Cha cõng con - Cõng cả ước mơ của con
Đánh giá phim · siomiochan ·
Những đứa trẻ ngây ngô hỏi cô bác sĩ: có phải cậu bạn ở giường bên cạnh đang ở trên tầng cao nhất của tòa nhà cao nhất thành phố không cô?
Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng là một phim điện ảnh Việt Nam hiếm hoi không có ngôi sao nổi tiếng, diễn viên hạng A, siêu xe xuất hiện, không kỹ xảo hoành tráng, chỉ gói gọn trong những con số: 10 năm ấp ủ và thực hiện, 18 tỷ đồng tiền kinh phí, những ngày rong ruổi quay ở Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Sài Gòn, lặng lẽ đem phim đi đánh xứ người tại các LHP quốc tế và gặt hái một số thành quả nhất định. Cha cõng con sẽ được công chiếu tại các cụm rạp từ ngày 5/4/2017.
Truyện kể về hành trình của bé Cá và bố, một người đàn ông cả đời chỉ quanh quẩn bên bờ sông quê nhà. Họ ngày ngày đi bắt cá kiếm tiền giữa vùng sơn cước bao la, rộng lớn, thưa thớt bóng người.
Bài viết có tiết lộ một ít nội dung phim, bạn đọc nên cân nhắc khi xem tiếp.
Chữ Tình:
Tại vùng đất “khỉ ho cò gáy” ấy chỉ có sông núi - thiên nhiên có lúc hiền hòa, dịu dàng với họ, cũng có khi dữ dội, khắc nghiệt. Là khi mùa lũ đến, họ vội vàng gói ghém một ít đồ đạc cần thiết, tụ tập lên vùng cao hơn tránh lũ. Trong tình cảnh chờ nước lũ rút đi, trẻ con tụ tập đùa giỡn trên cánh đồng cỏ mênh mông, hàng xóm còn trêu đùa, ghép đôi cô hàng xóm đang tuổi cặp kê với bố thằng Cá, vì lý do đơn giản: nơi này ít đàn ông còn độc thân.
Có thể thấy tình người xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Là tình làng nghĩa xóm, san sẻ chút cơm, tý mắm muối, chăn ấm cho nhau. Là sự đồng cảm, chia sẻ đau đớn với một người phụ nữ trong làng ngồi thẩn thờ ôm lấy đôi ủng của con, bà không thể tin được lũ đã cuốn mất chồng và con của bà. Là sự quan tâm, háo hức muốn nghe chú mù kể chuyện về thành phố của những đứa trẻ. Chú mù kể rằng: Ở thành phố không có đêm đâu, ở đó chú xây tòa nhà cao nhất thành phố. Và những đứa trẻ với đôi mắt long lanh đầy mơ ước được một lần lên thành phố để được đứng trên tòa nhà cao nhất
Trên thành phố, tình người vẫn không hề mất đi. Cái tình của những người xa lạ dành cho nhau, sự giúp đỡ của bác sĩ, y tá, của các anh bảo vệ toà nhà với bố con Cá. Đặc biệt là tình người ấm áp trong bệnh viện lạnh lẽo và mỏi mệt. Là những câu chuyện không đầu không đuôi của những đứa trẻ với nhau.
Vì sao mày tên Cá?
Vì bố tao bảo tao giống con cá.
...
Sáu, bảy, tám, chín, mười. Mày đếm tiếp đi
Tao chỉ biết đếm tới mười thôi
Những đứa trẻ ngây ngô hỏi cô bác sĩ: Có phải cậu bạn ở giường bên cạnh đang ở trên tầng cao nhất của tòa nhà cao nhất thành phố không cô? Hay cảnh người bố phát hiện ra người ông - người nhà của bệnh nhi nằm cùng giường bệnh với con mình ăn trộm con gà con. Họ khốn khổ và cùng cực, họ tuyệt vọng và khó xử vì chữ nghèo khó khiến họ túng quẫn. Để khi ông cụ nhận tin cháu mình mất, ông đã gửi tặng cha con Cá chiếc xe đạp như một món quà tạ lỗi.
Hay sự khó khăn của người cha khi đứng trước cổng tòa nhà cao nhất và bị bảo vệ đuổi đi vì sợ cha con họ trà trộn vào trộm cắp để rồi họ đã giúp cha con Cá được bước lên tầng cao nhất của tòa nhà. Ôi chao, cái tình người ấy trân quý làm sao khi họ chấp nhận phá bỏ quy tắc để tạo điều kiện cho những trường hợp kém may mắn được thực hiện ước mơ.
