Miệt mài cày game và xem anime, bạn có nhận ra yếu tố văn hóa Nhật trong Ready Player One?
Người viết đã phải tự ngăn mình hét lên thích thú trong rạp khi chứng kiến cảnh Gundam RX-78-2 xuất hiện trên bầu trời rồi lao xuống chiến đấu với “bé bự” MechaGozilla bên dưới.
Kéo xuống để xem tiếp
Ready Player One của đạo diễn Steven Spielberg là một tác phẩm chứa đựng rất nhiều sự bất ngờ bên trong. Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên trước sự đa dạng, độc đáo và thú vị mà văn hóa đại chúng Mỹ thập niên 80, 90 có thể mang lại. Hoặc có thể bạn sẽ bị kinh ngạc bởi cái cách Steven Spielberg lồng ghép hàng trăm Easter Egg một cách khéo léo vào tác phẩm của mình đồng thời vận hành cả cốt truyện đồ sộ một cách không thể trơn tru hơn được nữa. Còn riêng về bản thân người viết, dưới góc nhìn của một người sinh sau đẻ muộn và chỉ đơn thuần là người yêu thích các sản phẩm văn hóa đến từ nước Nhật, thực sự quá đỗi bất ngờ khi biết rằng đã từng có thời gian văn hóa Nhật ảnh hưởng đến phương Tây nhiều như vậy.
Chi tiết ấn tượng đầu tiên đến từ nước Nhật chính là chiếc xe màu đỏ mà Art3mis đã lái trong cuộc đua tranh chiếc chìa khóa đầu tiên. Đó là chiếc xe của nhân vật Kaneda trong bộ anime huyền thoại Akira. Nó là thứ minh chứng cho sự thành công và biểu trưng cho vị trí thủ lĩnh băng đua xe mà Kaneda nắm giữ. Và giờ đây, dưới tay lái của Art3mis trong thế giới ảo OASIS, chiếc xe dường như còn mạnh mẽ và tốc độ hơn nhiều so với phiên bản gốc, khiến nó trở nên cực kì nổi bật giữa rừng xe 4 bánh.
Có lẽ rất nhiều fan manga và anime hiện giờ chỉ biết một chút ít hoặc thậm chí là cảm thấy xa lạ với cái tên Akira. Phần vì khoảng cách thời gian từ ngày Akira ra mắt đến nay cũng đã là 30 năm, phần vì thị hiếu đã có ít nhiều sự thay đổi khiến bộ phim biến thành một tác phẩm với nét vẽ cũ kĩ, khó xem. Và cũng vì thế mà ít ai biết được rằng, trước khi Akira ra mắt, nghệ thuật, ẩm thực, manga hay anime vẫn còn là thứ gì đó lạ lẫm đối với phương Tây. Và chính Akira là tác phẩm đã tạo nên tiếng vang lớn, truyền cảm hứng và nâng tầm anime trở thành một hiện tượng toàn cầu. Dù đã 3 thập kỉ trôi qua nhưng sức ảnh hưởng của Akira vẫn còn tồn tại đến ngày nay, bằng chứng là việc bạn vẫn có thể tìm thấy bóng dáng của tác phẩm này thông qua những bộ phim như Midnight Special, Looper, Inception,Chronicle... và chắc chắn không thể không nhắc đến MV Stronger của Kayne West với màn cosplay Tetsuo (một nhân vật trong Akira) và rất nhiều hình ảnh thú vị khác.
Điều ấn tượng thứ 2 mà người viết muốn nhắc đến chính là dấu ấn của Street Fighter trong bộ phim. Nhật Bản thực sự là một thiên đường của dòng game đối kháng với hàng loạt cái tên nổi tiếng như Street Fighter, Tekken, Bloody Road, Dragonball Z, Blazblue… và trong số đó thì “anh cả” Street Fighter nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng quá lớn nên thiết nghĩ là không cần phải bàn về việc này. Điều mà người viết muốn nói đến là một chi tiết ngắn nhưng đã để lại ấn tượng cực kì sâu đậm, đó chính là đòn Hadouken của Ryu. Thời khắc mà Parzival tấn công Sorrento bằng đòn thế ấy, liệu các bạn nam có nhìn thấy bản thân mình trong đó không? Khi còn bé có ai từng dang chân ra, khụy gối thấp xuống, để hai tay bên hông rồi hô Hadouken hay Kamehameha (Ka mê jô kô) không? Hoặc chí ít là tưởng tượng ra cảnh đó trong đầu cũng được. Hãy nói là không chỉ có một mình người viết từng làm vậy đi!!!
