Địa danh và Thành quách trong Game of Thrones
Tin điện ảnh · MarsLe ·
Game of Thrones là 1 thế giới rộng lớn và xuyên suốt lịch sử của nó đã có nhiều địa danh và thành quách nổi tiếng được dựng lên.
Casterly Rock
Pháo đài Casterly Rock là thành trì của nhà Lannister và thủ phủ phương tây. Tòa thành bề thế này án ngữ cảng Lannisport và trông ra Biển Hoàng Hôn.
Casterly Rock được xây đẽo trực tiếp vào sườn một ngọn đồi đá, và hàng phòng thủ tự nhiên của nó được gia cố thêm bởi nhiều bức tường thành và công sự khác. Các lối đi được đào sâu vào trong lòng đồi, với nhiều phòng và sảnh lớn. Một lâu đài đồ sộ tọa lạc ngay trên đỉnh. Đồi Casterly Rock cũng chứa nhiều mỏ vàng còn đang hoạt động.
Phòng Trưng Bày Vàng, phòng Miệng Sư Tử, và Sảnh Anh Hùng là nơi các thành viên cao quý nhà Lannister cùng họ hàng thân thích được an táng. Những căn phòng sâu nhất trong lòng đồi được dùng làm ngục giam những tù nhân phạm tội nặng nhất, và từng một thời là nơi đặt các chuồng nuôi sư tử. Pháo đài cũng bao gồm Vườn Đá, nơi trồng một cây thần mặt người khổng lồ lớn gấp 10 lần cái cây ở Raventree Hall. Casterly Rock là ngôi thành lớn thứ hai khắp Bảy Vương Quốc, chỉ sau Harrenhal, và chưa một lần thất thủ.
Winterfell
Winterfell là thành trì lâu đời của nhà Stark và thủ phủ của phương bắc. Một lâu đài bề thế với hai lớp tường thành đồ sộ và một ngôi làng bao quanh (được gọi là "thị trấn mùa đông"), Winterfell được khởi công xây dựng 8000 năm trước bởi chính Brandon Kiến Thiết, thủy tổ nhà Stark (cũng là người đã dựng nên Tường Thành) với sự trợ giúp của người khổng lồ. Trong lịch sử, Winterfell từng hai lần bị thiêu cháy bởi tay nhà Bolton, lần thứ nhất dưới thời vua Royce II và lần thứ hai sau đó 300 năm dưới thời vua Royce IV.
Tuy nằm trong vùng khí hậu lạnh giá của phương bắc nhưng bên trong những bức tường Winterfell lại rất ấm áp và dễ chịu. Có được điều này là do tòa lâu đài tọa lạc ngay bên trên một mạch suối nước nóng tự nhiên, và nước suối được dẫn qua các đường ống bên trong tường đá granite, cung cấp hơi nóng khiến cho tòa lâu đài luôn ấm áp và ẩm ướt kể cả vào mùa đông. Winterfell cũng sở hữu khoảng rừng thiêng cổ xưa rộng 3 mẫu, với cây thần mặt người vươn cao tỏa bóng xuống một hồ nước đen.
Hầm mộ của Winterfell được đào hình xoáy trôn ốc sâu xuống lòng đất, là nơi an táng các lãnh chúa Winterfell và xa hơn nữa là các vị Vua Mùa Đông.
Eyrie
Nhà Arryn là hậu duệ trực tiếp của những người Andal đầu tiên đã vượt Biển Hẹp và đổ bộ lên bờ đông Westeros từ bán đảo Fingers. Gia ngôn của nhà Arryn là "Cao cả như danh dự" (As high as honor). Gia huy là hình một con chim ưng và trăng lưỡi liềm trắng trên nền xanh da trời.
Theo truyền thuyết, thủy tổ nhà Arryn là Ser Artys, Hiệp Sĩ Có Cánh, người đã cưỡi chim ưng bay lên đỉnh Cây Thương Người Khổng Lồ và đánh bại Vua Bàng Sư (Griffin King), vị vua Tiền Nhân cuối cùng của vùng núi. Sau thắng lợi đó, ông ta giành luôn tòa lâu đài Eyrie, vốn được xây dựng bởi Tiền Nhân từ thời Kỷ Nguyên Những Anh Hùng. Kể từ đó nhà Arryn cai trị vùng núi và thung lũng phương đông suốt nhiều thiên niên kỷ.
