[REVIEW] Trịnh Công Sơn
Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·
Một tác phẩm được làm tử tế và chỉn chu, nhưng liệu đã đủ trọn vẹn?
Kéo xuống để xem tiếp
Vừa qua 07.06, bản công chiếu của hai dự án phim Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh đã được ra mắt. Rất nhiều những cảm xúc thăng hoa, sự nghẹn ngào đọng lại đến khi bước chân ra khỏi rạp. Đến nỗi sau khi về đến nhà, người viết phải ngay lập tức mở lại những ca khúc từ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nghe lại, bồi hồi và suy ngẫm về từng câu từ, từng nốt nhạc, từng giai đoạn mà ông đã sáng tác ra chúng với một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, một trái tim luôn cháy hết mình khi có âm nhạc. Ở bài viết này, người viết sẽ chỉ tập trung nêu cảm nhận về bộ phim Trịnh Công Sơn. Về tác phẩm Em và Trịnh, các mọt phim hãy đón chờ ở bài viết sau nhé!
Đầu tiên hãy nhận xét về những điểm hay và tốt của bộ phim Trịnh Công Sơn. Thực sự phải dành điểm số 10/10 về cả phần nhìn lẫn phần âm thanh trong tác phẩm. Quá hay và quá trọn vẹn. Những câu từ, giai điệu trong các sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên đến đâu lại khiến người xem nổi hết cả da gà lên đến đấy, xử lý âm thanh xuất sắc, đẩy mạch cảm xúc âm nhạc từ nhẹ nhàng, da diết, mộc mạc lên sự cao trào, thăng hoa một cách tuyệt vời. “Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau/ hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau…” Thực sự đến khi ngồi viết ra những dòng trải lòng này về những giai điệu trong phim, âm vang từ các ca khúc cứ văng vẳng trong đầu người viết, quá hay, quá tinh tế và thực sự “đã” khi các giai điệu ấy được vang lên trong phim.
Về phần nhìn, một bản tình ca “đầy mưa” đã được dựng trong bản Trịnh Công Sơn, quá nhiều những cái đẹp gom lại trong một tác phẩm điện ảnh. Huế mộng mơ đẹp như một nàng thơ kiều diễm, đoan trang. Sài Gòn xô bồ và tấp nập, khung cảnh thiên nhiên, đất nước, con người vừa hùng vĩ lại vừa xót thương. Những bức thư Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh được đọc qua chất giọng Huế đầy ngọt ngào, âm nhạc làm nền cộng hưởng, những thước phim có đẹp, có buồn, có tình làm người xem như lạc vào cơn mê của tình yêu mà Trịnh Công Sơn đã gửi trao cho nàng Dao Ánh. Cái tình ấy nồng nàn, nỗi nhớ dai dẳng, khôn nguôi như “thứ axit chỉ chực chờ trào ra khỏi ly”.
Trịnh Công Sơn không chỉ dừng lại ở những giai điệu trong sáng tác của ông, về chuyện tình của ông và các nàng thơ đã đi qua trong đời, mà nó còn phản ánh những lát cắt của lịch sử dân tộc thời ấy. Những hình ảnh tàn khốc của một thời chiến tranh loạn lạc được tái hiện, nó làm ta hiểu hơn về những tác động của thời cuộc lên tâm hồn những người nghệ sĩ. Tình yêu nghệ thuật luôn phải gắn liền với thời cuộc của đất nước. Chiến tranh khiến người nghệ sĩ đôi khi đánh mất chính mình như người bạn Văn Đỗ của cố nhạc sĩ cũng như khiến chính Trịnh Công Sơn từ một chàng nhạc sĩ lãng mạn, hào hoa “không thể viết nổi một bài hát vui”.
Nói một chút về vẻ đẹp và diễn xuất của các diễn viên trong phim, Trịnh Công Sơn thời thiếu niên với tạo hình khá khớp với cố nhạc sĩ thời trẻ, mặc dù còn khá “mới” trong nghề nhưng Avin Lu đã hóa thân khá trọn vẹn khi vào vai diễn có thể nói là nặng cân này. Ánh mắt của anh khi nhìn các nàng thơ đã phần nào cho người xem cảm nhận được sự say đắm, thẫn thờ của một chàng nhạc sĩ khi đứng trước những nét đẹp tinh khôi của người thiếu nữ. Cái tình qua ánh mắt khi nhìn Bích Diễm, Dao Ánh thực sự cho thấy khát vọng được đắm chìm vào trong tình yêu của anh chàng.
