Game chuyển thể thành phim - Mãi vẫn thất bại?
Tin điện ảnh · IAMOLD ·
Với sự xuất hiện đã biết trước của Assassin’s Creed vào cuối năm và Warcraft lại đang sát nút. thì một lần nữa chúng ta có thể hi vọng là sẽ có một bộ phim tuyệt vời hay chỉ đơn giản là tiếp tục để cho căn bệnh “nhíu mày” tiếp tục lây lan nhanh còn hơn cả khuẩn Ebola?
Tại thấy truyện tranh lên phim hoành tráng quá nên viết bài này.
Nếu đến giờ bạn vẫn chưa được xem Ratchet and Clank – Đặc Vụ Gà Mờ thì may mắn cho bạn – phim dở ẹc! Đó hầu như cũng là câu cửa miệng cho rất nhiều những bộ phim được chuyển thể từ game. Với sự xuất hiện đã biết trước của Assassin’s Creed vào cuối năm và Warcraft lại đang sát nút. thì một lần nữa chúng ta có thể hi vọng là sẽ có một bộ phim tuyệt vời hay chỉ đơn giản là tiếp tục để cho căn bệnh “nhíu mày” tiếp tục lây lan nhanh còn hơn cả khuẩn Ebola?
Có rất nhiều lí do xoay quanh tại sao một bộ phim “dở ẹc”, nhưng tại sao lại có cái mác “phim từ game là dở ẹc”? Hơn nữa là lúc trước thì nó nằm chung nhóm với phim từ truyện ra, và giờ thì truyện lên phim đã chấp cánh từng bước đến đỉnh cao của điện ảnh, duy chỉ có game lên phim là dậm chân tại chỗ.
Rõ ràng là chuyện không chỉ đơn giản dừng ở tìm đạo diễn tài hay diễn viên tốt. Nhưng ta khoan hãy bàn vào chuyện “chuyên môn” thì chúng ta cũng thấy rằng, chả có một cái phim từ game lên phim nào lận lưng được một đạo diễn “tiếng tăm” hay diễn viên đình đám “bợ đích” cả. Hầu như những phim bộ phim từ game được ra đời trong những năm 2000 thì đều là dở như hạch (vâng! Phim dở đến mức bạn cũng chả biết). Thật sự không thể không kể đến cái tên “Uwe Boll”, kẻ đã nhấn chìm bao tựa game đình đám chỉ để kiếm tiền. Vâng tôi không đùa, lúc trước chúng ta chỉ nghĩ rằng là gã “ngốc” này chỉ làm vì được thuê nhưng sâu xa hơn thì hắn dùng chính những thương hiệu này để trục lợi riêng và may thay là hắn ta đã có kết cục xứng đáng.
Nhưng vấn đề về chuyện “người làm, người diễn” vẫn chưa dừng lại ở đó. Ngay cả chính những đạo diễn bây giờ vẫn chưa coi game là một thứ gì đó mà họ nên “nghiêm túc” xem xét. Đừng tưởng chỉ có Việt Nam là mới coi game là cho con nít, ngay chính những nước, nơi mà sinh ra những tuyệt tác cả về nội dung lẫn tột cùng giải trí lại tồn tại chính những con người coi thường những gì mà họ làm ra – đó là lí do chúng ta có Max Payne (2008). Công bằng mà nói cốt truyện game của Max Payne không thật sự sâu sắc, nhưng điều mà hầu như chả ai quan tâm đó chính là cốt truyện của game chỉ là bắt chước những phim hành động bấy giờ. Chỉ là một cảnh sát trên đường báo thù cho vợ con. Tất cả những phim hành động lúc đó hầu như chỉ có một cốt truyện đơn giản là báo thù – và nó đều thắng lớn như Mad Max (của Mel Gibson), Leon: The Professional, Kill Bill. Nói tôi nghe xem cốt truyện những phim đó không “tào lao” và đơn giản như ăn cơm sườn? Một trong những cách làm quy củ và sến súa nhất trong làng điện ảnh đó chính là “trả thù” mà phim Max Payne lại không thể làm được. Cả bộ phim chỉ mỗi Mark Walhberg biết là mình phải làm gì, hầu như còn lại chỉ là đóng “cho có tiền”.
