[REVIEW] Kingsman: The Golden Circle – Mãn nhãn, hài hước và đầy tinh tế

Đánh giá phim · SarahTran ·

2 năm trước, bộ phim Kingsman: The Secret Service, dựa trên cuốn truyện tranh The Secret Service của Mark Miller và Dave Gibbons, đã mang đến hơi thở mới cho dòng phim về điệp viên.

2 năm trước, bộ phim Kingsman: The Secret Service, dựa trên cuốn truyện tranh The Secret Service của Mark Miller và Dave Gibbons, đã mang đến hơi thở mới cho dòng phim về điệp viên. Dĩ nhiên không thể so sánh Kingsman với các franchise khác như James Bond, Jason Bourne hay Mission Impossible vì mỗi phim đều có chất riêng. Nhưng Kingsman đã tạo được dấu ấn riêng giữa hàng loạt phim về điệp viên khá nghiêm túc và mang màu sắc hơi u tối. Ở Kingsman có đầy đủ các yếu tố hành động, đánh đấm, hài hước, châm biếm, phục trang không chỉ ở mức đẹp mắt mà còn đạt đến mức tinh tế. Nối tiếp thành công của phần 1, phần 2 mang tên Kingsman: The Golden Circle mặc dù vẫn còn một vài hạt sạn, nhưng vẫn mang đến cho khán giả cảm giác mãn nhãn không kém gì phần 1.

Vẫn có motif cũ như phần 1: các mật vụ giải cứu thế giới khỏi một nhân vật phản diện giàu có, điên điên, bệnh hoạn, dùng sản phẩm mà mình kinh doanh để thực hiện âm mưu đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Nếu như trong phần 1 “ông chú bán sim” Valentine (Samuel L. Jackson) muốn “thanh lọc” nhân loại bằng làn sóng ảnh hưởng đến thần kinh, thì trong phần này quý bà Poppy Adams (Julianne Moore) – người đứng đầu tập đoàn buôn ma túy lớn nhất thế giới, muốn việc kinh doanh ma túy trở thành một nghề hợp pháp để danh tiếng của bà được tất cả mọi người trên thế giới biết đến. Mặc dù là một quý bà nhưng Poppy lại liều lĩnh hơn cả Valentine khi ngay từ đầu phim đã công khai san bằng trụ sở của Kingsman. Không thể đơn thân độc mã tiêu diệt Poppy, Kingsman phải tìm kiếm sự trợ giúp, và món đồ mà những người tiền nhiệm để lại đã dẫn họ đến với hội Statesman ở miền viễn Tây của nước Mỹ.

Sự xuất hiện của nhóm Statesman chính là yếu tố quan trọng khiến cho cốt truyện của series Kingsman phát triển theo một hướng mới. Chỉ riêng hội Kingsman với nhiều món vũ khí hiện đại và độc đáo đã khiến khán giả phải trầm trồ, Statesman xuất hiện sẽ càng khiến khán giả bất ngờ nhiều hơn. Cũng có đội ngũ mật vụ được huấn luyện kĩ càng và vũ khí, công nghệ không thua kém gì Kingsman, Statesman có phần “nhỉnh” hơn khi đã chế tạo được một loại gel có thể chữa trị những vết thương ở não – loại gel đã cứu sống nhân vật mà chúng ta đã biết chắc chắn sẽ quay trở lại trong phần 2 này: Harry Hart (Colin Firth). Mặc dù cái cách mà Harry được hồi sinh có thể khiến nhiều khán giả không hài lòng hoặc cho là phi lý, không có logic, nhưng trong một series đã có khá nhiều điều phi lý như các màn hành động, nhiều món vũ khí có công dụng ảo không thể tưởng tượng nổi, thì một loại gel cứu sống lấy Harry có gì là không thể? Hơn nữa, Harry lúc bấy giờ đang chiến đấu tại một nhà thờ ở bang Kentucky – cũng là địa bàn của nhóm Statesman. Vì thế việc Statesman đến cứu Harry nhanh chóng cũng khá logic. Rõ ràng, biên kịch đã rất tinh tế và chăm chút từng chi tiết nhỏ để kịch bản phim vẫn mạch lạc và không xa rời với phần trước.

