Dù muốn dù không, đây vẫn là 10 bộ phim nhảm nhí và gây thất vọng nhất năm 2017
Tin điện ảnh · Maii ·
Những nhà phê bình phim của Variety đã xác định 10 phim đã khiến người xem tỏ ra thất vọng nhất.
Khi một bộ phim trở thành “bom xịt”, thì thông thường những phim đó chỉ đơn giản xuất phát từ một ý tưởng sai lầm. Mặc dù, nhiều khi đó cũng là những ý tưởng rất “chất” nhưng việc thực hiện nó lại cho thấy sự tầm thường thật sự. Những bộ phim này có thể không phải là kiệt tác, nhưng việc làm chúng quá tệ cũng khiến khán giả phát cáu. Những nhà phê bình phim của Variety là Owen Gleiberman và Peter Debruge đã rất khó khăn để đưa ra danh sách những bộ phim tệ nhất 2017. Có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên, nhưng 10 bộ phim dưới đây đã khiến họ rất thất vọng.
5 bộ phim tệ nhất do Owen Gleiberman bình chọn
1. Trespass Against Us
Đây là bộ phim “nhảm xịt” đến nỗi bất kỳ ai đi xem đều cảm thấy ngớ ngẩn đến phát bực. Michael Fassbender và Brendan Gleeson diễn cặp cha con tội phạm cố gắng từ bỏ quá khứ của mình, bất đắc dĩ sống dưới 1 mái nhà, nơi mà xung quanh đầy những hiểm họa đang chờ đợi.
2. Jumanji: Welcome to the Jungle
Năm nay, việc tái khởi động thương hiệu phim này đã có lần ra mắt tệ hại nhất. Một nhóm học sinh trung học bị kẹt trong phiên bản trò chơi Jumanji, tức là họ bị kẹt 2 tiếng đồng hồ trong 1 khu rừng giả tưởng, và bị chuyển đổi thành Dwayne Johnson, Kevin Hart, Jack Black, và Karen Gillan mà không có lý do đặc biệt nào. Cả 4 diễn viên đều diễn xuất mờ nhạt và lộn xộn, có lẽ đây là phần tiếp theo “nhảm nhí” nhất mà chúng ta từng tưởng tượng.
3. The Book of Henry
Liệu đạo diễn Colin Trevorrow có phải bị sa thải khỏi Star Wars: Episode IX bởi bộ phim về cậu bé thiên tài rất vô lý và giả tạo của ông hay không? Mặc dù không phải lý do chính, nhưng khả năng cao là vì bộ phim này mà ông gặp kết cục như vậy. Đây là câu chuyện về cậu bé có bộ óc siêu phàm 11 tuổi (Jaeden Lieberher) lập mưu để bẫy một kẻ bạo hành trẻ em, như một cách trả thù cho các nạn nhân xung quanh (Phim đáng lẽ nên xoay quanh việc cậu ta chơi chứng khoán mới đúng). Thật sự không biết chúng ta phải nên cười, nên khóc, hay là chào thua nữa.
4. Slack Bay
Slack Bay, mỗi phút trôi qua là một phút ngớ ngẩn và hài hước, đây câu chuyện xuyên thế kỷ của một gia đình thuần chủng có xu hướng ăn thịt đồng loại. Sẽ có rất nhiều khán giả vui mừng vì đạo diễn người Pháp Bruno Dumont đã không còn ngông cuồng đưa ra những lời tuyên bố hùng hồn mang tính nhân văn và hiện tại, đang tạo ra những khoảng khắc “ngớ ngẩn” như bộ phim này. Nhưng nếu gọi đây là một bộ phim nghệ thuật thì giống như kiểu tạt gáo nước lạnh vào mặt người xem và kèm theo đó là một tràng cười.
5. T2: Trainspotting
20 năm sau, gã thanh niên nghiện ngập bất tài từ Trainspotting đã trở lại màn ảnh rộng với dáng vẻ già nua. Nhưng bộ phim có thực sự “trưởng thành”? Đạo diễn Danny Boyle đã tạo ra 1 sai lầm chết người khi ông quyết định chuyển phần tiếp theo này sang câu chuyện về gã trung niên có lối sống trụy lạc. Trainspotting là 1 bộ phim tuyệt vời vì nó truyền tải thông điệp về niềm vui thơ trẻ khi bạn sống vô tư, vô lo. Nhưng T2 đã không chọn “sống” như thế – nó chọn đi sâu vào cảm xúc rỗng tuếch của những con người không có gì để mất.
