Phim Việt - Biên kịch Việt tài năng đang ở đâu?
Tin điện ảnh · kkpham ·
Gần đây, chúng ta thấy có hàng loạt những dự án phim làm lại, lấy kịch bản gốc từ nước ngoài (Em Là Bà Nội Của Anh, Sắc Đẹp Ngàn Cân, Bạn Gái Tôi Là Sếp...) như một minh chứng sống, phải chăng phim Việt đang khát kịch bản hay trầm trọng?
Nhân Vệ Sĩ Sài Gòn bàn chuyện kịch bản Việt
Phải nói rằng, vài tháng trước, khi xem trailer Vệ Sĩ Sài Gòn (VSSG), tôi đã rất háo hức và mong chờ một bộ phim thực lực. Bởi trailer phim được dựng rất tốt, vừa gợi được sự tò mò về câu chuyện, mang tính hài hước phù hợp thị hiếu khán giản Việt, mà còn cài cắm rất khéo. Bên cạnh đó, sự trở lại của Thái Hòa sau "cú ngã ngựa" phòng vé với Fan Cuồng khiến tôi càng thêm mong chờ vì tin rằng anh sẽ chọn một bộ phim chắc tay hơn. Tuy nhiên, khi phim chính thức ra mắt, những gì đọng lại sau hơn 90 phút trong tôi chỉ là sự mệt mỏi, hụt hẫng và bực dọc với một cái lắc đầu rằng: VSSG đã lại trượt dài vào vết xe đổ kịch bản.
Công bằng mà nói, VSSG sở hữu một câu chuyện gốc khá thú vị và tiềm năng. Trịnh (Kim Lý) và Viên (Thái Hòa) là bộ đôi vệ sĩ chuyên gia gây rắc rối. Một ngày nọ, cả hai cùng nhận nhiệm vụ là bảo vệ thân chủ - cậu thiếu gia Henry (B Trần) của tập đoàn sữa nổi tiếng trở về nước dự tang cha. Không may thay, Henry bị một băng đảng khét tiếng bắt cóc. Trên đường truy đuổi giải cứu thân chủ, hai vệ sĩ vô tình gặp một chàng trai có ngoại hình giống hệt Henry, nhưng lại không phải cậu thiếu gia cả hai phải bảo vệ. Rồi sau đó, mọi bí mật dần dà được bật mí... Với kịch bản như thế, những tưởng VSSG sẽ là một bộ phim hấp dẫn đậm chất hành động. Nhưng tiếc thay, câu chuyện của phim lại không đi theo hướng khai thác thế mạnh trong kịch bản mà lại rơi vào hố hài nhảm với những mảng miếng rất sống sượng. Có thể thấy rõ, phim do đạo diễn người Nhật cầm trịch, nên những mảng hài trong phim đâu đó vẫn mang đậm văn hóa Nhật. Nhưng nói thật, đem nó áp dụng vào văn hóa Việt, thì chả thấy hài ở chỗ nào. Đơn cử trong phim có phân cảnh cả gia đình đang dùng bữa họp mặt, người chú bảo nhân vật chính rằng: "Sao cháu không nói chút gì đó triết lí bằng tiếng Anh đi?" (?) (trời đánh tránh bữa ăn, mà đang ăn lại đi bàn chuyện...triết học thì quá mệt mỏi) rồi sau đó cả nhà ùa lên nhảy nhót hát múa (?) (dẫu vừa mới xong đám tang). Hay trong phân cảnh đám tang, mọi người mời nhau uống sữa (?) và lại cho một chú bò sữa gầm gừ vài tiếng xong cả khán phòng trang nghiêm bỗng dưng òa khóc nức nở (?). Có lẽ dụng ý của đạo diễn muốn làm bật lên tầm quan trọng của sản phẩm sữa - mạch chủ đạo trong phim, nhưng xin nói rằng những chi tiết này ngô nghê và không thích hợp với văn hóa người Việt.
Cùng đề tài vệ sĩ, tháng qua chúng ta có Vệ Sĩ, Tiểu Thư và Thằng Khờ. Angela Phương Trinh trong phim được quảng bá hết mức với vai diễn đo ni đóng giày đánh dấu sự trở lại. Và lần này cô trở lại trong một bộ phim cẩu thả và phi logic đến độ thảm họa. Suốt phim, cô tiểu thư đỏng đảnh vẫn một mực trung thành với lí tưởng và tính cách giãy nãy của mình. Ai đời bị bắt cóc đến vài lần, bị trói gô, bịt miệng, tra tấn đánh đập và cô vẫn không thể làm gì để cảnh giác bảo vệ bản thân mình, ngoài việc suốt ngày cứng đầu bảo: "Con không cần vệ sĩ." (?) rồi tung tăng đi chơi, đi nhảy nhót khoe thân vô tội vạ, để cho lại bị bắt cóc hết lần này đến lần khác. Khán giả cứ luôn trong chờ vào sự chuyển biến tâm lí của nhân vật. Sau 3 lần bị bắt làm con tin, sau bao nhiêu cực khổ chịu đựng, lẽ ra cô tiểu thư phải rút ra được bài học, phải thay đổi tính cách và lớn lao hơn là có thể làm gì đó để xoay chuyển mạch phim, là chìa khóa then chốt giúp bố mình. Nhưng không. Từ đầu đến cuối phim, cô cứ ngô nghê thậm chí láo toét với bố mình không cần vệ sĩ như vậy trong những câu thoại rỗng tuếch.
