Review Dưới Đáy Hồ – Phim kinh dị về cái hồ giết người đẫm máu
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · miduynph ·
Review chi tiết phim Dưới Đáy Hồ là bộ phim kinh dị lấy cảm hứng từ truyền thuyết Hồ Đá làng đại học với đề tài bản sao quỷ (còn gọi là song trùng) - một chủ đề rất trend mới lạ của điện ảnh gần đây giờ đã xuất hiện trên màn ảnh Việt.
Kéo xuống để xem tiếp
Không còn là những câu chuyện hù dọa đơn thuần, Dưới Đáy Hồ - bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đưa khán giả đến một địa danh quen thuộc – Hồ Đá làng đại học. Với chất liệu tâm linh, yếu tố song trùng và hình ảnh ma rêu đầy ám ảnh, Dưới Đáy Hồ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm kinh dị, mà còn là một trò chơi tâm lý đòi hỏi người xem phải đối mặt với chính phiên bản ác quỷ trong chính mình.
Câu chuyện truyền thuyết Hồ Đá làng đại học thật sự có gì?
Dưới Đáy Hồ mở đầu câu chuyện bằng chuyến đi chụp hình cưới của nhóm bạn Tú (Karen Nguyễn), Hùng (Thanh Duy) và Trung (Kay Trần) cho người bạn Hot Tiktoker Tina (Hoàng Oanh) cùng chồng sắp cưới là Hưng (Mạc Trung Kiên). Buổi chụp ảnh bỗng trở thành chuỗi bi kịch khi Hưng nhảy xuống hồ đá – nơi vốn đã nổi tiếng với những lời đồn rùng rợn trong giới sinh viên và sự mất tích kỳ lạ dù đội lặn đã vào cuộc tìm kiếm.

Sau khi trở về, Tú liên tiếp gặp phải những ác mộng liên quan đến hồ đá, rong rêu dưới đáy hồ. Cô bắt đầu dấn thân vào hành trình điều tra, tìm kiếm sự thật đằng sau những vụ mất tích, án mạng bất thường có liên quan đến hồ đá. Càng đào sâu, Tú càng phát hiện ra những “bản sao”, những đoạn ký ức bị bóp méo cùng một đám ma rêu luôn chực chờ lên bờ.
Dưới Đáy Hồ đã khai thác tối đa không gian thực tại Hồ Đá – một địa danh vừa quen thuộc, vừa hoang lạnh. Từng góc máy rung nhẹ, ánh sáng xanh lờ mờ và tiếng vọng kỳ quái từ xa xa đều góp phần xây dựng bầu không khí đặc sệt rùng rợn. Hồ Đá không chỉ là bối cảnh, mà gần như trở thành một nhân vật lạnh lùng, bí hiểm và sẵn sàng nuốt chửng bất cứ ai lỡ chạm đến những điều cấm kỵ.

Ý tưởng bản sao quỷ từ thuyết song trùng, tạo hình ma rêu ấn tượng
Không dừng lại ở một vụ mất tích kỳ lạ, Dưới Đáy Hồ nâng cấp trò chơi kinh dị bằng cách đưa vào yếu tố song trùng – một motif hiếm gặp trong điện ảnh Việt. Mỗi nhân vật trong phim đều có một bản sao mang gương mặt giống hệt nhưng cư xử kỳ dị, thậm chí máu lạnh đến đáng sợ.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn sử dụng khéo léo motif song trùng trong Dưới Đáy Hồ để nói về một tầng nghĩa khác khi những tổn thương, sai lầm và chấp niệm trong quá khứ không biến mất, mà chỉ lặng lẽ lắng sâu “dưới đáy hồ” để một ngày nào đó, chúng sống dậy thành hình hài. Song trùng ở đây không chỉ là nỗi sợ hình thể, mà là sự vật vã nội tâm khi đối diện với những chấp niệm méo mó của chính mình.
Chất liệu ma rêu được xây dựng là hình ảnh ám ảnh xuyên suốt phim. Những con ma hiện lên lờ mờ như bị ngâm lâu trong nước, làn da xanh xao, mang lại cảm giác khá giống với zombie. Nhưng trên hết, chúng như lời cảnh báo: nếu không đối mặt với quá khứ, bạn sẽ bị nó nuốt chửng từ trong tâm trí.

Body horror thú vị nhưng cách kể chuyện còn vội vã
Dưới Đáy Hồ không thiếu những cảnh body horror máu me, từ thân thể bị kéo lê xuống nước, đến gương mặt bị đâm xuyên hay xé toạc miệng đầy đau đớn. Những ai yêu thích dòng kinh dị bạo lực sẽ hài lòng với loạt cảnh phim này. Tuy nhiên, một vài cảnh dựng CGI vẫn còn hơi thô, nhất là các pha lia máy gấp. Một số cảnh hành động bị tua nhanh hoặc dựng chồng quá đà, khiến người xem chưa kịp xem đã bị cuốn sang phân đoạn mới.

Điểm yếu đáng tiếc nhất là nhịp phim chưa được kiểm soát tốt. Phim diễn tiến nhanh, nhiều tình tiết được đưa ra nhưng chưa kịp phát triển sâu đã bị cắt đột ngột. Nhiều phân đoạn tâm lý quan trọng, đặc biệt là hành trình chuyển biến nội tâm của Tú bị rút gọn khiến cảm xúc của người xem khó bám rễ.
Nếu có thêm thời lượng và biên tập mượt hơn, phim hoàn toàn có thể gây ám ảnh dài lâu, thay vì chỉ dừng lại ở mức mở ra một ý tưởng giàu tiềm năng.

Dàn diễn viên trẻ chưa đủ sức hút
Là phim khai thác yếu tố tâm lý – kinh dị, diễn xuất là yếu tố then chốt. Karen Nguyễn trong vai nữ chính Tú thể hiện tròn vai ở những đoạn cảm xúc trung tính, nhưng chưa thực sự bứt phá ở cao trào cảm xúc. Tuy nhiên, phiên bản song trùng của Tú lại ghi điểm hơn, ma quái và có biểu cảm hơn bản gốc.

Thanh Duy là điểm sáng lớn nhất trong dàn diễn viên. Khi thì là Hùng – một chàng makeup hiền lành, nhẫn nhịn, lúc lại hóa thân thành Kylie – drag queen kiêu kỳ, chiếm trọn mọi spotlight. Biểu cảm của anh cũng có sự thay đổi rõ rệt giữa 2 bản thể tạo sự cuốn hút cho người xem. Đây là một nhân vật khá thú vị để khai thác sâu nhưng đáng tiếc lại không phải là nhân vật chính xuyên suốt của phim.
Kay Trần trong vai Trung vẫn còn hơi cứng ở biểu cảm khuôn mặt, nhất là những cảnh nội tâm hay sợ hãi. Anh diễn tròn vai nhưng chưa để lại ấn tượng rõ nét.

Dưới Đáy Hồ dẫu còn một vài điểm chưa trọn vẹn, nhưng chắc chắn là một nỗ lực đáng trân trọng trong dòng phim kinh dị Việt. Dám khai thác truyền thuyết đô thị Hồ Đá làng đại học, dám kể chuyện bằng chất liệu mới như song trùng, ma rêu, Trần Hữu Tấn đang mở rộng biên giới của điện ảnh kinh dị Việt Nam theo hướng đa chiều, đa sắc hơn.