Em và Trịnh - Những ca khúc để đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một lần nữa sống lại

Đánh giá phim · Hoangyenne ·

Âm nhạc – một phần linh hồn không thể thiếu của Em Và Trịnh.

Kéo xuống để xem tiếp

Âm nhạc là thứ không thể tách rời khi nhắc đến Trịnh Công Sơn, vì đó mà không lý nào một bộ phim nói về cố nhạc sĩ lại thiếu đi âm nhạc, giai điệu và những khúc ca. Em Và Trịnh không chỉ đơn thuần là một bộ phim về cuộc đời, mà còn tựa như một tuyển tập âm nhạc, khi hội tụ những ca khúc để đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Em Và Trịnh được sản xuất bởi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng toàn bộ ekip với chi phí khủng lên tới 50 tỷ.  Hiện nay, bộ phim đang làm mưa làm gió lại các phòng vé trên toàn quốc. 

Ngoài những yếu tố như diễn xuất, kịch bản, diễn viên, bối cảnh, ngôn ngữ điện ảnh,… thì âm nhạc cũng là một thành tố rất quan trọng để làm nên sự thành công của bộ phim Em Và Trịnh. Những ca khúc xuất hiện trong phim đều là của cố nhạc sĩ sáng tác, tuy nhiên một số bản phối được thực hiện, làm mới bởi các ca sĩ trẻ. Cùng điểm qua một số ca khúc nổi bật trong bộ phim này nhé!

Đầu tiên là ca khúc Ướt Mi, Trịnh Công Sơn đã viết khi gặp Thanh Thúy tại một phòng trà. Trong khi đang biểu diễn trên sân khấu, cô đã khóc, giọt nước mắt lăn dài trên má đã làm người nghệ sĩ cảm động. Để rồi, ông viết lên những lời ca “Ngoài hiên mưa rơi rơi. Lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi.” Ca khúc là lời ủi an, xoa dịu nỗi đau của người phụ nữ trong đêm mưa. Lời ca sầu buồn, tựa như chuyện tình chưa kịp bắt đầu đã vội kết thúc của hai người.

 

Tiếp đến là câu chuyện tình với nàng thơ Bích Diễm, ca khúc Diễm Xưa cũng từ đây mà ra đời. Đắm chìm trong vẻ đẹp mặn mà của Bích Diễm, cố nhạc sĩ trong những chiều mưa đã viết Diễm Xưa như một lời tỏ tình cùng nàng. Nhưng buồn thay, tình cảm này cũng không được đáp lại. “Chiều nay còn mưa, sao em không lại?”. Bởi lẽ khác nhau quá nhiều, từ địa vị, định hướng tương lai,… nên Bích Diễm đã trốn tránh, từ chối tình cảm này. Trong Em và Trịnh, quá trình viết nên ca khúc này cũng được ekip xây dựng bằng con mắt điện ảnh vô cùng xuất sắc.

 

Nắng Thủy Tinh ca khúc nhẹ nhàng, vừa da diết, vừa tươi vui, là đại diện cho một thứ tình yêu nhè nhẹ, ngây ngô của tuổi trẻ. Vẻ đẹp của một nàng thơ trong trẻo, nhẹ nhàng, đáng yêu đã chinh phục trái tim người nghệ sĩ, thôi thúc ông viết lên ca khúc Nắng Thủy Tinh. Ca khúc này xuất hiện trong bộ phim khi chuyện tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nàng thơ Dao Ánh chớm nở, một tình yêu mà cho đến cuối đời ông cũng vẫn hoài mong nhớ.

 

Nhìn Những Mùa Thu Đi được Trịnh Công Sơn sáng tác vào những năm 1963, khi ông còn là chàng sinh viên trẻ, đa sầu, đa cảm với nhiều vấn vương trong lòng. Ca khúc được Khánh Ly thể hiện một cách da diết và nồng nàn, lời bài hát viết về chuyện tình yêu xa của một chàng trai và cô gái anh yêu. Những nuối tiếc, những buồn bã, hòa vào mùa thu. Có thể thấy, âm nhạc của Trịnh Công Sơn không khác gì một bài thơ tình buồn.

