[Tổng Hợp] 10 phim gián điệp hay nhất mọi thời đại

Tin điện ảnh · Maii ·

Dòng phim điệp viên/gián điệp luôn mang lại những giây phút hấp dẫn người xem. Dưới đây là 10 bộ phim điệp viên hay nhất mọi thời đại.

Tương tự như nhiều thể loại khác, bất cứ nỗ lực nào cố gắng định hình phim điệp viên đều thất bại khá nhanh. Thậm chí là thất bại còn nhanh chóng hơn các thể loại khác, bởi thể loại này có thể bao hàm và kết hợp với rất nhiều tiểu thể loại, miễn là bạn có một siêu phản diện đang âm mưu thao túng thế giới, sở hữu vũ khí huỷ diệt tương lai và những bí mật ẩn sau các tổ chức của kẻ địch.

Tuy khó khăn, nhưng cũng không phải là không thể, vì một số kiểu phim điệp viên nổi tiếng đã góp phần phân định thể loại này rõ ràng hơn một chút. Phim điệp viên, gián điệp gắn liền với 2 từ là "Martini" và "Stale Beer", dùng để chỉ 2 hình thức khác nhau.

Các câu chuyện gián điệp Martini diễn ra trong một thế giới hào nhoáng, kẻ xấu thì ẩn ẩn hiện hiện, những người phụ nữ nguy hiểm thì có mặt ở khắp nơi còn anh hùng của chúng ta thì lái xe hơi và hiếm khi không mặc âu phục. Nếu những hình ảnh đó gợi bạn đến thương hiệu về James Bond thì cũng không có gì lạ.

Còn Stale Beer thì lấy bối cảnh trong bóng tối, phản diện thường là những tổ chức u ám đang âm mưu thôn tính đất nước/Trái Đất, lằn ranh giữa bạn và thù không bao giờ rõ ràng và đạo đức thường là khái niệm mang tính tương đối. Những câu chuyện gián điệp Stale Beer thường dựa trên hoạt động gián điệp có thật, thỉnh thoảng còn được viết bởi những người có kinh nghiệm trong hoạt động này, chẳng hạn như John le Carré, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết gián điệp, từng hoạt động trong tổ chức tình báo Anh là MI6 và MI5. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành công trên màn ảnh rộng. 

Tuy vậy, series về Bond thường có xu hướng nghiêng về Stale Beer mỗi khi quá tập trung vào thiết bị gián điệp và cốt truyện huỷ diệt thế giới. Sau đó còn có các tiểu thể loại như spy-fi, với câu chuyện lấy bối cảnh hoạt động gián điệp và công nghệ.

Chúng tôi cố gắng tổng hợp nhiều phim điệp viên ở đủ các thể loại, để danh sách này không chỉ có phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Carré, Bourne, Bond hay phim của Hitchcock. Đây là 10 phim gián điệp hay nhất mọi thời đại.

Một số phim không có trong top 10 nhưng vẫn vinh dự được nhắc đến vì đều rất đáng xem như: Burn After Reading (2008) của anh em nhà Coen; The Bourne Identity (2002) và The Bourne Supremacy (2004) của Paul Greengrass nằm trong thương hiệu Jason Bourne; Mission: Impossible (1996) của Brian de Palma - phần đầu tiên của thương hiệu Mission: Impossible; Goldfinger (1964) và On Her Majesty’s Secret Service (1969) nằm trong thương hiệu James Bond, Ronin (1998) của John Frankenheimer. 

10. Mission: Impossible — Ghost Protocol (2011) - IMDb: 7.4

Trước khi Christopher McQuarrie cho ra mắt Misson: Impossible - Fallout sau Mission: Impossible - Rogue Nation, thì series Nhiệm Vụ Bất Khả Thi đã được đạo diễn bởi rất nhiều tên tuổi lớn, một số người thì làm hay hơn những người khác. John Woo chật vật với Mission: Impossible 2, trong khi J.J. Abrams thì xác nhận mình đủ sức nhảy từ màn ảnh nhỏ lên màn ảnh rộng với Mission: Impossible III.

Brad Bird cũng đã chứng minh được thực lực với Mission: Impossible - Ghost Protocol. Vị đạo diễn thành công với hoạt hình (ông là đạo diễn của The Incredibles 1, 2 rất ăn khách), nhưng một phim live action vẫn là một lĩnh vực mới. Khách quan mà nói, Bird đã làm quá tốt khi mang đến những cảnh hành động đa dạng, linh hoạt, từ cảnh vượt ngục mở đầu cho đến cảnh đu người trên toà nhà Burj Khalifa. 

