[REVIEW] Mindhunter mùa 1 – Cái ác đến từ đâu?

TV Series · Đánh giá phim · nguyenvumaianh ·

Không ma quỷ, tà thuật hay những hình ảnh quá máu me kinh dị nhưng Mindhunter vẫn khiến người xem cảm thấy rùng mình, ám ảnh.

Kéo xuống để xem tiếp

Không ma quỷ, tà thuật hay những hình ảnh quá máu me kinh dị nhưng Mindhunter vẫn khiến người xem cảm thấy rùng mình, ám ảnh. Rùng mình bởi chính cái cách mà con người suy nghĩ vì hành động. 10 tập phim đình đám của đạo diễn David Fincher do Netflix sản xuất lột trần những gì đen tối nhất trong tâm trí của mỗi chúng ta.

Bill Tench & Holden Ford (Nguồn: IndieWire)
Bill Tench & Holden Ford (Nguồn: IndieWire)

Mindhunter không giống với bất kỳ với những bộ phim truyền hình trinh thám kể về quá trình điều tra tội phạm mà ta thường hay thấy ở Mỹ, Hàn Quốc hay Hồng Kông. Bộ phim sẽ đưa khán giả chìm đắm trong thế giới tội lỗi, hiểu được tâm trí của những kẻ mà xã hội coi là bệnh hoạn như những tên giết người hàng loạt, ấu dâm. Tv series lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1977, khi mà những kẻ giết người càng lúc càng lộng hành và không ai hiểu nổi động cơ của chúng. Đó cũng là lúc khởi đầu cho cuộc hành trình đầy gian nan của ngành điều tra tâm lý học tội phạm.

Hai thanh tra FBI là Holden Ford (Jonathan Groff) & Bill Tench (Holt McCallany) quyết định phỏng vấn những tên giết người hàng loạt với mục đích hiểu được tâm lý của bọn tội phạm. Song song đó, họ cũng giúp đỡ phía cảnh sát địa phương điều tra những vụ án giết người. Cảnh mở màn của mỗi tập phim gây tò mò khi kể câu chuyện về một người đàn ông và quá trình hắn chuẩn bị cho tội ác. Sẽ không khó để nhận ra đây là những chi tiết dựa trên vụ án của BTK Killer – một trong những tên giết người hàng loạt dã man và tàn bạo nhất nước Mỹ vào những năm 1970-1990.

Ngay từ khi ra mắt, Tv series nhận được nhiều sự quan tâm từ phía khán giả bởi nó được dựa trên cuốn Mindhunter: Inside the FBI’s Elite Serial Crime Unit của tác giả John E Douglas. Cuốn sách đúc kết những kinh nghiệm quý báu của ông và đồng nghiệp Robert K Ressler – hai trong số những người tiên phong sử dụng hồ sơ tội phạm phục vụ cho việc phá án. Đây là một trong những TV series của Netflix nhận được rất nhiều lời khen từ phía các nhà phê bình và khán giả với điểm số 8,6/10 trên trang tổng hợp IMDb và 97% trên trang Rotten Tomatoes. Không phải ngẫu nhiên mà Mindhunter được chọn nằm trong top phim truyền hình Mỹ xuất sắc nhất năm vừa qua.

Khai thác đề tài độc đáo thú vị

Cái ác được sinh ra hay được nuôi dưỡng? Đó là câu hỏi bao trùm trong suốt 50 phút của từng tập phim. Mindhunter khiến ta liên tưởng ngay đến những vụ án có thật xảy ra tại thành phố, địa phương nơi mình đang sinh sống. Mỗi ngày, báo chí thời sự thuật lại những mẩu tin như: con giết cha, mẹ giết con, chồng giết vợ và thậm chí xảy ra ngay tại những thành phố lớn, văn minh với một hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ. Vậy điều gì đã khiến chúng ta rơi vào vực thẳm của sự suy đồi? Do tham nhũng tiêu cực xã hội? Do phim ảnh bạo lực? Do cách nuôi nấng, dạy dỗ của cha mẹ? Hay vốn dĩ do bản tính ích kỷ của con người? Các nhà tâm lý học tội phạm như Holden Ford & Bill Tech dành cả cuộc đời họ để tìm câu trả lời, vẽ lên chân dung và thậm chí sẵn sàng bước sâu vào thế giới tâm hồn đầy méo mó của những tên giết người. Bởi đó là cách duy nhất họ hiểu được chúng và nhận diện được những dấu hiệu phạm tội trong tương lai.

Nhắc đến psychopath hay sociopath*, chúng ta lại hình dung về một tên sát nhân điên loạn, sởn gai ốc hay quá thông minh và xảo quyệt như Hannibal Lecter trong Sự Im Lặng Của Bầy Cừu. Hoặc mường tượng ra một nhà tâm lý học tội phạm luôn biết được người khác nghĩ gì, sắc sảo và nhanh trí. Nhưng Mindhunter dường như đã phá vỡ mọi hình mẫu rập khuôn mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh. Psychopath hay sociopath hiện hữu ngay xung quanh chúng ta. Bạn có tin rằng những vị tổng thống Mỹ, CEO quyền lực, doanh nhân thành đạt đa số đều là sociopath bởi họ rất giỏi trong việc thao túng người khác?

