[REVIEW] True Detective mùa 3 – Sự trở lại đầy ngoạn mục của series trinh thám

TV Series · Đánh giá phim · nguyenvumaianh ·

True Detective đã trở lại với một “diện mạo" mới mẻ, độc đáo hơn, khiến người ta liên tưởng đến sự thành công của mùa một.

Kéo xuống để xem tiếp

Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn không hết lời khen ngợi True Detective mùa một - đứa con cưng của đài HBO, series nhận được vô số những giải thưởng lớn nhỏ và sánh ngang với những huyền thoại như Breaking Bad, hay người “chị em cùng cha khác mẹ" Games of Throne. 1 năm sau, khi mùa thứ hai lên sóng với một dàn diễn viên trẻ trung và tài năng, nó không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của phần 1. Nhiều người cảm thấy đáng tiếc khi bộ phim dính phải “lời nguyền phần kế tiếp". Đó là lý do vì sao khi HBO thông báo tiếp tục làm phần 3 đã gây ra không ít tranh cãi. Thế rồi cái tên Mahershala Ali hiện lên mang đến một tia hy vọng mới. Và quả nhiên, dù mới chỉ công chiếu 3 tập nhưng True Detective mùa ba đã làm thoả mãn sự kỳ vọng của khán giả với một cốt truyện hấp dẫn, thuyết phục hơn cũng như màn trình diễn nổi bật đến từ ngôi sao hạng A của Hollywood.

Matthew McConaughey đã để lại một màn trình diễn quá xuất sắc trong True Detective mùa 1 (Nguồn: Nerdist)
Matthew McConaughey đã để lại một màn trình diễn quá xuất sắc trong True Detective mùa 1 (Nguồn: Nerdist)

Mỗi một thám tử cảnh sát điều tra đều có những mảng tối của riêng họ hay ám ảnh về một vụ án khiến họ bị dày vò, day dứt trong suốt nhiều năm thậm chí đến hơn 30,40 năm trời vẫn không có lời giải đáp. Ở phần 3 này, True Detective đưa khán giả đến với Ozark - một nơi hẻo lánh, yên ắng được bao phủ bởi những sườn đồi dốc đứng. Mahershala Ali thủ vai thám tử Wayne Hays cùng người đồng sự Roland West (Stephen Dorff) điều tra vụ mất tích của hai đứa trẻ nhà Purcell. Trong quá trình điều tra, những lời nói dối, những bí mật dần dần được phơi bày. Thế nhưng khi một lời nói dối được tiết lộ thì lại xuất hiện thêm một bí ẩn khác khiến cuộc điều tra rơi vào bế tắc.

Đạo diễn phim Green Room là Jeremy Saulnier chỉ đạo hai tập đầu tiên trước khi nhường vị trí này cho hai gương mặt Nic Pizzolatto và Daniel Sackheim trong 8 tập còn lại. Mỗi một tập đều có những mảnh ghép được nhà biên kịch/đạo diễn Nic Pizzolatto tạo ra để người xem phải đoán già đoán non, nghĩ ra đủ những plot twist điên rồ. Cũng như thám tử Wayne Hays, khán giả như bị cuốn vào một trò chơi cân não mà mấu chốt nằm ở ký ức lúc nhớ lúc quên của một ông lão gần 70 tuổi.

Sự gai góc, trần trụi từ những mảnh ghép chắp vá...

Có cái gì đó về việc những đứa trẻ đạp xe trên phố bỗng nhiên mất tích một cách đầy bí ẩn khiến người xem không khỏi rùng mình, nó buộc ta phải đặt câu hỏi: Liệu ta có thực sự thấu hiểu hay tin tưởng những người bạn, người hàng xóm xung quanh? Còn gì ám ảnh hơn khi chứng kiến sự ngây thơ, hồn nhiên của một đứa bé bị tước đoạt?True Detective vẽ lên mảng tối không chỉ ở Mỹ mà còn các quốc gia khác khi nhiều tội ác đang nhắm vào những đứa trẻ vô tội và trong khi đó; tham nhũng, sự mục nát vẫn vây quanh các cơ quan, chính quyền pháp luật - những người đã thề bảo vệ con em chúng ta.