Eyrie là thành trì của nhà Arryn, một trong những gia tộc Andal thuần chủng và lâu đời nhất. Tòa lâu đài ngự trên đỉnh ngọn Cây Thương Người Khổng Lồ thuộc dãy Núi Mặt Trăng, nằm cách mặt đất hàng nghìn feet (1000 feet = 300m) và được coi là nơi bất khả xâm phạm. Vào mùa đông, thời tiết nơi này khắc nghiệt đến mức cư dân phải xuống chân núi trú rét tại khu vực Cổng Trăng.
Series Game of Thrones của HBO đã chưa khắc họa được toàn bộ các đặc điểm kiến trúc của thành Eyrie như trong sách miêu tả. Theo đúng nguyên tác, thành Eyrie nằm tít trên đỉnh Cây Thương Người Khổng lồ, cạnh một ngọn thác mang tên Nước Mắt Alyssa và bị mây mù che phủ quanh năm. Để tới được lâu đài, người ta phải đi qua Cổng Máu trấn giữ Cao Lộ, tiếp theo là Cổng Trăng ở chân núi. Kể từ đây, người đi lên phải cưỡi lừa men theo con đường độc đạo rất hẹp và khúc khuỷu được đẽo vào vách núi. Quá trình đi lên mất tới nửa ngày, và trong toàn bộ thời gian đó người leo núi không có cách nào tránh được những cặp mắt quan sát từ Eyrie và ba trạm gác dọc đường:
- Trạm Đá: Trạm gác đầu tiên. Trạm là một lâu đài nhỏ với hai ngọn tháp tròn và cánh cửa sắt đồ sộ. Đường lên Trạm Đá được cây cối rậm rạp che phủ.
- Trạm Tuyết: Trạm gác thứ hai, chỉ bao gồm một tòa tháp canh, một nhà gỗ và một chuồng ngựa. Đường lên trạm Tuyết dốc và khó đi hơn trạm Đá.
- Trạm Trời: Trạm gác cuối cùng. Trạm này gồm một chuồng ngựa và trại lính được xây âm bên trong núi để tránh gió rét. Bên ngoài là một bức tường đá cao hình lưỡi liềm với hàng loạt máy bắn đá và những tảng đá đủ kích cỡ. Từ đây, người đi lên buộc phải đi bộ theo một cầu thang đá hẹp chỉ rộng bằng ống khói xuyên qua núi. Thành Eyrie ở phía trên trạm Trời gần 200 mét.
Nếu có kẻ thù muốn tấn công thành Eyrie, họ sẽ phải lên bằng con đường độc đạo rất hẹp và dốc, nơi mà ngựa không leo nổi, trong khi đá và tên trút xuống như mưa từ ba trạm gác phía trên. Vì những đặc điểm địa hình và cấu trúc đặc thù này nên đã từ lâu thành Eyrie được coi là bất khả xâm phạm.
Thiên Ngục
Thiên Ngục (Sky cell) là những buồng giam lộ thiên trứ danh của thành Eyrie. Được gọi như vậy là bởi những xà lim này chỉ là nhiều hốc được khắc vào sườn núi dốc đứng, với một phía mở hoàn toàn ra khoảng không bên ngoài cách mặt đất hàng nghìn mét. Mỗi buồng giam đều cực kỳ nhỏ, chỉ rộng khoảng một mét rưỡi, với mặt sàn hơi dốc, khiến cho tù nhân phải hết sức đề phòng để không lăn khỏi rìa và rơi xuống trong khi ngủ. Dù ở độ cao này, nhiệt độ luôn lạnh giá và gió rít ngày đêm nhưng mỗi phạm nhân chỉ được cấp cho một tấm chăn mỏng làm giường.
Rất nhiều tù nhân, hóa điên bởi cái lạnh và nỗi sợ rơi xuống, đã tự kết liễu đời mình. Cũng bởi vậy, thành Eyrie được biết đến như nơi duy nhất khắp Bảy Vương Quốc cho phép tù nhân tùy ý vượt ngục - bằng cách lao xuống khỏi rìa xà lim.
