Điểm qua những màn come out đầy cảm xúc

Đánh giá phim · _bylyy16 ·

Cùng xem qua một vài tựa phim về LGBTQ+ với những màn come out dù là khó khăn hay dễ dàng cũng đều được đáng trân trọng và ủng hộ nhé!

Cho đến hiện tại, come out phải nói là một trong những vấn đề mà cộng đồng LGBTQ+ luôn quan tâm. Come out không đơn giản chỉ là việc đứng lên và nói rằng “Tôi là con trai và tôi thích con trai” hay “Tôi là người đồng tính”, nó là việc mà bất kì ai cũng cần nhiều sự dũng cảm, bởi dù thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn vẫn luôn tồn tại thái độ không chấp nhận, kỳ thị, ghét bỏ từ người xung quanh, hơn hết là những người mà họ yêu thương và tin tưởng, gia đình là một ví dụ điển hình. 

Dù hiện nay có rất nhiều quốc gia có cái nhìn cởi mở hơn với LGBTQ+ và thậm chí còn ban hành các luật chống phân biệt đối xử và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới nhưng thái độ tiêu cực với cộng đồng LGBTQ+ vẫn chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Đó cũng là lí do nhiều bạn phải sống trong sự gò bó, che giấu bản thân mình và ắt hẳn luôn có những nỗi niềm riêng. May mắn thay, càng có nhiều quốc gia có những biến chuyển tốt hơn trong việc khai thác chủ đề LGBTQ+ để làm phim, đây là một dấu hiệu đáng mừng để cộng đồng có thể tự tin hơn cũng như những người khác có cái nhìn đồng cảm hơn về những điều “không thể nói cùng ai”. Cùng xem qua một vài tựa phim về LGBTQ+ với những màn come out dù là khó khăn hay dễ dàng cũng đều được đáng trân trọng và ủng hộ nhé! 

1. Love, Simon

Là một trong những bộ phim trong list phải xem cho những ai yêu mến và ủng hộ cộng động LGBTQ+, Love, Simon ra mắt năm 2018 khiến khán giả dường như tan chảy với nội dung của bộ phim khi tập trung kể về Simon, một nhân vật đồng tính nam luôn lo sợ phản ứng từ cha khi biết được giới tính thật của mình. Love, Simon thành công nhất ở việc khắc họa được tâm lý của chàng thiếu niên đồng tính rất băn khoăn với sự khác biệt của mình và lo sợ mọi người sẽ thay đổi cách nhìn về bản thân nếu công khai giới tính thật. Simon mặc dù có một cuộc sống như mơ nhưng sâu thẳm trong vẫn có chỗ cho những cô đơn mà như mẹ cậu nói "đôi khi con như cố nén hơi thở". Đó là thứ mà cậu không thể sẻ chia với cha mẹ, bạn bè khi ở một xã hội quá nhiều định kiến. 

Thế nhưng cuối cùng Simon cũng dám thừa nhận, chỗ dựa của Simon chính là bản thân, cậu biết và cậu thừa nhận điều đó và không hề chối bỏ bản thân mình, đó là một sự tôn trọng bản thân và cậu nhận thức được rằng đồng tính không hề có tội. Hơn hết, cậu có một người mẹ tuyệt vời, bà là một bác sĩ tâm lý và thừa nhận rằng bà biết Simon có một bí mật từ rất lâu nhưng bà đã không hỏi gì thêm khi biết điều đó. Bà dành hết lời yêu thương cho Simon. Bà nghĩ đó là lỗi của mình khi không chia sẻ với Simon từ lúc nhận thấy điều kỳ lạ diễn ra. Cậu cũng có một người bố trên cả tuyệt vời, một người dù rất vụng về, đàn ông đến mức phát cười nhưng vẫn chấp nhận việc Simon thích con trai và tôn trọng sự khác biệt đó. 

“Con vẫn là con, Simon ạ” – Có thể nói, sự chấp nhận, thấu hiểu và yêu thương chỉ trong một câu nói đó thực sự khiến người viết cảm động. Giá như ai cũng có những người cha người mẹ như vậy, luôn là một chỗ dựa, là một niềm tin vững chắc để ta sẵn sàng bước đi trên đoạn đường đầy chông gai phía trước. 

2. Thưa Mẹ Con Đi

Là một dự án phim độc lập đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra mắt năm 2019, Thưa Mẹ Con Đi khá thành công với kịch bản gần gũi và visual của dàn diễn viên. Dù rằng thể loại này còn khá kén người xem với khán giả Việt Nam nhưng cũng có thể coi như là một bước đầu nhiều triển vọng. Thưa Mẹ Con Đi xoay quanh Văn, một thanh niên 28 tuổi trở về Việt Nam sau nhiều năm học ở Mỹ. Sự trở về của Văn khiến cả gia đình nhiều thế hệ rất ngạc nhiên khi anh đi cùng Ian - một anh chàng Việt kiều mới 20 tuổi. Trong kỳ nghỉ, hai chàng trai này bị xoáy vào những áp lực từ sự kỳ vọng, trách nhiệm và xung đột với những người xung quanh, đặc biệt khi Văn là cháu đích tôn có trách nhiệm phải kế thừa những truyền thống của gia đình.

