[REVIEW] Em Và Trịnh

Đánh giá phim · Hoangyenne ·

Vẻ đẹp của một thời, một đời được tái hiện xuất sắc qua Em Và Trịnh.

Kéo xuống để xem tiếp

Em Và Trịnh là bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thực hiện được lấy cảm hứng từ cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với kinh phí lên đến 50 tỷ, cùng những con số kỷ lục đã khiến khán giả trông đợi bộ phim dù bị hoãn chiếu nhiều lần. Vừa mới ra mắt nhưng dường như bộ phim được khán giả vô cùng đón nhận và thích thú, trở thành một trong số những bộ phim bán chạy nhất phòng vé hiện nay. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh bộ phim thú vị này, đây là một số cảm nhận của người viết sau khi trải qua những cung bậc cảm xúc của 136 phút phim mang lại. 

Em Và Trịnh được lấy cảm hứng từ cuộc đời của Trịnh Công Sơn – một nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc Việt Nam. Michiko một du học sinh người Nhật đến Việt Nam để tìm hiểu về âm nhạc của Trịnh Công Sơn nhằm phục vụ cho việc triển khai luận văn thạc sĩ sắp tới của mình. Cô được tiếp xúc với Trịnh Công Sơn, từ đây cô đã khai thác về cuộc đời và âm nhạc của ông, đồng thời cùng ông hồi tưởng lại những miền ký ức thời xưa cũ.

Đúng như cái tên của nó, bộ phim kể về những bóng hồng đã đi ngang qua cuộc đời của người nghệ sĩ, khiến ông phải thao thức, xao động mỗi khi nhớ về. Họ cũng chính là nguồn cảm hứng để ông viết lên những tình ca. Vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn, sự đồng điệu nghệ thuật, sự ngưỡng mộ của những người con gái khiến ông mong nhớ đã hấp dẫn và khiến cuộc đời sáng tạo của ông thăng hoa.

Avin Lu trong tạo hình Trịnh Công Sơn lúc trẻ
Avin Lu trong tạo hình Trịnh Công Sơn lúc trẻ

Về kịch bản, ngoài khai thác về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bộ phim còn đề cập đến chủ đề tình yêu, bối cảnh Việt Nam trong thời buổi chiến tranh, tình yêu nước, yêu dân tộc, sự khao khát hòa bình tự do. Em Và Trịnh còn tồn tại một vài khuyết điểm như khi triển khai, bởi lẽ để gói gọn cả một đời người vào một bộ phim dài 136 phút là một chuyện hết sức khó khăn. Do đó, có lẽ các nhà làm phim đã hơi “tham lam” khi đưa vào phim dường như những chi tiết bị ôm đồm quá nhiều, khiến bộ phim có phần bị nhồi nhét.

Tuy nhiên, có thể thấy việc triển khai câu chuyện theo miền hồi ức là một cách triển khai khá thông minh. Đường dây cốt truyện, xen kẽ giữa quá khứ với hiện tại, cách dẫn dắt khéo léo, dễ chịu khiến người xem không có cảm giác bị chán, hay lê thê. Những câu chuyện về cuộc đời cố nhạc sĩ được thêm ghép, kể lại một cách nhịp nhàng.

Nàng thơ Michiko do một vlogger người Nhật thủ vai
Nàng thơ Michiko do một vlogger người Nhật thủ vai

Về mặt hình ảnh, theo người viết thì về mảng này có lẽ không còn gì để chê hay bàn luận thêm về cách tạo dựng bối cảnh, màu phim. Thực sự nếu bạn là một người yêu cái đẹp thì không thể nào bỏ lỡ bộ phim này. Sử dụng khung hình 4:3, với những cảnh quay không thể xuất sắc hơn, từng khung hình hiện lên tựa như những bức tranh vẽ. Sài Gòn, Huế, Đà Lạt hiện lên một cách bình dị, không cần đến những dấu ấn quen thuộc, chỉ cần nhìn vào khung cảnh có thể nhận ra ngay địa điểm đó.

Màu phim tái hiện sự xưa cũ của những thập niên 90
Màu phim tái hiện sự xưa cũ của những thập niên 90

Những khung cảnh được dựng lên rất chân thật, vừa đẹp đẽ nên thơ vừa sinh động, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất như từ vé tàu, bao thư, hộp đựng kỷ vật, những bản nhạc. Màu phim lúc nóng, lúc lạnh nhưng đều tái hiện lại được sự xưa cũ của những thập niên 90 về trước. Sự chỉn chu từ những khung hình, tạo dựng bối cảnh, màu sắc đẹp, khiến cho người xem không thể nào rời mắt suốt 136 phút của bộ phim. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên “thương hiệu” phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Có thể thấy từ những bộ phim trước kia cho đến hiện tại, người xem vẫn không thể ngớt lời khen cho tư duy hình ảnh của ông.

Hình ảnh của phim trau chuốt trong từng khung hình
Hình ảnh của phim trau chuốt trong từng khung hình

Tạo hình của Bích Diễm và Dao Ánh trong phim
Tạo hình của Bích Diễm và Dao Ánh trong phim

Về diễn xuất, hầu hết các diễn viên đều ở mức ổn chứ chưa thực sự quá xuất sắc về cách biểu đạt. Tuy nhiên, Avin Lu cùng Bùi Lan Hương là một sự nổi bật. Với vẻ đẹp trai lãng tử vốn có, Avin Lu đã xuất sắc khi nhập vai vào một Trịnh Công Sơn thời trẻ lãng tử, đa sầu đa cảm. Bùi Lan Hương vào vai Khánh Ly, cô cũng đã xuất sắc và nhận được nhiều lời khen khi thể hiện các ca khúc của cố nhạc sĩ, tuy mới tham gia diễn xuất nhưng có thể thấy cô diễn mà tựa như không diễn vậy.

Avin Lu cùng Bùi Lan Hương là một sự nổi bật
Avin Lu cùng Bùi Lan Hương là một sự nổi bật

Âm nhạc trong phim cũng là một trong những yếu tố đáng được chú ý. Hội tụ nhiều ca khúc để đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với sự thể hiện mới mẻ khác biệt đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Nói không điêu khi cho rằng âm nhạc là linh hồn của bộ phim. Bởi lẽ, làm phim về một nhạc sĩ nổi tiếng thì không thể nào xem nhẹ phần âm nhạc được.

Tóm lại, Em Và Trịnh là một bộ phim rất đáng xem. Nói không với drama ầm đùng, không giật gân, chỉ nhẹ nhàng, tình cảm, sầu buồn nhưng bộ phim đã chiếm trọn tình cảm của khán giả yêu nhạc Trịnh. Thật khó để có thể làm hài lòng hết tất cả mọi người, nhưng đối với riêng người viết Em Và Trịnh là một trong những bộ phim khiến con người ta hiểu được cái đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn người nghệ sĩ. 

Scan QR code để đặt vé
Scan QR code để đặt vé