Cô Hầu Gái lại là một điều đáng tiếc khác ở khâu kịch bản, dù tổng thể phim rất sáng giá. Sở hữu một ekip hùng hậu phía sau với những cảnh quay đồn điền cao su u ám đến rợn người, những pha hù dọa với âm thanh và kiểu cách vô cùng đáng sợ, dàn nhân vật phụ hoàn thành rất đạt vai diễn. Thú vị hơn cả, đạo diễn Derek Nguyễn đã "lách luật" làm cho con ma trong phim trở nên "có thật", điều gần như bị cấm kị trong điện ảnh Việt hiện nay. Thế nhưng, cách giải quyết vấn đề không triệt để và chưa thuyết phục trong cú twist cuối phim như phá vỡ toàn bộ diễn biến của câu chuyện chính. Cùng đề tài kinh dị, chúng ta có Bệnh Viện Ma cũng với một twist cuối phim khá bất ngờ nhưng...không hề liên quan hay ăn rơ gì đến nội dung khán giả đã được xem trong hơn một tiếng phim trước. Điều này cho thấy sự vụng về trong khâu kịch bản, khi xây dựng nhân vật có tâm lí xoay đổi xoành xoạch và không hề hợp lí. Điều tương tự cũng đã từng xảy ra với bộ phim Đoạt Hồn của đạo diễn Hàm Trần. Để đưa được phim qua ải kiểm duyêt, thì cuối phim mọi thứ phải chỉ là một giấc mơ.
Và chúng ta còn gì nữa? Chúng ta còn 4 Năm 2 Chàng 1 Tình Yêu, bộ phim theo thể loại thanh xuân vườn trường được tô hồng đến độ hư cấu với motif mất trí nhớ, giả chết vốn đã thoái trào từ mấy chục năm trước ở Hàn Quốc. Các cô cậu học trò loai choai trong phim chỉ sau 4 năm đã trở thành những doanh nhân thành đạt, ông này bà nọ, mặc vest đi xe hơi trong những công ty sang trọng bậc nhất. Chúng ta có Con Ma Nhà Họ Vương, kể về một anh chàng vì tội giết người trốn chạy đi một nơi khác. Trốn đâu không trốn, anh lại chạy lên một trong những thành phố đông đúc và an ninh nhất nước để gặp...một tên biến thái bắt đầu cùng anh chơi trò chơi cởi đồ. Rồi một anh trai thẳng khác, một ngày nọ bỗng dưng bảo với anh rằng, "Sao tụi mình hông thử hôn nhau đi?"(?) mà vẫn một mực tự nhận mình là (thấy) trai (là) thẳng. Chúng ta còn Mặt Nạ Máu, Găng Tay Đỏ, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể... mà trong đó, câu chuyện nội dung phim hoàn toàn không được nhắc tới, chỉ có những lùm xùm trong câu chuyện đấu tố nhau của nhà sản xuất, của đạo diễn, của diễn viên cho đến nhà phát hành phim.
Và hơn thế nữa, chúng ta đã có một thể loại phim mang tên "danh hài Hoài Linh", vì sau bao nhiêu năm, hình như chúng ta đã dần mặc định hễ phim nào có Hoài Linh, là phim đó nội dung chẳng có gì ngoài một sân khấu nhạc kich được đưa nguyên xi lên màn ảnh rộng.
Và gần đây, chúng ta thấy có hàng loạt những dự án phim làm lại, lấy kịch bản gốc từ nước ngoài (Em Là Bà Nội Của Anh (2015), Sắc Đẹp Ngàn Cân (2017), Bạn Gái Tôi Là Sếp (2017)...) như một minh chứng sống, phải chăng phim Việt đang khát kịch bản hay trầm trọng?
Trở lại với VSSG, so với mặt bằng chung, rõ ràng đây là một bộ phim giải trí được thực hiện hết sức chỉn chu và tâm huyết. Các bạn hoàn toàn có thể thấy điều này qua cách sắp đặt cảnh trí cũng như các màn hành động vô cùng đã mắt trong phim. Chỉ tiếc rằng, giá mà phim không để yếu tố hài làm hỏng kịch bản hay, giá mà kịch bản phim có thể dung hòa được yếu tố văn hóa, thì có lẽ mọi chuyện đã khác.