Thành công của A Quiet Place và những trăn trở về chất lượng phim kinh dị Mỹ 2 năm nay

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · VLynd ·

Số lượng vẫn đang lấn át chất lượng?

Số lượng vẫn đang lấn át chất lượng?

Nói không ngoa, phim kinh dị cộp mác tâm linh, ma quái (horror) là thể loại dễ dàng lôi kéo khán giả ra rạp nhất. Không chỉ mang tính giải trí cao, dụ dỗ người xem móc hầu bao để bị hù và la hét, phim kinh dị còn đáp ứng được nhu cầu hẹn hò của các đôi đang yêu. Kinh phí bỏ ra ít nhưng thừa khả năng hốt bạc, vì lẽ đó mà các nhà làm phim không cần đợi đến mùa Halloween mà tung ma mị để thu hút sự chú ý. Bất kỳ thời điểm nào trong năm, khán giả chỉ cần bước chân đến rạp là bắt gặp được ít nhất 1 bộ phim kinh dị đang được công chiếu. Riêng với thị trường Việt Nam, bên cạnh ma Mỹ, người xem còn có những ma Thái, ma Trung Quốc và thậm chí là ma Việt để tha hồ dựng tóc gáy.

Tuy nhiên, số lượng có lẽ hiếm khi đi đôi cùng chất lượng và phim kinh dị cũng không nằm ngoại lệ với những trăn trở sầu lòng người viết. Để có cái nhìn rõ ràng, bài viết sẽ tập trung vào những bộ phim kinh dị Mỹ được phát hành và công chiếu ở các cụm rạp Việt Nam. Bên cạnh những bộ phim do hãng lớn đầu tư, đạo diễn hàng đầu sản xuất có chắt lọc, các nhà làm phim nhỏ đều cố gắng thực hiện một bộ phim kinh dị hạng B với kinh phí thấp và chẳng có chút tâm huyết nào. Và đơn vị nhập phim về càng không có tâm hơn khi cứ tra tấn, móc túi khán giả bằng những bộ phim thế này. Chỉ cần nhìn vào danh sách phim kinh dị tháng 1.2018, không ít người xem phim phải thở dài ngao ngán.

Ăn theo thành công của những Insidious, The Conjuring, Paranormal Activity, phim kinh dị 2 năm gần đây đều chạy theo lối mòn mang tên “ma ám”. Hết những ngôi nhà, biệt thự bị ma ám như Winchester, The Lodgers đến đồ vật có mang hơi thở của quỷ như Annabelle, Curse of the Witch's Doll và thậm chí là con người cũng không thoát được bàn tay vô hình trong Muse, Ouija... Thực chất, phần lớn lý do mà con người bị hồn ma nào đó đeo đuổi vì tò mò, muốn khám phá một bí mật hoặc thực hiện những màn cầu cơ, gọi hồn mà họ không được mời. Hoặc vì một lý do gì đó mà biên kịch yêu cầu họ bị ám thì điều đó ắt phải xảy ra. Đó mới là trăn trở đầu tiên, càng đi sâu vào phân tích, càng nhiều sự trăn trở và thất vọng tràn ngập.

Không khó để tìm ra nguyên nhân vì sao mà phim kinh dị ngày càng tràn lan trên thị trường điện ảnh. Khác với phim hành động, siêu anh hùng, khoa học viễn tưởng, kinh dị dễ thực hiện hơn và kinh phí đầu tư chỉ nhỉnh hơn tình cảm không bao nhiêu mà khả năng thu bộn tiền chắc ăn hơn. Chỉ cần vài triệu đô, các nhà làm phim có thể dựng một bối cảnh ma ám quá quen thuộc, mời vài diễn viên tay mơ với kinh nghiệm diễn xuất không quá đặc sắc, thêm thắt vài hiệu ứng mờ mờ ảo ảo là đủ hoàn thành sản phẩm. Chẳng trách sao, quanh đi quẩn lại đều là những màn jump scare rẻ tiền với gương mặt cực kỳ ghê rợn của ma đi cùng âm thanh dập muốn đứt màn nhĩ. Có trăn trở bao nhiêu, nhà sản xuất cũng không thể nghĩ ra được chiêu trò hù doạ nào mới mẻ hơn để khán giả có thể giật thót tim.