Cửa Mặt Trăng
Cửa Mặt Trăng (Moon Door) là một cánh cửa bằng gỗ cây mặt người nằm trong phòng Thượng Sảnh thành Eyrie, nơi những người đứng đầu nhà Arryn tiếp kiến các chư hầu của họ. Trên hai cánh cửa khắc biểu tượng trăng lưỡi liềm, và chúng được chốt cố định bằng ba thanh gióng cửa lớn bằng đồng. Một khi những chiếc then này được gỡ ra, gió sẽ thổi tung hai cánh cửa vào phía trong. Thay vì dẫn vào một căn phòng hay một lối đi, Cửa Mặt Trăng mở ra khoảng không bên ngoài, khiến bất cứ ai "đi qua" đều lập tức rơi xuống từ độ cao cách mặt đất cả nghìn mét. Việc hành quyết ở Eyrie thường sử dụng cánh cửa này thay vì đao phủ thông thường.
Trong Series của HBO, Cánh Cửa Mặt Trăng được xây dựng khác đi so với nguyên tác, giống một chiếc cửa sập hình tròn được khoét trên nền sàn và có thành thấp bao quanh.
Vùng Reach và Thành Highgarden
Vùng Reach là một miền lãnh thổ rộng lớn của đại lục Westeros, từng đóng vai trò một trong Bảy Vương Quốc cổ trước cuộc xâm lăng của Aegon Targaryen. Trù phú và màu mỡ, vùng Reach có diện tích lớn nhất chỉ sau phương Bắc, và là nơi giàu có thứ hai chỉ sau phương Tây. Đây cũng là vùng tập trung đông dân nhất trên toàn đại lục và là nơi khai sinh của chế độ hiệp sĩ.
Thủ phủ của vùng Reach được đặt tại Highgarden, nơi hàng nghìn năm trước Garth Tay Xanh (Garth Greenhand), vua làm vườn của Tiền Nhân đã trị vì. Tòa lâu đài nguy nga sở hữu những vườn ngự uyển rợp bóng mát, nhiều cây xanh và đài phun nước cùng những hàng cột cẩm thạch tráng lệ. Mỗi ngày, các ca sĩ, người thổi sáo và người chơi vĩ cầm đều tụ tập vui vẻ đàn hát. Xung quanh lâu đài Highgarden là những cánh đồng hoa hồng vàng trải dài tới đường chân trời.
Quyền lãnh đạo vùng Reach và làm chủ thành Highgarden thuộc về nhà Gardener, hậu duệ trực tiếp của Garth Tay Xanh. Tuy nhiên, sau khi dòng tộc Gardener tuyệt diệt ở trận Cánh Đồng Cháy, cả hai cương vị đều được Aegon trao cho Harlen Tyrell, trước đó vốn là quản thành của nhà Gardener. Kể từ đó, nhà Tyrell cai trị vùng Reach và trở thành một trong bảy đại gia tộc của Westeros.
Thành Harrenhal
Harrenhal là một tòa lâu đài hùng vĩ tọa lạc tại bờ bắc hồ Mắt Thần vùng Riverlands. Là ngôi thành có kích thước đồ sộ nhất Bảy Vương Quốc, tuy nhiên Harrenhal đã bị hư hại nặng nề trong Cuộc Chinh Phạt của Aegon, và từ đó về sau trở thành một nơi ở xui xẻo cho bất cứ ai cư trú tại đó.
Harrenhal được xây dựng với quy mô cực kỳ khổng lồ. Nó bao gồm năm tòa tháp cao ngất đến chóngmặt: tháp Kinh Hoàng, tháp Góa Phụ, tháp Than Khóc, tháp Hồn Ma và tháp Giàn Thiêu Vua. Những bức tường bao của nó dốc đứng và cao vút như vách núi, đến mức máy bắn tên đặt trên các lỗ châu mai chỉ lớn bằng con côn trùng nhỏ khi nhìn từ mặt đất. Chỉ riêng chòi cổng của Harrenhal đã có kích thước bằng với Tháp Lớn của Winterfell. Tường thành dày và kiên cố một cách đáng kinh ngạc, còn các căn phòng thì rộng lớn như thể chúng được xây cho người khổng lồ ở thay vì người bình thường. Harrenhal trải rộng trên một diện tích gấp ba lần thành Winterfell. Những chuồng ngựa của nó có thể chứa cả nghìn con ngựa, khu rừng thiêng của nó rộng trên 20 mẫu đất, và chỉ riêng khu bếp đã lớn bằng cả đại sảnh của Winterfell. Khi Harrenhal được hoàn thành, sức chứa của nó có thể lên đến cả triệu người, và căn phòng lớn nhất, mang tên Sảnh Trăm Lò Sưởi có thể tiếp đãi cả một đội quân. Harrenhal cũng sở hữu những vùng đất phì nhiêu hàng bậc nhất Westeros.