5 bộ phim tệ nhất của Peter Debruge
1. Nocturama
Có lẽ đạo diễn người Pháp Bertrand Bonello đã cảm nhận được điều gì đó khi ông ấp ủ bộ phim này, kể về một nhóm thanh niên nổi loạn, sau khi thực hiện một cuộc khủng bố thì trốn trong một cửa hàng Paris, xem “câu chuyện hậu khủng bố” diễn ra thế nào trên tin tức truyền hình, hệt như mấy cô nàng “vô cảm” trong buổi diễn thời trang gợi dục. Thay vì chỉnh sửa (hoặc ít nhất thì cũng là chuyển thể) ý tưởng “bạo gan” của ông sau vụ nổ súng ở Bataclan, phim của Bonello chẳng liên quan gì đến thực tế. Đó là 1 sự sỉ nhục không chỉ với nước Pháp, mà còn cả những với kẻ khủng bố, chúng có thể bị cáo buộc nhiều tội trạng, nhưng tội “khủng bố vô duyên” không phải là một trong số đó.
2. The Emoji Movie
Một bộ phim lấy cảm hứng từ những biểu tượng màu vàng nhỏ nhắn tương đồng với những cảm xúc của con người. Một bộ phim hoạt hình CGI của Sony có nét giống với Inside Out của Pixar, mang đến 1 vài thông điệp chung chung về “hãy là chính mình” trong khi vẫn chưa chạm đến cảm xúc của khán giả. Điều đọng lại chỉ là những khoảng khắc ngớ ngẩn của những biểu tượng “vớ vẩn” biết nói.
3. Fist Fight
Chả hiểu ai lại nghĩ thật hay ho khi xây dựng một bộ phim xoay quanh hiểu lầm giữa hai giáo viên, hiểu lầm ấy phát triển thành một cuộc cãi vã ầm ĩ trong khuôn viên trường học chẳng có đứa học trò nào – hoặc là để bọn họ đi loanh quanh với mớ gậy gộc vớ được trong nhà để gây gổ với nhau. Phim Mỹ đã quá lạm dụng bạo lực và một bộ phim hài mà lại khuyến khích điều đó, trong một bối cảnh không thích hợp như thế quả thật không vui tý nào. Thật thiếu trách nhiệm. (Giữa vai diễn này với vai diễn trong bộ phim tội nghiệp của Louis CK I Love You, Daddy, Charlie Day nên “dính” với màn hình nhỏ thì hay hơn.)
4. The Snowman
Dựa theo tiểu thuyết trinh thám được đánh giá cao, đây là bộ phim mà Martin Scorsese đã có lúc được chọn để đảm nhiệm vị trí đạo diễn, nhưng cuối cùng, vai trò này đã được trao cho Tomas Alfredson – người đã chuyển thể rất tệ hại tiểu thuyết của Jo Nesbø rồi lại đổ lỗi cho lịch trình có vấn đề. Phim xoay quanh một kẻ giết người hàng loạt “củ chuối” đã để lại ký hiệu tội ác của mình bằng một người tuyết trong sân nhà của nạn nhân. Sau không để lại thêm mấy cái bánh luôn đi cho ngon? Và Val Kilmer đang làm gì trong bộ phim này vậy?
5. Downsizing
Alexander Payne đã tạo ra những bộ phim nhỏ đầy ý nghĩa sâu sắc, nhưng với phim này thì là một nỗi thất vọng lớn, bắt nguồn từ thực tế là khả năng của ông không thể đủ tầm thực hiện những bộ phim kinh phí khủng với ý nghĩa sâu xa. Mang màu sắc khoa học viễn tưởng (con người sẽ tự nguyện thu nhỏ chính mình), sự châm biếm thiếu chín chắn không có tính nghệ thuật đã hiện diện ngay từ khi mở màn, thêm vào đó là màn diễn xuất “đơ như cây cơ” từ Matt Damon. Trong khi bộ phim hướng đến việc níu kéo người vợ trở về, thì nhân vật của anh ta cuối cùng chấp nhận bị vợ bỏ.
Thành viên: Huylock & Maii
Nguồn: Variety