[REVIEW] Đảo Địa Ngục  – Hoành tráng, mãn nhãn nhưng chưa đủ để đạt trọn điểm 10

Đánh giá phim · Moveek ·

Đảo Địa Ngục ra mắt vào tháng 8 và từ ngày đầu tiên công chiếu luôn thu hút đông đảo lượng người xem bởi nội dung hấp dẫn, trailer và poster ấn tượng, bên cạnh đó còn quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng hiện nay.

Đảo Địa Ngục ra mắt vào tháng 8 và từ ngày đầu tiên công chiếu luôn thu hút đông đảo lượng người xem bởi nội dung hấp dẫn, trailer và poster ấn tượng, bên cạnh đó còn quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng hiện nay.

Dựa trên sự kiện có thật về mỏ than Hashima nổi tiếng vào Thế chiến 2, bộ phim đã khắc họa vô cùng chân thật và tàn khốc hình ảnh của chiến tranh. Đảo Địa Ngục là câu chuyện về hơn 400 con người Triều Tiên từ ép buộc cho đến tự nguyện nhưng thật chất đã bị lừa dối để làm nô dịch tại mỏ than nổi tiếng ở hòn đảo nhỏ của Nhật. Ở đó, họ bị đối xử như súc vật, bị đánh đập, bóc lột, ép bức đến đường cùng. Trong lòng họ luôn muốn được tự do nhưng nỗi sợ về tinh thần và thể xác đã dần biến họ trở nên yếu hèn, cam chịu hoặc tha hóa. Rồi đến một ngày vì sống còn, họ dám đứng lên để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thoát khỏi ách nô dịch, khỏi chốn địa ngục trần gian.

Cái cuốn hút của bộ phim là nó rất thật, thật đến mức trần trụi. Dù cho biết rằng các nhà làm phim đã giảm đi rất nhiều chi tiết so với những gì đã từng xảy ra trong thực tế nhưng bộ phim vẫn còn quá ác liệt, đến nỗi người xem không thể tin được rằng giữa con người với con người lại có thể tàn nhẫn với nhau đến mức như vậy. Càng xem tiếp càng khiến con người ta lại càng sợ hãi chiến tranh hơn, cảm thấy bản thân quá may mắn, quá an yên và đủ đầy so với những số phận nghiệt ngã mà bộ phim khắc họa. Có một số ý kiến cho rằng bộ phim lợi dụng quá mức tính bạo lực nhưng thật sự rất cần có những người dám làm, dám khắc họa những sự thật bạo tàn như vậy đến công chúng để họ phải chấp nhận sự thật chiến tranh luôn đi liền với những điều mà họ cho là bạo lực quá mức như thế.

Khi xem phim, khán giả thương cho những số phận ấy thì cũng rất khâm phục sự chịu khó của dàn diễn viên, họ gần như chẳng mặc gì ngoăi trừ chiếc khố, khắp người toàn là bùn đất đen kịt hàng giờ cả ngày, hàng ngày trong nhiều tháng liền, đây có thể gọi là sự hi sinh vì nghệ thuật không chỉ của một con người mà của một tập thể vì bộ phim.

Các diễn viên đều làm tròn vai diễn của mình. Vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả nhiều nhất không phải là anh hùng Mu-Yong của Song Joong Ki, cũng không phải mối tình đau khổ của cặp nam nữ, mà là tình cha con của Gang-Ok. Vào vai người cha là một diễn viên gạo cội, nên ông đã làm quá tốt so với những gì ông được giao, bên cạnh là một nghệ sĩ thích trêu hoa ghẹo bướm, vì thân quên nghĩa mà đi nịnh bợ giặt xâm lăng thì ông còn thể hiện được hình ảnh một người cha hết mực yêu thương con và vô cùng hài hước, thậm chí bản thân dù là một người vô cùng hèn nhát, ông cũng dám đứng lên chiến đấu để con được sống. Và vai của bé Soo Ah diễn rất đạt ngoài sức tưởng tượng, không có lời nào để chê cô bé mới 10 tuổi này. Các vai diễn chính diện đều được xây dựng một cách tỉ mỉ và đầy thuyết phục từ cảm xúc cho đến hành động.