Will và Julie Purcell (Nguồn: Bustle)
Will và Julie Purcell (Nguồn: Bustle)

Điểm đặc biệt khiến True Detective khác xa với những series trinh thám ta vẫn thường thấy chính là lối kể chuyện phi quán tính, đan xen giữa ba thời gian khác nhau: 1980 (khởi điểm của vụ mất tích); 1990 (khi vụ án được lật lại) và hiện tại. Toàn bộ câu chuyện hiện lên như những mảng ký ức lộn xộn, được chắp vá của nhân vật Wayne Hays. Những dòng thời gian được đan xen rất khéo léo, đưa cho khán giả một lượng thông tin vừa đủ. Nó khơi dậy tính tò mò của người xem khi bước vào dòng hồi tưởng của một ông lão 70 tuổi bị mắc chứng alzheimer nhưng lại không thoát ra được nỗi ám ảnh về một vụ án mất tích. Cũng nhờ vụ án đấy mà Wayne đã gặp được tình yêu của đời mình - Amelia Reardon (Carmen Ejogo), một cô giáo tận tuỵ yêu nghề với niềm đam mê trở thành một nhà văn nổi tiếng nhưng rồi cả cuộc đời của cô chỉ xoay quay viết về vụ án anh em nhà Purcell. True Detective chính là minh chứng cho việc: Cuộc sống của chúng ta được đánh dấu bởi các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát và nếu không cẩn thận, nó sẽ kìm hãm chúng ta bằng sự điên cuồng, ám ảnh.

Hai vợ chồng Wayne & Amelia (Nguồn: The Globe and Mail)
Hai vợ chồng Wayne & Amelia (Nguồn: The Globe and Mail)

Khi xem True Detective, khán giả có thể cảm nhận được tính chân thực với bối cảnh khai thác đời thường lam lũ của những người dân miền Nam nước Mỹ. Các khuôn hình mang tông màu tối chủ đạo, khắc hoạ lại cách họ bươn chải trước những khó khăn của cuộc sống thường ngày. Cũng chính sự u ám cộng thêm dòng thời gian luôn bị đảo lộn, mạch phim có phần chậm rãi so với các phim cùng đề tài tội phạm. Nếu đây chỉ là một tác phẩm hình sự, phá án thông thường thì chẳng có gì để nói nhưng sau mỗi tập phim, ta lại nhìn thấy những góc khuất trần trụi, gai góc và sự biến đổi của xã hội Mỹ qua từng giai đoạn.

True Detective còn là sự trần trụi trong những mối quan hệ. Hay nói cách khác, như nhân vật Wayne nói cuộc sống của ông chỉ chia làm hai giai đoạn: Trước và sau vụ án Purcell. Đó là câu chuyện về dư chấn của sự tổn thương, nỗi bất hoà, hiểu lầm giữa vợ chồng, cha con, bạn bè hay đồng nghiệp để rồi hàng chục năm sau vẫn chưa có cơ hội hàn gắn. Nó để lại những vết sẹo mãi hiện hữu và hằn sâu trong tâm trí của cả nhân vật và người xem.

Diễn xuất hoàn hảo

Nếu ở phần 1 có Nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải Oscar năm 2014 Matthew Mcconaughey thì phần 3 này có sự xuất hiện của Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất giải Oscar năm 2016 Mahershala Ali. Mahershala tài năng ở điểm luôn làm chủ sân khấu mỗi khi anh xuất hiện và tuy cùng một nhân vật, nhưng ở mỗi giai đoạn, anh cho thấy sự biến chuyển tài tình trong tính cách nhân vật Wayne. Một Wayne nghiêm nghị, lạnh lùng, sắc sảo và mang bóng dáng của một trinh sát tầm xa trong quân đội của năm 1980 hay Wayne với vai trò người chồng, người cha luôn lo lắng, bất an, có phần cay đắng, day dứt của năm 1990 và đỉnh điểm chính là màn hoá thân quá tuyệt vời của Mahershala khi Wayne hiện tại đang cố níu kéo những ký ức còn sót lại về người vợ cũng như nỗi ám ảnh chưa có lời giải đáp của năm 1980 khi chứng bệnh alzheimer của ông ngày càng tồi tệ.