Mới đây cũng là Ratchet and Clank, chỉ đơn giản là một bộ phim về bộ đôi tài năng cộng với những yếu tố hài hước cùng một câu truyện nhân văn một tí. Vậy mà bộ phim lại chỉ dừng ở mức chấp nhận được, chả biết có công ty làm phim hoạt hình nào đã làm chung một cái sườn như vậy và kiếm được cả một mớ gia tài nhỉ - à quên, đó là Pixar của Disney. Cũng giống như truyện tranh thời “Batman Forever” vậy, người thật sự quan tâm và chú trọng cái tài liệu gốc thì rất ít. Bởi vì những kẻ đậu trường điện ảnh lại chả quan tâm đến truyện tranh và game (bởi vì họ cho rằng đó là đồ con nít). Nhưng may thay là truyện tranh đã có đấng cứu thế của họ chẳng hạn là Joss Whedon (Avengers). Vậy chúng ta hãy mong rằng ta sẽ nhớ tên gã đạo diễn Warcraft sắp tới là người bẻ gãy cái ống trượt “dở ẹc” mà phim từ game đã trượt từ lúc sinh ra tới giờ, hoặc mong rằng Magneto (Michael Fassbender) sẽ làm điều đó trong Assassin’s Creed.
Hầu hết các trò chơi đều không có cốt truyện hay và sâu sắc để khiến bạn tản bộ và suy nghĩ về nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thế làm ra một bộ phim hay từ những gì mà bạn có. Trước khi chúng ta có những cốt truyện hay như Infinity War và Civil War của Marvel trước đó chúng ta có những bộ truyện về Iron Man và Captain America. Dòng truyện của họ có thể hay và thú vị nhưng so về mức độ với lượng “thú vị” thì rõ là thua hai bộ kể trên. Nhưng chúng ta vẫn có Iron Man1 và Capt2 là hai bộ phim dành riêng cho hai nhân vật và cực kì thú vị đó thôi. Tuyệt hơn nữa, nó lại là nền móng để xây nên hai bộ “to bự” kể trên. Rõ ràng, cốt truyện thật sự được coi trọng nhiều hơn mức nó cần thiết. Chỉ là những người tài năng thì lại coi thường những gì trước mặt họ mà thôi.
Đó chỉ là những nguyên nhân sâu xa thôi, phần thịt thì chắc những người chơi game ắt sẽ nhận ra. Đó là mức độ tương tác của game so với phim là một trời một vực, một cái thụ động và còn lại là chủ động. Trong game. bạn gần như hoàn toàn làm chủ mọi hành động, từ lối bạn đi, chướng ngại bạn vượt qua cho đến những điều nhỏ nhặt như là lựa chọn lời để nói với các nhân vật trong game. Trong phim thì điều đó không xảy ra, bạn hoàn toàn không được tham gia vào những gì đang xảy ra trên màn hình và hiển nhiên là dẫn đến những tình huống “trớ trêu” khiến bạn lắc đầu vì nếu là mình thì chuyện “đã khác”. Trong điện ảnh, nó gọi là Plot Hole - tạm gọi là điểm vô lí. Tức là những hành động của nhân vật trong phim lại quá ngớ ngẩn khiến điều đó trở thành thừa thải và tệ hơn là có thể khiến cả bộ phim trở nên “tào lao”. Trong game, bạn hoàn toàn có thể tránh những tình huống đó bằng kĩ năng chơi, bằng lựa chọn sáng suốt – bằng chính quyết định của mình. Nhưng trong phim thì bạn buộc phải theo dõi quyết định của đạo diễn – bởi thế mà mới có người tài, người dở. Nhưng nếu bạn nói là chỉ cần làm cho nó hết phi lí thì coi như vấn đề đã giải quyết? Hiển nhiên bạn là thiên tài rồi, người ta đi học làm phim cả đời không bằng bạn nữa đó. Chuyện phi lí của kịch bản phim là điều luôn luôn xảy ra, chỉ là nó được “chữa cháy” bằng các sự kiện trong phim thôi.