Các phân đoạn chuyển cảnh trong phim đều hợp lý và dễ hiểu. Các cảnh chiến đấu tuy bạo lực nhưng vô cùng mãn nhãn. Tôi nhớ nhất cảnh là anh giang hồ phẫn nộ đến mức bẻ gập cả nửa người của tên Triều Tiên phản bội, cảnh tượng đó làm người xem phải nói đã đã được cái tức từ đầu phim; và cảnh người cha giương cờ của Nhật Bản và cầm kiếm xé toạc làm đôi thể hiện sự phẫn nộ không chỉ của nhân vật mà còn của cả nhà làm phim nói riêng và nhân dân Hàn Quốc nói chung. Khi xem cảnh này phải nói rằng họ thực sự rất can đảm khi dám công khai đưa hình ảnh thế này vào bộ phim.

Các chi tiết nhỏ cũng làm bộ phim trở nên đặc sắc và đầy sống động. Bên cạnh sự bạo lực thể hiện qua đòn roi, đánh đập và bóc lột thì những chi tiết khoảng đầu phim, nhất là khi đoàn tàu từ Hàn Quốc đến đảo, từ cảnh đánh đập, đến bắt phụ nữ và trẻ em đều diễn ra trên nền nhạc với tiết tấu vui vẻ, hạnh phúc… làm người xem không khỏi rùng mình. Đây là chi tiết gây ám ảnh nhất bộ phim, lột tả cho việc đem sự hành hạ, đánh đập người khác ra làm thú vui, thú tiêu khiển của những kẻ thắng thế, nắm quyền. Ngoài ra, chi tiết bé Soo Ah và ban nhạc của cô bé được ưu ái hơn những người Hàn Quốc khác một chút đã nói lên một sự thật rằng dù cho bạn là ai, vào hoàn cảnh nào chỉ cần bạn có tài năng thì sẽ có người trọng dụng bạn.

Bên cạnh quá nhiều ưu điểm thì bộ phim cũng vướng một vài khuyết điểm. Đáng nói nhất là bộ phim khắc họa hình ảnh quân Nhật quá xấu xa, đến mức đốn mạt, quá mức kệch cỡm, các nhân vật phản diện ác với mức hơi quá lố mà cái lố ở đây cũng không phải là cái ác mà là lố trong hành xử, lố trong từng lời nói, hành động. Có lẽ nhân vật phản diện được khắc họa một cách hợp lý nhất là trưởng lão đã bán nước, dối dân để cấu kết với quân Nhật chia chác số tiền bóc lột chính con người chung quê hương đất nước của mình. Chi tiết sai trái thứ 2, dù cho nhân vật của anh Ki có là điệp viên vô cùng tài giỏi đi chăng nữa thì cũng chẳng phải siêu nhân. Khi đối đầu với nhân vật bán nước cầu vinh cầm cây súng bé tí, anh đã cuống cuồng đi núp rồi bị bắn xém chết. Ấy thế mà lúc chiến đầu tẩu thoát, anh bỗng nhiên được “buff” sức mạnh một cách vô lý, chiến đấu ngang ngửa Captain American, sức dai đánh mãi không mệt. Dù làm người xem mãn nhãn nhưng cũng cảm thấy có chút gì đó không hợp lý.

Đây là bộ phim được đánh giá đáng xem nhất vào khoảng thời gian này, đạt đủ hầu hết các yêu cầu mà người xem đặt ra và mong đợi. Cần hoành tráng có hoành tráng, cần bi thương có bi thương. Bạn đã xem chưa?

Thành viên: Candice Ho