Harrenhal được ra lệnh xây dựng bởi Harren Đen nhà Hoare, vua quần đảo Sắt, sau khi gia tộc ông đánh chiếm vùng đất ven sông Trident từ tay vua Arrec Durrandon vùng Stormlands. Tham vọng của Harren là dựng lên một tòa thành đồ sộ nhất Westeros, đủ sức nhấn chìm mọi ngôi thành khác để tôn vinh tên tuổi của mình. Việc thi công kéo dài suốt 40 năm, trong khoảng thời gian này hàng ngàn tù nhân đã mất mạng khi khai thác đá từ các khu mỏ hoặc xây các tòa tháp. Thợ xây bị buộc phải làm việc dưới cái nắng thiêu đốt mùa hè và cái rét cắt da mùa đông. Những cây thần mặt người ba nghìn năm tuổi cũng bị đốn hạ để lấy gỗ đóng rui và xà. Tài nguyên của cả vùng Riverlands lẫn quần đảo sắt gần như bị khánh kiệt để phục vụ cho lòng tự cao của Harren.
Tòa lâu đài được hoàn thành ngay trước thềm Cuộc Chinh Phạt của Aegon Targaryen. Trước mối đe dọa từ Aegon và rồng Balerion Nỗi Kinh Hoàng Đen, Harren vẫn không hề sợ hãi, ngược lại còn tin chắc rằng tòa thành mới của mình không thể bị thất thủ. Sự ngạo mạn đã khiến ông ta phải trả giá đắt: Aegon cưỡi Balerion bay vượt lên trên các bức tường thành và phun lửa đốt các tòa tháp. Sức nóng của lửa rồng làm tan chảy cả đá, khiến các tòa tháp của Harrenhal bị cháy đen và méo mó biến dạng. Harren chết thiêu trong tháp Giàn Thiêu Vua (từ đó cái tên này ra đời) và gia tộc của ông ta cũng tuyệt tự từ đó. Cho tới ngày nay, vẫn có lời đồn rằng bóng ma của Harren luôn theo ám những người cai trị nó, khiến cho tất cả những gia tộc mà tòa thành này qua tay đều gặp vận xui và bất hạnh.
Thành Qarth
Qarth là một thành phố cảng cực kỳ giàu có và tráng lệ nằm ở bờ nam lục địa Essos. Tọa lạc tại vị trí trung tâm giữa biển Mùa Hè và biển Ngọc, Qarth trở thành cầu nối giao thương và văn hóa giữa hai miền đông tây, giữa phương nam và phương bắc. Qarth được cai trị trên danh nghĩa bởi những Người Thuần Huyết. Tuy nhiên, các phường hội nhiều quyền thế như Hội Mười Ba, Hội Anh Em Đá Quý,và Hội Buôn Gia Vị Cổ luôn lăm le giành lấy quyền tiếp quản thành phố.
Qarth được xây dựng bởi người Qaathi, một tộc người xuất xứ từ vùng đất mà hiện nay là Biển Dothraki. Trước đó, nó là đô thị duy nhất còn đứng vững sau nhiều năm xung đột giữa tộc Qaathi và các tộc người khác như Sarnori và Dothraki. Những Người Thuần Huyết đứng đầu Qarth sở hữu một hạm đội lớn với những con thuyền dài thống trị eo biển Cổng Ngọc. Với sự sụp đổ của Đế Quốc Valyria, Qarth ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng bao trùm các tuyết giao thương giữa hai miền đông tây và nhanh chóng trở nên giàu có nhờ các hoạt động buôn bán và thu phí cầu đường.