9. The Spy Who Came in From the Cold (1965) - IMDb: 7.6

The Spy Who Came in From the Cold được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của John le Carré, ra mắt năm 1963. Tác giả cuốn sách đã dành thập niên đầu tiên của cuộc Chiến tranh Lạnh để hoạt động tình báo cho Anh Quốc, và càng lúc càng trở nên bức bối và bực dọc hơn. Ông đã phát tiết trong cuốn sách, mô tả hoạt động gián điệp như một công việc vô nhân tính, không thích hợp dành cho những ai có lương tâm.

Bộ phim chuyển thể do Martin Ritt đạo diễn, khắc hoạ cả 2 phía của Bức tường Berlin, và ngụ ý rằng 2 phe đều bị điều khiển bởi những lực lượng vô đạo đức sẵn sàng bán đứng bất cứ nguyên tắc nào, hi sinh càng nhiều con chốt càng tốt để củng cố quyền lực.

Richard Burton đóng vai chính Alec Leamas, chỉ huy hoạt động gián điệp ở Đức. Sau khi thất bại trong một nhiệm vụ, Leamas được điều về London để thực hiện một nhiệm vụ cuối cùng, tiêu diệt người đứng đầu cơ quan phản gián Đông Đức. Sau một khoảng thời gian dài sống dưới vỏ bọc, thậm chí Alec còn không chắc đâu là diễn, đâu là danh tính thật của mình.

Thành công của cuốn tiểu thuyết này cũng cho phép Carré tiếp tục khắc hoạ nghề nghiệp trước đây của ông dưới một màu xám với những người đàn ông thất bại, ruồng bỏ lương tâm của mình vì sự trói buộc của công việc. Tiểu thuyết của ông sẽ còn được chuyển thể nhiều lần trong nhiều năm nữa, và chỉ đạo của Ritty cũng như diễn xuất của Burton sẽ vẫn là một trong những ví dụ điển hình để thế hệ làm phim sau này noi theo. 

8. The Lives of Others (2006) - IMDb: 8.4

Đặt trong bối cảnh những năm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, The Lives of Others sở hữu tất cả các yếu tố điển hình của một cuốn tiểu thuyết do le Carré chấp bút, ngoại trừ yếu tố kịch tính. Nhân vật chính của phim là Gerd Wiesler, sĩ quan của bộ An ninh Quốc gia (Stasi), Đông Đức.

Phim bắt đầu vào năm 1984 khi Wiesler xem một vở kịch do biên kịch Georg Dreyman viết nên. Dreyman được nhiều người nhận xét là một công dân gương mẫu trung thành của đất nước. Nhưng Wiesler có linh cảm rằng Dreyman không phải là một nhân vật lý tưởng như vẻ bề ngoài và bắt đầu theo dõi anh ta.

Bộ trưởng bộ Văn hoá đồng ý, nhưng sau này Wiesler mới biết được Bộ trưởng xem Dreyman là đối thủ và tình địch. Thời gian theo dõi họ càng nhiều, anh càng quan tâm đến họ, bắt đầu can thiệp vào cuộc sống của cả 2 bằng cách bảo vệ họ bất cứ khi nào có thể. Cho đến khi những sự kiện bất ngờ ập tới.

Bộ phim bị phê bình vì khắc hoạ sự cảm thông đối với một đặc vụ Stasi, nhưng diễn xuất của Mühe quá tuyệt vời, thể hiện hết được sự trỗi dậy của lương tâm, khiến người ta khó có thể than vãn quá nhiều về nó.

7. Notorious (1946) - IMDb: 7.9

Dù những phim gián điệp của Hitchcock trong những năm thập niên 30 rất giải trí, Notorious lại mang đến chiều sâu cảm xúc mà Hitchcock chẳng thèm khám phá trong các phim của thập niên trước đó.

Nữ diễn viên huyền thoại Ingrid Bergman trong phim vào vai Alicia Huberman, con gái của một điệp viên Phát xít. Cô được T.R. Devlin (Cary Grant) thuyết phục tham gia một nhóm các cựu Phát xít sống ở Nam Mỹ, đứng đầu là Alexander Sebastian (Claude Rains), người mà Alicia từng có liên hệ trong quá khứ. Hitchcock đẩy cảm giác hồi hộp và đe doạ lên cao khi Alicia bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ dính líu đến Alexander nhiều hơn cô tưởng. Mâu thuẫn trong phim còn bùng nổ khi cô và Devlin xảy ra căng thẳng. Devlin yêu cô nhưng không thể chiến thắng được yêu cầu bắt buộc của công việc, buộc phải đẩy cô vào nguy hiểm, đồng thời cũng là vào vòng tay của một người đàn ông khác. 

