[REVIEW] Kingsman: The Golden Circle - Hành động mãn nhãn, nội dung không mới

Đánh giá phim · Hardy ·

Ở Kingsman, bạn sẽ thấy được một hình ảnh điệp viên vừa quen mà cũng vừa lạ. Có sự lịch thiệp trong phong thái như Bond, có chất ngạo nghễ như Hunt và một chút điên như Bourne.

Phim về đề tài điệp viên từ lâu đã là "mỏ vàng" đào mãi không hết của Hollywood. Hình tượng điệp viên thì muôn hình vạn trạng, từ đĩnh đạc, lịch thiệp đậm chất Anh như James Bond-007, đến lãng tử phong trần như Ethan Hunt trong Mission Impossible, hay cục súc và gan lì như Jason Bourne. Mỗi cái tên kể trên đều mang đến một cảm xúc khác nhau trong tác phẩm mà họ tham gia, nhưng tựu trung, đây vẫn là một kiểu nhân vật rất được lòng khán giả.

Kingsman cũng vậy. Ở Kingsman, bạn sẽ thấy được một hình ảnh điệp viên vừa quen mà cũng vừa lạ. Có sự lịch thiệp trong phong thái như Bond, có chất ngạo nghễ như Hunt và một chút điên như Bourne. Nhưng khoan hãy kết luận rằng đây là một tác phẩm ăn theo những thương hiệu đi trước như kể trên, bởi vì những gì mà Kingsman đã làm được hoàn toàn đủ sức vượt qua cái bóng của những người tiền nhiệm đi trước.

Kingsman: The Golden Circle, tiếp nối câu chuyện trong phần 1, phim xoay quanh cuộc sống của Gary Unwin sau khi đã tốt nghiệp khóa điệp viên từ tổ chức Kingsman và cứu thế giới khỏi tay tên độc tài Valentine, lúc này, anh chàng phải xoay sở để cân bằng cuộc sống giữa một bên là chàng thanh niên Gary mộng mơ, và một bên là thân phận điệp viên Galahad của Kingsman. Cùng sự trỗi dậy của một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia mới và sự xuất hiện của một đội điệp viên ngầm đến từ nước Mỹ, Gary buộc phải lựa chọn, hoặc tình yêu, hoặc lời thề trung thành với tổ chức.

Nhìn chung thì kiểu nội dung này là không mới, bạn có thể dễ dàng tìm được một câu chuyện tương tự trong bất kì một bộ phim siêu anh hùng nào. Đây là một motif an toàn và dễ dàng để xây dựng phim. Nhờ đó, phim có thể tập trung hơn vào trải nghiệm nghe và nhìn, vốn là thị hiếu chung của phần đông khán giả.

Điều làm nên thành công của Kingsman chính là phục trang và phong cách ăn mặc của các điệp viên, và trong phần này, những yếu tố đó vẫn được giữ nguyên, thậm chí là chăm chút hơn. Từng bộ suit, từng đôi giày đến chiếc cravat, kính mắt của các nhân vật đều được đầu tư tỉ mỉ đến chi tiết nhỏ nhất. Nếu là một người yêu thời trang, bạn sẽ phải choáng ngợp trước sự hoàn hảo trong mỗi bộ cánh mà các nhân vật khoác lên. Trong Kingsman: The Golden Circle, câu chuyện còn được mở rộng sang đến miền tây nước Mỹ, và ở đó, bạn sẽ thấy được sự chỉn chu đến từ ekip làm phim, khi họ tái hiện gần như chính xác nhất những gì mà người ta có thể mường tượng về miền viễn Tây thông qua những chiếc quần bò, áo khoác da, mũ cao bồi, giày boot hay các quầy rượu. Nhìn chung, điểm 10 dành cho stylist và khâu dàn dựng của phim!

Nói đến điệp viên không thể không nói đến các món vũ khí và công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Và nếu bạn đã từng không tin nỗi vào mắt mình vì độ hoành tráng của các món đồ này trong các phim điệp viên đã từng xem trước đó, thì hãy chuẩn bị tinh thần, Kingsman: The Golden Circle mang đến những thứ còn ảo diệu hơn thế. Từ xe hơi, chiếc ô, túi xách, vali hay cây bút, thậm chí là "ba con sâu" đều có thể là vũ khí hay công cụ thực hiện nhiệm vụ. Phải dành lời khen ngợi cho khâu hậu kì và thiết kế những món đồ này từ ekip làm phim, bởi tất cả đều quá thật dù về lý thuyết thì là phi lý. Bạn vẫn sẽ phải tự hỏi: "Họ đã làm điều đó như thế nào vậy ?". Và như đã nói ở trên, phim có yếu tố viễn Tây nên yên tâm là shotgun, súng lục hay roi da đều sẽ xuất hiện, và tất cả đều "ảo" không ngờ.

Dù hành động kỹ xảo không đến mức hoành tráng như The Fate of Furious nhưng vẫn đủ để bạn choáng ngợp và đắm chìm. Cháy nổ dù không nhiều nhưng đủ "chất", các trường đoạn hành động được đầu tư công phu, dù vậy vẫn không mang lại cảm giác thật lắm, một số đoạn thậm chí là hơi cường điệu hóa, nhưng nếu là một người yêu các cảnh hành động đẹp mắt, bạn sẽ hoàn toàn hài lòng với cách bộ phim xử lý. Tuy nhiên vì quay zoom camera và bám sát hành động khá nhiều nên vài đoạn khung hình chuyển động rất nhanh và xoay chuyển góc rất nhiều, nếu ngồi gần màn hình sẽ hơi khó chịu, cần lưu ý điểm này.

