Sài Gòn Anh Yêu Em - Đi đâu xa rồi cũng nhớ về Sài Gòn

Tin điện ảnh · kkpham ·

Sài Gòn Anh Yêu Em (SGAYE) là một bộ phim nhẹ nhàng, dung dị nhưng cũng không kém phần day dứt về những câu chuyện được góp nhặt xuyên suốt mảnh đất Sài Gòn.

Sài Gòn Anh Yêu Em (SGAYE) là một bộ phim nhẹ nhàng, dung dị nhưng cũng không kém phần day dứt về những câu chuyện được góp nhặt xuyên suốt mảnh đất Sài Gòn.

Thuộc thể loại phim đa cốt truyện, SGAYE được kể bằng sự lồng ghép của 5 câu chuyện nhỏ. Một cặp nghệ sĩ cải lương già sống nương tựa thủ thỉ cùng nhau mấy chục năm. Một đôi vợ chồng Việt -Pháp gặp mâu thuẫn trong cuộc sống Sài thành. Một cặp người yêu cũ gặp lại nhau và tiếp tục chuyện tình sau 6 năm xa cách. Hai "chế-con" với phương châm sống "không cần đàn ông". Và một mối tình đồng tính của hai chàng trai với những rung động nhẹ nhàng. Những tưởng 5 câu chuyện sẽ chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng một cách rất khéo léo, đạo diễn đã mang 5 câu chuyện lại gần nhau, gói ghém cùng nhau như những câu chuyện thường nhặt xảy ra ở mảnh đất Sài Gòn.

Xem SGAYE, bạn sẽ dễ nhận ra chất Sài Gòn đặt rặt qua từng thước phim, từng tiếng động và cả từng nhân vật. Phim đã rất thành công khi tái hiện lại hoàn chỉnh không khí Sài Gòn. Tiếng rao hàng buổi sáng, thùng trà đá từ thiện trước nhà, tiếng ca vọng cổ nơi cổng đình, những quán rượu nhộn nhịp ánh sáng, những con mưa bất chợt, tiếng trả giá chỗ chợ trời, chiếc xe xích lô nơi nhà thờ Đức Bà, đôi dép tổ ông của ông Sáu, dĩa cơm sườn rắc đầy hành phi, ổ bánh mì nóng rộp trong gói giấy báo... Nếu là người Sài Gòn, hoặc đã từng một lần sống ở Sài Gòn, bạn sẽ không khỏi xuýt xoa trước những hình ảnh bình dị thân thương vẫn âm thầm diễn ra trước mắt hằng ngày, giờ nhìn lại trong phim bỗng dưng thấy sao mà đẹp ngây ngất.

Ngoài hình ảnh, có lẽ điều ấn tượng nhất ở SGAYE đó là thoại nhân vật. Theo thông tin bên lề thì lúc diễn, các diễn viên đã được phép đổi thoại trong kịch bản theo ý mình. Cũng có lẽ vì vậy, phim mang lại những cuộc hội thoại không bị kịch hóa và tự nhiên gần như những đoạn hội thoại nơi cuộc sống thực tại.

Diễn xuất của các nhân vật nằm ở mức tròn vai. Huy Khánh lẫn Maya không gặp quá nhiều khó khăn để hóa thân vào cặp đôi người yêu cũ nối lại tình xưa. Phi Phụng và Huỳnh Lập như thường lệ, gặp đúng sở trường làm cây hài chọc cười khán giả bằng lối diễn rất duyên chứ không bị làm lố và nhảm. Ca sĩ Đoan Trang và diễn viên Johan Wicklund (cũng là chồng của Đoan Trang ngoài đời) khá nhập vai, dẫu còn cảm giác hơi gồng và kịch ở nhiều phân đoạn. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh Cường Đinh và Brian Trần cũng thể hiện được mối tình đồng tính nhẹ nhàng và day dứt. Và cũng là một tín hiệu đáng mừng khi câu chuyện đồng giới trong phim không phải là câu chuyện chọc cười câu khách.

Điều thành công nhất mà SGYEM đem lại đó là nghệ thuật cải lương tuồng cổ được đưa lên làm trung tâm câu chuyện. Nó không chỉ là một yếu tố ngoài lề mà đã là dây mơ rễ má trong mạch phim. Nó gợi nhớ về một kí ức xưa qua sự diễn xuất quá mùi mẫn và ăn rơ của nghệ sĩ Thanh Nam và nghệ sĩ Ngọc Giàu. Từng ánh mắt, giọng nói, cái nắm tay đều được hai cô chú tái hiện hết sức nhập tâm. Nhiều phân cảnh cô chú cất tiếng ca những bài hát cổ, khán giả sẽ không khỏi rơm rướm nước mắt về một thời quá vãng ở Sài Gòn. Nhất là khán giả trẻ, đây có lẽ là một dịp để cùng nhau nhìn lại loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang dần mai một.

Xem xong SGAYE bỗng thấy loáng thoáng một cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu nhưng không hề dễ bị lãng quên. Những câu chuyện trong phim trôi qua dung dị rồi lại kết thúc bằng những cái kết khác nhau. Có câu chuyện viên mãn hạnh phúc. Có câu chuyện day dứt chia xa. Có người mỉm cười bước tiếp. Người khác nhắm mắt chia ly. Như người ta vẫn nói, Sài Gòn đất chật người đông, nhưng đã đến Sài Gòn rồi, thì sẽ chẳng bao giờ quên được mảnh đất tình người này.