*Socialpath: rối loạn nhân cách phản xã hội. Psychopath: rối loạn đa nhân cách, trường hợp nặng hơn.

Nam diễn viên Cameron Britton trong vai tên sát nhân Edmund Kemper (Nguồn:Variety)
Nam diễn viên Cameron Britton trong vai tên sát nhân Edmund Kemper (Nguồn:Variety)

Một trong những điểm nổi bật của Mindhunter chính là những tên tội phạm mà Holden và Bill phỏng vấn hoàn toàn có thật. Tất cả được truyền đạt và mô tả chân thực đến mức bạn đang xem một bộ phim tài liệu thuật lại về cuộc đời và quá trình gây án của bốn người họ. Nếu tên sát nhân Edmund Kemper (giết 10 người bao gồm cả ông bà và mẹ hắn) luôn thể hiện sự cởi mở thân thiện như một người hàng xóm tốt bụng thì Monte Rissell (người hãm hiếp và sát hại 5 phụ nữ ở Virginia) là một kẻ mơ mộng, muốn được trở thành một luật sư và khao khát có được tình yêu thực sự. Khán giả bị lôi cuốn vào câu chuyện của bốn tên sát nhân, như bước vào mê cung ký ức của họ. Những quá khứ bi thương, nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần hiện hiện lên qua từng lời kể. Đến khi nghe xong, nó để lại một vết sẹo mãi hiện hữu và hằn sâu trong tâm trí mỗi chúng ta.

Mối quan hệ giữa các nhân vật 

Đạo diễn David Fincher cùng ekip xây dựng hai nhân vật Bill & Holden với 2 tính cách hoàn toàn đối ngược nhau. Holden là một chàng thanh niên trẻ, bốc đồng lại đầy tham vọng nhiệt huyết. Không thể phủ nhận đây là một trong những vai diễn ấn tượng nhất của nam diễn viên Jonathan Groff khi anh khắc hoạ đầy đủ, tinh tế những khung bậc cảm xúc hay sự giằng xé nội tâm của nhân vật. Trái lại, nhân vật Bill là một người đã có gia đình, dày dặn kinh nghiệm và có lối suy nghĩ hành động chín chắn, cẩn thận hơn. Đây là nhân vật trung gian với vai trò kéo cái tôi của Holden xuống khi cậu ta đang đi chệch hướng. Hai người với hai luồng suy nghĩ khác nhau nhưng bù trừ những điểm yếu và phối hợp rất ăn ý. Những màn đối đáp giữa phạm nhân và đặc vụ, dù chỉ là qua lời nói nhưng phần nào khán giả cảm nhận được sự căng thẳng dồn dập như chính họ đang đứng ở trong căn phòng ấy, quan sát và nhập tâm.

Jonathan Groff trong vai Holden Ford & Holt McCallany trong vai Bill Tench (Nguồn: IndieWire)
Jonathan Groff trong vai Holden Ford & Holt McCallany trong vai Bill Tench (Nguồn: IndieWire)

Sẽ là một sai sót lớn nếu không kể đến mối quan hệ giữa kẻ sát nhân Edmund Kemper & Holden – một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Tv series. Giữa hai người họ giống như có một sợi dây liên kết rất đặc biệt. Một người sẵn sàng kể chuyện như đang tâm sự với người bạn thân, còn người kia chỉ lắng nghe và ghi chép, tỏ sự đồng cảm thấu hiểu với đối phương. Holden coi Kemper là một "vật thí nghiệm" nhưng dường như anh đã bị cuốn quá sâu vào câu chuyện của hắn. Điều đó khiến Kemper cho rằng Holden là bạn hắn và chính hắn đã giúp anh phá án thành công.

Sai lầm lớn nhất của Holden chính là không thoát ra được hai chữ tham vọng, luôn tìm mọi cách đi sâu vào tâm trí của những tên sát nhân hàng loạt. Holden nghĩ chỉ khi tiếp cận, xây dựng mối quan hệ với “các đối tượng nghiên cứu", anh mới tìm thấy bước đột phá trong ngành tâm lý học tội phạm. Nhưng cuối cùng, anh chợt nhận ra sự điên rồ, nguy hiểm mà mình đang làm hay cái giá phải trả khi anh càng lún sâu vào những suy nghĩ, hành vi lệch lạc của những kẻ giết người. Như Bill từng nói với Holden:

"Nếu như những gì chúng ta đang làm không khiến cậu cảm thấy khó chịu, cậu tâm thần hơn tôi nghĩ hoặc cậu chỉ đang lừa bản thân mình thôi".

[CẢM NHẬN] Anne With An E mùa 1 - Sự trở lại thỏa mãn sau 3 thập niên

[CẢM NHẬN] Anne With An E mùa 1 - Sự trở lại thỏa mãn sau 3 thập niên

Anne with an E của Netflix đã thành công khi chuyển thể những trang sách kinh điển lên màn ảnh nhỏ.

[REVIEW] Iron Fist mùa 2 – Một khởi đầu mới và những thay đổi đáng hoan nghênh cho series

[REVIEW] Iron Fist mùa 2 – Một khởi đầu mới và những thay đổi đáng hoan nghênh cho series

Có thể nói Iron Fist chính là show được mong chờ ít nhất trong chuỗi Tv series Marvel trên Netflix hiện nay.