[REVIEW] Dune (2021) - Màn mở đầu đắt giá của một thương hiệu tiềm năng
Dune (2021) là một kỳ quan thị giác, nội dung thì phải xem sao đã.
Dune (2021) không che giấu tham vọng tham vọng trở thành một sử thi nữa trong làng điện ảnh. Phần phim mở đầu đã hiện thực hóa tham vọng đó khi kết thúc với trong sự ngỡ ngàng, hụt hẫng lẫn hi vọng.
Dune, lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên do Frank Herbert chấp bút, theo chân Paul Atreides (Timothee Chalamet) đi tìm số phận mà anh ta được định sẵn phải gánh vác trên hành tinh xa mạc Arrakis – nơi duy nhất chứa hợp chất Spice (tạm dịch: hương dược) có thể giúp người dùng tăng tuổi thọ, mở mang tâm trí, tác động đến siêu tiềm thức, quan trọng nhất là Spice vô cùng cần thiết cho việc du hành vũ trụ. Nhưng để biết và hiểu về phim, bạn phải nằm được các chi tiết thật sự quan trọng sau.
Trong đây, thế giới viễn tưởng của Dune là một đế chế các hành tinh. Đứng đầu là một hoàng đế, theo sau phụng sự là các nhà quý tộc lớn. Hùng mạnh nhất về chính trị lẫn quân sự là nhà Atreides ở hành tinh Caladan được dẫn đầu bởi Công tước Leto (Oscar Isaac) – cha của Paul. Một ngày, hoàng đế hạ lệnh cho Leto tiếp quản Arrakis từ nhà Harkonnens, dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu giữa hai gia tộc hùng mạnh, cũng như đẩy Paul và mẹ Jessica (Rebecca Ferguson) phải lang bạt trên xa mạc khắc nghiệt nơi Arrakis. Đến đây, Paul trẻ tuổi sẽ gặp gỡ và nhờ cậy sự giúp đỡ của tộc bản địa Fremen – những người đã thích nghi tuyệt đối với sự khắc nghiệt của Arrakis, từ đó nhận ra số mệnh của mình.
Thách thức lớn nhất của Dune là nguyên tác văn học, cuốn sách được coi là một trong những tượng đài khoa học viễn tưởng vĩ đại mọi thời đại, làm việc chuyển thể vô cùng khó khăn với thế giới đồ sộ được xây dựng và tô điểm bằng những bản sắc văn hóa, phong tục, tôn giáo phức tạp, thể chế chính trị và khoa học không khác gì ma thuật, trong khi nội dung thì được lồng ghép các thông điệp về chủ nghĩa thực dân, môi trường và hai mặt của tôn giáo để làm nổi bật tính hiện thực sâu sắc khó tìm ở dòng văn khoa học viễn tưởng - dù diễn ra trong tương lai hàng ngàn năm sau, Dune phản ánh thời đại ngay trước mắt chúng ta.
Liệu Dune của đạo diễn Denis Villeneuve có thể đem những điều này vào đứa con tinh thần của mình? Tất nhiên là có, nhưng không phải tất cả sự hào hùng của nó, mà nhấn nhá mỗi thứ một chút. Dune là một phim đậm chất sử thi, ít nhất thì hình ảnh của phim và các chi tiết tôn vinh một vận mệnh vĩ đại bí ẩn cũng làm nổi bật ý định ấy. Nhưng quan trọng hơn cả, đây là màn dạo đầu đắt tiền của một sử thi dài hơi, nên đừng mong Dune có thể giải quyết được các tuyến truyện nó đưa ra trong thời lượng 2 tiếng rưỡi của nó. Vì bản thân nguyên tác văn học của phim vô cùng đồ sộ và Dune chỉ là điểm bắt đầu. Còn Denis Villeneuve muốn thực hiện nó thật đúng đắn.
Nếu bạn mong chờ một siêu phẩm hành động ở Dune, bạn sẽ phải thất vọng. Thật ra bạn hoàn toàn có thể làm vậy. Trailer của phim khá xịn xò. Nhưng bộ phim này nhắm đến mục đích lớn lao và dài hơi hơn trở thành một thương hiệu nông cạn như các bộ phim Marvel. Dune từ tốn mở đầu để đem thế giới kỳ công của nguyên tác đến cho người xem và thổi một làn gió mới vào định nghĩa thương hiệu bom tấn: không phải cứ có các màn đối đầu gay gắt hay khung cảnh các chiến hạm vũ trụ lao vào một trận thảm sát, cháy nổ hoành tráng thì được mang danh bom tấn.
Yếu tố nhấn mạnh sự khác biệt ấn tượng của Dune là bầu không khí đặc sệt tiềm tàng thảm họa đang từ từ đổ xuống gia tộc Atreides, gieo vào trong người xem cảm giác chờ đợi trong bất an lẫn phấn khích. Dĩ nhiên, Denis Villeneuve không vội gì đáp ứng tính phấn khích ấy, mà từ tốn đưa người xem vào thế giới mà khán giả phải hiểu nếu mong muốn "cảm" được nội dung to lớn đằng sau Dune.