 

Không chỉ có những bài hát dành cho các nàng thơ, trong Em và Trịnh nhiều bản nhạc tình buồn được cất lên như Tuổi Đá Buồn, Sầu Đông, Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em, Tình Sầu, Hạ Trắng, Tình Nhớ,… Mỗi ca khúc đều được thể hiện một cách rất chỉn chu. Trịnh Công Sơn đã nói “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng”, bấy nhiêu đây cũng đủ để thấy đối với ông, sống là để yêu và yêu thì mới có thể sống được. Có nhiều người nói Trịnh Công Sơn là người đào hoa, thật vậy ông rất đào hoa nhưng không có nghĩa là lăng nhăng và phản bội. Đối với ông, tình yêu là thứ nuôi dưỡng con người, đối với một người nghệ sĩ lãng mạn, đa sầu đa cảm mà nói, tình yêu chính là nguồn làm hứng vô tận để viết lên những khúc ca “Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc”.

Ngoài những ca khúc về tình yêu, Trịnh Công Sơn còn viết nhạc về thân phận con người, về chiến tranh, về cuộc sống. Ông viết nhiều những ca khúc phản chiến, từ năm 1970 đến 1972 ông cho ra đời tập nhạc Phụ Khúc Da Vàng, tập nhạc này cũng được đề cập đến trong bộ phim Em Và Trịnh. Phải dành một lời khen dành cho đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, bộ phim không chỉ nhắc đến những sự kiện về cuộc đời của cố nhạc sĩ mà nó còn thể hiện được hành trình sáng tác nghệ thuật của ông một cách chi tiết. Hầu hết các ca khúc nổi bật của cố nhạc sĩ đều được điểm qua trong bộ phim.

 

Những khúc ca ca ngợi cuộc sống, ca ngợi hòa bình, viết về thân phận con người trong chiến tranh như Người Con Gái Việt Nam Da Vàng, Đại Bác Ru Đêm, Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay, Cho Đời Chút Ơn, Ngày Dài Trên Quê Hương,… cũng được thể hiện trong Em Và Trịnh. Những bài hát lên án chiến tranh, ca ngợi hòa bình của ông đề cập đến tội ác của chiến tranh, với những hình ảnh bi thương Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng. Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng. Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn; “Một ngày dài trên quê hương. Người Việt Nam quên mình sống. Một ngục tù nuôi da vàng. Người Việt nằm nhớ nước non” từng câu từ như cứa vào ruột gan, những giai điệu khiến người xem phải rơi nước mắt. Tất cả đều được lồng ghép vào bộ phim, âm nhạc tựa như một nhân vật quan trọng của Em Và Trịnh, bởi lẽ thiếu đi yếu tố này dường như linh hồn của bộ phim bị mất đi một nửa.

Nhìn chung, những ca khúc trong Em Và Trịnh dù xuất hiện xuyên suốt hay thoáng qua cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem bởi những giai điệu da diết của nó. Âm nhạc được lồng ghép vào bộ phim một cách rất khéo léo, tinh tế làm người xem phải nổi “da gà” mỗi khi thanh âm cất lên. Nó còn là một nhân vật quan trọng trong việc dẫn dắt cốt truyện, nối kết hiện thực với quá khứ và ngược lại. Đạo diễn cùng ekip làm phim đã có sự đầu tư kỹ lưỡng vào phần âm nhạc trong phim, mỗi bài hát đều thể hiện một ý nghĩa quan trọng riêng biệt. Tuy xuất hiện rất nhiều, nhưng âm nhạc không hề làm loạn hay lấn át, lu mờ những yếu tố khác. Tóm lại, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong Em Và Trịnh, nó tựa như một phần linh hồn của bộ phim. Theo người viết, Em Và Trịnh là một trong số bộ phim có OST hay và chất lượng nhất từ trước tới nay.