[PHÂN TÍCH] Xu hướng chuyển thể điện ảnh từ văn học, muốn làm liệu có dễ?
Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·
Chuyển thể phim từ tác phẩm Văn học đã bao giờ là dễ khi thị trường phim Việt đang hứng phải những ý kiến trái chiều qua nhiều kịch bản liên tiếp?
Có thể nói, xu hướng làm phim chuyển thể từ lâu đã được rất nhiều các nhà làm phim nhen nhóm và ấp ủ bởi xét trên phương diện khách quan, chuyển thể được coi là hướng đi an toàn cho điện ảnh khi nó đã có sẵn một nền tảng bền vững từ tác phẩm nguyên tác, đồng thời sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của nguyên bản cũng chính là cầu nối, là vũ khí tối thượng để đổi lấy sự chờ đợi của khán giả.
Các dự án phim chuyển thể đa phần sẽ mất ít thời gian hơn những phim làm từ một kịch bản hoàn toàn mới, thách thức lớn nhất của các nhà làm phim là làm sao để phim đảm bảo được chất lượng của tác phẩm ban đầu, song vẫn phải thêm thắt nhiều yếu tố để tạo nên được tính đột phá riêng khi chuyển thể. Một thế mạnh khác của các nhà làm phim khi quyết định chọn làm phim chuyển thể là xu thế của phim chuyển thể dễ dàng hấp dẫn nhà đầu tư hơn là những ý tưởng mới còn nằm trên trang giấy do tính thực thi và ổn định cao trong nội dung kịch bản. Mặc khác, những tác phẩm truyện, tiểu thuyết, thơ ca… luôn là nguồn cảm hứng phong phú để khơi gợi những cảm thức nghệ thuật trong điện ảnh, muốn mang những vẻ đẹp trên con chữ thành hình ảnh, hoạt cảnh sinh động, chân thực để đưa đến cái nhìn trọn vẹn và mỹ mãn nhất cho người lĩnh hội. Đó cũng chính là điều mà các khán giả luôn mong chờ khi có một tác phẩm được chuyển thể từ những tác phẩm văn học kinh điển.
Nhà biên kịch Kay Nguyễn từng có chia sẻ: "Khi một tác phẩm văn học đã trở thành kiệt tác, hoặc được chứng nhận bởi thời gian, tức là có nhiều giá trị và tất nhiên hấp dẫn nhiều nhà làm phim". Đúng thật là như vậy, bên cạnh việc thương hiệu của nguyên tác làm bàn đạp vững chãi, cốt truyện là lý do thứ hai thúc tiến các nhà làm phim đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh. Có được cốt truyện hấp dẫn sẵn, biên kịch phim hoàn toàn có thể biến tác phẩm văn học đó trở thành “mảnh đất màu mỡ” để khai thác, thoả sức thể hiện khả năng sáng tạo mà không cần phải miệt mài đi tìm ý tưởng bắt đầu. Những bằng chứng cho thấy sự khai thác hiệu quả từ một tác phẩm văn học có thể kể đến như: Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Mắt Biếc,… Những dự án chuyển thể từ các tác phẩm truyện đọc rất được yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, lấy cảm hứng từ nguyên tác truyện Tấm Cám trong nhân gian đều thu về những thắng lợi vẻ vang và làm ông vua phòng vé. Tuy nhiên nhìn nhận kỹ lại, việc các nhà làm phim ngày nay có xu hướng “dựa dẫm” vào chuyển thể để làm phim đã và đang là một vấn đề đáng báo động cho ngành điện ảnh Việt nói chung.
Có một thực tế đáng buồn trong nền điện ảnh thế giới lẫn ở Việt Nam những năm gần đây chính là tình trạng thiếu ý tưởng kịch bản trầm trọng, dẫn đến xu hướng lạm dụng làm phim chuyển thể. Lý giải cho điều này, đạo diễn trẻ Võ Thanh từng có lời chia sẻ: “Đối với một dự án điện ảnh Việt Nam hiện tại, số tiền trả cho nhóm biên kịch chỉ ở khoảng 2 - 3%, thậm chí dưới mức 1% tổng chi phí, trong khi ở Hollywood, số tiền này có thể lên đến 10% - 15%. Do vậy, khó mà đòi hỏi họ làm việc hăng say và đam mê. Để mở đầu dự án phim thì phải có ý tưởng kịch bản. Mà để tăng được mức lương xứng đáng cho vị trí này thì tổng chi phí cho dự án phải tăng, dẫn đến mức tiền thu về để huề vốn cũng đội lên". Và cũng chính xu thế “xây nhà trên nền có sẵn” này, không phải một mà liên tiếp rất nhiều những kịch bản đi ra từ tác phẩm Văn học đã bị phá sản, thất bại toàn tập trong mắt công chúng.
