[REVIEW] The Battleship Island – Tái hiện sinh động câu chuyện về tự do, máu và nước mắt
Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng và có thực lực, Battleship Island quả thực không hề khiến những ai yêu mến nền điện ảnh của xứ sở kim chi thất vọng.
Với mức kinh phí khổng lồ, Battleship Island (Đảo Địa Ngục) được trông đợi sẽ trở thành phim bom tấn của điện ảnh Hàn Quốc 2017. Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng và có thực lực, Battleship Island quả thực không hề khiến những ai yêu mến nền điện ảnh của xứ sở kim chi thất vọng.
Sau Dunkirk, những tín đồ của dòng phim chiến tranh lại có dịp chứng kiến sự tái hiện sinh động một cuộc chiến sinh tồn khác trong lòng thế chiến thứ hai qua Battleship Island. Là một trong những bộ phim Hàn Quốc có kinh phí sản xuất cao nhất năm 2017 với hơn $20 triệu, Battleship Island mang đến cho khán giả một câu chuyện xúc động và chân thực về cuộc sống của những nô lệ Triều Tiên tại đảo địa ngục Hashima.
Mở đầu câu chuyện, giọng của trưởng lão Yoon Hak-chul – người được xem như lãnh đạo tinh thần của người lao động Triều Tiên tại mỏ than Hashima, vang lên câu nói gây ám ảnh: “Bởi tổ tiên mắc sai lầm nên con cháu phải trả giá”. Phần lớn những người Triều Tiên đến Hashima đều do bị ép buộc hoặc bị lừa đảo. Câu nói của Yoon Hak-chul như mặc định số phận cho những người lỡ vận bước đến đây cam chịu cuộc sống lao khổ.
Phim gồm ba tuyến nhân vật chính với ba câu chuyện khác nhau gồm Lee Kang Ok (Hwang Jung Min), một nhạc trưởng có tài, khao khát cùng nhóm nhạc tìm đến một nơi tự do hơn để sinh sống và kiếm tiền; Choi Choel Sung (So Ji Sub), tay giang hồ Busan bốc đồng và liều lĩnh; Park Moo Yeong (Song Joong Ki), người lính của của lực lượng giải phóng Triều Tiên đến làm nhiệm vụ bí mật. Tất cả gặp nhau tại Hashima và cùng chiến đấu để tồn tại.
Dưới ách nô dịch của đế quốc Nhật Bản, người dân Triều Tiên vốn chịu nhiều đọa đày, áp bức. Chính vì vậy, những ai có cơ hội đều tìm cách rời khỏi đất nước để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Biết được điều này, nhiều kẻ trục lợi đã làm giả giấy tờ và lừa những ai muốn rời khỏi Busan lên con tàu đến đảo Hashima. Và cái giá của chuyến đi đến bến bờ tự do là những hiểm họa rình rập trước mắt họ.
Tại Hashima, những người đàn ông làm việc cật lực trong hầm mỏ, những người phụ nữ bị tống vào các nhà chứa. Nơi đảo địa ngục này, bất chấp già trẻ lớn bé, tất cả đều phải cố gắng để sinh tồn, chỉ một chút sơ sẩy, mạng của họ có thể rơi rụng bất cứ lúc nào. Ra đi vì khao khát tự do, họ lại bị đẩy đến một nơi không hề biết đến hai chữ “tự do” là gì.
Với những gì được tái hiện trong Battleship Island, khán giả có thể chứng kiến tận mắt cuộc sống không khác gì địa ngục trần gian của những nô lệ Triều Tiên. Thật sự rất đáng khen cho sự đầu tư công phu của CJ Entertainment khi tái hiện xuất sắc đảo Hashima tại phim trường. Hashima giống như một đặc khu thu nhỏ, ở đó chia thành hai chuyến tuyến: một bên nhuốm đầy máu, nước mắt và sự dơ bẩn của những nô lệ Triều Tiên, bên còn lại là sự xa hoa, sung túc nhưng chứa đầy tội ác và nhẫn tâm của những người Nhật Bản cai trị. Có thể nói, đầu tư bối cảnh chân thực cho đảo Hashima là một trong những lựa chọn sáng suốt của nhà sản xuất. Chính nơi âm u đen tối và vắng lặng ấy, mạng sống của những con người Triều Tiên càng trở nên nhỏ bé, trơ trọi và bất lực biết chừng nào.
