Những đánh giá đầu tiên về Jurassic World: Fallen Kingdom từ giới phê bình
Tin điện ảnh · Never ·
Có vẻ phần phim thứ năm của thương hiệu Jurassic đã khiến các nhà phê bình thỏa mãn.
Kéo xuống để xem tiếp
Giới phê bình đã đưa ra những nhận xét đầu tiên cho Jurassic World: Fallen Kingdom và có vẻ phần phim thứ năm của thương hiệu Jurassic đã khiến các nhà phê bình thỏa mãn, mặc dù họ vẫn muốn có thêm một chút gì đó nữa để cảm xúc trọn vẹn hơn. Fallen Kingdom hiện đang có số điểm 62% trên Rotten Tomatoes, hơi thấp hơn so với phần phim trước là Jurassic World hồi năm 2015 với số điểm 71%.
Fallen Kingdom là vai diễn tái xuất của Chris Pratt sau khi xuất hiện với nhân vật Star-Lord trong Avengers: Infinity War vào cuối tháng 4 vừa qua. Fallen Kingdom do J.A. Bayona (A Monster Calls) đạo diễn dựa trên kịch bản được chấp bút bởi đạo diễn của Jurassic World là Colin Trevorrow và Derek Connolly.
Owen Gleiberman của Variety chia sẻ rằng bộ phim khiến ông liên tưởng tới phim về đề tài thảm họa hồi những năm 1970 hơn là một phim về khủng long, nhưng ông vẫn đánh giá cao diễn xuất của Pratt và khẳng định ở anh “tỏa ra một sự chân thành, hết mình với công việc.”
Jurassic World: Fallen Kingdom sẽ chính thức ra rạp vào 8/6 tại Việt Nam. Dưới đây là ý kiến của các nhà phê bình về phần phim này:
Owen Glieberman của Variety:
Phần đầu của Jurassic World có nội dung khá đơn giản và không phải một tác phẩm hay. Fallen Kingdom là một sự tiến bộ. Lần đầu tiên kể từ phần một được Spielberg sản xuất vào năm 1993 mới có một phần phim trong series này thực sự hay.
Johnny Oleksinski của New York Post:
Fallen Kingdom là một phiên bản thú vị hơn và bớt dễ đoán hơn của những câu chuyện thường thấy về Tyrannosaurus, có xu hướng trở thành những trò chơi trốn tìm bất chấp cái chết. Thế nhưng khán giả vẫn một phen hoảng sợ khi xem tới phân cảnh đột kích lúc 11 giờ đêm tại phòng ngủ cháu gái của một nhà tỉ phú từ thiện, một chi tiết quá là đem lại gánh nặng tâm lý trong một bộ phim nói về việc mấy thằng cu bị một loài thằn lằn cổ cắn đứt đầu. Jeff Goldblum xuất hiện trong vai cameo Dr. Ian Malcolm, người cung cấp toàn bộ tri thức ta cần có cho cả phim qua đoạn độc thoại ở đầu phim nói về lý thuyết hỗn loạn.
Gav Murphy của IGN:
J.A. Bayona có vẻ là vị đạo diễn hoàn hảo cho Fallen Kingdom sau khi chứng minh một cách tự tin rằng ông có thể xử lý các cảnh sụp đổ trên một phạm vi lớn, đồng thời thừa khả năng đem đến những nỗi sợ sâu sắc. Ta có thể thấy rõ phong cách của ông từ những tác phẩm trước đó như The Impossible (phim kinh điển về thảm họa thiên nhiên) và The Orphanage (với ngôi nhà cổ đáng sợ đầy những bí mật) được tái hiện trong Fallen Kingdom, nhưng điều ấn tượng hơn là cách nó đem lại cảm giác hồi hộp như những phim kinh dị mang phong cách của Alfred Hitchcock và Hammer vậy. Điều này có thể được cảm nhận rất rõ xuyên suốt cả bộ phim và cách sử dụng ánh sáng và bóng tối của Bayona để tạo ra không khí căng thẳng cũng là một trong những điểm nổi bật của Fallen Kingdom. Dù là chi tiết con Baryonyx đầy răng đi trong tầng hầm được thắp sáng bởi những giọt dung nham hay hình ảnh đáng sợ của con Indoraptor mới được soi sáng bởi ánh đèn ngủ của đứa bé, phong cách làm phim kinh dị của Bayona luôn mang nét gì đó cổ điển và hiếm khi chỉ đơn giản là một trò jump-scare.
Eric Kohn của IndieWire:
Trong thời kì xếp hạng doanh thu phòng vé đang thay đổi chóng mặt, Jurassic World trở thành bộ phim có tổng doanh thu cao thứ năm trong lịch sử, Fallen Kingdom rõ ràng là một tác phẩm thể hiện sự tự tin thái quá. Bộ phim thường được đẩy lên cao trào bởi kĩ thuật của J.A. Bayona khiến những cuộc đối đầu giữa con người với khủng long trở nên đầy căng thẳng, nhưng những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ thuật làm phim đó không thể nào che giấu được sự thật về tổng thể thương hiệu này đang đi về hướng ngu xuẩn. Những lời thoại rẻ tiền với các plot twist nhảm nhí nhan nhản ngoài kia. Không cần biết số phận của loài sinh vật này sẽ thế nào nhưng công thức chung cho những bộ phim về chúng đều sẽ mãi trường tồn bất diệt.
