[REVIEW] Tháng Năm Rực Rỡ - Phiên bản remake không quá rực rỡ nhưng đậm màu phim Việt
Bài viết so sánh khá kỹ những khác biệt giữa bản gốc và "chuyến" remake của đạo diễn Dũng Khùng.
Tháng Năm Rực Rỡ là phiên bản remake của phim điện ảnh nổi tiếng về tuổi thanh xuân Sunny của Hàn Quốc. Tuy là phim làm lại nhưng Tháng Năm Rực Rỡ đã chứng minh mình được nét riêng và màu sắc đậm chất Việt Nam thông qua nội dung được cải biên bởi Nguyễn Quang Dũng cùng ekip. Để công tâm nhất, tôi sẽ đánh giá dựa trên so sánh và phân tích cả hai phiên bản.
Tháng Năm Rực Rỡ không thể gọi là "vượt qua được cái bóng quá lớn" của Sunny được vì Sunny cũng chưa để ấn tượng quá sâu sắc như những đánh giá, ý kiến khác tung hô. Sunny có nhiều khiếm khuyết, nên không thể gọi là tường thành mà có khả năng tạo ra cái bóng đủ lớn khiến các phiên bản về sau không thể vượt qua. Thậm chí Tháng Năm Rực Rỡ của Việt Nam lại có khả năng bù trừ những khiếm khuyết của "người đi trước" và bổ sung thêm những chi tiết thú vị, nhưng không phải vì thế mà nói bộ phim làm tốt hơn Sunny được.
Bộ phim có khá nhiều thay đổi lớn so với Sunny. Phim bắt đầu khi Hiểu Phương (Hồng Ánh) - một bà nội trợ điển hình khiêm phu nhân của một gia đình khá giả tại Sài Gòn vào viện thăm nuôi mẹ mình thì vô tình gặp lại người bạn thời thơ ấu Mỹ Dung hay còn được gọi là Dung "đại ca" (Thanh Hằng) mạnh mẽ ngày nào nay đã trở thành người phụ nữ cô độc bị ung thư chỉ còn sống được 2 tháng ngắn ngủi. Hiểu Phương cố gắng thực hiện ước nguyện cuối cùng của Mỹ Dung chính là gặp lại bộ 6 Ngựa Hoang. Xuyên suốt bộ phim là cuộc tìm kiếm những người bạn hơn 20 năm không gặp và những hoài niệm về năm tháng thanh xuân nổi loạn, bồng bột nhưng không kém phần ngây ngô, rực rỡ của các cô gái.
Về nội dung, đạo diễn đã thẳng tay loại bỏ cô bé mọt sách là điều vô cùng đúng đắn. Sự xuất hiện của nhân vật này ở Sunny khá là thừa thải và mờ nhạt khiến một bộ phim có màu sắc hoài niệm, mang tiết tấu chậm lại thêm phần lê thê. Chúng ta chỉ cần một nhân vật "con nhà người ta" là Hiểu Phương là đủ rồi.
Bản thân của Sunny là một bộ phim về thanh xuân của các cô gái vừa điệu đà, ngây thơ nhưng cũng không kém phần nổi loạn và bồng bột, nhưng sau khi tôi xem xong, thì bộ phim lại đem đến cảm giác "đầu chuột đuôi voi". Bắt đầu phim các cô gái có vẻ quá nhát gừng, độ trẻ trâu vẫn chưa đến nơi đến chốn, vậy mà về sau lại quá nặng nề, bạo lực, khiến bộ phim mất cân bằng khi đầu phim thì rề rà gây buồn ngủ, có bao nhiêu tinh túy dồn hết cho nửa sau bộ phim. Tôi lại thích tiết tấu nhanh có phần hơi vội của phiên bản Việt Nam hơn, nó phù hợp với nội dung phim. Chắc cảm nhận bản gốc có vẻ dài dòng thật nên đạo diễn thẳng tay cắt nhiều phân đoạn không cần thiết, có điều là cắt không được khéo léo lắm. Nhưng cốt lỗi là tình bạn của các cô gái vẫn được giữ nguyên khiến người xem cảm nhận được sự ấm áp và tươi vui.
