Captain America: Civil War - Kẻ chiến thắng là kẻ giữ vững niềm tin
Tin điện ảnh · PhucDu ·
Sau The Avengers: Age of Ultron hết sức hoành tráng với những nền móng đầu tiên cho Phase 3, kỉ nguyên đen tối hơn của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) thì Captain America: Civil War chính là một dẫn chứng đanh thép cho luận điểm trên.
Khán giả, thậm chí là các fan ruột, vẫn luôn cho rằng phim của Marvel luôn có màu sắc tươi sáng. Disney từng tuyên bố phim của Marvel sẽ không bao giờ "đen tối" như cách các bạn đang mong chờ. Mấy ngày trước, Joe Russo, đồng đạo diễn của phim, đã nói rằng "Civil War chính là bộ phim sẽ thay đổi vũ trụ điện ảnh Marvel mãi mãi.”
Và thực tế, Civil War chính là sự dung hòa của cả 3 điều bên trên. Nó đã u tối và nặng nề hơn, nhưng thực chất thì nó không quá u tối hay nặng nè mà vẫn là một bộ phim rất cao đẹp và đầy tính hướng thiện.
Phim được chia làm 3 phần khá rõ ràng với nhân vật trung tâm của câu chuyện không phải là Captain America hay Iron Man, mà là Bucky Banners/Winter Soldier. Mở đầu phim là một phân đoạn trong quá khứ, năm 1991, khi Bucky vẫn còn là một chiến binh máu lạnh làm việc cho Hydra. Một phi vụ không rõ kết cục của anh vào thời gian này được nhắc đến ở phần đầu phim như một câu hỏi được vẽ ra một cách lờ mờ, sau đó rõ dần lên ở phần giữa khi Bucky trở thành nguyên nhân chính của cuộc xung đột trong nội bộ Avengers và đến phần cuối phim, khi đã có nhiều thứ xảy ra thì chúng ta mới thấy rằng: bên cạnh dấu hỏi của những đấu tranh về tư tưởng và sự thật, còn có thêm một dấu chấm than ngay bên cạnh như một sự nhấn mạnh với phần ý tôi nêu ra ở đầu bài: tôi thắng vì tôi vững tin, một tuyên ngôn chắc nịch và đầy uy dũng của Captain America, vị đại úy đại diện cho chính nghĩa mà hàng triệu người yêu mến, dù không từ miệng anh nói ra, nhưng đoan chắc tất cả đều hiểu.
Phần đáng giá nhất của phim chính là kịch bản. Nó không hoàn toàn giống những phim trước đó của Marvel khi mà lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc chiến quan trọng nhất không đến từ bất cứ kẻ thù nào bên ngoài, mà đến từ trong tâm. Sự biến chuyển tâm lý của Iron Man trong phần phim này sẽ là một cột mốc rất quan trọng của Marvel, khi rõ ràng vũ trụ điện ảnh của họ càng mở rộng (bằng việc Spider-man đã được trở về với cố chủ) thì sự xa cách giữa các nhân vật ban đầu càng to lớn. Hai trụ cột chính của Avengers là Steve và Tony sau phần phim này đã thật sự có một vết nứt quá lớn để họ có thể trở về bên nhau. Bức thư của Steve viết cho Tony ở cuối phim như để nói rằng dù bây giờ mọi hiểu lầm đã được phơi bày khiến họ hiểu nhau hơn nhưng vì càng hiểu thì họ càng thấm thía rằng hai người quá khác nhau. Những gì sẽ gắn kết họ lại ở phía trước vẫn còn đang chờ chúng ta khám phá.