Giấc mơ đáng giá bao nhiêu tiền?
Cậu bé Cá không may mắc phải một cơn bạo bệnh, người cha lập tức gom hết của cải đưa con lên thành phố chữa bệnh, nhưng cậu bé chỉ muốn đến thăm nhà của chú mù và đi tìm được tổ của chim mẹ (máy bay) - các cô cậu ngước lên bầu trời nhìn nó bay qua. Bố dỗ dành Cá và hứa khi nào con hết bệnh, bố sẽ đưa con đến thăm nhà của chú mù nhé. Một người đàn ông lầm lũi cõng con vào viện, ngơ ngác, không chút giấy tờ tùy thân, một chữ bẻ đôi cũng không đọc được, anh chật vật với những câu hỏi: chứng minh thư, giấy tờ tùy thân của anh đâu? Khi ông nhận được tin con mình không còn sống được bao lâu và ông không thể bắt được hàng nghìn con cá để cứu con mình.
5 ngàn 1 con cá, thì tôi phải bán bao nhiêu con cá để được 800 triệu đồng chữa bệnh cho con? Người đàn ông hỏi cô thu ngân tại bệnh viện.
Anh phải bắt tổng cộng 160.000 con cá, anh ạ. Cô thu ngân đáp
Điều ông có thể làm duy nhất cho con mình là cõng con lang thang đến những nơi con muốn đến: là tòa nhà cao nhất mà chú mù đã từng xây, là nơi tổ của những chú chim mẹ. Hình ảnh người cha cõng con đi trên con đường nhựa giữa buổi trưa nắng nóng ngột ngạt, những bước chân chậm rãi, vững chắc trên từng bậc cầu thang dù mỏi mệt, thở dốc để lên nơi cao nhất để con mình có cảm nhận được một lần chạm vào những đám mây. Hình ảnh cha ôm Cá đứng nhìn từ phía hàng rào để con mình thấy những chú chim mẹ (máy bay) đang tụ tập trong tổ.
Cá ơi, con đã thành người lớn thật rồi
Bố ơi, con đã thấy được tổ của chim mẹ rồi, mình về nhà nha bố.
Ừ, mình về nhà rồi bố con mình cùng nhau bắt 160.000 con cá để chữa bệnh cho con, con nhé
Những câu thoại mộc mạc, giản dị khiến tôi lặng người, nước mắt cứ rơi mãi đến tận cuối phim. Có thể thấy Cha cõng con là một bức tranh đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Ở đó, núi rừng hùng vĩ ôm lấy những con người bé nhỏ. Trong đám người bé nhỏ ấy, là tình thương của cha dành cho đứa con bé bỏng bao la. Hình ảnh người cha âm thầm cõng cậu bé nhỏ gầy gò đi hết nơi này đến nơi khác khiến tôi ám ảnh. Điều ông có thể làm được cho con mình, chỉ có thể là cõng con để giúp con có một tuổi thơ trọn vẹn.
Cha cõng con khi con còn nhỏ, con cõng cha khi cha về già - đó là đạo lý người Việt mình. Tôi muốn dùng ngôn ngữ của điện ảnh để truyền đi thông điệp đó để trả nợ những câu chuyện trong cuộc đời tôi từng nghe, từng trải!
Đạo diễn LƯƠNG ĐÌNH DŨNG
Tuy nhiên trong phim có một ít sạn. Là hình ảnh tòa nhà Bitexco ở giữa lòng thủ đô Hà Nội nhưng xét về tổng thể bối cảnh thì tôi tạm tha thứ và chấp nhận để đạo diễn bưng Bitexco về Hà Nội. Vì bối cảnh là vùng núi miền Bắc nên thoại giọng Bắc sẽ gây chút khó khăn cho những người không quen nghe giọng Bắc. Hy vọng khi chiếu chính thức, các cụm rạp sẽ hỗ trợ phần phụ đề cho các bạn đỡ hoang mang.
Nhịp phim khá chậm nhưng phù hợp với tổng thể phim, nhạc phim được hòa âm, phối khí phù hợp với phim, góp phần đẩy cảm xúc của khán giả, cảnh quay đẹp đến nao lòng. Xin cám ơn đạo diễn Lương Đình Dũng vì một bộ phim nghệ thuật đẹp và tử tế.