Peter Bradshaw của The Guardian:
Phim có những cảnh quay thực sự rất giải trí nhưng ý tưởng về tổng thể thì khá nhàm chán và dễ đoán, đặc biệt là những con khủng long trông ngày càng giống nhau và không thể đem lại nhiều cảm giác kinh sợ cho khán giả như ngày trước nữa. Có thể những sinh vật CGI này đang có xu hướng ngày càng trở nên tẻ nhạt hơn và rất có thể sẽ hoàn toàn biến mất trong tương lai.
Germain Lussier của i09:
Không một nhân vật nào thực sự nổi bật trong toàn bộ phim. Claire và Owen về cơ bản chỉ tiến bộ hơn vì họ đã tự biết thân hơn trước mà thôi. Mills chưa bao giờ là một phản diện thực sự hấp dẫn. Dr. Ian Malcolm (Jeff Goldblum trở lại với vai trò quen thuộc) đã không được khai thác một cách triệt để, quả là một tội ác. Tầm quan trọng của Lockwood với thương hiệu này đem lại cảm giác cực kì khiên cưỡng và kết quả là hầu hết tính logic của phim đều bị đảo lộn hết cả. Một vài chi tiết về phần cuối của Fallen Kingdom nhiều khả năng sẽ đem lại nhiều tiếng rên rỉ hơn là những tiếng reo hò phấn khích.
Richard Lawson của Vanity Fair:
Không thể nói tôi quá hào hứng đón xem việc mấy anh bạn thời tiền sử của chúng ta sẽ làm gì tiếp theo, nhưng ít nhất cuộc phiêu lưu mới nhất của chúng cũng khá đáng cân nhắc. Có một cảnh trong Fallen Kingdom chắc chắn sẽ còn đọng lại trong tâm trí tôi trong một thời gian nữa, đó là cảnh một con Brontosaurus đơn độc, đứng trên bờ biển đã gần như bị nuốt chửng bởi lửa và tro bụi, vươn cái cổ dài của mình lên trời và kêu lên một tiếng đầy bi thương. Theo bối cảnh của phim, có lẽ nó đang muốn nói: “Quay lại đi, hãy cứu tôi với.” Nhưng không ai biết chắc điều đó. Tôi nghĩ cũng có khả năng sau khi đã chịu đựng quá đủ, con vật to lớn này thực ra đang nói lời tạm biệt. Chứng kiến nó dần tan biến, bản thân tôi lại có một mong ước rằng, chỉ một lần thôi, hãy có ai đó giúp nó thực hiện điều ước của mình đi.
Jesse Hassenger của AV Club:
Mấy bộ phim kiểu này thường đều có kết cấu giống với các phần phim trước và hay đưa vào các chi tiết của các phần trước vào phần sau (ví dụ như những chiếc xe cũ trong Jurassic Park đã được phát hiện trong phần 1, ở nguyên vị trí như lần cuối chúng ta thấy chúng). Ý tưởng cho Fallen Kingdom được xây dựng khá tầm thường và cảm giác như mới xong có một nửa, với một loạt những chi tiết chán phèo ta từng thấy trong các phim khác về việc con người phải đối mặt với những hậu quả do những thí nghiệm khoa học của họ gây ra. Nhưng với sự xuất hiện của những cảnh núi lửa phun trào, huấn luyện raptor, khủng long nhe răng, quái vật trong tầng hầm thì bộ phim vẫn có một mức độ tươi mới nhất định.
Chris Nashawaty của Entertainment Weekly:
Mô típ quen thuộc đến không thể quen thuộc hơn, nhân vật chính luôn là kẻ chỉ huy cứu thế, trẻ con bị đặt vào hoàn cảnh nguy hiểm, những kẻ xấu sẽ không có kết cục tốt và một bầy các con khủng long raptor và rex CGI sẽ xuất hiện để dọa sợ mấy khán giả trẻ tuổi, bao gồm cả cảnh bỏ chạy tóe khói khỏi hòn đảo trông cứ như phiên bản kinh dị của The Lost World’s San Diego. Howard, cảm ơn Chúa, có nhiều việc hơn để làm so với phần trước (và lần này là đi combat boots) còn Pratt thì bỏ qua chủ nghĩa anh hùng kiểu Indiana Jones và có vẻ mỉa mai một cách lạnh lùng. Cho tới tận khi chỉ còn lại 30 phút trước khi hết phim, Fallen Kingdom chính xác vẫn luôn là một phim chạy trốn quái vật mà các bạn thường xem trong mùa phim hè.
Mike Reyes của Cinema Blend:
Jurassic World: Fallen Kingdom là một bom tấn chất lượng cao mùa hè này, với vài cung bậc cảm xúc không ai ngờ tới, một loạt những cảnh hành động mà mọi người chờ mong cùng những khoảnh khắc đen tối đến đáng ngạc nhiên. Bộ phim này cần được tận hưởng trong một không gian lớn với dàn âm thanh to nhất bạn có thể tìm thấy. Thật đáng tiếc khi J.A. Bayona sẽ không trở lại chỉ đạo phần phim thứ 3 bởi hướng sản xuất của ông đã đem đến một luồng gió mới cho series này.”
Jurassic World: Fallen Kingdom dự kiến khởi chiếu từ ngày 07.06 trên toàn quốc.
Nguồn: Variety