Mahershala Ali trong Wayne Hays khi đã về già (Nguồn: USA Today)
Mahershala Ali trong Wayne Hays khi đã về già (Nguồn: USA Today)

Dù cách quãng tới rất nhiều năm với ba tạo hình khác nhau nhưng ánh mắt của Wayne Hays luôn đượm buồn và hoài nghi. Sự phức tạp trong tâm lý cũng như trong từng câu thoại hơi bất thường của nhân vật Wayne có lẽ là ác mộng với nhiều diễn viên nhưng với một tài tử đang ở đỉnh cao như Mahershala Ali, mọi thứ diễn ra trên màn ảnh đều rất chân thật. Cái tài tình trong diễn xuất của anh được thể hiện ở cuối tập 2, khi Wayne ở hiện tại đứng giữa một con đường hoang vu trong đêm tối với ánh mắt hoang mang, lo lắng khi không nhớ chuyện gì đã xảy ra cũng như ông đến đây bằng cách nào. Với một ông lão 70 tuổi bị chứng alzheimer, Wayne đang cố tìm lại những mảnh ghép của quá khứ, lúc tỉnh táo lúc mơ hồ. Nhưng cũng chính cảnh này khiến người xem phải đặt câu hỏi: Tại sao Wayne lại đến con đường hoang vu ấy?

Mini series này được đánh giá cao đặc biệt bởi những câu thoại thâm thuý cũng như sự tương tác đầy ăn ý, bù trừ cho nhau giữa hai thám tử Wayne Hays & Roland West. Ở Wayne có phần điềm đạm, sâu sắc và từng trải thì nhân vật Roland có nét bất cần, phóng khoáng & bộc trực. Ở 3 tập đầu, nam diễn viên Stephen Dorff không hề lép vế trước màn trình diễn xuất sắc của Mahershala. Chính những hiểu lầm cũng như sự tương phản trong tính cách của hai nhân vật đem lại màu sắc đa dạng cho True Detective.

Bộ đôi thám tử lão luyện Wayne Hays (Mahershala Ali) & Roland West (Stephen Dorff) (Nguồn: Vox)
Bộ đôi thám tử lão luyện Wayne Hays (Mahershala Ali) & Roland West (Stephen Dorff) (Nguồn: Vox)

Sau mùa thứ hai hơi thất vọng thì True Detective đã trở lại với một “diện mạo" mới mẻ, độc đáo hơn, khiến người ta liên tưởng đến sự thành công của mùa một. Vẫn là câu chuyện về công lý và đạo đức nhưng ở phần này, nó xoáy sâu vào khoảng cách giữa sự tỉnh táo và điên rồ khi con người phải đối mặt với sự thật trần trụi và gai góc nhất. Mới đi được 1/3 quãng đường, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải nên đừng ai bỏ lỡ True Detective trên kênh HBO nhé!  

[REVIEW] Không thể rời mắt khỏi Bodyguard – Series phá vỡ nhiều kỉ lục và định nghĩa lại thể loại phim chính trị

[REVIEW] Không thể rời mắt khỏi Bodyguard – Series phá vỡ nhiều kỉ lục và định nghĩa lại thể loại phim chính trị

Bodyguard là thể loại phim chính kịch, hành động, giật gân và mang nhiều yếu tố chính trị.

[REVIEW] The Punisher 2 (Netflix) – Bước lùi lớn so với phần 1

[REVIEW] The Punisher 2 (Netflix) – Bước lùi lớn so với phần 1

Marvel phải chăng đã mất động lực làm The Punisher sau khi Daredevil bị cancel?