Qarth là thành bang tráng lệ bậc nhất Essos, với hàng loạt công trình kiến trúc nguy nga lộng lẫy. Nổi bật hơn cả là ba lớp tường thành bao quanh thành phố, từng được nhà hàng hải Lomas Longstrider liệt kê vào Bảy Kỳ Quan Nhân Tạo của thế giới. Các tòa nhà trong thành phố đều mang màu sắc rực rỡ, được trang trí xa hoa với đá và kim loại quý. Những ngọn tháp mảnh mai vươn cao đầy trang nhã, những đài phun nước tinh xảo có ở khắp các quảng trường, và có cả một khu chợ sầm uất nơi bán đủ loại hàng hóa trên thế gian. Cư dân của Qarth ai nấy đều tắm mình trong nhung lụa và vàng bạc châu báu. Những lái buôn giàu có nhất sống trong những cung điện xa hoa lớn bằng nhiều khu chợ gộp lại.
Ngoài sự giàu có và vẻ đẹp hoa lệ, Qarth còn nổi danh nhờ những pháp sư thuộc Hội Bất Tử. Họ có đôi môi màu xanh đậm đặc trưng và cư trú tại Nhà của Người Bất Tử, nơi được coi là chứa đựng thứ phép thuật cổ xưa nhất và huyền bí nhất thế giới. Qarth cũng là trụ sở của một tổ chức sát thủ lâu đời có tên Hội Âu Sầu, bởi những kẻ thuộc hội này đều có tục lệ thì thầm: "Ta rất tiếc" vào tai nạn nhân trước khi xuống tay giết họ.
Ngân hàng Sắt
Ngân hàng Sắt của Braavos là cơ quan tài chính nhiều quyền lực nhất thế giới Game of Thrones, với khách hàng đến từ khắp hai đại lục Westeros và Essos. Mỗi thành phố tự trị đều có ngân hàng riêng, nhưng tất cả hợp lại vẫn không giàu và quyền thế bằng một nửa Ngân Hàng Sắt. Biểu tượng của tổ chức này là hai tam giác chồng lên nhau tạo thành hình đồng hồ cát, với hai bàn tay vàng chĩa sang hai bên.
Trong lịch sử, Ngân Hàng Sắt từng giao dịch với cả các vị vua chúa. Nếu một vị vua tìm cách thoái thác hoặc lảng tránh việc trả nợ, Ngân Hàng Sắt sẽ quay ra ủng hộ kẻ khác lên nắm quyền. Quyền lực và nguồn tiền khổng lồ mà Ngân Hàng cung cấp thường giúp những kẻ được họ chống lưng trở thành mối đe dọa lớn đối với vua chúa đương nghiệm. Có một câu nói nổi tiếng về cơ quan này: "Ngân hàng Sắt luôn đúng kỳ hạn", ám chỉ sự cứng rắn đến nhẫn tâm của họ khi đi đòi nợ.
Thành Phố Tự Trị Braavos
Braavos là thành bang lớn nhất và hùng mạnh nhất trong chín Thành Phố Tự Trị. Nằm trong một vùng phá nước thuộc rìa tây bắc lục địa Essos, nơi giao thoa giữa Biển Hẹp và Biển Run Rẩy, nó còn được gọi là Thành Braavos Trăm Đảo. Thành phố được điều hành bởi Chúa Biển, và biển cả chính là nơi bắt nguồn cho sự giàu có và quyền lực của Braavos.
Lãnh thổ Braavos bao trùm hàng trăm hòn đảo thuộc một vùng phá nước lớn, được nối liền với nhau bởi những cây cầu đá. Không có cây cối trong thành phố, trừ những cây được trồng làm cảnh ở sân vườn những nhà giàu có, biến Braavos trở thành một nơi xám xịt toàn những tòa nhà đá. Cây lá kim mọc trên các đảo bao quanh thành phố được dùng để chắn gió cho các hải cảng và bị cấm đốn hạ. Thậm chí củi đốt cũng được chở bằng thuyền từ nơi khác đến. Braavos sở hữu hệ thống kênh rạch vô cùng chằng chịt, và có cả một hệ thống máng dẫn nước ngọt từ đất liền cung cấp cho cư dân trong thành phố. Nguồn cung thức ăn chủ yếu của người dân Braavos là thủy hải sản đánh bắt được trong phá nước.