Điều làm Sunny nổi bật là đã đưa được thời kì chính trị chưa thật sự ổn định vào phim và lối sống Tây hóa của giới trẻ Hàn Quốc lúc bấy giờ một cách trào phúng và mộc mạc thì ở Tháng Năm Rực Rỡ, chi tiết này cũng được lồng ghép khá khéo léo và đậm chất Việt Nam hơn. Trong khi Sunny đưa hai mốc thời gian là quá khứ và hiện đại thì ở Tháng Năm Rực Rỡ, cả hai khoảng thời gian đều xảy ra trong quá khứ, phù hợp với bối cảnh nước nhà hơn. Tuy nhiên phim cũng xuất hiện nhiều điểm hơi bất hợp lý một chút, chẳng hạn như trang phục và đời sống của các nhân vật không phù hợp với mốc thời gian lúc đó, vì trừ con cái gia đình giàu nứt đổ vách ra không phải trẻ con nhà nào cũng trông sành điệu như vậy.
Về tuyến nhân vật thì Sunny khắc họa các cô gái có tính cách, gia cảnh khác nhau khá rõ nét và các diễn viên lúc trẻ và khi trưởng thành đều có những nét tương đồng về ngoại hình, bên cạnh đó diễn xuất của các diễn viên đều được đánh giá cao. Tháng Năm Rực Rỡ cũng làm khá tốt ở khoản này. Đảm nhận vai Phương "nhà quê" (ở bản Hàn là Na Mi) là Hoàng Yến Chibi và cô Hồng Ánh, hai người thật sự hợp với nhân vật này và khá tương đồng với bản gốc. Cá nhân tôi lại thích Hiểu Phương của Hoàng Yến hơn là Na Mi, tuy ngoại hình của Yến chưa thật sự quê lắm. Hiểu Phương vừa bật được nét dễ thương, ngây thơ có phần ngô ngố và tưng tửng nhưng tiết chế một cách vừa phải hơn Na Mi có vẻ hơi tăng động và quá khích, điểm này hợp với tính cách của người Việt Nam hơn.
Dung "đại ca" (Chun Hwa) của Hoàng Oanh và Thanh Hằng. Thật sự thì Hoàng Oanh chưa hợp vai vì nhìn cô hơi dừ so với nhân vật gốc nhưng vẫn bật được nét cá tính và mạnh mẽ của một nhóm trưởng, còn với Thanh Hằng thì cá nhân tôi thấy không hợp vì so với dàn diễn viên trưởng thành thì chị trông khá non. Bên cạnh đó tạo hình của cô trong phim cũng chưa giống một người bệnh ung thư cho lắm. Diễn xuất của cô có vẻ tuột dốc ở những phân cảnh đau đớn vì xạ trị và cũng không đem được cái thần của người phụ nữ cô độc nhưng hào sảng và kiên cường ở bản gốc. Có lẽ điều Hằng làm tốt duy nhất là thần thái chị đại và ngầu lòi sẵn có của cô.
Cô mập Lan Chi (Jang Mi) do Minh Thảo và Minh Tuyền thủ vai, là một trong những nhân vật được thay đổi nhiều nhất so với bản gốc. Từ một Jang Mi lúc bé thì chăm chăm vào nhan sắc, khi lớn lên do hoàn cảnh khó khăn thì biến thành bà cô tính toán chi li đi bán bảo hiểm dạo thành một Lan Chi nhí nhảnh, hài hước và khi trưởng thành trở thành chủ tiệm cầm đồ nhưng rất tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người xung quanh mặc cho hoàn cảnh của mình cũng khó khăn không kém. Bởi vì cải biên nên nhân vật này đã biến thành một người khác hoàn toàn nhưng tôi lại thích Lan Chi hơn Jang Mi, từ bé đến lớn nhân vật Lan Chi được xây dựng gây ấn tượng cho người xem hơn cả bản gốc.
Nàng hoa hậu nhí Bo Mi đã được thay đổi thành cô gái tiểu thư điệu đà Bảo Châu với giấc mơ không hề vượt ngoài tầm với bởi gia cảnh giàu có của mình được thể hiện bởi Khổng Tú Quỳnh và Mỹ Uyên. Khổng Tú Quỳnh cũng gặp khuyết điểm tương tự Hoàng Oanh bởi vẻ ngoài quá tuổi so với nhân vật nhưng bù lại diễn xuất yểu điệu với khí chất tiểu thư của cô lại khá hợp vai. Và nhân vật Bảo Châu khi trưởng thành từ một tiểu thư giàu có nhất nhì Đà Lạt phải trở thành gái bia ôm thì biểu hiện của cô Mỹ Uyên được tôi đánh giá cao hơn Bo Mi.