Không quá khó hiểu khi phần phim về nội chiến có rất nhiều nhân vật tham gia lại là một phim riêng của Cap chứ không phải phim Avengers 2.5. Bởi vì, nhân vật Captain America là nhân vật giữ vững niềm tin của mình từ đầu chí cuối. Tôi không cho đó là đúng bởi vì tôi tin đây là lúc mình không nên nhượng bộ. Tôi chưa rõ đầu đuôi sự việc nhưng tôi vẫn sống chết vì người bạn chí thân của mình, đơn giản vì tôi tin anh ta. Tôi sẵn sàng cùng anh ta chống lại một người bạn chí thân khác của tôi vì tôi tin mình nên bảo vệ điều gì. Từ đầu chí cuối, thứ mạnh mẽ nhất toát ra từ ánh mắt cương trực của Cap chính là niềm tin: vào quan điểm, vào lý tưởng, vào bạn bè. Sự gắn kết giữa Steve và Bucky to lớn đến nỗi bạn sẽ tin rằng tình cảm của họ thậm chí còn lớn hơn tình yêu hay tình bạn. Đoạn họ bị quân chính phủ vây bắt giữa đường hầm hay đoạn hai người đột nhập vào hang ổ địch ở đoạn cuối chính là những đoạn khiến tôi cảm thấy tình cảm giữa họ có gì đó rất khắc khoải và đau lòng. Đố các bạn, nhân vật đáng thương nhất trong phần phim bi kịch nhất này của Marvel là ai? Không phải một Steve Rogers luôn canh cánh trong lòng nỗi tiếc nhớ về quá khứ vàng son mà mình đã góp phần kiến tạo. Cũng không phải một Tony Stark lúc nào cũng che giấu quá nhiều thứ bên trong, đặc biệt là nỗi sợ và những sai lầm. Mà chính là Bucky Banners, gã chiến binh mùa đông đang sống một cuộc đời không phải của mình. Bi kịch nhất chưa phải là khi bạn rời khỏi tay người bạn chí cốt của mình để kết thúc một cuộc đời lính tráng còn dang dở. Cũng chưa phải là khi bạn bị xóa đi ký ức để sống trong một vỏ bọc của sự kinh sợ từ người đời. Bi kịch thật sự chính là lúc bạn đã muốn tìm về cuộc đời ngày trước thì lại phải đối diện với lỗi lầm từ cuộc đời mình đã và đang sống tạm kia. Trong phim có đoạn Bucky nói một câu với Steve làm mình đau lòng đến mức (xém) ứa nước mắt, đại loại là: Phải. Những việc đó tôi không hề muốn làm. Nhưng chính tay tôi đã làm. Anh xứng đáng là một chiến binh quả cảm nhất trong cuộc chiến này dù anh xuất hiện như một tên trốn chạy tội đồ, bởi vì anh không phủ nhận những gì mình làm dù sai hay đúng. Nửa tiếng cuối phim khá nặng về tâm lý, một điểm chưa từng có trong phim Marvel, khi các nhân vật thật sự phải ở thế thù địch dù ai cũng có lý do đúng đắn của bản thân. Ai cũng có niềm tin của riêng mình nhưng giữ được niềm tin đó đến cùng mới là kẻ chiến thắng. Sở dĩ tôi phải nói đi nói lại câu này bởi vì nó quá rõ ràng, đó chính là sự biểu trưng của nhân vật Captain America trong phần phim quan trọng này.
Đoạn cả hai team đánh nhau ở sân bay cũng là một trường đoạn rất đắt giá. Các bạn sẽ được thỏa mãn khi nhìn thấy Spider-Man vừa bắn tơ vừa nói nhảm đúng chất một câu nhóc tuổi teen muốn thể hiện. Các bạn sẽ được thấy sự tinh ranh của Ant-Man đã có đất dụng võ như thế nào giữa một đội hình siêu khủng. Hawkeye vẫn vậy, cứ xuất hiện là đầy khí khái đàn ông. Còn Natasha, mọi người sẽ thắc mắc vì sao cô ấy lại chọn theo phe Iron Man hay thực sự cô ấy chỉ là gián điệp? Và câu trả lời sẽ làm các bạn hài lòng về nhân vật tuyệt vời này. Nhưng đáng tiếc nhất theo tôi chính là bộ đôi Wanda và Vision. Ở phần cuối của Age of Ultron, sức mạnh của Wanda và Vision được thể hiện khá là khủng-khiếp. Nó khiến khán giả rất trông chờ bộ đôi này sẽ gây ra sóng gió tình trường gì ở Civil War, cả hai sẽ khiến trời long đất lở như thế nào khi phải ở hai thế đối đầu. Nhưng thực tế, năng lực của hai người trong Civil War lại không được như mong đợi. Có lẽ vì phần đối đầu của Iron Man và Captain ở cuối phim mới là màn chính, không thể để cặp đôi Scarlevision dành spot-light được.
Cuối cùng, tôi chọn hình này minh họa cho bài vì đây là concept-art tôi thích nhất. Thật sự đoạn đánh tay ba rồi tay đôi ở cuối phim không hoành tráng nhưng cái xung đột trong tư tưởng và quan điểm của hai nhân vật lại rất rõ ràng, đó chính là cuộc đấu chủ chốt nhất. Tuyệt vời! Da gà da vịt của tôi thi nhau nổi lên trong đoạn này, đỉnh điểm là lúc Steve vứt lại tấm khiên cho Tony rồi đưa Bucky ra đi. Khoảnh khắc đó làm tôi muốn rớt nước mắt vì thật sự họ đã tan vỡ rồi. Điều Tony lo sợ đã xảy ra: người quan trọng nhất với Steve không phải là mình. Hẳn các bạn vẫn còn nhớ trong Age of Ultron, ác mộng khủng khiếp nhất của Tony chính là lúc tấm khiên của Cap vỡ nát. Tôi không nói bừa, thật sự tôi thấy được tình cảm của Tony dành cho Steve lớn đến chừng nào. Tương tự, tôi cũng nhắc lại về cái tình nghĩa giữa Steve và Bucky nó nặng đến bao nhiêu.
Civil War đối với tôi chính là bộ phim Marvel hay nhất đến thời điểm này. Và Captain America vẫn là nhân vật tôi yêu quý nhất trong MCU. Không phải vì sự đẹp trai ngời ngời hay bờ ngực vạm vỡ của Chris Evans mà vì chính con người và niềm tin của Steve Rogers.
Nguồn: Nic