Braavos có hai cảng biển lớn: Cảng Tím ở mạn bắc chỉ phục vụ cư dân Braavos, và cảng Phế Liệu ở mạn tây phục vụ các tàu thuyền từ bên ngoài. Chỉ có duy nhất một kênh đào đủ lớn và sâu cho các thuyền viễn dương neo đậu. Án ngữ ngay bên trên con kênh này là bức tượng Thần Titan Braavos khổng lồ, phục vụ với các vai trò mốc ranh giới, hải đăng và công sự phòng thủ cho thành phố.
Do cư dân của Braavos chủ yếu là người tị nạn từ các vùng khác du nhập vào, nên văn hóa nơi đây cực kỳ đa dạng. Có cả tá tôn giáo khác nhau: Thất Diện Giáo, đạo R'hllor thờ Thần Ánh Sáng, đạo của những Ca Sĩ Trăng người Jogos Nhai,... Braavos cũng là nơi đặt trụ sở Ngân Hàng Sắt, cơ quan tài chính lớn nhất thế giới, cùng với Nhà Hắc Bạch, trụ sở của hội sát thủ Vô Nhân Diện.
Oldtown
Oldtown là thành phố lớn thứ hai ở Westeros sau Bến Vua, và là đô thị cổ kính nhất, dựng lên bởi Tiền Nhân trước cuộc xâm lược Andal hàng nghìn năm trước. Nằm ở phía tây nam vùng Reach, Oldtown được thông lộ với kinh đô bởi Đường Hoa Hồng. Thành phố cũng nổi tiếng vì là nơi tọa lạc của tháp Hightower và phủ Citadel, nơi làm việc và đào tạo của các học sĩ.
Oldtown có diện tích và dân cư gần bằng với Bến Vua, tuy nhiên lại sạch sẽ, trật tự và tươi đẹp hơn kinh đô rất nhiều. Các con đường trong thành phố đều được rải sỏi và quanh co uốn lượn, với rất nhiều nhà trọ và điện thờ. Oldtown cũng sở hữu một cảng biển lớn, và thường xuyên tiếp đón tàu bè từ mọi vùng thuộc Bảy Vương Quốc, chín Thành Phố Tự Trị, thậm chí cả từ đảo Summer xa xôi. Phủ bóng lên toàn thành phố là tháp Hightower, biểu tượng của Oldtown, một ngọn hải đăng nhiều tầng hình thất giác đồ sộ. Với độ cao gần 250m, tháp Hightower là công trình cao nhất Westeros, vượt mặt cả Tường Thành. Nó vừa đóng vai trò là thành trì của gia tộc Hightower, vừa làm tín hiệu thông báo của cảng cho tàu bè qua lại.
Moat Cailin - Cửa ngõ phương Bắc
Đây là 1 trong những tòa thành cổ xưa nhất tại Westeros, tương truyền do Những đứa trẻ của Rừng rậm xây dựng nên. Tòa thành mang một vị thế chiến lược, nằm về phía Bắc vùng đầm lầy The Neck. Muốn vào được phương Bắc mà không phải đi qua đầm lầy, chỉ có một con đường cao, khô ráo duy nhất và Moat Cailin nằm ở cuối con đường này.
Tại nơi đây, Tiền nhân đã đẩy lùi mọi nỗ lực xâm lược của người Andal và khiến cho Kingdom of The North trở thành vương quốc của Tiền nhân duy nhất còn tồn tại. Nếu đi từ phía Nam lên, chỉ có thể công thành bằng một con đường duy nhất (xung quanh tòan là đầm lầy).
Chính vì vị thế chiến lược như vậy nên trong cuộc tấn công phương Bắc, Balon Greyjoy giao nhiệm vụ chiếm giữ nơi này cho người thân tín nhất, em trai của mình nhằm chia cắt, không cho quân đội của Rob Stark trở về nhà.
Trước sự kiện GoT diễn ra, tòa thành bị bỏ hoang. Hiện tại quân đội phương Bắc do Roose Bolton chỉ huy đã dành lại được nơi này.