6. The Manchurian Candidate (1962) - IMDb: 7.9

Dựa trên tiểu thuyết của Richard Condon, The Manchurian Candidate nói về nhân vật Bennett Marco (Frank Sinatra), sĩ quan tình báo của Quân đội Mỹ, từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng Marco sau đó bị sang chấn tâm lý và thường xuyên gặp ác mộng. Anh nhận ra không chỉ riêng mình, mà dần dần, những đồng đội trong đơn vị của anh cũng có những cơn ác mộng tương tự.

Bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ thù, bộ phim lấy bối cảnh Chiến tranh Triều Tiên của John Frankenheimer đậm đặc phong cách của phim Chiến tranh Lạnh. Frank Sinatra đã có một trong những vai diễn hay nhất sự nghiệp của mình, thể hiện hoàn hảo hình ảnh một người lính kiệt sức, mệt mỏi, tâm thần không ổn định, và phát hiện ra bản thân vẫn còn một vai diễn trong cuộc chiến dường như chưa bao giờ kết thúc.

Bộ phim remake năm 2004 của Jonathan Demme cũng rất đáng xem, lật lại câu chuyện này hậu sự kiện 11 tháng 9. 

5. Tinker Tailor Soldier Spy (2011) - IMDb: 7.0

Tiểu thuyết với cốt truyện chặt chẽ của John le Carré có hơi khó chuyển thể thành phim điện ảnh. Đó là lý do tại sao đôi khi bản truyền hình lại may mắn hơn, chẳng hạn như The Night Manager, The Little Drummer Girl, và phiên bản truyền hình của tiểu thuyết Tinker Tailor Soldier Spy trong năm 1979 với Alec Guinness trong vai chính.

Tuy vậy, bản chuyển thể điện ảnh của Tomas Alfredson đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng hơn. Bộ phim đã bắt được tinh hoa của tiểu thuyết khi cho thấy sự giao thoa của lòng trung thành và các yếu tố bí ẩn trong tiểu thuyết của Carré - với bối cảnh tăm tối cùng những toà nhà ảm đảm của Anh quốc hậu chiến tranh, hơn là những địa điểm hào nhoáng hơn. Thêm nữa, Gary Oldman trong vai George Smiley đã thể hiện hết hình ảnh một người đàn ông bình thường có một mối hôn nhân không hạnh phúc, nhưng chính cách suy nghĩ thông minh và tuyệt vời đã giúp ông thực hiện công việc của một điệp viên xuất sắc hơn tất cả. 

4. The Conversation (1974) - IMDb: 7.8

Nếu cả 2 đều bớt đề phòng nhau thì George Smiley trong Tinker Tailor Soldier Spy của le Carré không nghi ngờ gì sẽ có một cuộc nói chuyện dài và đầy ý nghĩa về cái giá phải trả khi làm gián điệp với Harry Caul (Gene Hackman), nam chính của The Conversation do Francis Ford Coppola đạo diễn.

Là một chuyên gia giám sát với "tài năng" nghe lén, Caul đảm nhận thử thách ghi âm một cặp đôi ở một nơi công cộng ồn ào. Nhưng anh sớm nhận ra thành công luôn đi kèm với hậu quả khi những thông tin anh ghi âm được bắt đầu ám ảnh anh, khiến anh sợ hãi bị theo dõi. Coppola quay The Conversation giữa 2 phần đầu tiên của The Godfather, khoảng thời gian mà vị đạo diễn đang hừng hực nhiệt huyết. Nhưng một trong những điểm sáng nổi bật nhất của The Conversation, đấy chính là nó hoàn toàn không giống với các tác phẩm gangster của Coppola. Cô đọng, uyển chuyển - nhưng phim vẫn truyền tải đầy đủ câu chuyện về một người đàn ông trong quá trình xâm phạm đời tư của người khác, đã dần nhận ra nỗi cô đơn đậm nét trong chính bản thân mình.

3. From Russia With Love (1963) - IMDb: 7.4

Bộ phim James Bond hay nhất là From Russia With Love, với Sean Connery lần thứ 2 vào vai siêu điệp viên. Bộ phim chất hơn rất nhiều so với những phần trước đó và cả những cần sau này, khi để Bond hợp tác cùng một đặc vụ người Nga (do nữ diễn viên người Ý Daniela Bianchi thủ vai, Barbara Jefford lồng tiếng) nhằm chống lại SPECTRE quỷ quyệt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng tông với những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Flemings, From Russia With Love có câu chuyện điệp viên đầy bạo lực như những đôi giày có lưỡi dao tẩm độc. Thêm vào đó là màn trình diễn lạnh lùng và rắn rỏi của Connery. Goldfinger sẽ đưa series theo một hướng đi khác, giải trí hơn về sau, nhưng From Russia With Love cho thấy Bond cũng sẽ thành công chẳng kém nếu gắn liền với tính chân thực của xã hội quen thuộc mà chúng ta biết.