Nữ hoàng chửi thề Jin Joo ở phiên bản Việt là Thùy Linh của Trịnh Thảo và Mỹ Duyên vẫn giữ được chất so với bản gốc, chỉ được thay đổi thành từ ỏng ẹo để chồng cưng thành ỏng ẹo để nuôi trai trẻ, chi tiết này thậm chí còn thú vị hơn bản gốc đẩy Thùy Linh hài hước hơn Jin Joo bội phần.
Cuối cùng là nhân vật hoa khôi Tuyết Anh (Su Ji) của Jun Vũ. Theo tôi đây là nhân vật khó thể hiện nhất trong nhóm vì tìm đâu một cô gái vừa đẹp lại mang thần thái lạnh lùng, đầy khí chất như Hyo Rin đây? Tuyết Anh của Jun Vũ đẹp thật nhưng cái thần lại thua xa khiến cô gái đã ít xuất hiện trong nhóm lại thêm phần nhạt nhòa. Bên cạnh đó Tuyết Anh không phải là lạnh lùng, kiêu kì mà là cô gái biểu hiện rõ sự sân si, xéo xắt với bạn bè. Jun Vũ không thể hiện được đúng chất nhân vật kiệm lời, ít nói chỉ thường biểu hiện sắc thái qua ánh mắt mà lại đem đến một cô bạn mở miệng ra là nói những lời cay đắng, khó nghe, làm người ta thắc mắc vì lý do gì mà cô xuất hiện trong nhóm bạn thay vì một Su Ji ngoài lạnh trong ấm. Bên cạnh đó phân cảnh Na Mi lần đầu gặp Su Ji phải ngớ người vì nhan sắc vượt trội cũng bị cắt khiến cảnh hai cô gái ôm nhau người khóc thú nhận rằng Tuyết Anh rất đẹp khá là kiên cưỡng so với bản gốc. Tuy nhiên sự xuất hiện của Tuyết Anh trưởng thành bởi khách mời lại làm người xem phải bật người vì kinh ngạc vì cô đẹp một cách xuất sắc, không uổng phí sự chờ đợi từ đầu phim.
Các nhân vật phụ khá mờ nhạt hệt như ở Sunny, ngay cả nhân vật anh crush khá thành công ở bản gốc thì khi remake tuy vẫn đẹp trai nhưng lại tạo cảm giác chưa tự nhiên, thậm chí đôi khi anh này khiến người xem thấy anh cố tình thả thính Hiểu Phương. Nữ phản diện thì không biết đạo diễn tìm đâu một bạn y chang từ ngoại hình cho đến diễn xuất giống bản gốc gần đến 90%, biểu hiện của diễn viên vào vai này tốt, được đánh giá cao chẳng kém phiên bản Hàn Quốc.
Về chi tiết gây cười thì Tháng Năm Rực Rỡ ăn đứt bản gốc, cách gây cười rất tự nhiên, đáng yêu, thậm chí ở những chi tiết "đùa tục" của người trưởng thành cũng vừa phải không hề lố lăng. Bối cảnh phim được đầu tư kĩ lưỡng, đẹp, sinh động và rực rỡ như tên gọi của bộ phim, tuy nhiên hóa trang lại không phù hợp khiến dàn diễn viên bị dừ, giảm đi nét hồn nhiên ngây thơ của nữ sinh thời bấy giờ. Nhưng nhạc phim lại là một điểm thành công khác của bộ phim, nổi bật hơn hẳn so với bản gốc.
Tháng Năm Rực Rỡ thực sự đã thành công ngoài mong đợi, bộ phim không hề bê nguyên si bản gốc mà đã có bước tiến lớn trong việc cải biên nội dung và tuyến nhân vật chính. Bộ phim cũng thành công trong việc truyền tải thông điệp về thanh xuân tươi đẹp của các nhân vật trong phim một cách tươi vui, đáng yêu. Tuy vẫn chưa hoàn hảo nhưng bộ phim vẫn có nét riêng và đậm chất phim Việt chứ không hề mang hơi hướng Hàn Quốc như chúng ta vẫn tưởng.