Không chỉ dừng lại ở sự non yếu trong việc lựa chọn tình tiết, nội dung từ tác phẩm gốc cũng như thêm thắt các yếu tố để làm sao vừa phù hợp vừa đúng mực, một phần còn bởi các biên kịch, đạo diễn chưa thật sự hiểu rõ được giá trị, ý nghĩa nhân văn từ tác phẩm nguyên gốc, chạy theo xu thế, trào lưu, cải cách làm mới quá đà là mất đi chất nguyên bản vốn có, từ đó tạo ra sự gượng ép, giả lập và khác xa nguyên bản chuyển thể trước đó.
Kịch bản từ phim Cậu Vàng là một ví dụ điển hình việc phim chuyển thề là một “món ăn tuy ngon nhưng khó nuốt”. Được cố NSND Bùi Cường viết, lấy cảm hứng từ Nhiều truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, trong đó hội tụ các nhân vật như lão Hạc, Bá Kiến, Binh Tư, vợ chồng ông giáo Thứ… Do được tập hợp từ quá nhiều tác phẩm khác nhau, song lại trở thành con dao hai lưỡi đánh gục bộ phim. Cậu Vàng nhận được những ý kiến khen chê khác nhau nhưng phần đông khán giả cho rằng phim quá ngô nghê và hời hợt, tham lam nhưng không khai thác được giá trị cốt lõi nào từ thực tế nguyên bản gốc, không phản ánh đúng tinh thần, thậm chí “xúc phạm” nguyên tác của nhà văn Nam Cao. Điểm trừ lớn nhất của phim Cậu Vàng còn nằm ở việc chọn nữa nhân vật chính trong tác phẩm khi ngay chính từ bộ mặt của phim đã không thể làm hài lòng công chúng.
Bên cạnh Cậu Vàng, một số dự án phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học có thể kể đến là dự án phim Kiều dựa trên Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du do đạo diễn Mai Thu Huyền cầm cán. Ngay khi teaser (những hình ảnh quảng cáo đầu tiên) của bộ phim được hé lộ, đã dẫn tới nhiều ý kiến tranh luận, chẳng hạn về việc sử dụng chữ quốc ngữ (thay cho chữ Nôm) không phù hợp với thời gian và bối cảnh của Truyện Kiều trong phim, đến khi phim được công chiếu, Kiều thậm chí không thể trụ vững được 3 ngày tại một số phòng vé do bị khán giả tẩy chay, phê phán do nội dung không khai thác được đúng nguyên tác, có ý kiến cho rằng nó là sư lệch lạc trong tầm nhìn nhận thức ý nghĩa tác phẩm của chính các nhà làm phim.
Rõ ràng lâu nay, các phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học của điện ảnh Việt vẫn chỉ có số ít thật sự gây hiệu ứng “đôi”, từ phim đến tác phẩm văn học. Cần phải nhớ rằng, phim cho dù là tác phẩm độc lập, nhưng cách khai thác chi tiết, hay diễn tiến tâm lý nhân vật trong tác phẩm văn học phần lớn khi chuyển thể cần phải giữ được giá trị nguyên bản, tinh thần của nguyên tác chứ không thể chỉ vì sự sáng tạo thái quá, chạy theo xu hướng, thời đại mà đánh mất những thứ được xem là đặc trưng, là độc quyền, in sâu vào lòng công chúng từ trước. Có lẽ vẫn còn có những khoảng cách khá mơ hồ giữa những nguyên tác văn học với các nhà đạo diễn, không chỉ về “tâm”, “tài” mà còn vướng mắc nhiều vấn đề chưa khai thông, khi làm phim chuyển thể tác phẩm văn học, đầu tư vào phim…
Tuy nhiên, không phải vì khó mà ngó lơ “tài nguyên” giàu có này, bởi thực sự các tác phẩm văn học luôn tiềm ẩn những nội dung kịch bản đặc sắc mà nếu khai thác đúng chỗ, cảm thụ và chuyển hóa được đầy đủ tinh thần của nguyên tác thì vẫn còn đấy những tài nguyên lý tưởng để chuyển thể thành phim đáng để chờ đợi cho thị trường phim Việt trong tương lai.
Không nói đâu xa, sắp tới đây, Đất Rừng Phương Nam sẽ gánh một trọng trách nặng nề là tiếp chứng tỏ điện ảnh Việt có khả năng chuyển thể phim ảnh dựa trên các tác phẩm văn học. Bản thân Đất Rừng Phương Nam sẽ dựa vào nguyên tác văn học cùng tên của tác giả Đoàn Giỏi, nhưng việc bản truyền hình Đất Phương Nam đã gặt hái được nhiều thành công và là cột mốc sáng hiếm hoi trong xu hướng này, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào phiên bản điện ảnh. Điều đó có thể mang tính quyết tính quyết định trong sự tiếp nhận của khán giả đối với xu hướng chuyển thể phim ảnh từ văn học của điện ảnh Việt.