Cô Hầu Gái – Tác phẩm chào sân đáng khích lệ

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Cô Hầu Gái - tác phẩm chào sân của một đạo diễn Việt kiều với một ekip sản xuất rất nhiều người nước ngoài, có đủ sức thắp vào lòng khán giả một ngọn lửa hy vọng cho dòng phim này?

Năm 2015, điện ảnh Việt gần như bội thực với phim kinh dị, đặc biệt là kinh dị - hài. Số phim kinh dị ra mắt nhiều và liên tục đến mức có môt khoảng thời gian đến rạp chỉ thấy toàn những poster kinh dị. Quan trọng là hầu như chẳng có phim nào xuất sắc, may thì xem trúng phim tàm tạm mà xui thì coi như phí tiền.

Có thể nói sau Quả Tim Máu, khán giả gần như dị ứng với phim kinh dị Việt. Chóng nở tối tàn, nửa năm sau 2015 đã có những tác phẩm chất lượng hơn để cứu cánh cho điện ảnh Việt. Dù những "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Vẽ đường cho yêu chạy", "Em là bà nội của anh" tuy đã ghi dấu ấn về chất lượng trong lòng khán giả nhưng rốt cuộc thì cũng không phải thể loại kinh dị. Vì thế mà nỗi lo âu về chất lượng của dòng phim này vẫn còn lấn cấn trong lòng khán giả. Liệu rằng có một ai khác ngoài Victor Vũ sẽ mang đến những trải nghiệm thật sự trong thời gian tới?

Sang năm 2016, lượng phim kinh dị Việt giảm xuống rõ rệt. Những phim kinh dị đã ra mắt đầu năm tới nay đều không được xếp vào mục đáng xem. Thế còn Cô Hầu Gái - tác phẩm chào sân của một đạo diễn Việt kiều với một ekip sản xuất rất nhiều người nước ngoài, có đủ sức thắp vào lòng khán giả một ngọn lửa hy vọng cho dòng phim này? Công tâm mà nói, Cô Hầu Gái vẫn chưa có chất lượng thật sự tốt, nhưng nó chính là điểm sáng của thể loại kinh dị trong thời gian gần đây, là điểm sáng cho phim Việt suốt nhiều tháng qua.

Có một "lời nguyền" hằng tồn tại trong hầu hết những phim kinh dị Việt Nam. Đó là "không có ma". Có thể nhắc đến Đoạt Hồn, một tác phẩm kinh dị dùng chất liệu dân gian rất tốt của Hàm Trần, đã từng gây hoang mang cho người xem bởi cái kết được thêm vào để chứng tỏ ở Việt Nam không có ma. Điều này phần nào làm khán giả bị "chai", ai nấy đều mang một định kiến rằng hễ phim kinh dị Việt Nam thì khúc cuối chắc chắn sẽ là cảnh thức giấc sau một giấc mơ. Trước đây, Ngôi Nhà Trong Hẻm của đạo diễn Lê Văn Kiệt đã từng qua ải kiểm duyệt khi đến cuối cùng vẫn khẳng định có hồn ma trong ngôi nhà đó (nhưng những phim kinh dị sau đó của anh đều bị cấm chiếu). Cô Hầu Gái có một sự khôn ngoan trong việc tính toán xây dựng kịch bản, để "con ma" được đường hoàng xuất hiện và không biến thành "giấc mơ" hay "ảo giác". Đó là di dời bối cảnh sang năm 1953, tại một đồn điền không có thật của Việt Nam thời Pháp thuộc, và "quốc tịch" của con ma cũng không phải Việt Nam. Cảm thấy thở phào...

Câu chuyện của Cô Hầu Gái không mới, xem qua trailer là bạn đã có thể nắm được cốt truyện chính. Những diễn biến sau đó thì không tiện kể ra vì phim có twist, nếu muốn được trải nghiệm thì nên tự thân ra rạp. Chỉ có thể nói rằng cốt truyện chính của Cô Hầu Gái rất ổn.

Đạo diễn Derek Nguyễn sử dụng được những chất liệu của Việt Nam để xây dựng câu chuyện, đây là một điểm rất đáng tuyên dương. Sở dĩ phim ma Hongkong hay ma Thái luôn có một không khí riêng là vì họ biết khai thác chất liệu vùng miền của họ. Như Hongkong thì là thầy pháp, cúng tế, cương thi. Còn Thái Lan thì chơi ngải. Chỉ duy nhất Đoạt Hồn của Việt Nam là dùng chất liệu đặc trưng vùng miền (đạo mẫu ở Châu Đốc) để làm trục và thành công. Cũng vì vậy mà những phim kinh dị Việt Nam khác lúc nào cũng tạo cảm giác nhàm chán vì bối cảnh bình thường, câu chuyện bình thường và tất nhiên là cách giải quyết gượng gạo. Cô Hầu Gái may mắn không đi vào những vết xe đổ này. Sở hữu một câu chuyện tốt, nhiều điểm thú vị và cách giải quyết rất khá.

Tuy nhiên, đó chỉ là về tổng thể. Phần chi tiết trong kịch bản của Cô Hầu Gái vẫn còn mắc rất nhiều lỗi. Tất nhiên, những đạo diễn ở nước ngoài về thì ít khi nào gặp phải những lỗi vặt, mà họ hay gặp vấn đề trong khâu biên kịch.

