Review Mufasa: Vua Sư Tử - Vẫn thế giới động vật nhưng với nhiều cảm xúc hơn

Đánh giá phim · KNTT ·

Mufasa: Vua Sư Tử

Adventure, Animation, Family
Khởi chiếu 18/12/2024

Mufasa: Vua Sư Tử vẫn mang cảm giác của một bộ phim Disney với những bài hát và vài khoảnh khắc nhỏ đáng nhớ.

Mufasa: Vua Sư Tử (Mufasa: The Lion King) có phần nhìn cảnh quan và âm nhạc hào hùng, thế nhưng điểm hạn chế vẫn nằm trong cốt lõi “thế giới động vật”, dẫu cho phần phim lần này vẫn có chút cảm xúc hơn.

Mufasa: Vua Sư Tử là phần phim tiền truyện của Vua Sư Tử (The Lion King) năm 2019, bản phim làm lại của bộ phim hoạt hình kinh điển cùng tên vào năm 1994. Phần tiền truyện này khám phá câu chuyện nguồn gốc của hai anh em Mufasa và Scar, người, à không, con sư tử, ban đầu có cái tên là Taka.

Theo những gì chúng ta được biết từ Vua Sư Tử thì Mufasa và Scar là hai anh em (ruột), thế nhưng Mufasa thật ra là con nuôi, còn Taka/Scar mới chính là sư tử mang dòng máu hoàng tộc.

Mufasa: Vua Sư Tử mở đầu với dòng chữ “tưởng nhớ James Earl Jones” cùng giọng nói kinh điển của chính Mufasa phiên bản gốc do ông lồng tiếng (hoặc có thể bạn biết đến ông qua một giọng nói khác cũng kinh điển không kém là Darth Vader trong loạt phim Star Wars), người vừa qua đời tháng 9 năm nay.

Theo sau đó là một phân đoạn mở đầu ngắn ở thời điểm hiện tại khi Simba và Nala đã có một đứa con gái, tuy nhiên đoạn mở đầu này lại khiến người xem cảm giác mệt mỏi bởi những câu thoại cứ dồn vào lỗ tai người xem liên tục. Sự mệt mỏi chỉ tan dần đi khi chú khỉ Rafiki kể lại cho chú sư tử nhỏ nghe về sự tích của ông nội Mufasa.

James Earl Jones, huyền thoại lồng tiếng cho Mufasa bản gốc, vừa qua đời tháng 9/2024 (Ảnh: Disney)
James Earl Jones, huyền thoại lồng tiếng cho Mufasa bản gốc, vừa qua đời tháng 9/2024 (Ảnh: Disney)

Điểm đặc biệt của phần tiền truyện này đó là vị trí đạo diễn. Nếu như phần phim vào năm 2019 là do Jon Favreau cầm trịch, người đã từng có kinh nghiệm thực hiện một bộ phim Disney khác đó là Cậu Bé Rừng Xanh (The Jungle Book), thì bản phim năm 2024 này lại được giao trọng trách cho Barry Jenkins, đạo diễn của Moonlight, bộ phim từng giành giải Phim Hay Nhất tại Lễ trao giải Oscars năm 2017 sau sự cố La La Land.

Nhiều người đặt dấu hỏi là tại sao một đạo diễn phim độc lập/nghệ thuật lại chọn một dự án tiền truyện của Disney để làm đạo diễn, có lẽ bởi anh muốn kiếm thêm tiền để có thể thực hiện bộ phim nghệ thuật tiếp theo? Nhưng theo chia sẻ của Barry thì anh bị thu hút bởi phần kịch bản. Mặc dù có vài điểm sáng và một vài câu thoại cảm động trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai anh em Mufasa và Scar thì cách bộ phim dẫn dắt hành trình mà Taka trở thành Scar lại chưa đủ thuyết phục, còn Mufasa lại không có quá nhiều sự phát triển nhân vật.

