[Review] Ám Ảnh

Tin điện ảnh · IAMOLD ·

Nhớ kĩ rằng là cho dù ở nhà trọ hay không thì cũng phải khóa cửa!

Nhớ kĩ rằng là cho dù ở nhà trọ hay không thì cũng phải khóa cửa!

Số phận của bộ phim này cũng khá hẩm hiu khi bị “vịn” lại ngay vòng gửi xe mặc dù từ trailer leak và các thông tin trước đó đều cho chúng ta một cốt truyện “cũ mèm” với sự rập khuôn của hầu hết phim kinh dị trước đó. Hiển nhiên khi bạn đọc bài này thì bộ phim đã được bật đèn xanh để thẳng tiến đến với bạn vào dịp tết này và nhớ kĩ bài học muôn thuở: ”Đừng quá tin vào quảng cáo”, bởi nó không tệ như cái trailer.

Bộ phim Ám Ảnh – Obsession của đạo diễn Bảo Nguyễn kể về bi kịch của một cô gái nhà quê tên Thư (YaYa Trương Nhi) vì nhà nghèo ba má đông mặc dù chả bao giờ thấy phim đề cập nhà nghèo “cỡ” nào. Lên Sài Gòn vì mục đích đổi đời bằng bất cứ cách nào và hiển nhiên kết quả ra sao với hạng người “bất chấp” thì chúng ta cũng đoán được. Mất mạng song cô vẫn vương vấn ở lại dương thế để gây oan cho gã mình lợi dụng và ám những người từng tốt với mình bởi vì bất cứ con ma nào chết oan cũng “thù dai”.

Đánh lừa bạn bằng cốt truyện ma mà bất cứ đứa mười tuổi nào cũng viết ra được, cộng với dàn diễn viên thoạt nhìn “nhiều mỡ hơn nhiều thịt”, thì nhiêu đó đã đủ cho bạn có thể mặc cả rằng đây chỉ là một cố gắng “moi tiền” lì xì của bạn. Nhưng ngạc nhiên thay bộ phim lại khá thú vị, bộ phim giống như Mad Max: Fury Road làm hồi năm ngoái (hiển nhiên đây là so sánh khập khiễng), khi mà sự tập trung không phải ở tổng thể mà là những chi tiết nhỏ lẻ và các phân đoạn gây nhiều cảm xúc. Phần lớn bộ phim tập trung vào Hoàng (Hiếu Nguyễn) và Nam (Trần Tuấn Lương) nhưng điểm hơn thì thuộc về Lương hoàn toàn. Hai nhân vật này đều bị tổn thương nặng nề sau cái chết của Thư và hiển nhiên “bị khùng” là điều cách họ chỉ vài bước. Trong đó nổi bật nhất là nỗi đau của Nam, phải thật sự bất ngờ bởi trước giờ có lẽ đây là bộ phim diễn tả những đen tối, những dục vọng thâm thẳm của chúng ta mỗi khi đêm về rất thật. Khi thất tình chỉ không ai mà không "khùng" cả. Và diễn xuất của Lương hoàn toàn thuyết phục trong những phân đoạn “bị khùng” như thế và kết cấu của những phân đoạn đó cũng rất tuyệt và mãn nhãn. Duy chỉ tiếc là “đối tác” của Nam là Hoàng thì lại không đủ “khùng” để so kè với.

Như đã nói, bộ phim không theo một dàn bài mạch lạc mà chú trọng các phân đoạn, xen giữa là khúc đệm và hồi tưởng. Việc này được làm khá tốt (tuy vẫn còn vụn) để bạn hoàn toàn có thể nhập tâm xem mà không bị rối bởi các tình tiết khá đơn giản và có mục đích rõ ràng. Bên cạnh đó các cảnh ma mị trong phim được giải thích dù có phần sơ sài và logic gây thêm thích thú (phần lớn là tại bị khùng nên thấy mà).

Nhưng nói gì nói thì nhân vẫn vô thập toàn, với lại đây là phim Việt nữa nên các hạt sạn phải gọi là “rào rạo” trong miệng. Điểm trừ đáng kể nhất đó chính là lời thoại của hầu hết các nhân vật trong phim, chúng thô thiển mà củ sến đến mức khó chịu. Phần lớn bạn phải bụm miệng lại trước những lời lẽ mà các nhân vật sử dụng.

Kịch bản phim về sau lại quay về dàn bài lúc đầu khiến sự lộn xộn chen vào, lúc thế này lúc thế khác rất là loạn. Điển hình nhất là nhân vật Long Sẹo của Quốc Cường, mãi đến cuối phim bạn mới biết đó là ai và mặc dù vai trò rõ ràng thì chúng ta cũng hiểu ý đạo diễn là nhân vật đó có vì chỉ đơn giản là muốn kết thúc có hậu thay vì với ý tưởng ban đầu như trên đã đề cập mà cứ tiếp tục thì có lẽ đã hay hơn. Song những điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình xem phim hay nhịp độ của nó, chỉ là nếu khắc phục thì bộ phim sẽ hay lên rất nhiều.

Có lẽ đạo diễn đã chơi bài lành khi anh một phần cũng muốn đổi mới, song phút 90 lại đổi ý để hòa. Nhưng điều đó không có gì là sai cả, việc cho chúng ta thấy rằng chúng ta “khùng” như thế nào có lẽ khá mới và khó diễn đạt, có lẽ vì đó mà bộ phim mới có tên là Ám Ảnh, có lẽ vì thế mà nó bị “vịn” lại bởi “bộ”. Bởi phần lớn chúng ta vẫn còn quá “non” để có thể trải nghiệm điều này. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn, vì đã có người làm ắt sẽ có người bắt chước và chúng ta mong rằng người đi sau sẽ tốt hơn người đi trước.