Dao Ánh do Hoàng Hà đảm vai thực sự quá đẹp, trong veo như giọt nắng tinh khôi của bình minh buổi sớm. Hoàng Hà đã làm rất tốt vai diễn của mình khi nét đẹp của cô thực sự là thứ “Nắng Thủy Tinh” mà Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh. Vẻ đẹp ấy khiến người khác phải mê say vì sự hồn nhiên pha chút tinh nghịch của một thiếu nữ tuổi mới lớn, song vẫn giữ được cái thùy mị, đoan hiền của một người con gái gia giáo.
Bích Diễm đẹp sắc sảo, thùy mị, nhẹ nhàng với mái tóc dài đen óng ả trong tà áo dài trắng thướt tha, một cô gái Huế rụt rè, e thẹn đã lọt vào con mắt si tình của Trịnh Công Sơn ngay từ những ánh nhìn đầu tiên. Một cô Mai (danh ca Khánh Ly) do Bùi Lan Hương thủ vai cứng cáp, trải đời, một giọng hát mà theo Trịnh Công Sơn bình phẩm là rất đỗi bản năng, mộc mạc nhưng đặc biệt “Giọng của Mai hợp để hát nhạc của anh”.
Và không những đặc biệt trong giọng hát, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn còn đặc biệt trong cả chuyện riêng của họ. Khác hẳn những nàng thơ trước đó của cố nhạc sĩ, cái tình trong ánh mắt của họ buổi chia ly, em ở lại anh về Huế tìm Ánh, cái tình thật khó để có thể diễn tả. Đôi tri âm tri kỷ suốt một đời gắn bó với nhau, âm nhạc của Trịnh và nàng ca sĩ Khánh Ly mãi phải tìm về nhau nhưng sau tất cả, có lẽ chỉ dừng lại như câu nói mà Trịnh Công Sơn đã nói với Dao Ánh “Anh không yêu Mai, Anh yêu Hướng Dương…”.
Phải dành rất nhiều những sự trân quý cho tài năng và sự để tâm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vào trong tác phẩm này. Tính điện ảnh trong tác phẩm rất cao khi đạo diễn đã tinh ý sắp xếp trong các góc máy, cảnh quay của khung hình tạo nên sự hòa hợp đến lạ lùng. Nhịp kể chuyện thông qua hình ảnh và âm nhạc khiến khán giả cứ mãi cuốn theo cái chất tình, chất thơ trong phim.
Tuy nhiên tâm đắc là vậy nhưng người viết cũng phải có đôi chỗ hơi bị hụt hẫng khi xem bộ phim này. Cái kết của Trịnh Công Sơn làm khán giả có đôi phần tiếc nuối và hơi “buồn” vì chưa có sự xuất hiện của nàng thơ cuối cùng Michiko, spoil trước cho các mọt để đỡ “hụt chân” như người viết nhé.
Lát cắt trong những câu “chuyện tình” khá nhanh làm người xem đôi khi chưa cảm nhận được trọn vẹn cái tình trong đó. Màu phim rất đẹp, rất thơ mộng nhưng có đôi chỗ hơi bị chói sáng một chút. Đối với người viết thì thời lượng của phim hơi ngắn nên khi xem xong vẫn cảm thấy tiếc tiếc kiểu gì, nhưng mà cộng sự của người viết thì lại thấy như vậy là vừa đủ, “ăn đủ no thì ngon, ăn nhiều bị bội thực” nên chín người mười ý, không biết đường nào mà lần.
Tổng quan, Trịnh Công Sơn là một bộ phim hay và đáng xem, đặc biệt dành cho những tín đồ của dòng nhạc Trịnh (nhất định không được bỏ lỡ nhé các bạn, tiếc lắm). Có một câu nói đầu phim của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào đầu phim đã làm trái tim nhỏ bé này nhói lên một nhịp “hình như âm nhạc bỏ anh rồi”. Âm nhạc chưa bao giờ rời bỏ Trịnh Công Sơn, âm nhạc yêu ông như cái cách mà ông đã nâng niu, chiều chuộng từng phím đàn vậy. Và những người yêu nhau sẽ lại về với nhau, thế nên những ai yêu mến Trịnh Công Sơn và những giai điệu trong ca từ của ông thì thật đáng tiếc nếu bỏ lỡ tác phẩm kinh điển này đấy nhé. 8,5/10 cho Trịnh Công Sơn.