Barry Jenkins chia sẻ anh không quen với cách đạo diễn trên máy tính/từ xa với dự án Mufasa (Ảnh: Yahoo UK)
Barry Jenkins chia sẻ anh không quen với cách đạo diễn trên máy tính/từ xa với dự án Mufasa (Ảnh: Yahoo UK)

Phim xây dựng mối quan hệ của Mufasa và Scar từ khi cả hai còn nhỏ và Mufasa được nhận nuôi vào gia đình của Scar. Thoạt nhìn sẽ thấy phim đặt ra những mầm mống cho việc tại sao Scar lại nên xấu tính, thế nhưng sự biến chuyển lớn trong tính cách của Scar lúc trưởng thành làm người xem cảm thấy khá vội vàng. Song, tất cả những gì mà phim ngụ ý vào sự thay đổi đó là hình tượng và cách nuôi dạy của cha mẹ Scar.

Ngược lại, sự phát triển của Mufasa cảm giác cũng phần nào giống với Simba, một chú sư tử dũng cảm nhưng cũng mắc phải một vài sai lầm. Có một câu thoại mà Taka/Scar nói với Mufasa lúc nhỏ là “Em đã luôn muốn có một người anh”. Câu thoại này gây ấn tượng và hứa hẹn một bộ phim nhiều cảm xúc, thế nhưng việc đẩy các nhân vật đi hết từ chỗ này sang chỗ khác trong hành trình đi tới vùng đất hứa và những đoạn hội thoại không ngừng nghỉ giữa các nhân vật làm bộ phim cảm giác cứ trôi trượt đi.

'Em đã luôn muốn có một người anh' – Một câu thoại gây xúc động giữa Scar và Mufasa
'Em đã luôn muốn có một người anh' – Một câu thoại gây xúc động giữa Scar và Mufasa

Phần kịch bản vẫn có những điểm thú vị trong việc tạo ra những chi tiết gợi lại bộ phim gốc (hay có thể gọi là dự báo trước, như cảnh phim kinh điển mà khi Scar đẩy Mufasa tới cái chết). Sự nhạy cảm của Barry Jenkins trong vai trò đạo diễn vẫn được thể hiện qua cảnh Mufasa nhắm mắt và cảm nhận những thứ xung quanh, cũng như vài góc quay thú vị khác.

Thế nhưng chỉ vài khoảnh khắc như vậy vẫn là quá ít so với những gì mà anh có thể tạo ra so với một bộ phim người đóng thật. Có lẽ đây là lý do vì sao mà Barry chia sẻ rằng mình muốn quay lại thực hiện phim người đóng sau dự án này.

Phim lướt nhanh qua thuở lúc Mufasa và Scar còn nhỏ và tập trung vào lúc cả hai đã trưởng thành hơn
Phim lướt nhanh qua thuở lúc Mufasa và Scar còn nhỏ và tập trung vào lúc cả hai đã trưởng thành hơn

Mặc cho phần nội dung mang hơi hướng có vẻ nặng nề và nhiều drama đấu đá vương quyền như một vở kịch của Shakespeare, Mufasa: Vua Sư Tử vẫn mang cảm giác của một bộ phim Disney với những bài hát và vài khoảnh khắc hài hước. Phim được kể đan xen giữa những gì xảy ra trong quá khứ và phản ứng của các nhân vật ở thời điểm hiện tại, trong đó có cả Timon và Pumba đáng mến.

Có lẽ lý do vì sao mà Lin-Manuel Miranda bỏ qua dự án Moana 2 là để viết nhạc cho bộ phim này. Mặc dù không có những khúc rap thường lệ nhưng các bài hát trong phim vẫn mang chất riêng của Lin, ngay cả phản diện cũng có một bài hát riêng nữa.

Ngay cả phản diện trong phim cũng có một bài hát riêng
Ngay cả phản diện trong phim cũng có một bài hát riêng

Nhiều người sẽ so sánh Mufasa: Vua Sư Tử với một bộ phim hoạt hình khác cũng ra mắt trong năm nay đó là Transformers One bởi sự tương đồng trong câu chuyện về sự rạn nứt tình anh em. Mặc cho Mufasa có phần hình ảnh thiên nhiên hoành tráng và âm nhạc hào hùng, thế nhưng nó lại không có nhiều màu sắc và khả năng hoạt họa sống động. Đây là một điểm cốt lõi chí mạng trong việc mang câu chuyện vua sư tử và áp filter thế giới động vật lên cho nó, dẫu cho ánh mắt của các nhân vật lần này đã có nhiều cảm xúc hơn.