Mặc dù câu chuyện giữa ba tuyến nhân vật Lee Kang Ok, Choi Choel Sung và Park Moo Yeong chưa được kết nối liền mạch, mỗi nhân vật đều thể hiện trọn vẹn vai trò của mình trong phim. Điểm nhấn của toàn mạch phim chính là tình cha con đầy cảm động của Lee Kang Ok và bé So-hee (Kim Soo-ahn). Ngoài ra còn có câu chuyện tình chớm nở giữa chàng trai giang hồ Choi Choel Sung và cô gái làng chơi (Lee Jung Hyun). Tuy chưa gắn kết chặt chẽ nhưng nguyên nhân đưa đến việc họ chiến đấu cùng nhau vẫn được dẫn dắt logic và hợp lý.
Từng được biết đến qua Train To Busan, Kim Soo-ahn một lần nữa lại hết sức thành công với nhân vật bé So-hee trong Battleship Island. Có lúc, So-hee thông minh, đáng yêu và cần mẫn được Kim Soo-ahn thể hiện rất ngọt ngào. Đôi khi, cảm giác sợ hãi, lo lắng và hoang mang đến tột cùng vẫn được Kim Soo-ahn thể hiện xuất sắc. Các nhân vật còn lại đều tròn vai. Nếu như nhân vật nhạc trưởng của Hwang Jung Min và cô con gái So-hee nổi trội trong suốt phần đầu của phim thì nửa sau, So Ji Sub và Song Joong Ki hiện lên như hình ảnh những người anh hùng thời loạn, cùng hỗ trợ nhau giúp đồng bào thoát khỏi Hashima. Tuy vậy, hình ảnh của So Ji Sub và Song Joong Ki chưa thật sự nổi bật nếu không muốn nói là khá chìm giữa rất nhiều mất mát và đau thương của các nhân vật phụ. Có lẽ, nhà sản xuất muốn tạo ra một tập thể gắn bó và đoàn kết như tinh thần Á Đông của người Triều Tiên hơn là xây dựng một nhân vật anh hùng lý tưởng kiểu Mỹ.
Nhìn tổng thể, Battleship Island là một bộ phim thành công khi tái hiện chân thực một sự thật lịch sử đã bị chôn vùi. Xem phim, khán giả có thể hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh và cuộc sống cùng cực của những người nô lệ. Kết phim, một số ít kiên cường chiến đấu đến cùng, một số ít may mắn sống sót và lên tàu tìm kiếm hy vọng mới. Để đổi lấy thành quả này, rất nhiều người đã nằm xuống, rất nhiều người phải hy sinh. Phim truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng: cái giá của hòa bình, cái giá của tự do chưa bao giờ là rẻ, hạnh phúc của người này nếu có được, là do sự hy sinh của người khác, nhưng nếu không ai chịu hy sinh, sẽ không có ai được sống sót. Có một câu nói rất hay trong phim rằng: “Chỉ cần một người sống sót, chúng ta sẽ thắng”. Phim còn thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường và mạnh mẽ của người dân Triều Tiên dưới ách thống trị khổ sai của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai.
Nếu bạn vốn mê những câu chuyện tình đam mỹ của Hàn Quốc, đừng đi xem So Ji Sub và Song Joong Ki làm gì trong Battleship Island. Nếu không, bạn sẽ rất thất vọng. Tại Hashima, chỉ có những sự thật trần trụi về kiếp người nô lệ được phơi bày sống động và tàn nhẫn. Ở đó, chỉ có máu, nước mắt và khát vọng của tự do!