Mặc dù màn come out trong phim có thể chưa đạt đến mức quá xúc động nhưng chí ít phim khắc họa khá rõ những vấn đề mà Văn gặp phải khi đối diện với đầy rẫy những định kiến từ gia đình, họ hàng. Văn phải đánh đổi giữa việc chọn sống đúng với bản thân mình và chọn làm hài lòng mẹ. Văn có người bà tuy trong vai đãng trí nhưng là một người đầy tình yêu thương và tinh tế, bà biết cái gì là cần thiết cho cháu mình. Đứng giữa sự lựa chọn, Văn cũng có rất nhiều trăn trở và phiền lòng, cũng nhiều lúc đau lòng vì mẹ vẫn chưa thật sự thấu hiểu cho Văn. 

Nhưng may thay, mẹ Văn là một người phụ nữ đầy tình cảm, bà biết rằng thật khó để chấp nhận, và tự nhận lỗi về mình khi để con ở xứ người quá lâu, nhưng cuối cùng bà vẫn chọn tôn trọng quyết định của con, dù trong thâm tâm bà cũng lo sợ nhiều thứ, sợ nhất là con mình không hạnh phúc. Như đã nói, màn come out của Thưa Mẹ Con Đi có thể chưa quá đỗi ấn tượng, nhưng với sự nhẹ nhàng của mạch phim, chúng ta có thể cảm nhận rõ hơn những thứ mà một chàng trai đồng tính phải trải qua trước quyết định công khai chính bản thân mình. 

3. Never Have I Ever 

Khác với những phim trên, Never Have I Ever (Những Điều Tôi Chưa Từng) chỉ phản ánh phản ánh lên một khía cạnh về thời kỳ thay đổi tâm lý của những học sinh trung học, trong đó có nhân vật đồng tính. Fabiola Torres là bạn thân của nữ chính và phải luôn đấu tranh vì xu hướng tính dục của bản thân, cô lo lắng, sợ hãi, sợ rằng mẹ mình sẽ thất vọng không biết được sự thật. Cuối cùng thì Fabiola cũng sẵn sàng thú nhận với cô bạn thân Devi và mẹ rằng mình người đồng tính. Tuy không có quá nhiều đất diễn trong Never Have I Ever chỉ là diễn viên phụ, nhưng những lời nói của mẹ Fabiola dành cho cô đã làm người viết cảm động bởi tình cảm thiêng liêng này. Việc Fabiola hạnh phúc là điều duy nhất mẹ cô muốn. 

Một lần nữa ta lại thấy hình ảnh của một bà mẹ đầy yêu thương, hết mực bao dung. Dù rất bất ngờ, thậm chí là sốc đến mức không biết phải nên nói những gì và bắt đầu từ đâu. Nên bà ấy đã chọn những câu nói dịu dàng nhất, rằng là dù có như thế nào, thì bà ấy vẫn luôn yêu con mình, không điều gì có thể thay đổi được tình cảm ấy, dù con gái có là ai, có thích con trai hay con gái. 

4. Heartstopper

Heartstopper là bộ phim làm mưa làm gió cộng đồng fan Netflix tháng 5 vừa qua với những thước phim vô cùng đẹp đẽ và đáng yêu. Chắc hẳn khó có ai mà quên được hình ảnh Nick, một cậu trai đang trên hành trình "định nghĩa" bản thân với mối tình cùng Charlie - nhân vật đồng tính nam đang thu mình lại bởi những định kiến từ xã hội. Nick nhẹ nhàng, tinh tế, đôi khi cư xử hơi quá đà vì rối bời với chính bản thân mình. Hành trình “định nghĩa” bản thân của Nick thật ra không có quá nhiều sóng gió, nó chủ yếu bắt đầu từ bên trong cậu, có lúc cậu hoảng loạn, cũng có lúc bình tĩnh, nhưng trên hết cậu cho chính mình thời gian tìm hiểu và không hề chối bỏ sự thật hay có động thái hành động sai trái như tình cũ của Charlie. 

Người mẹ của Nick là một nhân vật rất được quan tâm sau khi series này phát sóng, phân cảnh này được xem là một trong những phân cảnh đắt giá nhất trong suốt series và nó cũng là điều khiến Heartstopper nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Người xem dường như tan chảy khi Nick chia sẻ về xu hướng tính dục của bản thân với mẹ cậu một cách rất nhẹ nhàng và thẳng thắn. Không có quá nhiều thoại ở phân cảnh này nhưng nó lại vô cùng ý nghĩa khi gói gọn được sự thấu hiểu và yêu thương con trai của mẹ Nick. Và như đã nói, phim không đặt nặng vấn đề nhân vật phải khẳng định bản thân là ai đối với xã hội, mà là cách nhân vật đối diện với chính bên trong của mình, đây cũng là một hình thức come out, come out với chính bản thân mình. 

Có thể thấy come out là điều không hề dễ dàng, đây là cả một hành trình để nhận diện, định nghĩa bản thân chứ không đơn giản là một cột mốc khẳng định sự công khai với xã hội ngoài kia. Và trên hành trình khám phá và định nghĩa bản thân này, bất luận như thế nào thì gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho từng cá thể trong cộng đồng.