Lấy ví dụ: phim John Wick, tại sao Wick lại săn lùng một kẻ đã cướp xe và… giết chó của mình? Hiển nhiên là khi xem phim chúng ta biết tại sao, và bạn có thể cho rằng lí do đó là “bao tào lao”. Đồng ý! Đó là lí do vì sao giải quyết lổ hổng cốt truyện rất khó, câu trả lời luôn có chỉ là không thỏa đáng. Nhưng trong phim John Wick thì lí do đó hoàn toàn được “chữa cháy” bằng một cảnh rất thú vị, đó chính là cảnh ở cái nhà thờ của ông trùm. Khi đó chúng ta mới biết tại sao John Wick lại cố chấp như vậy, lúc đó chúng ta ai cũng như ông trùm, tự nhiên cái thằng này quý mạng chó hơn mạng người trong khi nó từ bỏ giết người chỉ để trân trọng cuộc sống? Từ cảnh đó chúng ta mới thấy rằng mục đích của John Wick chính đáng và đôi phần thuyết phục, chính đây mới là cái hay của người đạo diễn.
Trở lại vấn đề của game, trong một tình huống có vô vàn cách giải quyết vấn đề, ai chơi game chả biết. Bạn có thể chọn 1 trong hàng ngàn khẩu súng, từng khẩu súng lại mở ra nhiều lựa chọn hơn. Nào là lén lút hay rambo, chưa kể từng loại súng của hai kiểu trên lại cho bạn nhiều lựa chọn nhỏ hơn như là lén lút kiểu Jame Bond một súng lục chấp tất hay súng ống lận lưng để phù hợp mọi tình huống của kiểu rambo. Hoặc khác biệt hơn là dùng “miệng” của mình để giải quyết vấn đề mà không cần tốn một tí sức! Chính sự tự do về tương tác đã khiến game phát triển thành bây giờ. Đây chính là điều mà ngành phim đã cất công giải quyết đó giờ, là làm sao cho người ta chấp nhận tầm nhìn của mình. Ông đạo diễn hay chắc chắn sẽ nghĩ ra những yếu tố “cốt truyện” để trả lời cho góc nhìn của mình.
Lại lấy ví dụ John Wick: cốt truyện cho chúng ta biết đây là một sát thủ chuyên nghiệp đến mức cả cái thế lực ngầm ai cũng biết tên và khiếp sợ. Vậy là chúng ta biết Wick sẽ không xách súng đi lăn tăn như rambo rồi đúng không? Mà là sự điêu luyện trong cách xử sự và chính xác rợn người khi phô diễn kỹ năng. Thêm nữa là đạo diễn lợi dụng cái cớ “nghỉ hưu” để chữa cháy cho những lần “sơ suất” hay “bắn trượt” của Wick. Hiển nhiên là cái cớ không hẳn thuyết phục nhưng ít ra đủ sức để chấp nhận. Một lần nữa, chúng ta lại đụng cái “cục tảng” như trên – không có người để giải quyết những vấn đề này.
Những lí do trên đều hẳn thuộc về góc độ con người. Nhưng luôn như vậy, trở ngại không nằm trên con đường bạn đi mà là nó chính là con đường của bạn, bước qua hay không là do bạn. Tất nhiên là có những game với cốt truyện thuộc hàng siêu phẩm với tất cả “hỷ nộ ái ố’ hoặc những trường đoạn vô tiền khoáng hậu kèm những “lâm li bi đát”. Nhưng khoan hãy “rớ” tới những anh đài đó đã, chúng ta đều không muốn những tượng đài đó bị lật đổ chỉ vì một bộ phim “vớ vẫn” nào đó đúng không? Nhớ lại thời mà người ta cho rằng Avenger sẽ thất bại vì những phim về “đội siêu anh hùng” đều thất bại thảm hại không? (Fantastic 4 của Chris Evan). Chúng ta cũng đã có câu trả lời, và giờ thì tôi chỉ muốn rằng phim từ game cũng có một cuộc “đảo chánh”, một bước lên mây, một cái xỏ lá cho tất cả những định kiến từ trước.
Tôi cũng như bạn, thật sự mong rằng phim từ game sẽ không còn nằm trên cái dốc thất bại thêm 1 lần nào nữa. Có lẽ chúng chỉ còn trông chờ vào ông vua phim cắt cảnh game – Blizzard và ông lớn Ubisoft để “cứu rỗi” con tim.
Warcraft: Đại Chiến Hai Thế Giới sẽ ra rạp vào 10.06.2016
Assassin's Creed sẽ ra rạp vào 23.12.2016