[PHÂN TÍCH] 7 điều có thể bạn chưa biết về bối cảnh xã hội của Bad Times at the El Royale

Tin điện ảnh · blakenguyen ·

Dù ra rạp đã lâu, nhưng liệu bạn có biết hết tất cả những điều này trong Bad Times at the El Royale?

Kéo xuống để xem tiếp

Sự ẩn dụ, những vấn đề nổi trội của xã hội, văn hóa Mỹ từ nửa thế kỉ trước được Drew Goddard xây dựng khá sống động trong Bad Times at the El Royale - tác phẩm thứ hai ông ngồi trên ghế đạo diễn. Bộ phim đem đến cho khán giả khá nhiều câu hỏi thú vị và bạn sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình trong hàng loạt chi tiết nhỏ mà đội ngũ sản xuất gửi gắm suốt 141 phút phim nhưng không hề có sự xác nhận. Do đó, những phân tích của người viết sẽ đứng trên lập trường cũng như những hiểu biết của bản thân. Mặc dù phim ra mắt đã lâu, nhưng bạn có chắc là đã chú ý đến 7 điều dưới đây khi xem phim? 

1. Khách sạn El Royale nằm trên 2 bang có thực sự tồn tại?

El Royale, nơi diễn ra toàn bộ các sự việc trong phim trên thực tế không tồn tại mà được lấy cảm hứng từ nhiều khách sạn khác nhau. Trong đó, Cal Neva Resort & Casino được xem là khách sạn mà đạo diễn lấy cảm hứng nhiều nhất. Khách sạn này nằm bên bờ hồ Tahoe, giữa biên giới 2 bang Nevada và California và từng thuộc sở hữu của danh ca Frank Sinatra vào những năm 1960. Trên thực tế, Cal Neva cũng đã có những ngày tháng huy hoàng của mình khi ngập tràn các minh tinh Hollywood đến ở và chơi bài, một phần có thể là do sự ảnh hưởng của Sinatra, cho đến khi lụi tàn khi nó mất đi giấy phép đánh bạc bởi những lùm xùm trong sở hữu. Điều này khớp với hiện trạng của El Royale khi xảy ra sự kiện trong phim, một khách sạn đìu hiu đã qua thời hoàng kim với nhiều bí mật còn cất giấu.

2. Thời gian của bộ phim diễn ra khi nào?

Từ đầu chí cuối, sẽ không hề có một chi tiết cụ thể để bạn chắc chắn về thời điểm 7 người gặp nhau tại El Royale. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ đoạn phóng sự đầu phim khi nói một vị chính trị gia nói về chiến tranh, nhiều người sẽ nhận ra đó chính là Tổng thống Richard Nixon, lãnh đạo tối cao của nước Mỹ từ 1969 đến năm 1974. Do đó, chúng ta có thể hình dung rằng thời điểm diễn ra bộ phim là vào khoảng năm 1969, vì trên thực tế Cal Neva trở nên đìu hiu khi mất giấy phép đánh bạc trong năm 1968, khớp với mô tả của Miles về El Royale. Đây cũng là một chi tiết quan trọng dẫn đến những suy luận của người viết về cuộn băng “nhạy cảm”, bí ẩn lớn nhất của bộ phim.

3. Sự bất công và phân biệt chủng tộc sâu sắc

Đoạn đầu bộ phim, bạn có thể thấy được sự phân biệt sâu sắc khi khi nhân vật đặc vụ da trắng Dwight Broadbeck dưới vỏ bọc nhân viên bán máy hút bụi hào nhoáng Seymour Sullivan dùng khá nhiều từ ngữ cũng như cách nói có phần xúc phạm cô ca sĩ da màu Darlene Sweet. Sở hữu giọng ca đầy nội lực nhưng Sweet không thể thành sao do những bất đồng với nhà sản xuất Buddy Sunday và sự phân biệt còn cay nghiệt hơn khi vị trí hát phụ cả ngày của Sweet chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lương giờ của nhà sản xuất da trắng.