Điều đó có nghĩa là “chơi lớn” bằng cách dành hết 2/3 bộ phim cho việc xây dựng thế giới. Nên nếu bạn cảm thấy cách kể chuyện không đồng đều ở phim, tập trung tả mà kể không bao nhiêu, thì bạn đã đúng. Với nước đi mạo hiểm này, Villeneuve có thể tập trung diễn giải những cột mốc rất trọng yếu thúc đẩy hoặc ảnh hưởng đến hành trình của Paul, cũng như khắc họa được cái hồn của mỗi nhân vật trọng yếu trong đây.
Vì nhip điệu từ tốn của Dune, ta hiểu được vị trí nguy hiểm cận kề của tộc Atreides trong thế giới chính trị liên hành tinh phức tạp đầy xảo trá và toan tính. Tiếp theo đó là bối cảnh mà Paul trẻ tuổi lớn lên và sự mâu thuẫn trong nội tâm của người thừa kế trẻ. Điều này đưa cốt truyện về mô tuýp quen thuộc “phải trở thành ai” đã được diễn tả trong Star Wars hay The Lord of the Rings. Nhưng sự xuất hiện của của một hội kín quyền lực khiến mạch phim chuyển từ hướng đi này đến nghi vấn “Người được chọn”. Thông qua đó, phim để người xem cảm nhận được yếu tố tôn giáo đặc thù trỗi dậy trong phim với Caladan được dàn dựng như Tây Ban Nha theo Thiên Chúa tương phản với sa mạc rộng lớn nơi những tín đồ hướng về phía đông để cầu nguyện.
Exposition, kỹ thuật gầy dựng tiền đề, thông tin nền, có thể chiếm quá nửa phim, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi và cần thiết cho một câu chuyện lớn hơn. Muốn hiểu được Dune là phải hiểu xã hội chính trị và tôn giáo trên hành tinh xa mạc này, để hiểu được sự trỗi dậy của Người được chọn trong các phần tiếp sau. Bước đi này có thể có những chỗ khiến Dune sa đà vào dài dòng, nhưng không làm phim quá nhàm chán. Vị cứu tinh nằm ở phần hình ảnh hoành tráng kết hợp với yếu tố sử thi huyền thoại của câu chuyện và nhạc nền đánh trúng tai, dùng đúng lúc của Han Zimmer.
Nội dung, sau khi được cô đặc, có thể đem đến sự hụt hẫng bởi tính chưng hửng của nó, nhưng không thể nghi ngờ gì việc Dune là một kỳ quan thị giác về bối cảnh thật sự khiến người xem cảm nhận được sự nhỏ bé của bản thân trước sự kỳ vĩ của Arrakis, lặng người trước một Caladan đầy sự sống nhưng u buồn như chính số phận của nhà Atreides.
Tất nhiên, công cán vực dậy bộ phim còn phải kể cho dàn diễn viên. Dune là một tượng đài văn học, nhưng không có nghĩa là nơi nào cũng biết đến nó. Dàn diễn viên thì ngược lại. Họ đều là diễn viên có danh tiếng và quan trọng hơn là tài năng - một bước đi bù trừ giảm thiểu rủi ro từ phía đội ngũ làm phim.
Oscar Isaac hiện lên phong độ và vương giả trong hình hài Công tước Leto Atreides, cứng rắn nhưng công bằng – một dấu hiệu phần nào báo trước kết cục của nhân vật này trong thế giới Game of Thrones phiên bản tầm cỡ vũ trụ theo đúng nghĩa đen này. Rebecca Ferguson tỏa sáng trong vai Lệnh bà Jessica phức tạp về mặt tình cảm, bị giằng xé giữa tình yêu dành cho con trai, chồng và giáo hội Bene Gesserit bí ẩn. Có lẽ người nhận được nhiều chú ý nhất là Timothee Chalamet trong vai Paul với nét đẹp vương giả tự nhiên kết hợp với lối diễn nhẹ nhàng, sự nghiêm nghị đăm chiêu thể hiện mối mâu thuẫn nội tâm của anh trước trọng trách gánh vác gia tộc Atreides, cho đến khi kiên định với lựa chọn khiêm nhường trước tiếng gọi của định mệnh, dù không thể nhìn thấu được tương lai của chính mình cuối phim.
Dune có một chút hụt hơi khi bước vào phần còn lại của phim, lúc mà các exposition không còn nữa có thể khiến người xem rơi vào bối rối. Nhiều người dễ cảm thấy họ đang xem một trailer dài 2 tiếng và họ hoàn toàn có quyền làm vậy. Tuy nhiên, Dune vẫn kết thúc trong thành công khơi dậy sự tò mò và mong muốn khám phá tiếp thế giới này, cùng một lời hứa hẹn về phần tiếp theo hoành tráng hơn, nơi mà câu chuyện và hành trình của Paul thật sự bắt đầu. Giống như các Fremen đã đem đến hi vọng cho Paul, Dune cũng đem đến hi vọng cho người xem về một sử thi không chỉ hoành tráng mà vĩ đại về thông điệp và triết lý như nguyên tác văn học của nó (và các câu hỏi chưa được làm rõ)