Phần thoại của phim là dở nhất. Có những câu mà chẳng người Việt Nam nào nói như vậy bao giờ, nghe qua là biết viết bằng tiếng Anh rồi được dịch lại nhưng không thoát được chất văn hóa ngôn ngữ. Cái này thì cả Charlie Nguyễn hay Victor Vũ đều hay gặp. Mình hay nói vui rằng, trừ phi người đạo diễn đó thật giỏi, thật tài thì mới có thể làm tốt cả khâu đạo diễn lẫn kịch bản. Bằng không, điểm chung của những phim mà đạo diễn kiêm luôn cả kịch bản hay gặp chính là lỏng lẻo ở phần chi tiết. Giống như khi họ hình dung ra kịch bản trong đầu và cân đo đong đếm để biến nó thành phim, nhưng vì không thực sự đủ sức nên họ sẽ bị lơi lỏng trong cả hai công việc.

Kịch bản chung của Cô Hầu Gái khá tốt, nhưng những tình tiết phát triển câu chuyện lại vừa dư vừa thiếu. Có những phần được giải quyết không thỏa đáng và có cả những phần đưa vào chỉ thấy mất thời gian.

Ví dụ như đoạn bà Hàn (Kim Xuân) có việc phải về quê chăm mẹ bị bệnh và giao quyền chăm sóc Đại Tá Lauren (Jean-Michael Richard) cho Linh (Nhung Kate). Rõ ràng Linh chỉ mới vào làm hầu phòng được vài hôm, cũng chẳng thể hiện điều gì xuất sắc nhưng lại được giao trọng trách này. Ngay cả sự thiên vị (nếu kịch bản muốn) giữa bà Hàn và Linh cũng không có, nên chi tiết này khá là gượng gao. Chưa kể cô Kim Xuân diễn tốt nhất phim nhưng nhân vật lại bị loại ra gần nửa thời lượng phần nào gây tiếc nuối.

Còn phần thừa, chính là tuyến nhân vật cô nhân tình người Pháp. Biết rằng vai này được đưa vào để tạo thành tam giác tình cảm với hai nhân vật chính nhưng những dụng công trong câu chuyện ba người này lại sáo mòn và cũ, không có gì đặc biệt. Đưa vào giữa phim lại phần nào gây nên sự chia rẽ trong mạch phim, không nhất quán. Phần twist cuối phim dù ấn tượng nhưng lại không thực sự đã, điều này cũng lại nằm trong khâu trọng yếu là kịch bản. Nếu được xây dựng kĩ hơn thì đã hoàn hảo.

Về diễn xuất, Nhung Kate tròn vai. Cơ bản thì mặt cô này vốn đã hợp để đóng phim kinh dị rồi. Cô Kim Xuân là vai diễn tròn trịa nhất phim. Anh vai chính người Tây cũng ổn nhưng không ấn tượng (trừ màn khoe mông quá đẹp). Chú Kiến An có nhiều đoạn quá lên gân gây khó chịu. Linh Sơn chỉ đóng một vai nhỏ, không nhiều đất diễn nên cũng chẳng làm khó được anh. Tuy nhiên, thất vọng nhất chính là cô Phi Phụng. Cô Phi Phụng đã ghi dấu ấn rất mạnh mẽ bằng những vai hài, đặc biệt là đài từ của cô cực kì tốt (vì là diễn viên kịch). Nhưng vai bà bếp trong phim này của cô lại khá thất bại, và chính cách xây dựng nhân vật đã làm cô bị chơi vơi trong diễn xuất. Cô cố gắng tiết chế đài từ để không gây cười nhưng vì thoại của nhân vật này lại nhập nhằng giữa sự dọa ma và sự hài hước nên cô cũng không bật rõ lên được phần nào. Cứ đến những đoạn cô kể chuyện ma là vừa không thấy sợ mà cũng không thấy mắc cười. Chưa kể nhân vật này tuy được "gắn bó" với Linh nhiều hơn bà Hàn của cô Kim Xuân nhưng lại hay biến mất khỏi khung hình trong những đoạn cần thiết nên ấn tượng cứ trồi sụt.

Màu phim cực kì ổn, rất gợi không khí. Những cảnh quay cũng được tính toán khá kĩ lưỡng. Bối cảnh, hiện trường, phục trang cũng rất chỉn chu. Những cảnh jump-scare của phim rất ép-phê. Hóa trang cũng rất tốt. Những đoạn bạo lực dù không có cảnh cận nhưng vì được sắp đặt bằng những cảnh trước đó nên khán giả dễ dàng tưởng tượng ra và thấy "sợ" hơn. Đặc biệt, những cảnh nóng của Nhung Kate và Jean-Michael Richard rất tốt, cũng lâu lắm rồi phim Việt mới có những cảnh nóng "bạo lực" và hấp dẫn đến như vậy.

Nhìn chung, Cô Hầu Gái không chỉ là một phim kinh dị đáng xem mà còn là một phim Việt nên được tuyên dương trong thời gian gần đây, sau nhiều ồn ào không đáng có từ mấy phim khác. Hy vọng phim sẽ được khán giả chú ý và tạo tiền đề cho đạo diễn Derek Nguyễn làm thêm nhiều phim khác nữa.