Tường Thành
Tường Thành (The Wall) là bức tường băng đồ sộ cao hơn 200 mét, kéo dài 300 dặm trải ngang biên giới phía bắc của Bảy Vương Quốc, từ rặng Frostfangs bờ tây đến Cảng Hải Cẩu bờ đông, chia tách hầu hết đại lục Westeros với vùng đất hoang vu phương bắc. Được nhà hàng hải Lomas Longstrider xếp vào chín kỳ quan nhân tạo của thế giới, Tường Thành được canh giữ bởi hội anh em đồng hữu thuộc Đội Tuần Đêm.
Theo truyền thuyết, Tường Thành được dựng lên khoảng 8000 năm trước, sau Đêm Trường nhằm bảo vệ vùng đất Westeros khỏi hiểm họa từ loài quỷ Ngoại Nhân ở phương bắc. Bran Kiến Thiết, tổ tiên nhà Stark thành Winterfell là người chỉ duy việc thi công công trình này. Ông đã huy động cả người khổng lồ tham gia xây dựng Tường Thành. Bức tường ban đầu có kích thước khá nhỏ, nhưng những người thợ xây của Đội Tuần Đêm đã khai thác thêm các khối băng từ các hồ trong rừng ma ám (haunted forest), kéo chúng về phía nam để gia cố và xây cao Tường Thành, trải suốt hàng trăm năm ròng để đạt tới kích thước như ngày nay.
Tường Thành là công trình cao thứ hai ở Westeros, chỉ sau ngọn hải đăng Hightower ở Oldtown. Với độ cao hơn 200 mét (700 feet), Tường Thành có thể được nhìn thấy ở cách xa hàng dặm. Đỉnh thành đủ rộng cho một tá hiệp sĩ vũ trang đầy đủ sánh bước đi qua cùng một lúc, và càng về phần chân thành kích thước càng lớn. Đoạn thành chạy từ Hắc Lâu (Castle Black) đến Trạm Đông giáp biển có dạng thẳng, nhưng uốn lượn như thân rắn ở đoạn nối từ Hắc Lâu đến Tháp Bóng Đen (Shadow Tower). Tường Thành không hề có cổng ra vào, chỉ có vài đường hầm xuyên qua bên dưới và luôn được chốt chặt bằng các thanh gióng cửa sắt nặng kèm với dây xích đồ sộ. Tất cả các đường hầm này đều được bịt kín bằng đá và băng khi không còn người gác hoặc khi Tường Thành bị tấn công.
Có tổng cộng 19 trạm giác được xây dựng dọc theo chiều dài hàng trăm lý của Tường Thành, tuy nhiên số lượng lính gác mỗi trạm chưa bao giờ vượt quá mười bảy người mỗi trạm. Hiện nay do sự sụt giảm số lượng lính Đội Tuần Đêm theo thời gian, hầu hết trong số chúng đều đã bị bỏ hoang. Tại thời điểm series Game of Thrones bắt đầu, chỉ có ba trạm gác được sử dụng là Tháp Bóng Đen, Hắc Lâu và Trạm Đông giáp biển. Trạm Đông sở hữu một đội thuyền galê với nhiệm vụ thường xuyên tuần tra Cảng Hải Cẩu, ngăn chặn tàu buôn lậu vũ khí cho các bộ tộc du mục qua đường biển.
Độ cao của Tường Thành tạo cho những người cố thủ nó lợi thế cực kỳ lớn khi lâm trận, cho phép một nhóm người nhỏ dễ dàng cầm cự được với một số lượng địch quân đông hơn nhiều lần. Lính trên thành hầu như đều ở ngoài tầm bắn từ phía dưới, đồng thời lại có lợi thế khi sử dụng cung nỏ, máy phóng và thả rơi vật nặng xuống quân địch. Để tấn công Tường Thành, kẻ địch phải lựa chọn giữa hai phương án: hoặc tấn công trực tiếp vào một đường hầm dưới chân thành, hoặc leo lên thành theo từng nhóm nhỏ và đánh úp lối ra vào từ phía sau. Các đường hầm dưới chân Tường Thành đều được thiết kế với lỗ châu mai cùng lối đi hẹp chỉ cho phép lượng người ra vào giới hạn, khiến kẻ địch rất khó để tấn công. Trong khi đó, leo lên Tường Thành lại cần rất nhiều nỗ lực, chưa kể là lính trên đỉnh tường thành hoàn toàn có thể nã tên hoặc thả rơi các vật xuống đầu người đang leo. Trên đỉnh tường thành được trang bị hàng loạt máy phóng và cần trục, tuy nhiên loại máy phóng được lắp đặt lại không thể xoay nhiều phía được và do đó chỉ bắt phá được một hướng nhất định. Nhiều máy phóng và máy bắn đá đã bị tháo dỡ và không ai đoái hoài gì đến việc lắp đặt lại, để mặc chúng đông thành đá.
