[REVIEW] Bloodshot
Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Bloodshot cơ bản không thể đáp ứng kỳ vọng của những khán giả mong mỏi một bộ phim siêu anh hùng tầm cỡ Marvel hay DC.
Trong Bloodshot (2020), chứng kiến vợ mình bị sát hại dã man trong tay một tên trùm khủng bố, trước khi chết, lính thủy đánh bộ Ray Garrison (Vin Diesel) thề sẽ báo thù. Được hồi sinh bằng công nghệ tối tân của tập đoàn Rising Spirit, Ray giờ đây sở hữu những khả năng của một siêu nhân. Anh ngay lập tức lên đường thực hiện lời thề và truy cùng đuổi tận kẻ đã giết người vợ dấu yêu trước mắt anh. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như Ray tưởng khi anh bắt đầu nhận ra những điểm khác thường trong cuộc chiến báo thù của mình.
Nhìn chung, Bloodshot có đầy đủ những yếu tố làm nên một dự án điện ảnh siêu anh hùng bài bản, như kỹ xảo trau chuốt, những pha hành động kịch tính, các màn cháy nổ, và quan trọng hơn hết là hình tượng người hùng khuôn mẫu với các phẩm chất tốt đẹp cũng như những hạn chế có thể lấy được sự cảm thông của khán giả. Tuy nhiên, ngoài các điều kể trên ra, bộ phim là một chuỗi dài tái chế của các phim cùng thể loại khác.
Thật không khó để thấy hình tượng Bloodshot của Vin Diesel có nhiều nét tương tự với hàng đống siêu anh hùng của hai ông lớn DC và Marvel, như bản thân anh ta là một người lính được cường hóa như Captain America, sở hữu siêu năng lực của bộ giáp Iron Man của Tony Stark, hay có khả năng tự chữa lành của Wolverine…. Điều này không đáng nói khi bản thân người hùng sinh sau đẻ muộn hơn các anh hùng của Marvel và DC. Nên việc có những điểm giống là điều dễ hiểu.
Đối với khán giả Việt Nam, siêu anh hùng Bloodshot là một cái tên còn lạ lẫm. Đây là lợi thế của bộ phim. Ít được biết đến nghĩa là khán giả sẽ đón nhận bộ phim với tâm thế không phải chăm chú đi tìm những điều tương đồng với nguyên tác truyện tranh – điều nhiều lần đã làm các phim của nhà Marvel và DC gặp khốn đốn. Họ cũng sẽ cởi mở hơn với những gì mà Bloodshot mang lại. Tiếc thay, dự án của đạo diễn David S. F Wilson lại không mang những điều mới mẻ nào đến cho thể loại siêu anh hùng cả. Hơn nữa, phim còn gặp vấn đề với kịch bản yếu ớt, một câu chuyện lộn xộn, và nghiêm trọng hơn hết là tuyến nhân vật mỏng manh, một màu.
Bloodshot không mang yếu tố gì sáng tạo. Những tình tiết đều dễ đoán. Đơn giản là vì phim chỉ sử dụng lại công thức của những phim tiền thân. Mặc dù mang vai trò là câu chuyện nguồn gốc của anh hùng Bloodshot, phim lại không lý giải được rõ ràng thân phận hay mục đích mà nhân vật này muốn hướng đến. Điều gì làm tổ chức Rising Spirit Project chọn anh ta làm mục tiêu thí nghiệm? Phim cũng không làm rõ hay gợi ý gì. Điều này làm Bloodshot giống một người được hoàn toàn nhân tạo hơn là người tự nhiên như phim nhấn mạnh. Ngay cả bản thân Bloodshot ban đầu quyết liệt đi tìm danh tính nhưng sau cũng bỏ quên luôn việc đó.
Không có xe cộ làm bệ đỡ, Vin Diesel dường như không thể biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc mà Bloodshot rất cần để làm hình tượng người hùng này nổi bật cái riêng của mình. Ngược lại, anh ta rất chung chung và bình thường so với các anh hùng khán giả đã được chứng kiến trên màn ảnh. Bloodshot như được Diesel đem nguyên mẫu Dominic Toretto vào màn hóa thân vậy.
Các nhân vật khác cũng không có độ dày khi họ đều rập khuôn theo công thức. Phản diện của phim không khác gì Ajax của Deadpool và ngây thơ đến kinh khủng, mặc cho được khắc họa là kẻ vô cùng lỗi lạc. Guy Pearce như thường lệ có khả năng biểu diễn rất tốt, nhưng ngay cả anh cũng không làm nhân vật vốn đã một chiều, được xây dựng yếu ớt của mình nổi bật hơn là bao.
Một nhân vật trong phim còn không được khắc họa rõ ràng. Lúc anh ta là nạn nhân, lúc lại là một tỷ phú thiên tài mà phim lại không cho một sự kết nối nào, khiến câu chuyện gãy khúc, khó hiểu. Bộ phim cũng lạm dụng những pha quay chậm khi sử dụng kỹ thuật này ở chỗ không cần thiết. Bloodshot còn học theo Marvel khi đan xen yếu tố hài hước vào các phân đoạn bạo lực, nhưng chúng lại không có duyên và đôi lúc còn thách thức sự kiên nhẫn của người xem.
Phương diện diễn xuất ở mức kém đến trung bình. Dường như bộ phim chỉ gỡ gạc được ở khâu hình ảnh, kỹ xảo chi tiết vô cùng ấn tượng, và những màn đánh đấm được đầu tư. Nhưng những điều đó không thể che đậy được những điểm yếu của phim. Nói tóm lại là việc xem phim khá nản.
Khi DC tung Man of Steel (2013 – Người Đàn Ông Thép) làm viên gạch đầu tiên cho vũ trụ điện ảnh DC, đây được coi là một nước cờ rủi ro cao vì đối trọng MCU đã đi vào quỹ đạo ổn định với nền móng vững vàng. Tuy nhiên, năm đó, dưới sự dẫn dắt của Zack Snyder, Man of Steel đã mạo hiểm mang tính thời đại vào hình tượng anh hùng nổi tiếng nhất thế giới là Superman. Dù đã tạo nên làn sóng tranh cãi, đứa con của Snyder vẫn thành công trong việc để lại ấn tượng khó phai về khởi đầu của một vũ trụ điện ảnh với phong cách và tông màu hoàn toàn đối lập với MCU. Hôm nay, Bloodshot cũng ở vị trí tượng tự Man of Steel năm nào với vũ trụ Valiant của Sony. Nhưng bộ phim ít có khả năng để lại ấn tượng sâu sắc nào về mặt nội dung và chỉ dừng ở mức coi để giải trí, hoặc tệ hơn là coi “đỡ” để chờ MCU hay DC ra phim mới. Nếu so với Iron Man (2008), Bloodshot thậm chí còn kém hơn. Nếu Sony không thể làm tốt hơn ở các dự án tiếp theo, giấc mộng vũ trụ điện ảnh Valiant của Sony sẽ gặp muôn vàn trắc trở.