiều tuyến nhân vật, các phân cảnh của Civil War thật sự khá là rời rạc và có nhiều chuyển cảnh đứt đoạn. Tuy nhiên, những phân cảnh của Civil War không mang nhiều giá trị nặng đầu giúp cho khán giá không bị vướng vào những câu hỏi khó do phim dấy lên, làm quên theo dõi những phân đoạn tiếp theo. Cách này tuy khiến khán giả không bị mất mạch xem phim nhưng điểm hạn chế là phim thiếu đi nhiều điểm nhấn cần thiết. Thủ pháp quay phim và tiết tấu bộ phim cũng quá bình thường khiến bộ phim nhiều lúc không thể tạo ra những cảnh quay đắt giá gây xúc động người xem.
Hành động cũng là một điểm trừ to lớn đối với bộ phim. Thừa hưởng sự thành các cảnh hành động của Captain America: Winter Soldier, bộ phim lần này dự kiến sẽ còn gây ấn tượng nhiều hơn. Đáng tiếc, thực tế chất lượng hành động trong bộ phim lại đi xuống hẳn so với hồi phần 2. Cách đánh không có gì thay đổi, góc quay rung lắc nhàm chán, những pha cắt cúp tạo hiệu ứng hành động chỉ ở mức trung bình khiến cảnh hành động trong bộ phim trở nên đơn điệu. Hơn nữa, phim đã thất bại một phần trong việc thể hiện siêu anh hùng khi các anh hùng đánh nhau một cách cục súc và có phần chậm chạp. Có lẽ chỉ có Black Panther được thể hiện khá sát với khả năng của siêu anh hùng nhất khi thực hiện các pha hành động nhanh và đầy kỹ thuật. Spiderman cũng không gây được nhiều cảm giác mới lạ trong những pha hành động “đu dây” của mình mặc dù được thể hiện rất nhiều. Có thể Sony đã làm quá tốt trong 2 series phim Người Nhện trước đó khiến Marvel buộc phải giữ mánh cho phần “Homecoming” của mình?
Bên cạnh đó, việc giảm khả năng của các nhân vật trong phim cũng có phần nào đó khiến cho fan hâm mộ cảm thấy khó chịu, nhất là khi việc giảm khả năng của các nhân vật thường không đều với nhau. Đơn cử như Spiderman mạnh hơn kha khá các siêu anh hùng nhưng lại bị đánh tơi bời hoa lá. Hay Ironman có thể tiêu diệt đối phương bằng tia beam nhưng tình nguyện chịu đòn tay bo trong bộ giáp kín cổng cao tường ấy. Ngoài ra, hài quá nhiều cũng là một điều phá hỏng bộ phim. Dẫu biết rằng hài sẽ giúp bộ phim nhẹ nhàng hơn đối với người xem phổ thông nhưng có cần nhét vào quá nhiều đến mức nát cả phân cảnh hành động trong phim? Hay anh em nhà Russo cho rằng nhiều hài mới chứng minh được họ có “sỏi” trong đầu như thế nào. Điều đó không rõ, chỉ rõ bộ phim còn thiếu một chút nữa là đạt đến độ nhảm của hài trong phim Transformers: Dark of the Moon.
Âm thanh cũng là một phần rất quan trọng, và đáng tiếc là “Civil War” đã không làm được. Bộ phim có rất nhiều tiếng ồn nhưng không có một âm thanh nào khác người xem phải nảy lên nổi da gà trước các sự kiện trong phim. Những phân cảnh và nhân vật đều có nhạc nền riêng nhưng đáng tiếc bài nào nghe cũng đều đều như bài nào. Nói chung, Marvel đã thất bại trong việc sử dụng âm nhạc để kích thích tâm trạng người nghe phù hợp với bộ phim “Civil War”. Thật sự Marvel có thể sử dụng âm thanh trần (chỉ có tiếng đánh nhau, đổ vỡ, không có âm nhạc) của cuộc chiến để đẩy mạnh sự quyết liệt trận chiến trong bộ phim. Tuy nhiên vì để đảm bảo an toàn nên sự quyết liệt đành nhường lại cho sự bình bình ổn ổn trong mọi mặt của bộ phim.
Dù nói gì đi nữa, với tư cách là một bộ phim thuần giải trí, Captain America: Civil War xứng đáng để bạn bỏ tiền ra mua vé đến rạp xem những nhân vật siêu anh hùng ưa thích của mình chiến đấu với nhau như thế nào. Cũng chẳng phải khó đoán bộ phim này sẽ gây sốt trên thị trường điện ảnh như thế nào và đạt lãi khủng doanh thu ra sao. Tuy nhiên, dẫu đã bỏ qua việc bộ phim chưa xứng với cái tên “Civil War” cả về tầm vóc và ý nghĩa, bộ phim vẫn còn nhiều điểm đáng phàn nàn do sự xây dựng vội vã và phương cách xây dựng an toàn của mình. Anh em nhà Russo có lẽ đã rất cố gắng để đẩy mạnh nội dung của MCU một cách quyết liệt hơn, nhưng đáng tiếc họ vẫn chưa vượt qua thủ pháp của chính mình. Góp ý một chút về phần nội dung có lẽ “Civil War” sẽ hay hơn rất nhiều nếu đưa xung đột cuối phim lên làm xung đột đầu phim và làm thành điểm khai mở cho toàn bộ sự kiện “nội chiến” tiếp theo. Tuy nhiên, làm thế bộ phim sẽ trở nên tăm tối hơn và khó tiếp cận với khán giả đại chúng hơn.
Nguồn: Chu Thiên