Valryia
Valyria là tên một thành phố chết, vốn là thủ phủ của Đế Chế Valyrian Freehold, nền văn minh huy hoàng nhất mà loài người từng được chứng kiến, là trái tim của đại quốc từng thống trị một nửa thế giới đã biết. Tọa lạc trên bán đảo cùng tên hướng ra Biển Mùa Hè (Summer Sea), Valyria được coi là một chốn thần kỳ. Tại đây, những tòa tháp cao chọc trời vươn mình lên tận thiên đàng, nơi loài rồng sải cánh; những pho tượng nhân sư bằng đá có mắt ngọc hồng lựu nhìn xuống dòng người qua lại, và những con đường đá rộng thênh thang, gọi là Đường Valyria hay Đường Rồng, nối liền nó với những thành bang lân cận như Tyria hay Oros.
Valyria không có vua, và quyền lực nằm trong tay 40 gia đình quý tộc được gọi chung là các Chúa Rồng, trong đó hai gia tộc lớn nhất luôn trong tình trạng ganh đua tranh giành quyền cai trị toàn thể Valyrian Freehold. Nhà Targaryen là một trong các gia tộc Chúa Rồng, nhưng họ không được xem là có uy thế lớn. Các Chúa Rồng đều sở hữu một vẻ đẹp hút hồn, thậm chí khác xa người trần mắt thịt (nhiều khả năng do phép thuật từ rồng mang lại), với tóc vàng bạch kim và mắt tím. Tập tục ở Valyria bao gồm kết hôn cận huyết và lấy nhiều vợ nhằm bảo tồn dòng máu rồng thiêng thuần chủng.
Sau thảm họa Ngày Tàn, cả thành phố Valyria lẫn bán đảo đều bị phá hủy hoàn toàn và tách rời khỏi đất liền thành một hòn đảo trên Biển Ngút Khói. Hàng ngàn năm sau cho tới ngày nay, nơi này vẫn mang tiếng là bị quỷ ám. Vùng biển quanh Valyria luôn sôi sục và bốc khói, mặt trăng thì phồng to ma quái, còn bầu trời luôn nhuộm một màu đỏ quạch ngày cũng như đêm do ánh dung nham từ 14 ngọn núi lửa hắt lên. Các thủy thủ trên biển luôn kháo nhau rằng chỉ một cái nhìn vào những ngọn núi rực lửa của Valyria là đủ khiến người ta nhanh chóng bỏ mạng.
Cổng Máu
Cổng Máu (Bloody Gate) là một hẻm núi với hàng loạt công sự phòng thủ được bố trí dọc theo con đường duy nhất dẫn vào Thung Lũng Arryn trong quần thể Núi Mặt Trăng.
Cổng Máu được đặt tên như vậy do hàng tá đội quân đã tan xác tại đây trong Kỷ Nguyên Những Anh Hùng. Hai bức tường có lỗ châu mai được đục khắc vào hai dãy núi đá ở hai bên, cùng hai ngọn tháp canh án ngữ nơi con đường thu hẹp lại nhất, nối liền với nhau bởi một cây cầu đá hình vòng cung bắc ngang qua phía trên lối đi. Cung thủ được bố trí khắp hai đỉnh vách đá, sẵn sàng nã tên vào bất cứ kẻ địch nào lại gần.
Cổng Máu là phòng tuyến cực kỳ quan trọng của cả vùng Thung Lũng Arryn trong suốt hàng ngàn năm. Thành Eyrie được coi là bất khả xâm phạm một phần cũng là do từ xưa đến nay chưa có đạo quân nào vượt qua được Cổng Máu, ngoại trừ trường hợp duy nhất của Visenya Targaryen nhờ cưỡi rồng bay vượt lên bên trên hẻm núi.