2. Black Book (2006) - IMDb: 7.7

Những ký ức đầu đời của đạo diễn người Hà Lan Paul Verhoeven vốn có liên quan đến bom rơi. Sinh ra ở Amsterdam và được nuôi dưỡng ở Hague, khi đó còn là trụ sở của Đức trong Thế Chiến thứ 2, Verhoeven lớn lên ở một đất nước bị chiến tranh tàn phá. “Vì tôi còn rất nhỏ khi chiến tranh nổ ra,” ông nói với HuffPost trong năm 2015, “nhìn thấy những trận đánh, bom nổ, đổ nát, lựu đạn, xác chết và những chiếc máy bay bốc cháy trên bầu trời là chuyện thường ngày.”

Thật không khó để nhận ra kết nối giữa tuổi thơ đó và sự nghiệp ngập tràn những hình ảnh bạo lực như cơm bữa, nhưng thật không công bằng khi cho rằng Verhoeven khắc hoạ bạo lực như một sự viện thường tình. Những cú sốc trong phim của Verhoeven thường không đến từ nét bạo lực (tuy đúng là nó sốc thật), mà đến từ cách bạo lực được sử dụng rất hiển nhiên, dù cho đó là do lòng tham, chiến tranh hay được sự cho phép của thể chế. Dường như ông đã dành cả một đời tự hỏi thế giới mà ông lớn lên tại sao lại có thể tồn tại.

Black Book là bộ phim Hà Lan đầu tiên của Verhoeven sau vài thập niên ở Hollywood, và là một hành trình không hề uỷ mị quay ngược thời gian, trở về nơi đã làm nên con người của đạo diễn. Phim kể về Rachel do Carice van Houten thủ vai, một người phụ nữ Do Thái sống sót sau nạn diệt chủng của Đức Quốc xã đã khiến cô mất cả gia đình.

Đồng ý theo Quân Kháng chiến Hà Lan, cô trở thành gián điệp để giúp chống lại quân Phát xít. Trong vòng vây của bạo lực và phản bội, Rachel nhận ra những gì mình biết trước đây đang bị thách thức, và cuộc sống của cô gặp nguy hiểm. Tương tự như trong Notorious, căng thẳng của phim đến từ nỗi sợ của Rachel rằng cô đã đánh mất bản thân trong vỏ bọc, và hành động vô đạo đức cũng có thể được chấp nhận, len lỏi vào cả những lý do đúng đắn nhất. Đấy là câu chuyện mang sắc xám nhuốm đỏ, vừa kịch tính, quyến rũ, nhưng cũng nguy hiểm không kém khi những người mang danh phận gián điệp có thể mất mạng và linh hồn của chính mình. Đấy là một công thức quen thuộc trong phim, nhưng tinh hoa của một thể loại có thể sản sinh ra nhiều câu chuyện đa dạng tuyệt vời.

1. North by Northwest (1959) - IMDb: 8.3

Một bộ phim lý tưởng mà tất cả các phim gián điệp sau này đều lấy cảm hứng ít nhiều, North by Northwest cho Alfred Hitchcock chất liệu để khám phá câu chuyện về một người đàn ông vô tội đang cố gắng chống lại những cáo buộc sai trái và những lực lượng thù địch phía sau.

Nhân vật chính của phim, Roger Thornhill bỗng dưng bị vướng vào thế giới của các điệp viên khi anh ta bị nhầm lẫn với một người đàn ông khác tên George Kaplan. Bộ đôi điệp viên nước ngoài là Philip Vandamm và Leonard tìm cách loại bỏ anh, nhưng khi Thornhill đang cố gắng gắng tìm hiểu sự thật thì bị buộc tội giết người. Phải chạy trốn khỏi cảnh sát, anh ta đến Chicago và gặp Eve Kendall xinh đẹp, được cô giúp đỡ. Nhưng anh sớm nhận ra Eve không phải người qua đường vô tội mà anh tưởng. Cuối cùng đưa đến một cao trào kịch tính theo phong cách quen thuộc của Hitchcock.

Đạo diễn đưa vào một vài đạo cụ mà thông thường chẳng ai nghĩ rằng sẽ khiến người ta bị vấp, nhưng Hitchcock dùng nó để cho thấy cách các nhân vật vấp ngã bởi tất cả những gì khiến họ cảm thấy an toàn và thoải mái. Hình ảnh Grant trông thật gọn gàng và hoảng sợ trong một bộ âu phục xám đã giúp cảnh rượt đuổi máy bay của phim trông rất hoà hợp và đẹp mắt. North by Northwest là bộ phim đến từ một bậc thầy được rất nhiều phim sau này hoặc là bắt chước, hoặc là học theo, nhưng chưa bao giờ vượt qua được. 

Nguồn: Bài: Vulture. Ảnh: IMDb