4. Nạn bạo hành và ấu dâm và nhiều chuyện đáng khinh

Ở đầu phim, bạn sẽ được chứng kiến một mẫu tin về vị bác sĩ tốt bụng nhận nuôi trẻ em mồ côi Summerspring bị sát hại dã man. Theo mạch phim, không khó để nhận ra kẻ sát hại ông chính là cô con gái Rose Summerspring, Rose từ bé đã được bảo bọc bởi người chị gái Emily (Dakota Johnson), cũng chính là người đưa cô bé đi trốn sau khi ra tay kết liễu cha mình. Theo những hồi tưởng mơ hồ của Rose và cuộc trò chuyện giữa Emily với Bill Lee, chúng ta có thể nhận thấy là cô bé bị ám ảnh rất lớn về người cha đạo mạo của mình dẫn đến hành động đẫm máu khi giết chết ông nhưng vẫn giữ một khuôn mặt ngây ngô đến lạ. Vậy rốt cuộc vị bác sĩ với vỏ bọc yêu trẻ em đó là một người thế nào? Một kẻ ấu dâm bệnh hoạn hay một gã ưa bạo hành gia đình? Người chết không thể trả lời nhưng mỗi khán giả sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Ngoài ra, Miles trong xuống thời gian làm việc tại El Royale, dưới sự sai khiến của Ban quản lý khách sạn, đã chứng kiến cũng như quay lén nhiều chuyện bệnh hoạn thông qua hành lang ngầm. Từ việc một chính trị gia bạo hành, cưỡng dâm một cô gái cho đến người đàn ông vui vẻ với con chó. Ẩn sau cửa vẻ ngoài sạch sẽ, gọn gàng luôn có thể tồn tại một nhân cách đáng ghê tởm.

5. Kẻ vô thần, yêu bản thân một cách bệnh hoạn

Thần sấm Thor Chris Hemsworth, nam thần trong lòng của rất nhiều cô gái vào vai Billy Lee, một kẻ đứng đầu giáo phái kì dị với sở thích khoe thân và lắc mông (tôi tin rất nhiều cô gái đã cảm thấy mãn nguyện khi xem được đến cảnh này dù anh chàng tóc vàng khá là nhạt). Billy và giáo phái của mình đưa ra những triết lý giả tạo để khuyến khích con người vượt ra giới hạn đạo đức, vượt khỏi phép tắc của tôn giáo. Rose Summerspring (Cailee Spaeny) đã bị hắn mê hoặc dẫn đến những hành động quá khích như giết cha và thậm chí cô còn phản bội người chị yêu quý của mình dẫn đến cái chết của Emily.

Billy tin vào sự vô thần và yêu bản thân hắn, cảm thấy mình là một “lãnh tụ” và thuyết phục mọi người nghe theo hắn, làm mọi thứ vì hắn. Nhưng kẻ cắp gặp bà già, khi đối diện với tướng cướp sỏi đời Flynn (Jeff Bridges), hắn ngay lập tức bị bóc mẽ khi bị ông cho rằng chỉ là một kẻ mong manh và yếu đuối, chỉ dụ dỗ được những đứa trẻ lạc lõng như Rose.

6. Hậu sang chấn tâm lý sau chiến tranh

Qua hồi ức của Miles Miller (Lewis Pullman), anh chàng lễ tân kiêm quản lý có phần yếu đuối và chịu nhiều ám ảnh, chúng ta thấy được những khung cảnh chiến tranh hiện ra. Dù không nói rõ ràng đất nước nào nhưng qua mũ cối, dép lê, AK và hàng chục xác người với khuôn mặt Á Đông, ta có thể thấy đó là Việt Nam. Miles luôn bị ám ảnh về cái chết của đồng đội, của những binh sĩ bên kia chiến tuyến đã ngã xuống vì khả năng thiện xạ của mình. Trở về từ chiến tranh, Miles lại dính vào những bí mật dơ bẩn của khách sạn El Royale khiến tâm lý anh càng trở nên suy sụp hơn. Miles tìm đến ma túy như một lối thoát để quên đi những tội lỗi, bế tắc của cuộc đời mình.

Ngược với Billy, Miles tin vào Chúa và luôn mong muốn được rửa sạch tội lỗi của mình trước khi chết. Anh có khoảng khắc của riêng mình trong phân đoạn cuối, một sự thay đổi hoàn toàn so với bản thân mình trong hầu hết bộ phim. Miles cứu lấy mạng sống của Flynn và đổi lại, ông cứu rỗi linh hồn của chàng cựu binh.