Chi tiết thứ 3 đòi hỏi bạn phải là fan anime và cụ thể hơn là fan cứng của bộ Cowboy Bebop mới có thể nhận ra được. Đó chính là chiếc Swordfisht II nằm trong xưởng của Aech. Tuy vậy, nó chỉ là một chiếc Swordfish II cô độc mà thôi, sẽ chẳng có anh chàng nào với quả đầu kì quặc bước ra khỏi đó, chỉ ngón trỏ về phía bạn và nói “Bang” cả. Lại nói về Cowboy Bebop thì đó là một bộ anime nhưng lại mang đậm dấu ấn văn hóa phương Tây khi gợi nhớ về những trào lưu văn hóa xã hội như thời kì nhạc Jazz những năm 40-60 của thế kỉ trước hay thời kì nhạc rock mới kế tiếp theo đó. Bên cạnh đó, phim còn xây dựng nhân vật dựa trên hình tượng cao bồi lãng tử đồng thời lồng ghép những giá trị nhân sinh và triết học vào trong tác phẩm và truyền đạt nó một cách nhẹ nhàng, chân thật. Có lẽ chính nhờ tất cả những yếu tố trên mà Cowboy Bebop đã thành công không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại các nước phương Tây.
Ngày nay, việc ninja và samurai xuất hiện trong phim ảnh đã trở nên quá quen thuộc, thậm chí trong một số trường hợp điều này còn gây ra nhàm chán nữa. Tuy vậy, chàng samurai Daito và cậu bé ninja Sho vẫn biết cách để lại những ấn tượng của riêng mình. Toshiro (Daito) thấm nhuần tinh thần võ sĩ đạo từ trong game đến ngoài đời. Màn xuất hiện như một bóng đen và đập nát chiếc máy bay tự hành bằng những đường kiếm chuẩn mực khá là ấn tượng. Còn về cậu nhóc Sho, người ta chắc chắn vẫn sẽ còn nhớ đến cậu, không phải vì Sho là cậu nhóc 11 tuổi giàu nhất thế giới, mà là vì câu nói "Ninja không ôm" cực kì đáng yêu của mình. Và sau cùng, khi ghép tên của bộ đôi này lại ta sẽ được cụm từ Daisho, cũng chính là cách mà những samurai ngày xưa gọi cặp kiếm mà họ luôn mang theo bên mình.
Ngoài ra còn có một số chi tiết xuất hiện thoáng qua như chiếc xe đua trong bộ anime Speed Racers hay việc "trải nghiệm" Mario Kart trong thực tế cùng Aech và những người bạn thực sự là những tình huống khó quên. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của cô mèo nổi tiếng và "kawaii" nhất thế giới Hello Kitty chắc chắn cũng đã khiến các bạn nữ thích thú khi gợi lại phần nào tuổi thơ của mình.
Và món ngon thì phải để sau cùng, tình tiết ấn tượng nhất liên quan đến văn hóa Nhật cũng chính là trận đánh mãn nhãn nhất trong cả bộ phim: Mobile Suit Gundam vs MechaGodzilla. Người viết đã phải tự ngăn mình hét lên thích thú trong rạp khi chứng kiến cảnh Gundam RX-78-2 xuất hiện trên bầu trời rồi lao xuống chiến đấu với “bé bự” MechaGozilla bên dưới. Được chứng kiến Gundam bước ra khỏi thế giới 2D chính là niềm mong mỏi suốt bấy lâu nay của các fan và dù chỉ trong thời gian 2 phút nhưng màn combat giữa 2 biểu tượng lớn của văn hóa đại chúng là Gundam và Godzilla đã để lại ấn tượng quá sức tuyệt vời. Hi vọng sau Transformers và Pacific Rim thì cũng sẽ đến lúc Gundam được chuyển thể lên màn ảnh rộng và trở thành những bom tấn thực sự.
Khác với cái thời kì hoàng kim mà phim ảnh, game, anime… của Nhật ảnh hưởng mạnh đến phương Tây, giờ đây, các sản phẩm của họ có xu hướng hướng nội hơn nhằm đáp ứng thị hiếu của các nhóm khán giả trong nước. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi, những gì tinh túy mà lớp thế hệ đi trước muốn truyền đạt lại qua các tác phẩm trước kia vẫn tiếp tục được gìn giữ, kế thừa, phát huy. Và hi vọng một ngày không xa nào đó, các sản phẩm từ Nhật sẽ lại một lần nữa tạo được những “cơn sóng lớn” như ngày xưa.