[REVIEW] Ngôi Đền Kỳ Quái 2 (Pee Nak 2)
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·
Ngôi Đền Kỳ Quái 2 nhìn chung không có sức hút.
Kéo xuống để xem tiếp
Ngôi Đền Kỳ Quái 2 (Pee Nak 2) tiếp nối câu chuyện sau khi First (Puwadon Vejvongsa) và Balloon (Witthawat Rattanaboonbaramee) hoàn tục rời khỏi ngôi đền Thamma Nakanimitr. Ở phần 1, First, Balloon và Nong (August Vachiravit Paisarnkulwong) chiến thắng con ma với lời nguyền ‘nếu xuất gia sẽ bị chết’, đem lại bình yên cho ngôi đền Thamma Nakanimitr. First, Balloon hoàn tục còn Nong tiếp tục ở lại đền làm sư, các thành viên thở phào nhẹ nhõm vì không còn hai đứa hay bày trò náo động sân chùa. Niềm vui chưa tày gang thì lời nguyền thứ 2 ‘nếu hoàn tục sẽ bị chết’ lần nữa đưa hai người First và Balloon trở lại đền. Sau khi trải qua vài biến cố, mọi người khám phá ra bí mật kiếp trước của hồn ma và hóa giải lời nguyền chết chóc.
Câu chuyện phim đơn giản vô cùng, một nhóm người bị ma ám ở một tu viện cổ, tìm cách khám phá bí mật lời nguyền để người muốn hoàn tục không bị chết. Hoàn toàn có thể kể câu chuyện trong 15 phút đầu và 15 phút cuối phim, nhưng để kéo dài thời lượng đủ để chiếu rạp nên kịch bản cho thêm nhiều chi tiết thừa thãi và dàn nhân vật hầu như không tác động gì đến câu chuyện ngoài nhiệm vụ chọc cười vào đoạn giữa. Ví dụ, nhân vật vô thưởng vô phạt là ca sĩ Toh (Mean Phiravich Attachitsataporn), anh này chủ yếu được đưa vào “khoe thân” hút người xem trẻ. Toh bị mẹ ép xuất gia để hoàn thành lời hứa khi xưa tại ngôi đền, ban đầu cậu hoàn toàn không muốn làm nhà sư nhưng qua vài đêm ở chùa bỗng đọc kinh và thành tâm quy y mà chẳng có lý do hợp logic nào.
Nhóm các nhân vật đóng vai các nhà sư trẻ hầu chỉ làm mỗi công việc là la hét và chạy trốn gây ồn ào náo động cũng không ảnh hưởng gì nếu kết cấu câu chuyện, hoàn toàn có thể bỏ hết mấy phần có sự hiện diện của nhóm nhân vật này. Màn xung đột giữa First, Balloon và Aod (Pond Khunnapat) vô cùng gượng gạo.
Hai nhân vật đồng tính định danh cây hài gây rắc rối, tính cách nhát gan ẻo lả trong “một nốt nhạc” bùng nổ gây sự xung đột. Hay sau đó là màn chuyển kịch tích đột ngột sang cảm xúc sến súa Aod dành cho Nong, cậu ta nổi nóng với 2 người trở về vì họ đem theo lời nguyền gây nguy hiểm cho Nong, đoạn này xếp đặt một cách vụng về vô cùng. Phim dường như không dành cho đối tượng khán giả muốn tìm hiểu một cốt truyện phim tốt có sự hợp lý trong diễn biến tâm lý các nhân vật. Những cảnh gây cười “đặc sản” của phim Thái Lan lâu nay vẫn thường tập trung vào các nhân vật đồng tính, trong phim này là First và Balloon. Cách gây cười lạm dụng yếu tố đồng tính màu mè, lố bịch được đẩy lên hết mức nếu không muốn nói là dung tục, đây hoàn toàn là kiểu chọc cười ở nhiều thập niên trước trong phim ảnh và dần bị loại bỏ ở các nền điện ảnh phát triển.
Thành công về mặt doanh thu ở phần 1 (hơn $5 triệu riêng thị trường Thái Lan) khiến các nhà sản xuất vẫn bám lấy kiểu kể chuyện quen thuộc. Những cảnh jump-scare được sử dụng tối đa nhằm gây hiệu ứng sợ hãi ở những màn hồn ma xuất hiện, thiếu hẳn việc xây dựng bầu không khí kinh dị. Những màn đối thoại tiếp tục là một điểm trừ khác, những câu đối đáp quá “hưng phấn” hò hét mục đích gây cười bị lạm dụng dẫn đến cảm giác vô cùng nặng nề phiền nhiễu. Việc kết hợp quá nhiều yếu tố “gây sốt” như hài hước, kinh dị, tâm lý khiến bộ phim như một nồi lẩu thập cẩm, quá nhiều vị những không có vị nào gây ấn tượng. Tham lam nhồi nhét thêm các giải thích dài dòng nhằm tạo ý nghĩa cho câu chuyện đằng sau của hồn ma cũng khiến người xem mệt mỏi.
Phần ổn nhất trong phim thuộc về tuyến nhân vật nhà sư Nong – Nak (Timethai Dharmthai Plangsilp). Phân cảnh Nong cảm hóa, giúp hồn ma Nak giải trừ nỗi oán hận từ kiếp trước dường như cứu lại cả bộ phim. Chấp một niệm ác đủ biến một con người từng hiền lành thành ác ma hung tợn, xả một niệm ác cởi sạch nghiệp báo ác ma trở lại thiện lương lập tức siêu sinh, tha thứ cho người cũng là tha thứ cho chính mình. Nếu chỉ dừng ở cảnh đó mà không có màn thuyết giáo tiếp theo trong phim có thể sẽ để lại hiệu ứng cảm xúc vô cùng ấn tượng cho người xem, nhưng có vẻ đạo diễn muốn ‘thuyết trình cho rõ vì sợ khán giả không hiểu’ mà phá hỏng đi phần hay nhất phim này. Mấu chốt câu chuyện phần 2 vốn xoay quanh ân oán kiếp trước giữa First - Balloon và Nak nhưng diễn xuất quá kém của hai diễn viên Vejvongsa – Rattanaboonbaramee và diễn biến dẫn đến hận thù rất vô lý suýt phá hỏng toàn bộ câu chuyện, nếu không có phần ‘giải nghiệp’ Nong - Nak thì phim đã chìm nghỉm hoàn toàn.
Điều cuối cùng tôi cảm nhận được là phim này hoàn toàn không kể bằng ngôn ngữ điện ảnh mà giống loạt phim sitcom do một nhóm làm phim không chuyên thực hiện: thiếu sự gãy gọn, từ màu sắc phim đến nhạc phim đều không đáp ứng được tiêu chuẩn của một phim điện ảnh. Điện ảnh Thái không phải chưa từng làm về phim kinh dị có yếu tố hài hước tình cảm nhưng Ngôi Đền Kỳ Quái 2 là bước thụt lùi rõ ràng, quá lòe loẹt, ồn ào, gượng gạo, xếp đặt vô lý, chọc cười rẻ tiền. Đồng ý là xem phim có khi chỉ để giải trí đơn thuần nhưng hạ thấp quá tiêu chuẩn giải trí đôi khi còn gây căng thẳng thêm cho khán giả.
Ảnh: Momo.vn