Tôi chưa từng xem... Chúa Nhẫn (cho đến bây giờ)
Chúa Nhẫn (The Lord of the Rings) là viên ngọc quý của điện ảnh mà cho đến bây giờ tôi mới được thưởng thức.
Bộ phim chuyển thể cực kỳ thành công của Peter Jackson từ truyện gốc của Tolkien có vẻ quá thiếu hài hước và đầy rẫy những cái tên nhân vật vô nghĩa, nhưng tôi đã làm quen với nó thành công.
Một điều bất thường với một chàng trai lớn lên trong sự cô đơn như tôi là việc tôi chưa từng có một khoảng thời gian nào đắm chìm trong khoa học viễn tưởng hay những câu chuyện kỳ ảo. Tôi chưa từng chơi Dungeons & Dragons hay đọc một quyển Harry Potter. Và dĩ nhiên, Tolkien là thế giới tôi cũng chưa từng bước vào.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi luôn nghĩ rằng những thứ đó là dành cho những tên mọt sách, và đó không phải là tôi. Tôi vẫn có một cuộc sống giả tưởng phong phú nhưng chủ yếu liên quan đến các cô gái và đàn guitar. Vì vậy, tôi chưa bao giờ đọc bất kỳ một quyển Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn nào và tôi không bao giờ hối hận về điều này. Thời điểm các bộ phim Chúa Nhẫn ra rạp, tôi vào độ tuổi 20, đã tốt nghiệp đại học và tối ngày chỉ ở quán bar.
Những bộ phim này vẫn còn rất mới đối với tôi, ngay cả khi chúng đưa phim giả tưởng kỳ ảo trở thành bom tấn thương mại thông qua việc thu về hằng tỷ đô la Mỹ tiền bán vé và cả tá giải Oscar. Một thập kỷ sau đó, tôi thôi giả vờ ngầu. Tôi trở thành một nhà phê bình phim. Và những bộ phim này, với tôi, không phải là quá mới mẻ.
Công việc hiện tại khiến tôi suốt ngày phải xem những bộ phim để thẩm định lại chất lượng và Chúa Nhẫn cũng không phải ngoại lệ, chỉ có điều, chúng luôn nằm cuối danh sách những phim chờ xem của tôi. Sau tất cả những thành công và ảnh hưởng của phim, những giá trị chúng để lại cũng bắt đầu phai mờ dần trong ký ức của đám đông. Ngay cả trong những mối quan hệ xung quanh tôi, Chúa Nhẫn cũng chả hề được nhắc đến, và vì vốn rất không thích các phim sau này của Peter Jackson, tôi không cảm thấy mình đã bỏ lỡ điều gì cả, tôi cảm thấy ổn vì lựa chọn của mình.
Tôi xem bộ ba phim Chúa Nhẫn để viết bài này như là một dạng thử thách cá nhân, chỉ trong một kỳ nghỉ cuối tuần duy nhất. Sau ba giờ đồng hồ xem phim, tôi bắt đầu hối hận vì quyết định này. Phần đầu tiên – Đoàn Hộ Nhẫn (The Fellowship of the Ring) – là một cú đánh mạnh vào tôi, với phần mở đầu chậm chạp và kém hài hước. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn không cảm được câu chuyện, vì phần lớn có lẽ não tôi đã được sử dụng để nhớ những cái tên xa lạ như: Frodo, Gandalf, Aragorn, Arwen. Ít nhất một nhân vật có tên quen thuộc là Sam nhưng thậm chí cũng là viết tắt của một cái tên khá dị: Samwise. Tôi có lẽ sẽ lựa chọn 1 cái tên như Jim hoặc Bruce.
Tất cả các cái tên đều lạ lẫm đối với thế giới này, kể cả một cái bánh mì cũng được gọi là “bánh mì lembas”, nhưng nó chỉ là một cái bánh mì? Tại sao không thể gọi thứ gì đó cho đúng bản chất của nó? Tất cả những điều này có vẻ như được tạo nên không phải để thu hút người xem ngay lần đầu tiên, mà là để khơi gợi người ta xem lại nhiều lần và nghiên cứu sâu hơn – những điều mà ngay tại thời điểm ấy, rất khó để tôi lựa chọn.
Đây là bộ phim chú trọng xây dựng thế giới hơn là nhân vật, triết lý hoặc thậm chí là câu chuyện nguyên bản. Nhưng trong phần lớn Đoàn Hộ Nhẫn, tôi không thể ngăn mình liên tưởng đến một phiên bản khác của Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao (Star Wars) phần đầu tiên, trong đó, Gandalf chính là Obi-Wan còn Frodo chính là Luke; Gandalf sẽ chết vào một thời điểm nào đó tương tự trong mạch truyện.
Aragorn thì ban đầu có vẻ sẽ là một Han Solo kế tiếp nhưng rồi anh ta cũng được xây dựng kiểu tự nghiêm túc hệt như những nhân vật khác. Han là một nhân vật quan trọng trong bộ ba phim gốc Star Wars vì anh luôn nổi bật bằng sự dí dỏm và châm biếm. Han Solo như thể một chàng trai hay pha trò ở phía sau cánh gà được chuyển thể vào phim. Không hề có một ai như thế trong phần phim Đoàn Hộ Nhẫn và đó là một điểm khó chịu thật sự đối với bản thân tôi.