Một nỗi niềm khác khi xem phim kinh dị là bước ra khỏi rạp, khán giả sẽ không còn tồn đọng chút gì nội dung hay thông điệp mà bộ phim truyền tải. Thật ra, đạo diễn lẫn biên kịch chẳng màn tới chất lượng nội dung hay giá trị nhân văn, tất cả mà họ mong muốn chỉ là làm khán giả hét toáng lên. Tuy nhiên, họ quên mất rằng những nỗi sợ mà khi khán giả xem xong, ngẫm nghĩ lại, nó càng ám ảnh và đắt giá hơn. Có lẽ vì quá tập trung làm một cái gì đó hào nhoáng ngay tức thì, họ quên mất đánh vào yếu tố tâm lý người xem. Một điều khiến người viết trăn trở không kém là có những nội dung mang tính nhân văn, chỉ cần khai thác tốt cũng đủ ghi điểm với khán giả nhưng biên kịch lại sẵn sàng bỏ qua, hoặc có thể do họ thiếu năng lực. Nhà làm phim thường hay mượn yếu tố tâm linh với luật nhân quả, luân hồi, bản ngã của con người khai thác nhưng không thèm làm đến nơi đến chốn. Chẳng những phản tác dụng, người xem còn rước bực tức về người khi thấy rõ sự hời hợt trong việc làm phim. Và số tiền họ bỏ ra chẳng còn nghĩa lý gì.

Tuy làm một bộ phim ma với những pha hù doạ, kỹ xảo mờ ảo nhưng đôi khi khâu này lại không được khai thác triệt để. Nếu là một người xem khó tính, bạn hoàn toàn nhận ra sự giả dối tràn ngập trong từng khung hình. Và để tăng thêm tính dở tệ, một dàn diễn viên tay mơ được hốt vào, thậm chí là nhét thêm những màn khoe thân, làm tình nhạt nhẽo để chiêu dụ khán giả. Hơn nữa, một lối mòn quá quen thuộc đến ngán ngẩm là nạn nhân luôn bắt đầu với đứa trẻ có khả năng giao tiếp với hồn ma. Từ nạn nhân, nhóc ấy có thể trở thành hung thủ và pha chốt hạ là mời một thầy trừ tà giải cứu. Hoặc vô phương cứu chữa, cả gia đình đều bỏ mạng.

Chính những lý do trên, khi một phim kinh dị có cốt truyện mới lạ, được thực hiện chỉn chu được trình chiếu, khán giả không tiếc tiền ủng hộ. Năm 2017 vừa qua, một vài phim kinh dị lồng ghép yếu tố xã hội, đánh trúng tâm lý khán giả được trình chiếu nhận được cả tá cơn mưa lời khen lẫn doanh thu. Mới đây, chúng ta có trường hợp của A Quiet Place (Vùng Đất Câm Lặng), chỉ vừa ra mắt, bộ phim đã nhanh chóng soán ngôi siêu phẩm Ready Player One của đạo diễn Steven Spielberg. Bên cạnh đó, phim cũng nhận được số điểm 97% trên Rotten Tomatoes, 82 trên Metascore và 8.2/10 của khán giả IMDb.

Xem qua trailer, chúng ta thấy đây cũng là một phim kinh dị ngập cảnh hù doạ nhưng tại sao lại được đánh giá cao đến thế? Tham khảo bình luận từ nước ngoài, có thể thấy thành công lớn nhất của A Quiet Place là tận dụng một yếu tố đơn giản là sự im lặng và biến nó thành một nỗi sợ hãi ghê gớm. Khi con người đã quá quen với tiếng ồn từ xung quanh, từ lối sinh hoạt hay tiếng động cơ nhưng khi âm thanh có thể tước đoạt sinh mệnh, con người buộc phải làm mọi thứ trong câm lặng, nó trở thành một sự kinh hoàng thật sự. Pha trộn chút sinh tồn từ thriller, phim mang chút hơi hướng của Don’t Breathe nhưng tận dụng được yếu tố tâm linh một cách triệt để, không đưa nó vào phim một cách lãng nhách. Thêm vào đó, diễn xuất đáng khen của 2 vợ chồng Emily Blunt và John Krasinski là điểm sáng không thể chê vào đâu. Một bộ phim kinh dị đảm bảo thoả cơn khát của các tín đồ rùng rợn trong thời gian gần đây.

Thành công ở thị trường Bắc Mỹ là thế, chúng ta hãy đợi đến ngày 20.4 phim ra mắt ở Việt nam và đưa ra nhận định chính xác nhất.