[REVIEW] Tìm Chồng Cho Mẹ

Đánh giá phim · Maii ·

Tìm Chồng Cho Mẹ - Thảm họa điện ảnh Việt tháng 7.

Kéo xuống để xem tiếp

Tìm Chồng Cho Mẹ - bộ phim gây hoang mang khi tung trailer với những thước phim lộn xộn không đầu không đuôi và càng lúc càng làm khán giả hoang mang hơn khi phim thực sự bắt đầu trình chiếu trên màn ảnh.

Tìm Chồng Cho Mẹ giới thiệu cuộc sống gia đình thời hiện đại thông qua ba bà mẹ đơn thân là Thuỵ Du (Vân Trang), Diệp Anh (Hồng Đào) và Rose (Minh Triệu); hé lộ những lỗ hổng hạnh phúc và góc khuất hôn nhân trong mỗi gia đình. Từ đó hình thành trong lòng mỗi đứa trẻ chân dung lý tưởng về một người cha hoàn hảo. 3 gia đình này thuê dịch vụ Người Cha Hoàn Hảo của Lâm Phong (Hà Việt Dũng) để chăm sóc cho 3 đứa trẻ của 3 gia đình là Thuỵ Miên (Khánh Như), bé Heo (Chu Diệp Anh) và Michael (Tùng Lâm). Lâm Phong từ đấy vô tình bị cuốn vào đủ thứ chiêu trò của các bé, đồng thời rơi vào mối quan hệ tình cảm với bà mẹ “sửu nhi” Thuỵ Du.

Điều đầu tiên có thể nói về Tìm Chồng Cho Mẹ là Phim gần như không có một điểm sáng nào để nhắc đến ngoài các khoảnh khắc hiếm hoi tự nhiên và (hơi) hài hước của cặp đôi Quang Minh – Hồng Đào. Đáng tiếc, những giây phút này quá ngắn ngủi và không đủ sức che lấp cho một bộ phim tệ hại từ đầu đến cuối, từ kịch bản, quay phim, lồng tiếng cho đến cắt cảnh, dựng nhạc…

Ý tưởng của Tìm Chồng Cho Mẹ mặc dù khá tốt và có tính thời sự, nhưng cách triển khai lại quá tồi. Các nhân vật không có “backstory” (quá khứ, lai lịch…) rõ ràng và hành động của họ chẳng hiểu động cơ và mục tiêu ở đâu ra, tình tiết phim nhập nhằng, lộn xộn và không có liên kết gì từ đầu đến cuối. Tìm Chồng Cho Mẹ đáng lẽ đã có thể trở thành một bộ phim truyền hình khá thú vị với đầy đủ chi tiết, đầu đuôi và phát triển nhân vật rõ ràng, nhưng các nhà làm phim lại muốn biến ý tưởng này thành phim điện ảnh với thời lượng 90 phút, thế là các nhân vật phải chạy đua với thời gian, cố gắng kể câu chuyện của bộ phim nhưng khiến khán giả ngáp ngán ngáp dài vì không đủ thú vị hoặc thu hút.

Bản thân người viết cảm thấy đã không thể chịu nổi bộ phim sau khoảng 40 phút với các sự kiện chắp nối lộn xộn, nhưng thiết nghĩ cũng cần theo dõi hết để biết đâu được từ giữa đến cuối phim, Tìm Chồng Cho Mẹ có lẽ sẽ khá hơn. Đáng tiếc, bộ phim trượt dài với những khoảnh khắc chán chường, chemistry gượng gạo giữa các nhân vật và câu chuyện sến sủa vừa muốn nói chuyện gia đình, vừa muốn nói chuyện ước mơ hoài bão, vừa cố gắng lồng ghếp yếu tố yêu đương sặc mùi ngôn tình ba xu khiến bộ phim tệ hơn một nồi lẩu thập cẩm. Phim chèn vào một số khoảnh khắc hài khiến người xem cười không nổi, những khoảnh khắc tình cảm khiến người xem cảm động không nổi và những màn tán tỉnh nhạt nhẽo giữa Lâm Phong và Thụy Du.

Một điểm trừ cực kỳ lớn nữa của bộ phim là khâu lồng tiếng còn tệ hơn phim truyền hình. Khẩu hình miệng và thoại chả ăn nhập gì với nhau. Đôi ba lần thì còn tạm cho qua nhưng suốt cả bộ phim cảnh nào cũng thế thì thật chào thua với các nhà làm phim. Làm phim chắc chắn là công việc khó nhằn, nhưng với Tìm Chồng Cho Mẹ thì hẳn ekip làm phim nghĩ moi tiền khán giả qua rạp chắc là dễ như bỡn nên mới trình diễn một bộ phim đáng thất vọng như vậy?

Diễn xuất của các diễn viên máy móc của các diễn viên và cách xây dựng nhân vật thì thật sự làm người xem muốn than trời. Vân Trang kể từ sau thời Thiên Mệnh Anh HùngScandal thì hình như các phim cô chọn hoặc là không nổi bật, hoặc là đáng được liệt vào hàng thảm họa (trước đó là Táo Quậy). Vào vai một bà mẹ “sửu nhi” không tin tưởng đàn ông (mặc dù chả ai biết tại sao), suốt ngày đi bar uống rượu, chè chén rồi về nhà khóc lóc sinh hận (chả biết hận ai), để cô con gái tầm 10 tuổi phải chăm sóc, nấu nướng, dọn dẹp cho mình. Vai Thụy Du của cô chính là hình mẫu của các bà mẹ “nếu không chăm được cho con mình thì làm hơn đừng sanh con.”

Lâm Phong của Hà Việt Dũng thì lập công ty nhưng lại vi phạm hợp đồng trắng trợn, mải chăm sóc đứa này, bỏ bê đứa khác rồi cuối cùng lý lẽ anh ta đưa ra là vì yêu tất cả những đứa trẻ đó và không muốn rời xa chúng?! Đám bạn cùng ban nhạc của anh thì chẳng làm được gì ngoài làm nền, làm trò hề và nói những câu thoại vô thưởng vô phạt, mình anh gánh hết vai trò từ giám đốc thành lập công ty cho đến nhân viên vì anh đẹp trai nhất và là nam chính?!

Minh Triệu vai Rose thì đúng nghĩa nhân vật bị làm lố nhất phim. Nhân vật này làm người mẫu nhưng được giới thiệu trong phim không khác gì… mafia, xã hội đen với “người hầu” luôn mực gọi Rose là… “quý cô” ?! Không thấy hình mà chỉ nghe tiếng thì chắc khán giả tưởng đang xem phim gangster thế kỷ 20.

Cắt cảnh tồi, hành động nhân vật thì không thống nhất, nhạc phim thì lộn xộn chẳng chủ đề gì rõ ràng. Cảnh phim là về khoảnh khắc cha con nhưng nhạc thì về chuyện… tình yêu đôi lứa tan vỡ không đến được với nhau?!

Tìm Chồng Cho Mẹ tóm lại là bộ phim phí thời gian, tệ hại, là tổ hợp của những lựa chọn sai lầm từ khâu viết kịch bản, đạo diễn, quay phim cho đến âm nhạc.