Âm nhạc cũng là một điểm cộng lớn. Bạn sẽ bất ngờ với cách mà Kingsman: The Golden Circle lựa chọn nhạc nền lồng vào các cảnh phim và đây chắc chắc sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Có một phân cảnh nhân vật trong phim cất giọng hát và nếu là một người yếu lòng, có thể bạn sẽ khóc. Và bật mí một chút, một nhân vật nổi tiếng của làng nhạc thế giới sẽ cameo trong phim. Và cameo này là một cameo rất chất lượng.

Về tuyến nhân vật, ngoài vai chính Gary Unwin của Taron Egerton, phim còn có sự trở lại đầy bất ngờ của điệp viên Galahad của Colin Firth, người những tưởng đã chết trong phần một (vì sao nhân vật này có thể hồi sinh thì xem phim sẽ rõ), cùng sự xuất hiện đáng chờ đợi của Julianne Moore.

Taron Egerton trong Kingsman: The Golden Circle
Taron Egerton trong Kingsman: The Golden Circle

Taron nhìn chung đã hoàn thành tốt vai diễn của anh, như cái cách anh đã thể hiện trong phần trước, vẫn là một Gary bộc trực, thẳng thắn, tuy suy nghĩ hơi nông cạn nhưng lại rất dũng cảm và sẵn sàng liều mình vì nghĩa lớn. Phải công nhận Taron Egerton có một gương mặt và giọng nói đúng kiểu đặc trưng của người Anh nên việc hóa thân vào vai một điệp viên hào hoa phong nhã đậm chất Ăng Lê là không mấy khó khăn. Colin Firth vẫn tròn vai như thường lệ nhưng không nổi bật mấy, dù vậy sự xuất hiện trở lại của nam tài tử người Anh vẫn có giá trị nhất định, bởi ông chính là linh hồn của loạt phim.

Phim về các quý ông nên bên phái đẹp có hơi lép vế một chút, dù vậy nhân vật của Julianne Moore là một ẩn số thú vị. Phim còn có sự xuất hiện của cựu sao Game Of Thrones là Pero Pascal trong vai Whiskey, Jeff Bridges vai Champ, Mark Strong trong vai trợ tá Merlin, và một sự xuất hiện đáng chú ý khác nữa là Channing Tatum. Dù vậy, thật tình khuyên rằng đừng kì vọng nhiều vào nhân vật của Tatum nếu không muốn thất vọng, có lẽ sự xuất hiện của nam tài tử người Mỹ chỉ là để "mồi chài" cho phần 3.

Nhân tố bí ẩn Julianne Moore
Nhân tố bí ẩn Julianne Moore

Cách các nhân vật phối hợp diễn xuất cũng khá ổn, những màn tung hứng tạo tiếng cười cho khán giả được dàn trải đều khắp bộ phim nên không gây nhàm chán, và ngôn ngữ cùng những lời thoại trong phim cũng đầy tính châm biếm, là các quý ông nhưng các Kingsman lại chửi thề khá nhiều và đây là một chi tiết ẩn ý rất thú vị.

Nhịp phim nhanh ở đoạn đầu giảm dần về giữa rồi kết thúc ở cao trào cuối phim. Cách đạo diễn Matthew Vaughn giải quyết nút thắt mở là không mới, plot twist cũng là dễ đoán nếu bạn chú ý một chút nhưng nhìn chung đây là cách làm mang tính an toàn, bởi dù sao Kingsman: The Golden Circle vẫn chỉ là một bộ phim thuần giải trí. Phim có đủ yếu tố gây cấn, hài hước, tình cảm và cả những phút giây cảm động. Năm nay có lẽ là năm của mất mát và những sự hy sinh, tuy nhiên những hy sinh đó điều có giá trị và đáng được ghi nhớ. Và sự hy sinh của nhân vật trong Kingsman: The Golden Circle lần này cũng vậy. Ngoài ra, phim cũng không quên lồng ghép khéo léo các thông điệp và ý nghĩa ở đời sống thực, những vấn nạn đang là đề tài nóng hiện nay như vấn đề sử dụng chất kích thích, những mưu đồ đen tối của giới chính trị gia hay sự tha hóa trong các ngành công nghiệp sản xuất, hay sự xuống cấp của hệ thống chăm sóc y tế.

Tóm lại, bộ phim của đạo diễn Matthew Vaughn sẽ là một màn khởi đầu tốt và là cú đề pa đầy hứng khởi cho mùa phim cuối năm. Nếu bạn đam mê suit hay các đôi Oxford, yêu thích phong cách lịch thiệp của một quý ông, hoặc đơn giản là muốn giải trí cùng bạn bè và gia đình, hãy xem Kingsman: The Golden Circle. Chấp nhận bỏ qua mọi sự phi logic đến từ Hollywood, hoặc không phải là một khán giả khó tính, bạn sẽ có một bộ phim tuyệt vời để thư giãn vào dịp cuối tuần.