[REVIEW] The Handmaiden – Điên loạn, táo bạo nhưng cũng đầy mê hoặc

Đánh giá phim · SarahTran ·

Nếu đam mê phim nghệ thuật thì bạn không nên bỏ qua The Handmaiden. Và nếu là fan của nhà làm phim tài năng Park Chan Wook, thì càng không nên bỏ lỡ nó.

Kéo xuống để xem tiếp

The Handmaiden (Người Hầu Gái) là tác phẩm đầy nhục dục nổi tiếng của Park Chan Wook (Oldboy). Vẫn là cái chất điên loạn đặc trưng của vị đạo diễn, cộng với một chút hung hăng, táo bạo, một chút quyến rũ, nữ tính và một chút ly kỳ, rùng rợn đã tạo nên một bộ phim đầy mê hoặc và xứng đáng để được xem là tinh hoa của môn nghệ thuật thứ bảy.

(Ảnh: Youtube)
(Ảnh: Youtube)

Chuyển thể từ tiểu thuyết Fingersmith (2002) của nhà văn người Anh Sarah Waters, The Handmaiden là câu chuyện được kể lại qua ba góc độ với ba nhân vật khác nhau. Thay vì lấy bối cảnh ở thời kỳ Victoria như bản gốc, phim đưa người xem trở về những năm 30 ở Triều Tiên khi đang còn là thuộc địa của Nhật Bản. Sook Hee (Kim Tae Ri) là cô gái hành nghề móc túi, được Fujiwara (Ha Jung Woo) – tên lừa đảo người Hàn giả làm bá tước Nhật Bản, gửi đến làm người hầu gái cho một gia đình Nhật Bản giàu có. Kế hoạch của Fujiwara là dụ dỗ Hideko (Kim Min Hee) – nữ thừa kế của gia đình này để cô kết hôn với hắn. Sau đó hắn sẽ gửi cô đến nhà thương điên ở Nhật để chiếm được tài sản của cô. Tuy nhiên, mọi chuyện rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi hai người phụ nữ bắt đầu có cảm xúc dành cho nhau.

(Ảnh: Variety)
(Ảnh: Variety)

Trong tiểu thuyết gốc, câu chuyện được chia thành ba chương và mỗi chương được kể theo ngôi của một nhân vật. Tương tự vậy, phim được chia thành ba phần rõ rệt và mỗi phần là một giọng kể. Lối kể chuyện phi tuyến tính này đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, lột trần từng lớp từng lớp bí mật và thách thức trí tò mò của người xem cho đến những phút cuối cùng.

Phần đầu được kể lại qua giọng của Sook Hee, trong đó Hideko hiện lên như là một cô tiểu thư ngốc nghếch và mong manh, yếu đuối. Sook Hee và Fujiwara là những kẻ lừa đảo lọc lõi và đang điều khiển Hideko. Lúc này, khán giả tưởng chừng như đang được xem một vở kịch đơn giản, dễ đoán và thậm chí có phần nhàm chán. Thế nhưng, khi kế hoạch của Fujiwara tưởng như sắp thành công, thì tình thế bị lật ngược, câu chuyện được kể qua góc độ của Hideko, và nhiều tình tiết được hé lộ khiến người xem không khỏi sửng sốt.

Hideko – cô gái có vẻ ngoài mong manh, khù khờ hoá ra lại xảo trá không kém. Quá khứ của cô dần được hé lộ, với nhiều cảnh tượng khiến người xem bàng hoàng đồng thời cảm thông cho cảnh ngộ của cô. Tuy nhiên, khi phim chuyển sang phần thứ ba, mọi chuyện lại chuyển sang hướng khác nữa và khi đó “sự thật của sự thật” mới được vạch trần.

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Xuyên suốt 147 phút, The Handmaiden bóc trần từng lớp bí mật và cũng là từng cái vỏ bọc của mỗi nhân vật. Tất cả những nhân vật trong bộ phim này đều không bình thường và đại diện cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Sook Hee là cô gái mồ côi, hành nghề móc túi, bề ngoài có vẻ lọc lõi nhưng sâu bên trong vẫn mang tính thiện. Fujiwara cũng là người có xuất thân thấp như Sook Hee nhưng luôn muốn mình đứng ở địa vị cao hơn, trở thành bá tước rởm để đi lừa gạt người khác. Nhân vật này đúng nghĩa là một social climber – kẻ thích làm quen với những người giàu sang để được leo lên vị trí cao hơn trong xã hội. Hắn là người Triều Tiên, nhưng luôn thích tỏ ra mình là người Nhật. Cũng giống như nhiều người Triều Tiên khác lúc bấy giờ, chối bỏ nguồn gốc của mình để được làm người Nhật bởi như vậy mới được đổi đời và có uy quyền.