7. Cuốn băng thực sự chứa đựng bí mật gì?

Đoạn phim Miles giấu đi thể hiện phần nào quan điểm chính trị của anh và bí mật của nó sẽ rất béo bở cho giới truyền thông,đến nỗi Flynn sẵn sàng chia đôi số tiền bị cướp với Sweet vì ông đã có một món hời hơn rất nhiều. Được biết, vai nam chính trong cuộn băng đã qua đời và nếu những hình ảnh này được lên báo sẽ phá hủy nặng nề di sản chính trị của người đó để lại.

Xét theo những dữ kiện đó và thời gian xảy ra sự việc, chúng ta có thể khoanh vùng lại 3 người, là cựu Tổng thống J.F. Kenedy (JFK) bị bắn năm 1963 tại Texas và em trai ông, Thượng nghị sĩ Robert Kennedy (R.K), người có nhiều sự ủng hộ và được dự đoán sẽ giành chức Tổng thống trước khi bị ám sát năm 1968, và Marin Luther King Jr (MLK), mục sư vĩ đại và là lãnh tụ nhân quyền của người da màu tại Mỹ trong thập niên 60, đồng thời là một người kêu gọi phong trào phản chiến tại Việt Nam và bị ám sát trước R.K 2 tháng.

Ở đây, người viết có 2 suy đoán:

JFK: Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ trước khi bị ám sát năm 1963 tại Texas là một trong những người được công dân Mỹ rất yêu quý vì lãnh đạo đất nước trải qua một thời gian đầy biến động với Chiến tranh lạnh và thời kì đầu chiến tranh Việt Nam. Ngược với sự nghiêm chỉnh của một chính khách, ông lại bị cho là vướng vào mối tình với minh tinh Marilyn Monroe, biểu tượng của sự gợi cảm tại Mỹ giữa thế kỉ trước. Cả hai đều quen biết Frank Sinatra và danh ca đã đề xuất cho Monroe thể hiện ca khúc Happy Birthday Mr. President tại tiệc chiêu đãi sinh nhật của Kennedy được truyền hình vào tháng 5 năm 1962. Với việc Sinatra là đồng sở hữu Cal Neva, nơi JFK không ít lần ghé thăm, thì việc cặp đôi trai tài gái sắc này lại nhân vật bí ẩn trong cuộn phim quay lén là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, nếu tinh mắt bạn sẽ nhận thấy có bức ảnh của Marilyn Monroe xuất hiện tại sảnh chính El Royale.

MLK: Với tầm ảnh hưởng và sức thuyết phục của bài diễn thuyết huyền thoại “Tôi có một giấc mơ”, đồng thời là một Mục sư, thật khó tin với nhiều người rằng MLK là người trong đoạn băng. Ông hoàn toàn có thể là người rất tử tế theo nhận xét của Miles khi giấu đoạn băng đi. Nên nhớ Miles rời khỏi chiến trường Việt Nam với nhiều ám ảnh khi giết quá nhiều người và MLK là người cổ vũ phong trào phản chiến cực kì mạnh mẽ.Tuy nhiên, thực tế MLK từng bị Giám đốc Hoover của FBI nhận xét là một kẻ dơ bẩn với những buổi tiệc thác loạn với rất nhiều cô gái. Đây có thể là lí do để đặc vụ Dwight Broadbeck đến El Royale để tìm bằng chứng hạ bệ lãnh tụ da màu theo lệnh của Giám đốc.

Có thể nói Bad times at the El Royale có phần khó xem với đa số khán giả Việt Nam (trừ những bạn mê Chris “Thần Sấm” cuồng nhiệt như các giáo đồ của Billy) khi tiết tấu chậm và cách kể chuyện khá lạ. Tuy nhiên, với những giai điệu nhẹ nhàng của thập niên 60 qua giọng ca của Sweet và những bản nhạc nền bất hủ, bên cạnh khung cảnh rất hoài cổ của khách sạn El Royale, đạo diễn Drew Goddard đã đem đến một tác phẩm thú vị với rất nhiều chi tiết ẩn dụ thích hợp cho những người muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, xã hội Mỹ hơn nửa thế kỉ trước. Nhưng cũng do chính sự ôm đồm đó khiến cái kết phim chưa thực sự trọn vẹn và đủ sức nặng cho quá nhiều vấn đề được đặt ra trước đó.