Tuy nhiên, tôi biết chắc rằng đó là lý do tại sao nhiều người yêu thích trilogy Chúa Nhẫn nhiều như thế vì một câu chuyện về thiện và ác không bao giờ nhàm chán trong mắt khán giả. Tolkien nổi tiếng với việc từ chối diễn giải những ý nghĩa ngụ ngôn trong tác phẩm của bản thân, nhưng thật khó mà không xem xét ý nghĩa của Chúa Nhẫn trong mối tương quan với sự kiện Ngày 11 Tháng 9.
Phần phim đầu tiên được phát hành tại Mỹ vào tháng 12 năm 2001, thời điểm mà người Mỹ đang cố gắng suy ngẫm về bản chất của thiện và ác theo cách sâu xa và thâm thuý nhất có thể. Mặc dù kết thúc bằng chiến thắng, trilogy Chúa Nhẫn mang âm hưởng mất mát quá lớn. “Con người có thể làm gì để chống lại sự thù hận này?” – Lời thoại của một nhân vật có thể trở thành châm ngôn cho cả thế kỷ. Mọi thứ trở nên đen tối hơn, ghê rợn hơn, đẫm máu hơn tôi tưởng. Những cơn tuyệt vọng ngày một dày hơn, đó chính là những điều đáng sợ. À mà tôi đang nói về những bộ phim nhé.
Phần thứ hai, không thể trùng hợp hơn, thậm chí còn được gọi là Hai Tòa Tháp (The Two Towers), và dù giờ đầu tiên của phim trôi qua y hệt như những gì tôi có với Đoàn Hộ Nhẫn, mọi thứ bắt đầu thay đổi, tôi thực sự bị cuốn vào bộ phim.
Những nhà làm phim có vẻ đã học được nhiều sai lầm từ phần đầu tiên khi Gimli, một nhân vật người lùn, được sử dụng để tạo tiếng cười, đưa người xem thoát khỏi một vài tình huống căng thẳng bằng chính những lời thoại của anh ta (như câu thoại “Người Lùn chỉ chạy cự ly ngắn thôi”).
Yếu tố con người được dùng làm nền dù với một phần nhỏ nhưng lại rất đầy đủ ý nghĩa – một câu chuyện về người mẹ đơn thân bị chia cách với hai đứa con của mình bởi chiến tranh. Phần phim này cũng giới thiệu kỹ càng về Gollum, một sự sáng tạo thông qua kỹ thuật ghi hình chuyển động (motion capture) do huyền thoại Andy Serkis thủ vai. Gollum là sự sáng tạo tốt nhất trong toàn series Chúa Nhẫn, một nhân vật hoàn toàn thu hút người xem, một nhân vật luôn đầy rẫy sự mâu thuẫn với chính mình, có một kết thúc đầy bi kịch nhưng cũng rất xứng đáng.
Và rồi Sự Trở Về Của Vị Vua (The Return of the King) là phần hay nhất. Tôi cảm giác như mình đang xem một bộ phim bom tấn hiện đại với nhịp độ quen thuộc ấm áp nhưng tràn đầy những cảm xúc tận cùng. Phần phim này xuất sắc hơn rất nhiều. Bài phát biểu của Aragorn được xây dựng một cách đầy thú vị và say mê.
Mối quan hệ được phát triển sâu sắc của Sam và Frodo là một trong những màn thể hiện tình cảm nam-nam thuần khiết nhất mà tôi từng thấy trong phim. Và mỗi khi tôi lạc lõng trong câu chuyện, Jackson lại trình làng các sáng tạo tuyệt vời mà tôi chưa hề tưởng tượng ra trước đây. Một con nhện khổng lồ với thanh kiếm nhô ra khỏi bụng nó? Chắc chắn rồi! Một con voi chiến cao bằng tòa nhà 20 tầng? Một con dê sừng lớn với bộ mặt của sói và thở ra lửa. Thật tuyệt vời.
Vào thời điểm mà Sự Trở Về Của Vị Vua được chọn làm phần kết thúc (điều mà tôi nghĩ vẫn chưa xảy ra) tôi đã tự mình so sánh Bộ ba Chúa Nhẫn với một số bộ phim kinh điển của lịch sử điện ảnh thế giới như Cuốn Theo Chiều Gió (Gone with the Wind), Phù Thủy Xứ Oz (The Wizard of Oz) hoặc Chuyến Du Hành Không Gian (2001: A Space Odyssey).
Bởi vì Peter Jackson đã thực hiện chuyển thể một tác phẩm mà người ta nghĩ rằng gần như không thể dựng thành phim, trong đó, từng đạo cụ, vật dụng, trang phục hay các tòa nhà được sáng tạo toàn bộ và được đưa lên màn ảnh một cách chân thực nhất, đầy tính gắn kết và đương nhiên, đầy trải nghiệm thú vị. Nếu bạn yêu thích điện ảnh, thật khó để không trân trọng Bộ Ba Chúa Nhẫn ở một mức độ nào đó.
Riêng tôi, tôi cảm thấy nhiều hơn thế. Trái tim tôi đập liên hồi trong những cảnh cuối cùng, và tôi thậm chí đã rơi một vài giọt nước mắt, một phần cho những anh hùng ở Trung Địa và một phần cho chính bản thân mình – người đã tự cách ly mình suốt 20 năm với viên ngọc điện ảnh này.
Nguồn: The Guardian
The Lord of The Rings (Phần 1) – Đoàn hộ nhẫn
tranbaoduy ·
The Hobbit hoàn thành 266 ngày quay
Moveek ·