Kouzuki – dượng của Hideko, bên ngoài luôn tỏ ra mình là người quyền quý có tri thức, nhưng thực chất lại là một kẻ biến thái, dâm ô, bệnh hoạn. Còn Hideko – cô gái có vẻ ngoài mong manh, lạnh lùng như một con búp bê bằng sứ, nhưng ẩn sâu bên trong là một người chịu nhiều tổn thương, bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình và trở thành nô lệ của người dượng biến thái. 

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Có thể thấy, Sook Hee và Hideko có xuất thân, hoàn cảnh, tính cách và ngoại hình hoàn toàn đối lập, nhưng họ đều tù nhân của những người đàn ông. Sook Hee là tù nhân trong âm mưu của Fujiwara, còn Hideko là tù nhân của chính người dượng của mình. Dần dần, hai nữ nhân mong manh yếu đuối đó hoàn thiện nhau và nương tựa vào nhau để tồn tại. Rồi khi tình yêu của họ thăng hoa, hai người dường như đã có đủ động lực để đứng lên phản kháng và thoát khỏi cái số phận mà những người đàn ông đã sắp đặt. Vấn đề nữ quyền trong phim được thể hiện một cách trực diện, quyết liệt và mạnh mẽ nhưng đầy thuyết phục. Sự chiến thắng của phái đẹp trên màn ảnh chưa bao giờ khiến người xem cảm thấy hân hoan đến vậy.

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

The Handmaiden không chỉ xuất sắc ở phần kịch bản, cách kể chuyện hay thông điệp về nữ quyền, sự tự do, mà còn đưa người xem vào một thế giới đầy duy mỹ, một thế giới đẹp một cách lạ thường và đầy mê hoặc. Kiến trúc, trang phục, phụ kiện trong phim đều có sự kết hợp giữa phong cách Á – Âu, vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa mạnh mẽ vừa quyến rũ, vừa Nhật Bản nhưng cũng vừa Triều Tiên. Màu sắc trong phim cũng cực kì đẹp và phù hợp với thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải. Hầu hết thời lượng của phim là gam màu xanh, trong trẻo nhưng lại u buồn và lạnh lẽo. Nhưng dần về cuối, khi Sook Hee và Hideko đã có được tự do, phim chuyển sang tone màu ấm áp và sáng hơn hẳn. Ngoài ra, những góc quay trong phim rất độc đáo, mang lại cho khán giả những khung hình vô cùng đẹp và đầy gợi cảm, đặc biệt là cảnh ân ái đầy nghệ thuật giữa Sook Hee và Hideko.

Trang phục trong The Handmaiden được đầu tư vô cùng tỉ mỉ (Ảnh: IMDb)
Trang phục trong The Handmaiden được đầu tư vô cùng tỉ mỉ (Ảnh: IMDb)
Kiến trúc trong phim đậm chất Âu (Ảnh: Daily Hive)
Kiến trúc trong phim đậm chất Âu (Ảnh: Daily Hive)
Nhưng vẫn rất Nhật Bản (Ảnh: IMDb)
Nhưng vẫn rất Nhật Bản (Ảnh: IMDb)

Nói đến thành công của bộ phim, không chỉ là nhờ sự tài ba của đạo diễn Park Chan Wook, bậc thầy sử dụng ống kính anamorphic Chung Chung Hoon, nhà soạn nhạc Jo Young Wook… mà còn ở tài năng của toàn bộ dàn diễn viên, đặc biệt là bốn diễn viên chính. Kim Min Hee đã hoàn toàn chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất đầy biến hoá, vừa dịu dàng, gợi cảm vừa có chút sắc sảo, điên loạn. Kim Tae Ri tuy chỉ mới lần đầu bước lên màn ảnh rộng nhưng vẫn khiến người xem bất ngờ. Ha Jung Woo đã tiếp tục giữ vững được phong độ. Và Jo Jin Woong trong vai người dượng có xu hướng tình dục lệch lạc đã thực sự thể hiện được diễn xuất đỉnh cao của mình, đặc biệt là ở đoạn cuối phim.

Để cảm thụ được hết những cái hay của The Handmaiden chắc chắn không thể chỉ qua một lần xem phim, và để nói ra hết được những cái hay đó có lẽ phải cần một bài viết rất rất dài. Vậy nên, nếu đam mê phim nghệ thuật thì bạn không nên bỏ qua tác phẩm này. Và nếu là fan của nhà làm phim tài năng Park Chan Wook, thì càng không nên bỏ lỡ nó.