Một điểm hay khác mà người viết cảm thấy rất tâm đắc với biên kịch chính là việc đặt tên của các thành viên trong nhóm Statesman. Nếu như trụ sở của Kingsman là một tiệm may và mật danh của các thành viên là Galahad và Lancelot, thì của Statesman là một hầm rượu, và mỗi thành viên của Statesman đều lấy mật danh là tên các loại rượu. Người đứng đầu là Champagne (Jeff Bridges), những thành viên khác là Tequila (Channing Tatum), Whiskey (Pedro Pascal) và cô nàng nước ngọt có gas Ginger Ale (Halle Berry). Chính bởi vì chỉ là nước ngọt có gas nên Ginger chỉ hỗ trợ kĩ thuật giúp các đồng đội chiến đấu, nhưng cuối phim, cô đã tự ứng cử chính mình lên chức Whiskey để được trực tiếp chiến đấu. Đối với nhiều người thì đây chỉ là chi tiết nhỏ nhặt, nhưng nó đã cho thấy sự tinh tế của biên kịch và còn ảnh hưởng đến nội dung và đất diễn của Halle Berry trong phần sau. Halle Berry và Channing Tatum là hai cái tên sáng giá xuất hiện trong phần phim này, nhưng cả hai đều không có nhiều đất diễn và chưa trổ tài nhiều. Thế nhưng, người viết lại thấy đây là một điều sáng suốt bởi trong một phần phim đã có quá nhiều nhân vật, tuyến truyện, nếu như ai cũng có đất diễn sẽ càng khiến mạch phim dài lê thê hơn nữa và không có điểm nhấn. Dù sao thì Eggsy Unwin (Taron Egerton) vẫn là nhân vật chính và hầu hết spotlight đều dành cho cậu, vì thế để cho Halle và Channing trổ tài trong phần sau chắc chắn sẽ thành công hơn.

Về phần hành động, xuyên suốt từ đầu tới cuối phim là những pha đánh đấm tuy có phần hơi ảo nhưng vẫn chấp nhận được. Các món vũ khí của Kingsman và Statesman không hề làm khán giả thất vọng, và “món đặc sản” cận chiến của Kingsman vẫn xuất sắc như ngày nào. Thậm chí trong phần này khả năng cận chiến không những chứng tỏ được sức mạnh, kĩ năng của Eggsy mà còn thể hiện được phong thái lịch lãm, cao quý đúng chất Kingsman. Trong cảnh chiến đấu với Charlie Hesketh (Edward Holcroft) khi hắn ta chỉ còn có một tay, Eggsy đã tự để một tay ở phía sau để cho công bằng, và cuối cùng vẫn chiến thắng Charlie một cách tâm phục khẩu phục.

Nhắc đến hành động thì không thể không thể kể đến âm nhạc, bởi âm nhạc trong phần này thật sự rất hay, phù hợp với từng cảnh cho dù là ngắn nhất. Sự góp mặt của huyền thoại Elton John đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của phần âm nhạc. Nhưng giai điệu để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng khán giả chính là giai điệu mà Merlin (Mark Strong) cất lên trước lúc hy sinh. Không cần dàn âm thanh hoành tráng hay nhạc đệm, giọng hát tuyệt vời của Mark Strong cùng với lời bài hát Country Roads đầy ý nghĩa chắc hẳn đã khiến nhiều khán giả phải rưng rưng.

Bỏ qua những hạt sạn nhỏ nhặt, Kingsman: The Golden Circle đã rất xuất sắc. Nếu như không quá áp đặt phần phim này vào cùng một khuôn mẫu cùng với phần 1, thì chắc chắn khán giả sẽ thấy rất thỏa mãn với các cảnh hành động, âm nhạc, những chi tiết hài hước rất duyên và tinh tế, và một kịch bản được chăm chút khá kĩ lưỡng. Nếu là fan của thể loại phim điệp viên thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua bộ phim này, và The Golden Circle vẫn là một trong những tác phẩm giải trí đáng xem nhất trong năm nay.