[REVIEW] Ajin: Demi Human – Một tác phẩm live action giải trí khá tốt
Đánh giá phim · khacduy ·
Màn hóa thân của Satoh Takeru rõ ràng không đến nỗi tệ khi phần nào lột tả được sự khó đoán trong tích cách nhân vật nhưng cũng không quá xuất sắc khi có phần bị lấn át bởi bạn diễn Ayano Gou.
Phỏng theo nguyên tác truyện tranh cùng tên, Ajin: Demi Human (Á Nhân) kể về cậu sinh viên đại học Kei Nagai (do Satoh Takeru thủ vai), người tình cờ phát hiện mình chính là một Ajin (một dạng người đột biến không thể chết) sau khi gặp phải tai nạn giao thông thảm khốc. Ngay lập tức, Kei bị chính phủ Nhật Bản bắt giữ và tiến hành những thí nghiệm vô nhân đạo nhằm tận dụng khả năng này của cậu, điều hoàn toàn trái ngược với những lời hứa có cánh mà chính phủ nói trước công chúng về việc bảo vệ quyền lợi của Ajin. Tuy nhiên, một Ajin bí ẩn với tên gọi Sato (Ayano Gou) đã đột nhập và giải cứu cậu. Nhưng Kei nhanh chóng nhận ra ẩn sau những lời nói mỹ miều về việc thay đổi thế giới và đòi quyền lợi cho Ajin, Sato chỉ là một tên sát nhân hàng loạt chỉ muốn “nhìn thấy thế giới cháy rụi” (khá giống nhân vật Joker trong The Dark Knight). Liệu rằng Kei có thể chiến thắng Sato trong cuộc chiến sống còn này để bảo vệ bản thân cũng như những người thân xung quanh?
Ngay từ khi trailer và những thông tin đầu tiên được tiết lộ, cộng đồng đã khá lo ngại vì lượng nhân vật cũng như tiểu sử của từng người đều khá lớn - điều khó có thể truyền tải hết trong một tác phẩm live action với thời lượng hạn chế 109 phút. Đội ngũ biên kịch đã khéo léo thay đổi kịch bản nhằm khắc phục điều này như cắt bớt nhiều nhân vật quan trọng trong nguyên tác như Kaito, Nakano, mẹ của Kei… và bù lại thay đổi tuổi của Kei từ một cậu học sinh cấp 3 lên thành sinh viên đại học. Người viết có thể hiểu được điểm này khi rõ ràng với một độ tuổi lớn hơn, những thay đổi về nhận thức và tâm lí của nhân vật Kei sẽ nhanh hơn và thuyết phục hơn, đồng thời những động thái buff cho Kei nhằm có thể đánh nhau 1 đối 1 với Sato cũng không quá vô lý. Tuy nhiên đây là thay đổi theo quy tắc bù trừ duy nhất mà đội ngũ phim làm được, kịch bản phim theo cảm nhận của người viết không quá tệ nhưng cũng không có gì đặc sắc. Đó là còn chưa kể đến khi độ phức tạp trong tâm lý của nhân vật Kei trong tác phẩm hoàn toàn bị bỏ đi, thay vào đó phim lại đưa Kei theo mô típ anh hùng thường thấy, khởi đầu yếu đuối rồi được “mặt trời chân lý chói qua tim” nhận ra vẻ đẹp cuộc sống, rồi từ đó mạnh mẽ cứu giúp mọi người. Riêng về hai nhân vật cực ngầu trong nguyên tác là Sato và Tasaki cũng được xây dựng không mấy thuyết phục khi diễn biến tâm lý hoàn toàn không được thể hiện rõ.
Tuy nhiên, bỏ qua phần kịch bản không mấy gì đặc sắc thì diễn xuất của dàn diễn viên có thể nói là tròn vai. Ayano Gou chắc chắn là điểm sáng nhất khi thể hiện thần thái của Sato vô cùng giống với nguyên tác. Đặc biệt là khả năng biểu cảm và giọng nói của nam diễn viên Ayano Gou khi hóa thân thành Sato, người viết có thể khẳng định là nếu không như là bước từ trong truyện ra thì cũng phải giống đến 8, 9 phần. Riêng về phần nam diễn viên Satoh Takeru trong vai Kei Nagai, người viết khá băn khoăn khi màn hóa thân của anh rõ ràng không đến nỗi tệ khi phần nào lột tả được sự khó đoán trong tích cách nhân vật nhưng cũng không quá xuất sắc khi có phần bị lấn át bởi bạn diễn Ayano Gou.
Về mặt hình ảnh thì không thể không nói đến những pha hành động đã mắt giữa các Hắc Hồn được thực hiện qua công nghệ bắt chuyển động (motion capture), đây chính là phần fan service tuyệt vời khi các phân cảnh này đều được mô phỏng 100% giống như trong nguyên tác truyện tranh. Tuy hiệu ứng CGI chỉ dừng ở mức trung bình nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được khi rõ ràng đây không phải là điểm mạnh của nền điện ảnh Châu Á, người viết ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ làm phim. Các pha võ thuật, đánh đấm hành động do người thật đánh cũng không hề thua các tác phẩm siêu anh hùng của Marvel hay DC, đều rất đẹp mắt với những pha đấm, đá, kẹp cổ cầu kì nhưng không kém phần đẹp mắt. Mặt âm thanh cũng là một điểm mạnh khi tiếng súng đạn được thực hiện chân thật, thể hiện rõ sự đầu tư cũng như công sức của đội ngũ làm phim và không thể không kể đến bản nhạc nền hào hứng vang lên trong những pha hành động, góp phần kích thích cảm xúc khán giả.
Với dàn diễn viên rất tài năng của điện ảnh Nhật Bản thì Ajin phiên bản live action có thể nói là một tác phẩm hành động giải trí khá tốt với chất liệu phỏng từ bộ truyện cùng tên. Những pha hành động khá mãn nhãn tuy còn hạn chế bởi hiệu ứng kĩ xảo chỉ tạm dừng ở mức độ trung bình nhưng đội ngũ làm phim đã khéo léo mô phỏng những tình tiết trong truyện ở mức tốt nhất có thể nhằm chiều lòng fan. Mặc dù tình tiết cũng như cốt truyện đã bị cải biên rất lớn so với nguyên tác nhưng đây e là điều khó tránh khỏi với thời lượng ít ỏi một tiếng rưỡi của phim. Tổng kết lại thì Ajin phiên bản live action là một tác phẩm hành động thuộc hạng khá, với dàn diễn viên ăn khách cũng như các pha hành động chất lượng. Tuy nhiên, nếu là fan ruột của bộ truyện thì bạn nên chuẩn bị một tinh thần thoải mái, cởi mở khi xem phim nhằm tránh việc bị sốc khi thấy cốt truyện bị thay đổi khá nhiều.