Inferno – Sẽ rất hay nếu bạn chưa đọc qua tác phẩm

Tin điện ảnh · VLynd ·

Là một bộ phim được chiếu trên màn ảnh rộng, điểm cộng đầu tiên phải nhắc tới đó chính là những cuộc chạy trốn, những pha đuổi bắt trở nên sinh động hơn, dồn dập đầy kịch tính mà khán giả không thể bỏ lỡ một phân cảnh.

Hồi cấp 3, tôi đọc một lèo hai quyển Thiên thần và ác quỷ, Mật mã Da Vinci, cô bạn cùng lớp hỏi tôi đã xem phim chưa? Trong sự hào hứng, tất nhiên là tôi sẽ coi chứ, nhưng cô bạn lại dội cho tôi một gáo nước lạnh: “Đã đọc sách rồi thì đừng coi, vỡ mộng lắm.” Và có lẽ điều này cũng đúng với Inferno (tựa Việt là Hoả ngục), vì trước khi coi phim, tôi chưa đọc qua tác phẩm và chỉ đọc tóm tắt sơ lược để nắm bắt được nội dung câu chuyện nên tôi đã có một buổi trải nghiệm hoàn toàn khác biệt hơn những nhà phê bình trên Tomatoes Rotten.

Tiếp nối thành công thương mại của 2 phần trước, lần này Tom Hanks trở lại với nhân vật Robert Langdon trong Inferno của đạo diễn Ron Howard để giải cứu nhân loại trước sự diệt vong bởi virus của nhà bác học Zobrist (do Ben Fosrter thủ vai), đồng hành cùng Tom là Bác sĩ Sienna Brooks (Felicity Jones) và họ phải trốn tránh sự truy lùng của tổ chức WHO, nhóm an ninh tư nhân The Consortium và gần như là toàn bộ cảnh sát Florence. Đọc 5 tác phẩm của Dan Brown, trong bộ phim này, tôi biết thế nào cũng có plot twist, thế nào người mà tưởng chừng như là tốt sẽ hoá phản diện và ngược lại nhưng cách mà Dan Brown lẫn biên kịch dắt mũi khán giả, đưa họ đi từ chi tiết này đến chi tiết khác và sau cùng là ngạc nhiên vẫn khiến tôi hài lòng.

Langdon và người bạn đồng hành xinh đẹp Sienna Brooks
Langdon và người bạn đồng hành xinh đẹp Sienna Brooks

Là một bộ phim được chiếu trên màn ảnh rộng, điểm cộng đầu tiên phải nhắc tới đó chính là những cuộc chạy trốn, những pha đuổi bắt trở nên sinh động hơn, dồn dập đầy kịch tính mà khán giả không thể bỏ lỡ một phân cảnh. Cái hay ho ở bộ phim là kết hợp phương pháp tìm kiếm bằng những thiết bị hiện đại của cảnh sát Ý như flycam, tablet định vị, sơ đồ điện tử để tìm kiếm 2 con người trong toà cung điện Vecchio cổ kính vài trăm tuổi. Bên cạnh đó, âm nhạc chính là điểm nhấn của bộ phim, trong phân cảnh nguy hiểm nhất là tìm kiếm túi chứa virus bên trong bể nước ngầm …(suỵt! Đây là một chi tiết cần được giải mã nên tôi sẽ không tiết lộ) với một ban nhạc giao hưởng cùng hàng nghìn du khách, các nhà khoa học của chúng ta vừa chạy đua với sự sống còn của nhân loại trên nền nhạc giao hưởng dồn dập cùng góc quay hối hả trong không gian ánh sáng nhuốm màu chết chóc, hẳn trong từng giây phút đấu tranh ấy, nếu được tận hưởng trọn vẹn hiệu ứng âm thanh, khán giả sẽ khó lòng mà bình tĩnh ăn bắp rang với trái tim đang đập liên hồi.

Với việc dựa trên một tác phẩm danh tiếng toàn cầu, việc Inferno bị đem ra so sánh với nguyên tác là điều không tránh khỏi và phần nào làm bộ phim mất điểm. Không biết có phải vì thời lượng trên phim bị giới hạn hay không, mà cái plot twist bự nhất ở cuối cuốn sách lại bị bác bỏ. Hơn nữa, việc một nhân vật có phần quan trọng lại đột nhiên biến mất trên phim và thay bằng một nhân vật nào đó ham tiền của phần nào khiến khán giả thất vọng.

Nếu bạn là người yêu thích nghệ thuật phục hưng Ý thì không nên bỏ qua. Là cái nôi của phong trào phục hưng, Florence trong bộ phim vẫn thể hiện được cái tính nghệ thuật của bản thân thành phố. Những bức bích hoạ đẹp không tưởng, những cung điện, nhà thờ lộng lẫy với những căn hầm bí mật, những đường phố đông đúc người đi bộ cùng những chú chim bồ câu. Tại nơi đây, một địa ngục của đại thi hào Dante được thể hiện trong bức hoạ Bản đồ địa ngục (La Carte de l’Enfer) của hoạ sĩ Sandro Botticelli được tái hiện một cách chân thật trên đường phố Florence thông qua ảo giác của Langdon. Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi vốn hiểu biết của Langdon về những mê cung trong toà lâu đài Vecchio và nhà rửa tội Florence cùng những kiến thức về lịch sử khác.

Inferno sẽ được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 14.10 này.