[REVIEW] Chồng Người Ta

Đánh giá phim · VLynd ·

Chồng Người Ta là một thảm họa khác của phim Việt.

Kéo xuống để xem tiếp

Theo dõi điện ảnh Việt Nam suốt 4 năm qua, người viết đã xem những bộ phim hay lẫn những phim dở thảm họa và nhìn chung, bộ môn nghệ thuật thứ 7 của nước nhà cũng có nhiều sự tiến bộ.

 

Với niềm tin vào những người làm phim có tâm huyết, người viết cực kỳ thất vọng khi vẫn còn những phim tệ hại như Chồng Người Ta được ra rạp. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến chỉ mang lại những cảm xúc tiêu cực cho khán giả trong suốt 91 phút. 

 

 

Chồng Người Ta xoay quanh gia đình tưởng chừng ấm êm của Cường (Trịnh Xuân Nhản) và Trúc (Yaya Trương Nhi) bên cạnh cậu con trai Hải (Trần Ngọc Vàng). Nhằm trả thù cho người yêu là Hà (Thanh Trúc), Thắng (Lý Bình) đã chủ động tìm đến Cường, gợi lại cho anh những ký ức về người tình đồng giới năm xưa, không những thế, hắn còn tiếp cận Hải nhằm hủy hoại cuộc đời cậu. 

 

Khác với những phim lấy đề tài LGBTQ+ đậm tính nhân văn như Thưa Mẹ Con Đi hay Song Lang, Chồng Người Ta là sự kết hợp giữa hài nhảm và loạt drama thiếu hấp dẫn.

 

Khoan bàn tới nội dung, việc chuyển và cắt cảnh vô tội vạ, thiếu sự mượt mà khiến người xem cực kỳ khó chịu, bỡ ngỡ với những diễn biến. Hơn nữa, đạo diễn còn lạm dụng quay ngược quá khứ nhưng lạm dụng các cảnh lặp lại và dẫn dắt gây hiểu lầm, khó định hình các tuyến nhân vật. 

 

 

Bên cạnh tuyến truyện về tình tay ba, tay tư giữa Cường, Trúc, Thắng và Hà, Chồng Người Ta sợ không đủ thời lượng nên nhồi nhét thêm chuyện tình cảm giữa Hải và Vy. Lẽ ra đây có thể là yếu tố bổ sung giúp phim có thêm nhiều sâu nhưng cách khai thác lại biến những người bạn của Hải trở nên thừa thãi. Không những thế, đoạn cao trào về Hải – điều vốn có thể lấy nước mắt người xem lại trở thành một pha tấu hài.

 

Ngoài ra, những chi tiết liên quan tới nhóm bạn của Hải lại không hề mang yếu tố giáo dục trong Chồng Người Ta. Không hiểu sao cục điện ảnh có thể duyệt bộ phim mà học sinh lớp 11 vào bar và uống rượu một cách vô tư. Nếu cảnh đó nhằm ý đồ khiển trách thì không vấn đề gì nhưng đằng này, các bạn vô bar để chụp ảnh và tìm kiếm người mẫu, quẩy theo nhạc và rượu thì lại là câu chuyện khác.

 

Ảnh: Phụ nữ online
Ảnh: Phụ nữ online

 

Chồng Người Ta cố tỏ ra nguy hiểm bằng một cú “twist” vào cuối phim nhưng hóa ra, chi tiết này đã đạp đổ những cố gắng vô ích trước đó của phim. Hơn nữa, nhân vật nguy hiểm nhất phim là Hà, cô mong muốn trả thù, tước đoạt hạnh phúc của Cường nhưng cuối cùng, khi đạt được mục đích thì cô lại áy náy. Chỉ khi nhìn gia đình họ vui vẻ trở lại, cô mới chấp nhận bước tiếp. 

 

Những pha xuất hiện bất ngờ của Hà, hay của các nhân vật bất kỳ đúng nghĩa “từ trên trời rơi xuống”. Các nhân vật trong Chồng Người Ta đều có mặt đúng thời điểm và đúng vị trí, bất chấp sự hợp lý, đằng nào thì phim cũng không quan tâm đến logic. Lời thoại của phim thì gượng gạo, câu từ sến sẩm và nhạt nhẽo, thua xa truyện ngôn tình cách đây 10 năm. 

 

Ảnh: Ngoi sao
Ảnh: Ngoi sao

 

Trong một bộ phim tệ hại như Chồng Người Ta thì diễn xuất của các diễn viên cũng là một điểm trừ. Riêng Thanh Trúc và Hải Triều để lại chút cảm xúc thì các diễn viên khác diễn chán không cần cố gắng. Các chàng mỹ nam được PR nhiều thì lại là các “bình bông di động”, những phần thể hiện đơ không khiến gương mặt điển trai hay cơ thể 6 múi hấp dẫn hơn. 

 

Có nói thêm về Chồng Người Ta, người viết cũng không tìm được điểm sáng nào để khen. Dẫu biết đây là phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến nhưng ông nên học làm phim chỉn chu trước khi làm một bộ phim. Kịch bản về một gia đình LGBTQ+ với thông điệp “đừng đem phụ nữ ra làm lá chắn” là một ý tưởng hay nhưng cách triển khai lại khiến khán giả ác cảm.